Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

“Hãy chú tâm đến những điều ở trên cao”

“Hãy chú tâm đến những điều ở trên cao”

“Hãy chú tâm đến những điều ở trên cao, chẳng phải những điều dưới đất”.—CÔ 3:2.

1, 2. (a) Điều gì cho thấy hội thánh ở Cô-lô-se vào thế kỷ thứ nhất bị tấn công? (b) Lời khuyên nào đã giúp anh em ở Cô-lô-se vững vàng?

Hội thánh ở Cô-lô-se vào thế kỷ thứ nhất bị tấn công! Một số người trong hội thánh gây chia rẽ bằng cách xúi giục anh em bám chặt vào Luật pháp Môi-se. Những người khác thì bào chữa cho triết lý ngoại giáo về chủ nghĩa khổ hạnh. Để ngăn chặn những dạy dỗ sai lầm này, sứ đồ Phao-lô viết một lá thư để cảnh báo anh em ở Cô-lô-se. Ông nói: “Đừng để bất cứ ai giam cầm anh em bằng các triết lý cùng những tư tưởng gian trá và rỗng tuếch theo truyền thống của loài người, theo những điều sơ đẳng của thế gian, và không theo Đấng Ki-tô”.—Cô 2:8.

2 Nếu những tín đồ được xức dầu chú tâm vào “những điều sơ đẳng của thế gian” thì có nghĩa là họ đang quay lưng với sự sắp đặt của Đức Giê-hô-va hầu mang lại sự cứu rỗi (Cô 2:20-23). Để giúp họ gìn giữ mối quan hệ quý báu với Đức Giê-hô-va, Phao-lô khuyên: “Hãy chú tâm đến những điều ở trên cao, chẳng phải những điều dưới đất” (Cô 3:2). Thật vậy, anh em của Đấng Ki-tô cần chú tâm đến hy vọng nhận được sản nghiệp không mục nát đã được ‘dành sẵn cho họ ở trên trời’.—Cô 1:4, 5.

3. (a) Các tín đồ được xức dầu chú tâm đến hy vọng nào? (b) Chúng ta sẽ xem xét những câu hỏi nào trong bài này?

3 Tương tự, ngày nay các tín đồ được xức dầu cũng chú tâm đến Nước của Đức Chúa Trời và hy vọng được “đồng thừa kế với Đấng Ki-tô” (Rô 8:14-17). Còn về những người có hy vọng sống trên đất thì sao? Lời của Phao-lô áp dụng thế nào cho họ? Bằng cách nào “các chiên khác” có thể chú tâm đến “những điều ở trên cao”? (Giăng 10:16). Chúng ta nhận được lợi ích nào khi xem xét gương trung thành của những người thời xưa như Áp-ra-ham và Môi-se, dù gặp khó khăn nhưng họ vẫn chú tâm đến những điều ở trên cao?

CHÚ TÂM ĐẾN NHỮNG ĐIỀU Ở TRÊN CAO CÓ NGHĨA GÌ?

4. Làm thế nào các chiên khác có thể chú tâm đến những điều ở trên cao?

4 Dù không có hy vọng lên trời, các chiên khác cũng có thể chú tâm đến những điều ở trên cao. Bằng cách nào? Bằng cách đặt Đức Giê-hô-va và quyền lợi Nước Trời lên hàng đầu trong đời sống (Lu 10:25-27). Để làm được điều này, chúng ta cần noi gương Đấng Ki-tô (1 Phi 2:21). Như các anh em vào thế kỷ thứ nhất, chúng ta đối mặt với những lập luận sai lầm, triết học loài người và chủ nghĩa vật chất trong thế gian của Sa-tan. (Đọc 2 Cô-rinh-tô 10:5). Noi gương Chúa Giê-su, chúng ta cần cảnh giác trước bất cứ điều gì có thể khiến chúng ta suy yếu về thiêng liêng.

5. Bằng cách nào chúng ta có thể xem xét lối suy nghĩ của mình về việc theo đuổi của cải vật chất?

5 Chúng ta có để quan điểm của thế gian về chủ nghĩa vật chất len lỏi vào đời sống mình không? Những gì chúng ta yêu mến thường được thể hiện qua suy nghĩ và hành động. Chúa Giê-su nói: “Của cải anh em ở đâu thì lòng anh em cũng ở đó” (Mat 6:21). Để biết lòng đang dẫn đưa mình đến đâu, điều quan trọng là thỉnh thoảng chúng ta cần tra xét lòng mình. Hãy tự hỏi: “Mình dành bao nhiêu thời gian để suy nghĩ về tiền bạc? Mình có dành quá nhiều thời gian cho việc làm ăn, đầu tư hoặc để có cuộc sống sung túc hơn không? Hay mình cố gắng giữ mắt tập trung vào những điều thiêng liêng?” (Mat 6:22). Chúa Giê-su cho thấy những người chú tâm đến việc “tích trữ của cải ở trên đất” sẽ tự đặt mình vào tình trạng vô cùng nguy hiểm về thiêng liêng.—Mat 6:19, 20, 24.

6. Làm thế nào chúng ta có thể giành thắng lợi trong cuộc chiến chống lại khuynh hướng xác thịt?

6 Là người bất toàn, chúng ta có khuynh hướng buông mình theo những ham muốn xác thịt. (Đọc Rô-ma 7:21-25). Nếu không có thần khí hoạt động trong đời sống, chúng ta có thể làm những việc “thuộc về bóng tối”. Những việc này có thể gồm “lối sống truy hoan trác táng, say sưa, gian dâm, trâng tráo” (Rô 13:12, 13). Để giành thắng lợi trong cuộc chiến chống lại “những điều dưới đất”, tức những ham muốn xác thịt, chúng ta phải chú tâm đến những điều ở trên cao. Điều này đòi hỏi sự nỗ lực. Đó là lý do sứ đồ Phao-lô nói: “Tôi kiềm chế bản thân và bắt nó phải phục như nô lệ” (1 Cô 9:27). Chắc chắn, chúng ta không thể dễ dãi với bản thân nếu muốn tiếp tục ở trong đường đua dẫn đến sự sống! Hãy xem hai người trung thành thời xưa đã làm gì để “làm vui lòng Đức Chúa Trời”.—Hê 11:6.

ÁP-RA-HAM “THỂ HIỆN ĐỨC TIN NƠI ĐỨC GIÊ-HÔ-VA”

7, 8. (a) Áp-ra-ham và Sa-ra đối mặt với những khó khăn nào? (b) Áp-ra-ham đã chú tâm vào điều gì?

7 Khi Đức Giê-hô-va bảo Áp-ra-ham cùng gia đình dọn đến xứ Ca-na-an, ông sẵn sàng vâng theo. Vì Áp-ra-ham có đức tin và vâng lời, Đức Giê-hô-va đã lập một giao ước với ông. Ngài phán: “Ta sẽ làm cho ngươi nên một dân lớn; ta sẽ ban phước cho ngươi” (Sáng 12:2). Nhưng nhiều năm sau, Áp-ra-ham và vợ ông là Sa-ra vẫn chưa có con. Phải chăng Đức Giê-hô-va đã quên lời hứa với Áp-ra-ham? Hơn nữa, cuộc sống ở Ca-na-an không hề dễ dàng. Áp-ra-ham và gia đình đã bỏ lại nhà cửa và bà con thân thuộc ở U-rơ, một thành phố phồn thịnh ở Mê-sô-bô-ta-mi. Họ đi hơn 1.600km để đến Ca-na-an. Tại đây, họ phải sống trong lều, chịu đói khát và đối mặt với kẻ cướp (Sáng 12:5, 10; 13:18; 14:10-16). Dù vậy, họ không muốn trở lại U-rơ để hưởng cuộc sống sung túc!—Đọc Hê-bơ-rơ 11:8-12, 15.

8 Thay vì chú tâm vào “những điều dưới đất”, Áp-ra-ham “tin Đức Giê-hô-va” (Sáng 15:6). Ông chú tâm đến những điều ở trên cao, tức những lời hứa của Đức Chúa Trời. Đức tin của Áp-ra-ham đã được ban thưởng khi Đức Chúa Trời Chí Cao hiện ra với ông và phán: “Ngươi hãy ngó lên trời, và nếu ngươi đếm được các ngôi sao thì hãy đếm đi. Ngài lại phán rằng: Dòng-dõi ngươi cũng sẽ như vậy” (Sáng 15:5). Hẳn những lời này đã làm Áp-ra-ham vững lòng! Mỗi khi nhìn lên bầu trời đầy sao, ông nhớ đến lời hứa của Đức Giê-hô-va, đó là ngài sẽ làm cho dòng dõi ông gia tăng gấp bội. Đến thời điểm Đức Chúa Trời ấn định, Áp-ra-ham đã có con nối dõi đúng như lời ngài hứa.—Sáng 21:1, 2.

9. Chúng ta có thể noi gương Áp-ra-ham như thế nào?

9 Như Áp-ra-ham, chúng ta cũng chờ đợi những lời hứa của Đức Chúa Trời được ứng nghiệm (2 Phi 3:13). Nếu không chú tâm đến những điều ở trên cao, có thể chúng ta cảm thấy những lời hứa này chậm ứng nghiệm và khiến chúng ta chậm lại trong các hoạt động thiêng liêng. Chẳng hạn, trong quá khứ có lẽ bạn đã hy sinh một số điều để làm tiên phong hoặc tham gia vài hình thức khác để nới rộng thánh chức. Nếu thế, bạn thật đáng khen. Còn bây giờ thì sao? Hãy nhớ rằng Áp-ra-ham chú tâm đến “một thành có nền móng thật” (Hê 11:10). Ông đã “thể hiện đức tin nơi Đức Giê-hô-va nên được ngài xem là công chính”.—Rô 4:3.

MÔI-SE NHÌN THẤY “ĐẤNG VÔ HÌNH”

10. Khi còn trẻ, Môi-se có cuộc sống như thế nào?

10 Một người khác đã chú tâm đến những điều ở trên cao là Môi-se. Khi còn trẻ, ông “được dạy dỗ tất cả sự khôn ngoan của dân Ai Cập”. Đó không phải là sự giáo dục thông thường. Môi-se không chỉ sống ở Ai Cập, một cường quốc thế giới thời bấy giờ, mà ông còn sống trong nhà của Pha-ra-ôn. Với sự giáo dục vượt trội mà Môi-se nhận được, không ngạc nhiên gì khi ông trở thành người “rất có tài năng trong lời nói lẫn hành động” (Công 7:22). Hãy hình dung những cơ hội đang chờ đón ông! Tuy nhiên, Môi-se đã chú tâm vào điều cao quý hơn, đó là làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời.

11, 12. Môi-se rất quý trọng sự giáo dục nào, và làm sao chúng ta biết?

11 Từ khi còn nhỏ, chắc chắn mẹ của Môi-se là Giô-kê-bết đã dạy ông về Đức Chúa Trời của dân tộc mình. Môi-se rất quý trọng sự hiểu biết về Đức Giê-hô-va và xem điều đó là quý giá hơn bất cứ sự giàu có nào. Vì thế, ông đã bỏ qua những cơ hội mà rất có thể ông sẽ nhận được nhờ sống trong hoàng gia Ai Cập. (Đọc Hê-bơ-rơ 11:24-27). Quả thật, sự giáo dục về thiêng liêng mà Môi-se nhận được và đức tin nơi Đức Giê-hô-va đã thôi thúc ông chú tâm đến những điều ở trên cao.

12 Dù nhận được nền giáo dục tốt nhất của thế gian thời bấy giờ, nhưng Môi-se có gây dựng sự nghiệp ở Ai Cập, tạo danh tiếng cho mình hoặc theo đuổi của cải vật chất không? Không. Nếu làm thế thì ông đã không “từ chối được gọi là con của con gái vua Pha-ra-ôn, chọn bị ngược đãi cùng dân Đức Chúa Trời thay vì vui hưởng lạc thú chóng qua của tội lỗi”. Rõ ràng, Môi-se đã dùng sự giáo dục về thiêng liêng mà mình nhận được để đẩy mạnh ý định của Đức Giê-hô-va.

13, 14. (a) Điều gì đã giúp Môi-se hội đủ điều kiện để nhận sứ mạng Đức Giê-hô-va giao? (b) Như Môi-se, có lẽ chúng ta cần làm gì?

13 Môi-se rất quan tâm đến Đức Giê-hô-va và dân của ngài. Khi ở tuổi 40, Môi-se nghĩ rằng mình đã sẵn sàng để giải cứu dân Đức Chúa Trời khỏi ách nô lệ ở Ai Cập (Công 7:23-25). Tuy nhiên, trước khi Đức Giê-hô-va giao cho Môi-se sứ mạng đó, ông cần vun trồng những đức tính, chẳng hạn như khiêm nhường, kiên nhẫn, ôn hòa và tự chủ (Châm 15:33). Môi-se cần được rèn luyện để có thể chịu đựng khó khăn và thử thách phía trước. Bốn mươi năm làm nghề chăn chiên sẽ cung cấp cho ông sự huấn luyện cần thiết để vun trồng các đức tính đáng quý này.

14 Khoảng thời gian làm nghề chăn chiên có giúp ích cho Môi-se không? Chắc chắn có! Lời Đức Chúa Trời cho biết Môi-se “là người rất khiêm-hòa hơn mọi người trên thế-gian” (Dân 12:3). Ông đã vun trồng được tính khiêm nhường. Đức tính này giúp ông kiên nhẫn với nhiều loại người và cũng kiên nhẫn xử lý những vấn đề phức tạp của họ (Xuất 18:26). Tương tự, có lẽ chúng ta cũng cần vun trồng những phẩm chất thiêng liêng giúp chúng ta vượt qua “hoạn nạn lớn” để vào thế giới mới công chính của Đức Chúa Trời (Khải 7:14). Chúng ta có thể hòa hợp với người khác, kể cả những người mà chúng ta nghĩ là họ có tính khí thất thường hoặc quá nhạy cảm không? Hãy cố gắng áp dụng lời của sứ đồ Phi-e-rơ. Ông khuyến giục anh em đồng đạo: “Hãy tôn trọng mọi loại người, yêu thương cả đoàn thể anh em”.—1 Phi 2:17.

HÃY CHÚ TÂM ĐẾN NHỮNG ĐIỀU Ở TRÊN CAO

15, 16. (a) Tại sao việc chúng ta chú tâm đến những điều ở trên cao là rất quan trọng? (b) Vì sao tín đồ đạo Đấng Ki-tô cần giữ hạnh kiểm tốt?

15 Chúng ta đang sống trong “một thời kỳ đặc biệt và rất khó đương đầu” (2 Ti 3:1). Vì vậy, để luôn tỉnh thức về thiêng liêng, chúng ta phải chú tâm đến những điều ở trên cao (1 Tê 5:6-9). Hãy xem chúng ta có thể làm điều này như thế nào trong ba khía cạnh của đời sống.

16 Hạnh kiểm: Phi-e-rơ công nhận tầm quan trọng của việc có hạnh kiểm tốt. Ông nói: ‘Hãy giữ gìn cách ăn ở tốt giữa các dân thế gian, để họ có thể chứng kiến việc làm tốt của anh em, và vì thế họ tôn vinh Đức Chúa Trời’ (1 Phi 2:12). Dù ở nhà, tại sở làm, trường học, lúc vui chơi hay trong thánh chức, chúng ta cũng muốn cố gắng để mang lại sự vinh hiển cho Đức Giê-hô-va qua hạnh kiểm tốt. Đành rằng là người bất toàn, tất cả chúng ta đều phạm lỗi (Rô 3:23). Nhưng bằng cách tiếp tục “chiến đấu trong trận chiến tốt lành”, chúng ta có thể giành thắng lợi trong cuộc chiến chống lại sự bất toàn.—1 Ti 6:12.

17. Chúng ta có thể bắt chước tinh thần của Đấng Ki-tô bằng cách nào? (Xem hình nơi đầu bài).

17 Thái độ: Để có hạnh kiểm tốt thì chúng ta cần có thái độ đúng. Sứ đồ Phao-lô nói: “Hãy giữ tinh thần này trong anh em, là tinh thần cũng có trong Đấng Ki-tô Giê-su” (Phi-líp 2:5). Chúa Giê-su đã thể hiện tinh thần hay thái độ nào? Đó là tính khiêm nhường. Sự khiêm nhường đã thôi thúc ngài hy sinh cho thánh chức. Công việc rao giảng về Nước Đức Chúa Trời luôn ở trong tâm trí của Chúa Giê-su (Mác 1:38; 13:10). Chúa Giê-su xem Lời của Đức Chúa Trời có thẩm quyền tối hậu (Giăng 7:16; 8:28). Ngài siêng năng nghiên cứu Kinh Thánh, nhờ thế có thể trích dẫn, bênh vực và giải thích Kinh Thánh. Bằng cách thể hiện tính khiêm nhường, sốt sắng trong thánh chức và học hỏi Kinh Thánh cá nhân, chúng ta sẽ ngày càng có lối suy nghĩ giống như Đấng Ki-tô.

Công việc rao giảng về Nước Đức Chúa Trời luôn ở trong tâm trí của Chúa Giê-su (Xem đoạn 17)

18. Chúng ta có thể ủng hộ công việc của Đức Giê-hô-va qua một cách quan trọng nào?

18 Sự ủng hộ: Ý định của Đức Giê-hô-va là ‘mọi đầu gối trên trời, dưới đất đều quỳ xuống trước danh Chúa Giê-su’ (Phi-líp 2:9-11). Dù có địa vị cao trọng, Chúa Giê-su khiêm nhường phục tùng để làm theo ý muốn của Cha, và chúng ta cũng nên làm thế (1 Cô 15:28). Bằng cách nào? Hãy hết lòng ủng hộ công việc mà chúng ta được chỉ dẫn để thực hiện, đó là “dạy dỗ muôn dân trở thành môn đồ” của Chúa Giê-su (Mat 28:19). Ngoài ra, chúng ta cũng muốn “làm điều lành cho mọi người”, trong đó có những người lân cận và anh em đồng đạo.—Ga 6:10.

19. Chúng ta nên quyết tâm làm gì?

19 Chúng ta thật biết ơn Đức Giê-hô-va vì đã nhắc chúng ta chú tâm đến những điều ở trên cao! Để làm được điều này, chúng ta cần “bền bỉ chạy cuộc đua đặt ở trước mặt” (Hê 12:1). Mong sao mỗi chúng ta làm việc “hết mình, như làm cho Đức Giê-hô-va”, và Cha trên trời sẽ ban thưởng dồi dào cho chúng ta.—Cô 3:23, 24.