Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

“Sự khôn-ngoan của người khiến cho người chậm nóng-giận”

“Sự khôn-ngoan của người khiến cho người chậm nóng-giận”

Một huấn luyện viên bóng rổ trường đại học bị sa thải vì không kiềm chế được cơn tức giận.

Một đứa bé “làm trận làm thượng” vì cha mẹ không chiều theo ý nó.

Hai mẹ con cãi vã vì căn phòng bề bộn của con trai.

Tất cả chúng ta từng thấy người khác tức giận và chắc chắn chính mình cũng nổi giận không lúc này thì lúc khác. Có lẽ trong khi xem cơn nóng giận là cảm xúc tiêu cực nên kiềm chế, chúng ta thường cảm thấy mình có lý do chính đáng để nổi giận, nhất là khi một người có hành động không phù hợp với quan điểm của mình về sự công bằng. Một bài của Hiệp hội Tâm lý Hoa Kỳ cho biết “nóng giận là cảm xúc lành mạnh của con người và hoàn toàn bình thường”.

Dường như quan điểm như thế là hợp lý khi xem xét điều mà sứ đồ Phao-lô, một tín đồ đạo Đấng Ki-tô, đã viết dưới sự hướng dẫn của Đức Chúa Trời. Thừa nhận là đôi lúc người ta nóng giận nên ông nói: “Nếu có tức giận cũng đừng phạm tội, chớ để mặt trời lặn mà vẫn còn giận” (Ê-phê-sô 4:26). Do đó, chúng ta có nên trút giận hay cố gắng kiểm soát cơn giận của mình?

BẠN CÓ NÊN TỨC GIẬN?

Khi cho lời khuyên về sự nóng giận, dường như Phao-lô nhớ đến những lời của người viết Thi-thiên: “Nếu bực bội cũng đừng phạm tội” (Thi-thiên 4:4, NW). Vậy, ý của Phao-lô về lời khuyên này là gì? Ông giải thích tiếp: “Hãy từ bỏ mọi sự cay đắng hiểm độc, tức giận, căm ghét, quát tháo, lăng mạ cùng mọi điều gây tổn thương” (Ê-phê-sô 4:31). Thật vậy, Phao-lô đang khuyến khích các tín đồ tránh việc trút cơn tức giận. Thú vị thay, Hiệp hội Tâm lý Hoa Kỳ cho biết thêm: “Cuộc nghiên cứu đã cho thấy việc ‘trút giận’ thật ra làm cho cơn giận bùng phát và gây hấn gia tăng cũng như không giúp bạn... giải quyết vấn đề”.

Vậy, làm sao chúng ta có thể “từ bỏ” sự tức giận và những hậu quả của nó? Vị vua Sa-lô-môn thời Y-sơ-ra-ên xưa viết: “Sự khôn-ngoan của người khiến cho người chậm nóng-giận; và người lấy làm danh-dự mà bỏ qua tội phạm” (Châm-ngôn 19:11). Làm sao “sự khôn ngoan của một người” có thể giúp ích khi sự tức giận dâng trào trong lòng?

LÀM SAO SỰ KHÔN NGOAN LÀM NGUÔI CƠN GIẬN?

Sự khôn ngoan bao gồm khả năng nhìn sâu vào sự việc và hiểu rõ một vấn đề hơn những gì mình thấy. Làm sao điều này có thể giúp ích khi chúng ta bị xúc phạm hoặc bị chọc giận?

Khi chứng kiến sự bất công, có lẽ chúng ta cảm thấy tức giận. Tuy nhiên, nếu chiều theo cảm xúc của mình và phản ứng mạnh mẽ, có lẽ chúng ta chỉ gây tổn thương cho bản thân hoặc người khác. Như một ngọn lửa không kiểm soát được có thể đốt cháy một căn nhà, thì cơn giận bùng phát có thể hủy hoại danh tiếng của chúng ta và mối quan hệ với người khác, ngay cả với Đức Chúa Trời. Thế nên mỗi khi cảm thấy cơn giận dâng trào trong lòng, hãy dành thời gian để nhìn nhận vấn đề cách sâu xa hơn. Việc nhìn bao quát điều đang xảy ra chắc chắn sẽ giúp chúng ta kiểm soát cảm xúc của mình.

Cha của Sa-lô-môn là vua Đa-vít, nhờ được giúp đỡ để xem xét lại vấn đề, tránh được tội đổ máu liên quan đến người đàn ông tên Na-banh. Đa-vít và tôi tớ của ông bảo vệ bầy cừu của Na-banh trong hoang mạc xứ Giu-đê. Vào thời điểm hớt lông cừu, Đa-vít đến xin Na-banh thức ăn. Lúc đó, Na-banh đáp: “Lẽ nào ta sẽ lấy bánh, nước, và thịt ta dọn sẵn cho các thợ hớt lông [cừu] mà cho những kẻ chẳng biết ở đâu đến sao?” Quả là sự sỉ nhục! Khi Đa-vít nghe những lời này, ông cùng 400 tùy tùng định đi giết Na-banh và cả nhà ông.—1 Sa-mu-ên 25:4-13.

Vợ của Na-banh là A-bi-ga-in nghe được sự việc trên và đi gặp Đa-vít. Khi gặp được Đa-vít cùng đoàn tùy tùng của ông, cô quỳ xuống và nói: “Xin cho phép con đòi ông nói trước mặt ông; xin hãy nghe các lời của con đòi ông”. Rồi cô giải thích cho Đa-vít biết sự điên dại của Na-banh thế nào và nói là Đa-vít sẽ hối hận nếu trả thù và làm đổ máu.—1 Sa-mu-ên 25:24-31.

Đa-vít nhận được sự khôn ngoan nào từ những lời của A-bi-ga-in mà đã giúp giảm bớt tình hình căng thẳng? Trước hết, Đa-vít thấy Na-banh là người có bản tính điên dại. Thứ hai, Đa-vít nhận ra mình có thể mắc nợ máu nếu báo thù. Như Đa-vít, có lẽ điều gì đó đã làm bạn tức giận. Bạn có thể làm gì? Một bài viết của bệnh viện Mayo nói về việc kiểm soát cơn giận đã gợi ý: “Hãy dừng lại một chút để hít thở thật sâu và đếm đến 10”. Đúng vậy, hãy ngừng lại, nghĩ đến nguyên nhân của vấn đề là gì và hậu quả sẽ ra sao nếu có ý định hành động. Hãy để sự khôn ngoan làm nguôi cơn giận của mình, thậm chí loại bỏ nó.—1 Sa-mu-ên 25:32-35.

Tương tự thế, ngày nay nhiều người đã được giúp đỡ để kiểm soát cơn giận của mình. Anh Sebastian, từng ở tù tại Ba Lan lúc 23 tuổi, cho biết cách anh kiểm soát cơn giận và cảm xúc mạnh của mình nhờ tìm hiểu Kinh Thánh. Anh bộc bạch: “Trước tiên, tôi nghĩ đến vấn đề, rồi cố gắng áp dụng lời khuyên trong Kinh Thánh. Tôi cảm nhận Kinh Thánh là cuốn cẩm nang hay nhất”.

Áp dụng lời khuyên trong Kinh Thánh có thể giúp bạn kiểm soát cảm xúc mạnh mẽ

Anh Setsuo cũng có cùng bí quyết ấy khi nói: “Trước kia trong sở làm, tôi thường quát tháo người khác mỗi khi nổi nóng. Từ khi tìm hiểu Kinh Thánh, thay vì quát tháo tôi tự hỏi: ‘Ai là người có lỗi? Có phải mình là người gây ra vấn đề này không?’”. Nghĩ đến những câu hỏi như thế làm nguôi cơn giận, và anh có thể kiểm soát cảm xúc mạnh mẽ dâng trào trong lòng.

Cảm xúc nóng giận có thể rất mạnh, nhưng lời khuyên từ Lời Đức Chúa Trời còn mạnh hơn. Qua việc áp dụng lời khuyên khôn ngoan và cầu xin Đức Chúa Trời giúp đỡ, bạn cũng có thể để sự khôn ngoan làm nguôi ngoai hoặc kiểm soát cơn giận của mình.