Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

‘Nay anh em là dân của Đức Chúa Trời’

‘Nay anh em là dân của Đức Chúa Trời’

“Trước đây anh em chẳng phải là một dân, nhưng nay là dân của Đức Chúa Trời”.—1 PHI 2:10.

1, 2. Sự thay đổi nào diễn ra vào Lễ Ngũ Tuần năm 33 CN, và ai trở thành thành viên thuộc dân mới của Đức Giê-hô-va? (Xem hình nơi đầu bài).

Lễ Ngũ Tuần năm 33 CN là bước ngoặt trong lịch sử của dân Đức Giê-hô-va trên đất. Vào ngày đó, một sự thay đổi lớn đã diễn ra. Qua thần khí, Đức Giê-hô-va lập một dân mới—dân Y-sơ-ra-ên thiêng liêng, tức “dân Y-sơ-ra-ên của Đức Chúa Trời” (Ga 6:16). Kể từ thời Áp-ra-ham, đây là lần đầu tiên dân Đức Chúa Trời không còn được nhận diện qua việc cắt bì của người nam nữa. Thay vì thế, nói về mỗi thành viên của dân mới ấy, Phao-lô viết: “Phép cắt bì thật là phép cắt bì trong lòng và bởi thần khí”.—Rô 2:29.

2 Những thành viên đầu tiên của dân mới là các sứ đồ và hơn một trăm môn đồ khác của Đấng Ki-tô, những người đã nhóm lại trong căn phòng trên lầu ở Giê-ru-sa-lem (Công 1:12-15). Những người này nhận thần khí và trở thành con cái được xức dầu của Đức Chúa Trời (Rô 8:15, 16; 2 Cô 1:21). Điều này cho thấy giao ước mới đã bắt đầu có hiệu lực qua trung gian Đấng Ki-tô và huyết của ngài. (Lu 22:20; đọc Hê-bơ-rơ 9:15). Vì vậy, những môn đồ này trở thành thành viên thuộc dân mới của Đức Giê-hô-va. Thần khí giúp họ có khả năng nói các thứ tiếng khác nhau để rao giảng cho người Do  Thái và người cải đạo từ khắp đế quốc La Mã đến Giê-ru-sa-lem để dự Lễ Các Tuần của người Do Thái, hay Lễ Ngũ Tuần. Những người này hiểu “sự vĩ đại của Đức Chúa Trời” vì được nghe tin mừng trong tiếng mẹ đẻ.—Công 2:1-11.

DÂN MỚI CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI

3-5. (a) Phi-e-rơ đã nói gì với dân Do Thái vào Lễ Ngũ Tuần? (b) Những bước nào đã liên tiếp góp phần vào sự phát triển của dân mới trong những năm đầu thành lập?

3 Đức Giê-hô-va đã dùng sứ đồ Phi-e-rơ dẫn đầu trong việc mở đường cho người Do Thái và người cải đạo để trở thành các thành viên của dân tộc non trẻ này—hội thánh đạo Đấng Ki-tô. Vào Lễ Ngũ Tuần, Phi-e-rơ can đảm nói với người Do Thái rằng họ phải chấp nhận Chúa Giê-su, đấng đã ‘bị treo trên cây cột’, vì “Đức Chúa Trời lập [ngài] làm Chúa và Đấng Ki-tô”. Khi đám đông người Do Thái hỏi họ nên làm gì, Phi-e-rơ đáp: “Anh em hãy ăn năn, mỗi người hãy chịu phép báp-têm nhân danh Chúa Giê-su Ki-tô để được tha tội, và anh em sẽ nhận được món quà là thần khí” (Công 2:22, 23, 36-38). Vào ngày ấy, khoảng 3.000 người được thêm vào dân mới, tức dân Y-sơ-ra-ên thiêng liêng (Công 2:41). Sau đó, sự sốt sắng rao giảng của các sứ đồ tiếp tục sinh nhiều thành quả (Công 6:7). Dân mới ngày càng phát triển.

4 Về sau, công việc rao giảng được mở rộng cho người Sa-ma-ri và mang lại kết quả. Nhiều người được Phi-líp, người truyền giảng tin mừng, làm báp-têm nhưng họ không được nhận thần khí ngay. Hội đồng lãnh đạo ở Giê-ru-sa-lem đã phái sứ đồ Phi-e-rơ và Giăng đến với những người Sa-ma-ri cải đạo, rồi “hai người đặt tay trên họ, và họ nhận được thần khí” (Công 8:5, 6, 14-17). Vì vậy, những người Sa-ma-ri này cũng trở thành thành viên được xức dầu của dân Y-sơ-ra-ên thiêng liêng.

Phi-e-rơ rao giảng cho Cọt-nây và người nhà ông (Xem đoạn 5)

5 Vào năm 36 CN, một lần nữa Phi-e-rơ được dùng để mời những người khác vào dân mới. Điều này xảy ra khi ông rao giảng cho đại đội trưởng của La Mã là Cọt-nây, bà con và bạn bè của ông (Công 10:22, 24, 34, 35). Kinh Thánh ghi lại: “Phi-e-rơ còn đang nói... thì thần khí đổ xuống trên hết thảy những người [không phải là dân Do Thái] nghe lời Đức Chúa Trời. Các môn đồ cùng đến với Phi-e-rơ, là những người đã được cắt bì, rất kinh ngạc khi thấy món quà thần khí cũng được đổ trên dân ngoại” (Công 10:44, 45). Do đó, giờ đây những người tin đạo là người ngoại không cắt bì được mời trở thành thành viên của dân Y-sơ-ra-ên thiêng liêng.

“MỘT DÂN MANG DANH NGÀI”

6, 7. Với tư cách là dân mang danh Đức Giê-hô-va, các thành viên của dân mới đã làm gì?

6 Tại một buổi họp của hội đồng lãnh đạo vào thế kỷ thứ nhất được tổ chức vào năm 49 CN, môn đồ Gia-cơ phát biểu như sau: “Si-mê-ôn [Phi-e-rơ] kể rõ lần đầu tiên Đức Chúa Trời đoái đến dân  ngoại như thế nào để lấy ra một dân mang danh ngài” (Công 15:14). Dân mới mang danh Đức Giê-hô-va sẽ gồm cả người Do Thái và những người ngoại tin đạo (Rô 11:25, 26a). Sau này, Phi-e-rơ viết: “Trước đây anh em chẳng phải là một dân, nhưng nay là dân của Đức Chúa Trời”. Phi-e-rơ cho biết sơ qua nhiệm vụ của họ khi nói: “Anh em là ‘dòng giống được lựa chọn, lớp thầy tế lễ làm vua, một dân tộc thánh và dân thuộc riêng về Đức Chúa Trời, hầu công bố khắp nơi các đức tính tuyệt hảo’ của đấng đã gọi anh em ra khỏi bóng tối mà đến với ánh sáng diệu kỳ của ngài” (1 Phi 2:9, 10). Họ phải ngợi khen đấng mà mình đại diện và công khai tôn vinh danh ngài. Họ phải can đảm làm chứng về Đức Giê-hô-va, Đấng Cai Trị Hoàn Vũ.

7 Như dân Y-sơ-ra-ên theo huyết thống, các thành viên của dân Y-sơ-ra-ên thiêng liêng là những người được Đức Giê-hô-va gọi là “dân mà Ta đã dựng nên cho Ta; chúng sẽ công bố lời ca ngợi Ta” (Ê-sai 43:21, Bản Dịch Mới). Những tín đồ thời ban đầu đã vạch trần các thần giả bấy giờ bằng cách can đảm công bố Đức Giê-hô-va là Đức Chúa Trời có thật (1 Tê 1:9). Họ đã làm chứng về Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su “tại thành Giê-ru-sa-lem, khắp xứ Giu-đa, Sa-ma-ri, cho đến tận cùng trái đất”.—Công 1:8; Cô 1:23.

8. Sứ đồ Phao-lô đưa ra lời cảnh báo nào dành cho dân Đức Chúa Trời vào thế kỷ thứ nhất?

8 Vào thế kỷ thứ nhất có một thành viên dũng cảm của “dân mang danh [Đức Giê-hô-va]” là sứ đồ Phao-lô. Khi đứng trước những triết gia ngoại giáo, ông can đảm ủng hộ quyền cai trị của Đức Giê-hô-va, “Đức Chúa Trời đã tạo dựng vũ trụ và mọi vật trong đó, đấng ấy là Chúa của trời đất” (Công 17:18, 23-25). Vào cuối hành trình truyền giáo thứ ba, Phao-lô đưa ra lời cảnh báo dành cho dân mang danh Đức Chúa Trời: “Tôi biết rằng sau khi tôi ra đi, sói dữ sẽ vào giữa anh em và không đối xử dịu dàng với bầy. Trong vòng anh em, sẽ có người giảng dạy những điều sai lệch để lôi kéo môn đồ theo họ” (Công 20:29, 30). Như được báo trước, sự bội đạo được lộ rõ vào cuối thế kỷ thứ nhất.—1 Giăng 2:18, 19.

9. Điều gì xảy ra với “dân mang danh [Đức Giê-hô-va]” sau khi các sứ đồ qua đời?

9 Sau khi các sứ đồ qua đời, sự bội đạo nở rộ và hình thành các tôn giáo tự nhận theo Đấng Ki-tô. Thay vì chứng tỏ là “dân mang danh [Đức Giê-hô-va]”, các tín đồ bội đạo thậm chí còn loại bỏ danh Đức Chúa Trời khỏi nhiều bản dịch Kinh Thánh của họ. Họ du nhập những giáo lý ngoại giáo, bôi nhọ Đức Chúa Trời qua những tín điều không dựa trên Kinh Thánh, các cuộc “thánh chiến” và hạnh kiểm vô luân. Thế nên, trong nhiều thế kỷ, Đức Giê-hô-va chỉ có một số ít người thờ phượng trung thành trên đất nhưng chưa có nhóm nào được tổ chức thành một “dân mang danh ngài”.

DÂN ĐỨC CHÚA TRỜI ĐƯỢC TÁI LẬP

10, 11. (a) Trong minh họa về lúa mì và cỏ dại, Chúa Giê-su báo trước điều gì? (b) Minh họa của Chúa Giê-su được ứng nghiệm thế nào sau năm 1914, và kết quả là gì?

10 Trong minh họa về lúa mì và cỏ dại, Chúa Giê-su báo trước một thời kỳ tối tăm về thiêng liêng do sự bội đạo gây ra. Ngài nói rằng “trong lúc mọi người ngủ”, Kẻ Quỷ Quyệt sẽ gieo cỏ dại vào ruộng lúa mì, nơi mà Con Người đã gieo lúa mì. Cả hai cùng lớn lên cho đến “thời kỳ cuối cùng của thế gian này”. Chúa Giê-su giải thích rằng “giống tốt” tượng trưng cho “con cái Nước Đức Chúa Trời” và “cỏ dại” tượng trưng cho “con cái Kẻ Ác”. Vào thời kỳ cuối, Con Người  sẽ bảo “thợ gặt”, tức các thiên sứ, tách lúa mì khỏi cỏ dại theo nghĩa bóng. Con cái Nước Đức Chúa Trời sẽ được thâu lại (Mat 13:24-30, 36-43). Điều này đã xảy ra như thế nào, và ảnh hưởng ra sao đến việc Đức Giê-hô-va có một dân trên đất?

11 “Thời kỳ cuối cùng của thế gian này” bắt đầu vào năm 1914. Trong thời gian chiến tranh xảy ra vào năm đó, vài ngàn tín đồ được xức dầu, hay “con cái Nước Đức Chúa Trời”, bị Ba-by-lôn Lớn giam cầm về thiêng liêng. Vào năm 1919, Đức Giê-hô-va giải cứu họ, phân biệt rõ giữa họ với “cỏ dại”, tức những tín đồ giả hiệu. Ngài thu nhóm “con cái Nước Đức Chúa Trời” thành một dân có tổ chức. Điều này làm ứng nghiệm lời tiên tri của Ê-sai: “Nước há dễ sanh ra trong một ngày, dân-tộc há dễ sanh ra trong một chặp? Mà Si-ôn mới vừa nằm nơi, đã sanh con cái” (Ê-sai 66:8). Si-ôn, tức tổ chức gồm những tạo vật thần linh của Đức Giê-hô-va, sinh ra những con cái được xức dầu và tổ chức họ thành một dân.

12. Làm thế nào những tín đồ được xức dầu ngày nay chứng tỏ họ là “dân mang danh [Đức Giê-hô-va]”?

12 Giống như các tín đồ thời ban đầu, “con cái Nước Đức Chúa Trời” được xức dầu và làm nhân chứng của Đức Giê-hô-va. (Đọc Ê-sai 43:1, 10, 11). Vì thế, họ sẽ khác biệt với người xung quanh qua hạnh kiểm và công việc rao giảng ‘tin mừng về Nước Đức Chúa Trời để làm chứng cho muôn dân’ (Mat 24:14; Phi-líp 2:15). Qua cách này, họ giúp nhiều người, thực tế là hàng triệu người, có vị thế công chính trước mắt Đức Giê-hô-va.—Đọc Đa-ni-ên 12:3.

“CHÚNG TÔI MUỐN ĐI VỚI ANH EM”

13, 14. Để được Đức Giê-hô-va chấp nhận sự thờ phượng, những người không thuộc dân Y-sơ-ra-ên thiêng liêng phải làm gì, và điều này đã được Kinh Thánh báo trước như thế nào?

13 Như chúng ta đã xem trong bài trước, vào thời Y-sơ-ra-ên xưa, người ngoại bang có thể được Đức Giê-hô-va chấp nhận sự thờ phượng với điều kiện là họ phải kết hợp với dân thuộc giao  ước của ngài (1 Vua 8:41-43). Tương tự, ngày nay những người không thuộc dân Y-sơ-ra-ên thiêng liêng phải kết hợp với dân Đức Giê-hô-va, tức “con cái Nước Đức Chúa Trời”—những Nhân Chứng được xức dầu của ngài.

14 Việc rất đông người kéo đến thờ phượng Đức Giê-hô-va với dân ngài vào thời kỳ cuối cùng đã được hai nhà tiên tri xưa báo trước. Ê-sai tiên tri: “Nhiều dân-tộc sẽ đến mà nói rằng: Hãy đến; chúng ta hãy lên núi Đức Giê-hô-va, nơi nhà Đức Chúa Trời của Gia-cốp: Ngài sẽ dạy chúng ta về đường-lối Ngài, chúng ta sẽ đi trong các nẻo Ngài. Vì luật-pháp sẽ ra từ Si-ôn, lời Đức Giê-hô-va sẽ ra từ Giê-ru-sa-lem” (Ê-sai 2:2, 3). Tương tự, nhà tiên tri Xa-cha-ri báo trước rằng “nhiều dân và nhiều nước mạnh sẽ đến tìm-kiếm Đức Giê-hô-va vạn-quân tại Giê-ru-sa-lem, và ở đó nài-xin ơn Đức Giê-hô-va”. Ông miêu tả họ giống như “mười người từ mọi thứ tiếng trong các nước”. Theo nghĩa bóng, họ sẽ nắm chặt vạt áo của dân Y-sơ-ra-ên thiêng liêng. Họ nói: “Chúng tôi muốn đi với anh em, vì chúng tôi đã nghe biết rằng Thiên Chúa ở với anh em”.—Xa 8:20-23, Các Giờ Kinh Phụng Vụ.

15. “Các chiên khác” “đi cùng” với dân Y-sơ-ra-ên thiêng liêng để làm công việc gì?

15 “Các chiên khác” “đi cùng” với dân Y-sơ-ra-ên thiêng liêng để rao truyền tin mừng về Nước Trời (Mác 13:10). Họ trở thành một phần của dân Đức Chúa Trời. Họ và những tín đồ được xức dầu là “một bầy” dưới sự dẫn dắt của “người chăn tốt lành”, Chúa Giê-su Ki-tô.—Đọc Giăng 10:14-16.

TÌM SỰ CHE CHỞ VỚI DÂN CỦA ĐỨC GIÊ-HÔ-VA

16. Đức Giê-hô-va sẽ làm gì để châm ngòi cho giai đoạn cuối của “hoạn nạn lớn”?

16 Sau khi Ba-by-lôn Lớn bị hủy diệt, sẽ có một cuộc tấn công dữ dội ập đến trên dân Đức Giê-hô-va. Lúc ấy, chúng ta cần ở dưới sự che chở mà Đức Giê-hô-va sẽ cung cấp cho tôi tớ ngài. Vì cuộc tấn công này sẽ châm ngòi cho giai đoạn cuối của “hoạn nạn lớn”, tức Ha-ma-ghê-đôn, nên chính Đức Giê-hô-va sẽ chọn thời gian và sắp xếp để cuộc chiến xảy ra (Mat 24:21; Ê-xê 38:2-4). Lúc đó, Gót sẽ tấn công “một dân đã được đem về từ giữa các nước”, tức dân của Đức Chúa Trời (Ê-xê 38:10-12). Cuộc tấn công này sẽ là dấu hiệu cho thấy Đức Giê-hô-va thi hành sự phán xét đối với Gót và bè lũ của hắn. Đức Giê-hô-va sẽ thể hiện quyền cai trị và làm sáng danh ngài, vì ngài phán: ‘Ta sẽ được nhận-biết trước mắt nhiều dân-tộc. Chúng nó sẽ biết rằng ta là Đức Giê-hô-va’.—Ê-xê 38:18-23.

Trong “hoạn nạn lớn”, chúng ta cần kết hợp chặt chẽ với hội thánh địa phương (Xem đoạn 16-18)

17, 18. (a) Khi dân Đức Giê-hô-va bị Gót tấn công, họ sẽ nhận được những chỉ dẫn nào? (b) Nếu muốn được Đức Giê-hô-va che chở, chúng ta cần làm gì?

17 Khi Gót bắt đầu mở cuộc tấn công, Đức Giê-hô-va sẽ nói với các tôi tớ ngài: “Hỡi dân ta, hãy đến vào buồng và đóng cửa lại. Hãy ẩn mình một lát, cho đến chừng nào cơn giận đã qua” (Ê-sai 26:20). Vào thời điểm quyết định, Đức Giê-hô-va sẽ cung cấp cho chúng ta những chỉ dẫn cứu mạng, và “buồng” ở đây có thể liên quan đến các hội thánh địa phương.

18 Vì vậy, nếu muốn được Đức Giê-hô-va che chở trong hoạn nạn lớn, chúng ta phải nhìn nhận ngài có một dân trên đất, được tổ chức thành những hội thánh. Chúng ta cần tiếp tục đứng về phía Đức Giê-hô-va cùng với họ và kết hợp chặt chẽ với hội thánh địa phương. Như người viết Thi-thiên, mong sao chúng ta hết lòng tuyên bố: “Sự cứu-rỗi thuộc về Đức Giê-hô-va. Nguyện phước Ngài giáng trên dân-sự Ngài!”.—Thi 3:8.