Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

‘Dân có Đức Giê-hô-va làm Đức Chúa Trời mình’

‘Dân có Đức Giê-hô-va làm Đức Chúa Trời mình’

“Phước cho dân nào có Giê-hô-va làm Đức Chúa Trời mình!”.—THI 144:15.

1. Một số người nghĩ gì về những người thờ phượng Đức Chúa Trời?

Nhiều người ngày nay cho rằng những tôn giáo chính trên thế giới không giúp ích nhiều cho nhân loại. Một số người nghĩ là Đức Chúa Trời không chấp nhận những tôn giáo ấy vì họ không dạy sự thật về ngài và làm những điều xấu xa. Tuy nhiên, những người ấy vẫn tin rằng Đức Chúa Trời chấp nhận những người có lòng thành trong mọi tôn giáo. Điều đó có đúng không? Hay Đức Chúa Trời đòi hỏi những người thờ phượng ngài tách biệt khỏi tôn giáo sai lầm? Hãy tìm lời giải đáp bằng cách ôn lại một số sự kiện lịch sử của những người thờ phượng chân chính được ghi lại trong Kinh Thánh.

MỘT DÂN THUỘC GIAO ƯỚC

2. Với thời gian, ai trở thành dân riêng của Đức Giê-hô-va, và điều gì giúp phân biệt họ với dân khác? (Xem hình nơi đầu bài).

2 Từ đầu thế kỷ 20 TCN, Đức Giê-hô-va đã có một dân riêng trên đất. Áp-ra-ham, người được gọi là “cha của tất cả  những người có đức tin”, là chủ gia đình gồm hàng trăm người (Rô 4:11; Sáng 14:14). Những nhà lãnh đạo ở xứ Ca-na-an xem ông là một “quân-trưởng” và đối xử với ông cách tôn trọng (Sáng 21:22; 23:6). Đức Chúa Trời đã lập giao ước với Áp-ra-ham và hậu duệ của ông (Sáng 17:1, 2, 19). Đức Chúa Trời phán với Áp-ra-ham: “Mỗi người nam trong vòng các ngươi phải chịu phép cắt-bì; ấy là giao-ước mà các ngươi phải giữ, tức giao-ước lập giữa ta và các ngươi, cùng dòng-dõi sau ngươi... Phép đó sẽ là dấu-hiệu của sự giao-ước giữa ta cùng các người” (Sáng 17:10, 11). Theo giao ước này, Áp-ra-ham và tất cả những người nam trong nhà ông phải cắt bì (Sáng 17:24-27). Việc cắt bì là dấu hiệu về thể chất để biệt riêng con cháu của Áp-ra-ham với tư cách là một dân có mối quan hệ với Đức Giê-hô-va qua giao ước.

3. Làm thế nào con cháu Áp-ra-ham trở thành một dân?

3 Cháu nội của Áp-ra-ham là Gia-cốp, hay Y-sơ-ra-ên, có 12 con trai (Sáng 35:10, 23-26). Với thời gian, họ trở thành tộc trưởng của 12 chi phái Y-sơ-ra-ên (Công 7:8). Vì có nạn đói, Gia-cốp và cả nhà ông phải kiều ngụ ở Ai Cập, xứ mà con trai ông là Giô-sép làm người quản lý lương thực và là cánh tay phải của Pha-ra-ôn (Sáng 41:39-41; 42:6). Con cháu Gia-cốp sinh sản thêm nhiều và trở thành “một hội dân”.—Sáng 48:4; đọc Công vụ 7:17.

MỘT DÂN ĐƯỢC CHUỘC

4. Ban đầu, mối quan hệ giữa dân Ai Cập và con cháu của Gia-cốp như thế nào?

4 Con cháu của Gia-cốp sống tại vùng sông Ni-lơ có tên Gô-sen, xứ Ai Cập, khoảng hơn hai thế kỷ (Sáng 45:9, 10). Dường như trong khoảng phân nửa thời gian đó, họ sống hòa thuận với người Ai Cập. Họ trú ngụ trong những thành nhỏ và chăn nuôi gia súc. Họ được Pha-ra-ôn, người biết và yêu quý Giô-sép, nồng nhiệt chào đón (Sáng 47:1-6). Còn dân Ai Cập thì khinh miệt những người chăn chiên (Sáng 46:31-34). Dù vậy, họ phải chấp nhận sự có mặt của dân Y-sơ-ra-ên.

5, 6. (a) Tình cảnh của dân Đức Chúa Trời thay đổi thế nào ở xứ Ai Cập? (b) Mạng sống của Môi-se được bảo toàn ra sao, và Đức Giê-hô-va đã làm gì cho dân ngài?

5 Nhưng tình cảnh của dân Đức Chúa Trời sắp bị đảo ngược. Kinh Thánh cho biết: “Bấy giờ tại nước Ê-díp-tô, có một vua mới lên ngôi, chẳng quen biết Giô-sép. Vua phán cùng dân mình rằng: Nầy, dân Y-sơ-ra-ên đông và mạnh hơn chúng ta”. Hậu quả là dân Ai Cập bắt dân Y-sơ-ra-ên “làm công-việc nhọc-nhằn, gây cho đời dân ấy nên cay-đắng, vì nỗi khổ-sở nhồi đất, làm gạch và mọi việc khác ở ngoài đồng. Các công-việc nầy người Ê-díp-tô bắt dân Y-sơ-ra-ên làm nhọc-nhằn lắm”.—Xuất 1:8, 9, 13, 14.

6 Pha-ra-ôn thậm chí ra lệnh giết tất cả bé trai người Hê-bơ-rơ mới sinh (Xuất 1:15, 16). Vào chính thời điểm ấy, Môi-se chào đời. Khi được ba tháng tuổi, Môi-se được mẹ giấu trong đám sậy ở sông Ni-lơ. Tại đây, con gái của Pha-ra-ôn tìm thấy Môi-se và sau này nhận cậu bé làm con nuôi. Thật tốt là trong những năm đầu đời, Môi-se được người mẹ trung thành là Giô-kê-bết nuôi dạy, và ông trở thành tôi tớ trung thành của Đức Giê-hô-va (Xuất 2:1-10; Hê 11:23-25). Đức Giê-hô-va “nhận-biết cảnh-ngộ” của dân ngài và quyết định dùng Môi-se để giải cứu họ khỏi những kẻ áp bức (Xuất 2:24, 25; 3:9, 10). Vì thế, họ trở thành một dân được Đức Giê-hô-va “chuộc”.—Xuất 15:13; đọc Phục-truyền Luật-lệ Ký 15:15.

 MỘT DÂN TRỞ THÀNH MỘT NƯỚC

7, 8. Làm thế nào dân Đức Giê-hô-va trở thành một dân thánh?

7 Dù chưa lập dân Y-sơ-ra-ên thành một nước, nhưng Đức Giê-hô-va đã nhận họ là dân của ngài. Vì vậy, Môi-se và A-rôn được chỉ thị để nói với Pha-ra-ôn: “Giê-hô-va, Đức Chúa Trời của dân Y-sơ-ra-ên có phán như vầy: Hãy cho dân ta đi, đặng nó giữ một lễ cho ta tại đồng vắng”.—Xuất 5:1.

8 Đức Giê-hô-va đã giáng mười tai vạ và hủy diệt Pha-ra-ôn cùng quân đội của ông dưới Biển Đỏ để giải phóng dân Y-sơ-ra-ên khỏi sự áp bức của người Ai Cập (Xuất 15:1-4). Chưa đầy ba tháng sau, Đức Giê-hô-va lập giao ước với dân Y-sơ-ra-ên tại núi Si-na-i và ban cho họ lời hứa mang tính lịch sử. Ngài phán: “Nếu các ngươi vâng lời ta và giữ sự giao-ước ta, thì trong muôn dân, các ngươi sẽ thuộc riêng về ta... một dân-tộc thánh cho ta”.—Xuất 19:5, 6.

9, 10. (a) Theo Phục-truyền Luật-lệ Ký 4:5-8, Luật pháp làm cho dân Y-sơ-ra-ên khác biệt với các dân khác như thế nào? (b) Dân Y-sơ-ra-ên phải chứng tỏ họ là “một dân thánh cho Đức Giê-hô-va” qua cách nào?

9 Trước khi bị bắt làm nô lệ ở Ai Cập, dân Y-sơ-ra-ên được tổ chức thành bộ tộc do các chủ gia đình hay tộc trưởng điều hành. Như các tôi tớ của Đức Giê-hô-va thời trước, những chủ gia đình này là người lãnh đạo, quan xét và thầy tế lễ của gia đình mình (Sáng 8:20; 18:19; Gióp 1:4, 5). Tuy nhiên, qua Môi-se, Đức Giê-hô-va ban cho dân Y-sơ-ra-ên một bộ luật làm cho họ khác biệt với mọi dân xung quanh. (Đọc Phục-truyền Luật-lệ Ký 4:5-8; Thi 147:19, 20). Luật pháp lập chức thầy tế lễ cho dân sự. Luật pháp cũng lập các “trưởng-lão”, những người được tôn trọng vì có sự khôn ngoan và hiểu biết, làm quan xét (Phục 25:7, 8). Luật pháp quy định những điều lệ về tín ngưỡng và các hoạt động xã hội của dân tộc non trẻ này.

10 Ngay trước khi dân Y-sơ-ra-ên vào Đất Hứa, Đức Giê-hô-va nhắc lại luật pháp của ngài. Môi-se nói với họ: “Ngày nay, Đức Giê-hô-va đã hứa nhận ngươi làm một dân thuộc riêng về Ngài, y như Ngài đã phán cùng ngươi, và ngươi sẽ gìn-giữ hết các điều-răn Ngài, để Ngài ban cho ngươi sự khen-ngợi, danh-tiếng, và sự tôn-trọng trổi hơn mọi dân mà Ngài đã tạo, và ngươi trở nên một dân thánh cho Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi”.—Phục 26:18, 19.

NGƯỜI NGOẠI BANG ĐƯỢC CHÀO ĐÓN

11-13 (a) Ai đã kết hợp với dân được chọn của Đức Chúa Trời? (b) Một người không thuộc dân Y-sơ-ra-ên cần làm gì nếu muốn thờ phượng Đức Giê-hô-va?

11 Dù giờ đây Đức Giê-hô-va đã chọn một dân trên đất, nhưng ngài không ngăn cấm những người ngoại bang sống chung với dân Y-sơ-ra-ên. Ngài cho phép “vô-số người ngoại-bang”, kể cả người Ai Cập, đi cùng với dân ngài khi họ được giải cứu khỏi Ai Cập (Xuất 12:38). Khi tai vạ thứ bảy giáng xuống xứ này, một số “quần-thần Pha-ra-ôn” đã tin lời Đức Giê-hô-va và ở trong số những “người ngoại-bang” rời Ai Cập cùng với dân Y-sơ-ra-ên.—Xuất 9:20.

12 Ngay trước khi dân Y-sơ-ra-ên băng qua sông Giô-đanh để chiếm xứ Ca-na-an, Môi-se khuyên họ “phải thương người khách lạ” sống chung (Phục 10:17-19). Nếu một người ngoại bang sẵn lòng vâng theo các điều luật cơ bản của Luật pháp Môi-se, thì dân Y-sơ-ra-ên được lệnh nhận họ là thành viên trong cộng đồng (Lê 24:22). Một số người ngoại bang trở thành người thờ phượng Đức Giê-hô-va có cùng quan điểm với Ru-tơ, người Mô-áp. Bà nói với Na-ô-mi, người Y-sơ-ra-ên: “Dân-sự  của mẹ, tức là dân-sự của tôi; Đức Chúa Trời của mẹ, tức là Đức Chúa Trời của tôi” (Ru 1:16). Người ngoại bang trở thành người cải đạo, và người nam chịu phép cắt bì (Xuất 12:48, 49). Đức Giê-hô-va chào đón họ như những thành viên trong cộng đồng của dân ngài.—Dân 15:14, 15.

Dân Y-sơ-ra-ên yêu thương người ngoại bang (Xem đoạn 11-13)

13 Khi đền thờ Sa-lô-môn được dâng hiến cho Đức Giê-hô-va, có sắp đặt dành cho người ngoại thờ phượng ngài. Lời cầu nguyện của Sa-lô-môn cho thấy điều này: “Về người ngoại-bang là người chẳng thuộc về dân Y-sơ-ra-ên của Chúa, nhưng vì danh lớn Chúa, vì cánh tay quyền-năng giơ thẳng ra của Ngài, họ sẽ từ xứ xa đi đến hướng về đền này mà cầu-nguyện, thì xin Chúa từ trên trời, là nơi ngự của Chúa, hãy dủ nghe, và làm theo mọi điều người ngoại-bang ấy cầu-xin Chúa; hầu cho muôn dân trên đất nhận-biết danh Chúa, kính-sợ Ngài như dân Y-sơ-ra-ên của Chúa, và biết rằng cái đền này mà tôi đã xây-cất, được gọi bằng danh Chúa” (2 Sử 6:32, 33). Điều này vẫn đúng vào thời Chúa Giê-su, bất cứ người nào không thuộc dân Y-sơ-ra-ên nhưng muốn thờ phượng Đức Giê-hô-va thì cần kết hợp với dân thuộc giao ước của ngài.—Giăng 12:20; Công 8:27.

MỘT DÂN LÀM CHỨNG CHO ĐỨC GIÊ-HÔ-VA

14-16. (a) Dân Y-sơ-ra-ên là dân làm chứng cho Đức Giê-hô-va qua cách nào? (b) Dân Đức Giê-hô-va ngày nay có bổn phận làm gì?

14 Dân Y-sơ-ra-ên thờ phượng Đức Chúa Trời của dân tộc mình, Đức Giê-hô-va, trong khi các dân khác thờ thần của họ. Vào thời nhà tiên tri Ê-sai, Đức Giê-hô-va ví tình trạng của thế gian bấy giờ với tình trạng của một phiên tòa. Ngài thách thức thần các nước đưa ra những nhân chứng để chứng tỏ quyền năng của chúng. Đức Giê-hô-va phán: “Các nước hãy nhóm lại, dân-tộc hãy hiệp lại! Trong vòng [các thần] họ, ai có thể rao-truyền sự nầy, và tỏ cho chúng ta những sự từ trước? Họ hãy dẫn người làm chứng, hầu cho mình được xưng công-bình, và cho người ta nghe mà nói rằng: Ấy là thật!”.—Ê-sai 43:9.

15 Thần của các dân tộc khác không  thể đưa ra bằng chứng cho thấy họ là thần. Chúng chỉ là những hình tượng câm lặng và cần người ta khiêng vác vì không thể tự di dời (Ê-sai 46:5-7). Ngược lại, Đức Giê-hô-va phán với dân Y-sơ-ra-ên: “Các ngươi là kẻ làm chứng ta, và là đầy-tớ ta đã chọn, hầu cho các ngươi được biết và tin ta, và hiểu rằng ta là Chúa! Chẳng có Đức Chúa Trời nào tạo-thành trước ta, và cũng chẳng có sau ta nữa. Ấy chính ta, chính ta là Đức Giê-hô-va, ngoài ta không có Cứu-Chúa nào khác... Các ngươi đều là người làm chứng, và ta là Đức Chúa Trời!”.—Ê-sai 43:10-12.

16 Như các nhân chứng tại một phiên tòa, dân Đức Giê-hô-va có vinh dự làm chứng rằng chỉ mình Giê-hô-va là Đức Chúa Trời thật. Ngài gọi họ là “dân mà Ta đã dựng nên cho Ta; chúng sẽ công bố lời ca ngợi Ta” (Ê-sai 43:21, Bản Dịch Mới). Họ là dân mang danh ngài. Vì được Đức Giê-hô-va chuộc khỏi Ai Cập, dân Y-sơ-ra-ên có bổn phận ủng hộ quyền cai trị của ngài trước mặt các dân khác. Họ phải có lập trường giống như lời của một nhà tiên tri sau này là Mi-chê báo trước về dân Đức Chúa Trời ngày nay: “Mọi dân-tộc ai nấy bước theo danh của thần mình; và chúng ta sẽ bước theo danh Giê-hô-va Đức Chúa Trời chúng ta đời đời vô-cùng!”.—Mi 4:5.

MỘT DÂN BỘI NGHỊCH

17. Tại sao Đức Giê-hô-va xem dân Y-sơ-ra-ên như cây nho vô dụng?

17 Đáng buồn thay, dân Y-sơ-ra-ên đã không trung thành với Đức Chúa Trời của họ, Đức Giê-hô-va. Họ để mình bị ảnh hưởng bởi những dân thờ thần làm từ gỗ đá. Vào thế kỷ thứ tám TCN, nhà tiên tri Ô-sê nói rằng dân Y-sơ-ra-ên giống như cây nho không còn sinh trái tốt nữa. Ông nói thêm: “Lòng chúng nó phân hai; bây giờ chúng nó sẽ bị định tội” (Ô-sê 10:1, 2). Khoảng 150 năm sau, Giê-rê-mi cũng ví những người Y-sơ-ra-ên bội nghịch với cây nho. Ông nói rằng trước đây họ là cây nho tốt, nhưng họ đã thay đổi và trở nên vô dụng. Qua Giê-rê-mi, Đức Giê-hô-va phán: “Các thần mà các ngươi đã làm ra cho mình ở đâu? Nếu các thần ấy có thể cứu các ngươi trong kỳ hoạn-nạn, thì hãy chỗi dậy mà cứu!... Dân ta đã quên ta”.—Giê 2:21, 28, 32.

18, 19. (a) Đức Giê-hô-va báo trước thế nào về việc ngài sẽ lập một dân mới mang danh ngài? (b) Điều gì sẽ được xem xét trong bài kế tiếp?

18 Thay vì sinh những trái tốt qua việc thực hành sự thờ phượng thanh sạch và làm nhân chứng trung thành của Đức Giê-hô-va, dân Y-sơ-ra-ên sinh những trái xấu qua việc thờ hình tượng. Vì vậy, Chúa Giê-su nói với những nhà lãnh đạo Do Thái giả hình vào thời ngài: “Nước Đức Chúa Trời sẽ bị cất khỏi các ông và ban cho một dân sinh hoa lợi cho nước ấy” (Mat 21:43). Như Đức Giê-hô-va báo trước qua nhà tiên tri Giê-rê-mi, chỉ những người thuộc “giao-ước mới” có cơ hội trở thành một phần của dân mới, tức dân Y-sơ-ra-ên thiêng liêng. Đối với dân Y-sơ-ra-ên thiêng liêng được vào giao ước mới, Đức Giê-hô-va báo trước: “Ta sẽ làm Đức Chúa Trời chúng nó, chúng nó sẽ làm dân ta”.—Giê 31:31-33.

19 Sau khi dân Y-sơ-ra-ên theo huyết thống tỏ ra bất trung, Đức Giê-hô-va đã lập dân Y-sơ-ra-ên thiêng liêng vào thế kỷ thứ nhất như được nói đến. Nhưng ngày nay ai là dân trên đất của Đức Chúa Trời? Làm thế nào những người có lòng thành nhận ra các tôi tớ chân chính của ngài? Điều này sẽ được thảo luận trong bài kế tiếp.