Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

“Sự dạy dỗ của Đức Giê-hô-va” đến với các dân

“Sự dạy dỗ của Đức Giê-hô-va” đến với các dân

“Quan tổng đốc... bèn tin Chúa, vì người rất kinh ngạc trước sự dạy dỗ của Đức Giê-hô-va”.CÔNG 13:12.

1-3. Môn đồ của Chúa Giê-su đã đối mặt với những trở ngại nào trong việc rao truyền tin mừng cho “muôn dân”?

Chúa Giê-su Ki-tô đã giao cho các môn đồ một nhiệm vụ lớn lao. Ngài lệnh cho họ: “Hãy đi dạy dỗ muôn dân trở thành môn đồ tôi”. Nhờ họ làm công việc này nên cuối cùng ‘tin mừng về Nước Đức Chúa Trời đã được rao truyền khắp đất để làm chứng cho muôn dân’.—Mat 24:14; 28:19.

2 Các môn đồ yêu mến Chúa Giê-su và tin mừng. Tuy nhiên, có lẽ họ thắc mắc làm thế nào có thể thực hiện nhiệm vụ được giao. Suy cho cùng, họ chỉ có ít người. Chúa Giê-su, đấng mà họ tuyên bố là Con Đức Chúa Trời, đã bị giết. Các môn đồ của ngài bị xem là “dân thường, ít học” (Công 4:13). Nhưng họ phải rao truyền một thông điệp ngược lại với sự dạy dỗ của giới lãnh đạo tôn giáo uy tín, những người được đào tạo theo truyền thống thời xưa. Tại quê nhà, các môn đồ không được quý trọng. So với đế quốc La Mã hùng mạnh thì nước Y-sơ-ra-ên là gì?

3 Hơn nữa, Chúa Giê-su cảnh báo các môn đồ rằng họ sẽ bị thù ghét, ngược đãi và một số bị giết (Lu 21:16, 17). Họ sẽ phải đương đầu với sự phản bội, các tiên tri giả và sự gian ác gia tăng (Mat 24:10-12). Ngay cả tin mừng mà họ rao truyền được người ta ở khắp nơi đón nhận, làm sao họ có thể mang thông điệp ấy “cho đến tận cùng trái đất”? (Công 1:8). Hẳn các môn đồ băn khoăn không biết làm thế nào họ có thể thực hiện công việc này trước những khó khăn ấy.

4. Hoạt động rao giảng của các môn đồ vào thế kỷ thứ nhất đã thành công đến mức nào?

4 Dù có mối bận tâm nào, các môn đồ đã bận rộn trong việc rao truyền tin mừng không chỉ ở Giê-ru-sa-lem và Sa-ma-ri mà còn tại những nước thuộc thế gian họ biết thời bấy giờ. Dù các môn đồ trải qua những khó khăn nhưng trong vòng 30 năm, tin mừng đã “được rao giảng giữa mọi tạo vật ở dưới trời” cũng như “sinh hoa kết quả và phát triển trong thế gian” (Cô 1:6, 23). Chẳng hạn, nhờ những gì sứ đồ Phao-lô nói và làm ở đảo Síp nên quan tổng đốc La Mã là Sê-giút Phau-lút “bèn tin Chúa, vì người rất kinh ngạc trước sự dạy dỗ của Đức Giê-hô-va”.—Đọc Công vụ 13:6-12.

5. (a) Chúa Giê-su đảm bảo điều gì với các môn đồ? (b) Khi xem xét hoàn cảnh vào thế kỷ thứ nhất, một số người đã kết luận thế nào?

5 Môn đồ của Chúa Giê-su biết rằng họ không thể hoàn thành công việc rao giảng bằng sức riêng. Chúa Giê-su nói ngài sẽ ở cùng họ và thần khí sẽ trợ giúp họ (Mat 28:20). Trong một số khía cạnh, hoàn cảnh thời bấy giờ hẳn thuận lợi cho công việc rao giảng về Nước Trời. Một sách viết về công việc truyền bá Phúc âm thời ban đầu (Evangelism in the Early Church) cho biết: “Ngoài thế kỷ thứ nhất CN, có lẽ không có giai đoạn nào trong lịch sử nhân loại thích hợp hơn để đón nhận Hội thánh mới được thành lập... Vào khoảng thế kỷ thứ hai, tín đồ Ki-tô giáo... bắt đầu lý luận rằng Đức Chúa Trời đã chuẩn bị thế giới để chào đón sự ra đời của Ki-tô giáo”.

6. Chúng ta sẽ xem xét điều gì (a) trong bài này? (b) trong bài sau?

6 Kinh Thánh không cho biết Đức Chúa Trời đã lèo lái những sự việc vào thế kỷ thứ nhất đến mức nào để công việc thánh chức được mở rộng. Nhưng có điều chắc chắn là Đức Giê-hô-va muốn tin mừng được truyền giảng, còn Sa-tan thì không. Trong bài này, chúng ta sẽ xem xét một số khía cạnh có lẽ giúp công việc rao giảng vào thế kỷ thứ nhất dễ dàng hơn so với các thời kỳ khác trong lịch sử. Bài tiếp theo, chúng ta sẽ xem xét những yếu tố thời nay giúp tin mừng được rao truyền cho đến tận cùng trái đất.

THỜI KỲ HÒA BÌNH LA MÃ CÓ THỂ GIÚP ÍCH THẾ NÀO?

7. Thời kỳ Hòa bình La Mã là gì, và tại sao thời kỳ này đáng chú ý?

7 Trong thế kỷ thứ nhất, có một giai đoạn hòa bình vào thời đế quốc La Mã đã tạo điều kiện thuận lợi cho tín đồ đạo Đấng Ki-tô. Thời kỳ này được gọi là Hòa bình La Mã (Pax Romana). Trong thời kỳ này, chính quyền La Mã giữ được sự ổn định cho người dân trong lãnh thổ thuộc Đế quốc. Dù vậy, đôi khi vẫn có “chiến tranh và nghe tin tức về chiến tranh”, như Chúa Giê-su đã tiên tri (Mat 24:6). Quân La Mã đã hủy diệt thành Giê-ru-sa-lem vào năm 70 CN, và có những cuộc giao tranh nhỏ ở biên giới đế quốc. Tuy nhiên, khoảng 200 năm từ thời Chúa Giê-su, vùng Địa Trung Hải tương đối có ít xung đột. Một sách tham khảo viết: “Chưa bao giờ lịch sử loài người có thời kỳ yên ổn lâu như vậy, và tình trạng hòa bình sẽ không bao giờ lặp lại một cách ổn định như thế giữa rất nhiều người”.

8. Thời kỳ Hòa bình La Mã đã giúp ích thế nào cho các môn đồ?

8 Một nhà thần học sống vào thế kỷ thứ ba là ông Origen bày tỏ quan điểm của mình về thời kỳ này. Ông nói rằng vì La Mã đô hộ rất nhiều nước nên các môn đồ có thể rao giảng trong các nước ấy. Người ta không chiến đấu để bảo vệ quê hương nhưng sống an ổn trong các làng mạc. Nhờ đó mà nhiều người có cơ hội nghe các môn đồ rao giảng về tình yêu thương và sự hòa bình. Dù bị bắt bớ nhưng các môn đồ đã tận dụng thời gian ấy để rao truyền tin mừng khắp mọi nơi.—Đọc Rô-ma 12:18-21.

VIỆC ĐI LẠI TƯƠNG ĐỐI THUẬN LỢI GIÚP ÍCH THẾ NÀO?

9, 10. Tại sao việc đi lại trong đế quốc La Mã tương đối thuận lợi đối với các môn đồ?

9 Tín đồ đạo Đấng Ki-tô đã tận dụng hệ thống đường sá của La Mã. Để bảo vệ đất nước và kiểm soát được thần dân, La Mã có một đội quân hùng mạnh và hiệu quả. Để quân đội di chuyển mau lẹ thì cần những con đường tốt, và người La Mã có kỹ năng trong việc xây dựng đường sá. Những kỹ sư La Mã đã xây hơn 80.000km đường bộ nối liền hầu hết các tỉnh với nhau. Những con đường này xuyên qua rừng, băng qua sa mạc và các dãy núi.

10 Ngoài hệ thống đường sá, người La Mã còn tận dụng khoảng 27.000km sông ngòi và kênh đào mà tàu thuyền có thể đi lại. Những con tàu La Mã đã vượt khoảng 900 tuyến đường biển nối hàng trăm bến cảng. Vì thế, tín đồ đạo Đấng Ki-tô có thể đi khắp đế quốc La Mã. Dù có những khó khăn, nhưng sứ đồ Phao-lô và những người khác có thể đi khắp đế quốc ấy mà không cần hộ chiếu và visa. Không có trạm hải quan và trạm kiểm soát nhập cảnh. Những tội phạm sợ hình phạt của La Mã nên đường bộ tương đối an toàn. Việc đi lại bằng đường biển cũng an toàn vì hải quân La Mã bảo vệ con đường này khỏi hải tặc. Dù Phao-lô bị đắm tàu vài lần và gặp nguy hiểm trên biển, nhưng Kinh Thánh không nói cụ thể là ông bị hải tặc tấn công.—2 Cô 11:25, 26.

NGÔN NGỮ GIÚP ÍCH THẾ NÀO?

Dùng codex giúp tìm câu Kinh Thánh dễ hơn nhiều (Xem đoạn 12)

11. Vì sao các môn đồ sử dụng ngôn ngữ Hy Lạp?

11 Ngôn ngữ Koine hay tiếng Hy Lạp phổ thông đã giúp các hội thánh đạo Đấng Ki-tô giữ mối liên lạc và có sự hợp nhất. Nhờ những chiến thắng của A-léc-xan-đơ Đại đế, tiếng Hy Lạp được nhiều người hiểu và dùng rộng rãi. Vì vậy, các tôi tớ của Đức Chúa Trời có thể nói chuyện với mọi loại người, và điều này góp phần lan truyền tin mừng. Ngoài ra, người Do Thái sống ở Ai Cập đã dịch phần Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ sang tiếng Hy Lạp được gọi là bản Septuagint. Người ta quen thuộc với bản dịch này và những môn đồ của Đấng Ki-tô thời ban đầu thường trích dẫn Kinh Thánh từ bản dịch ấy. Các môn đồ của Chúa Giê-su cũng nhận thấy tiếng Hy Lạp rất lý tưởng để viết phần còn lại của Kinh Thánh. Ngôn ngữ này có từ vựng phong phú nên rất hữu ích khi cần giải thích những đề tài thiêng liêng.

12. (a) Loại sách được gọi là codex là gì, và sách ấy có những điểm thuận lợi nào so với các cuộn sách? (b) Khi nào tín đồ đạo Đấng Ki-tô sử dụng rộng rãi codex?

12 Tín đồ đạo Đấng Ki-tô có thể dùng Kinh Thánh như thế nào trong thánh chức? Các cuộn Kinh Thánh thường chỉ có chữ viết trên một mặt và cồng kềnh vì phải cuộn lại, mở ra. Riêng sách Phúc âm Ma-thi-ơ mà đã chiếm một cuộn. Nhưng sau đó, người ta dùng các trang được đóng thành bộ gọi là codex—hình thức đầu tiên của một quyển sách. Người đọc có thể mở sách và dễ dàng tìm được câu Kinh Thánh. Dù không biết chính xác khi nào tín đồ đạo Đấng Ki-tô bắt đầu dùng loại sách này, nhưng một tài liệu tham khảo cho biết: “Tín đồ đạo Đấng Ki-tô dùng codex trong thế kỷ thứ hai rộng rãi đến mức có thể kết luận rằng loại sách này đã có khá lâu trước năm 100 CN”.

LUẬT PHÁP LA MÃ GIÚP ÍCH THẾ NÀO?

13, 14. (a) Phao-lô đã sử dụng quyền công dân La Mã như thế nào? (b) Luật pháp La Mã mang lại lợi ích nào cho tín đồ đạo Đấng Ki-tô?

13 Luật pháp La Mã có hiệu lực trên khắp đế quốc, và công dân La Mã có các đặc quyền quý giá. Phao-lô đã sử dụng quyền công dân La Mã trong một số trường hợp. Khi sắp bị tra khảo ở Giê-ru-sa-lem, sứ đồ Phao-lô đã hỏi viên đại đội trưởng: “Các anh có được phép dùng roi đánh đập một công dân La Mã chưa bị kết tội không?”. Chắc chắn là không. Khi Phao-lô cho biết ông là công dân La Mã từ lúc sinh ra, “những người định tra khảo ông đều rút lui; còn viên chỉ huy, khi biết Phao-lô là công dân La Mã thì sợ vì đã xiềng ông”.—Công 22:25-29.

14 Quyền công dân của Phao-lô dưới luật pháp La Mã đã ảnh hưởng đến cách ông được đối xử tại thành Phi-líp (Công 16:35-40). Ở Ê-phê-sô, viên thị trưởng đã đề cập đến hệ thống luật pháp La Mã sau khi làm nguôi cơn giận của đám đông (Công 19:35-41). Khi ở Sê-sa-rê, việc Phao-lô kháng án đã mở ra cơ hội cho ông bênh vực đức tin trước mặt Sê-sa, tức hoàng đế La Mã (Công 25:8-12). Vì thế, luật pháp La Mã đã giúp ‘bênh vực và hợp pháp hóa quyền rao giảng tin mừng’.—Phi-líp 1:7.

ẢNH HƯỞNG CỦA VIỆC DÂN DO THÁI TẢN MÁT

15. Những cộng đồng người Do Thái lan rộng đến mức nào vào thế kỷ thứ nhất?

15 Trong một số khía cạnh, tín đồ đạo Đấng Ki-tô có thể thấy công việc truyền giáo dễ dàng hơn nhờ cộng đồng người Do Thái đã tản mát khắp đế quốc La Mã. Nhiều thế kỷ trước, quân A-si-ri và sau đó là quân Ba-by-lôn đã bắt dân Do Thái đi lưu đày. Vào thế kỷ thứ năm TCN, cộng đồng người Do Thái đã sống trong 127 tỉnh của đế quốc Phe-rơ-sơ, tức Ba Tư (Ê-xơ-tê 9:30). Khi Chúa Giê-su sống trên đất, đã có những cộng đồng Do Thái ở Ai Cập và những nơi khác ở Bắc Phi, cũng như ở Hy Lạp, Tiểu Á và Mê-sô-bô-ta-mi. Người ta ước tính trong số 60.000.000 người sống tại đế quốc La Mã, cứ 14 người thì có 1 người Do Thái. Khi người Do Thái đến bất cứ nơi nào, họ mang theo tôn giáo của mình đến đó.—Mat 23:15.

16, 17. (a) Cộng đồng Do Thái ở hải ngoại đã mang lại lợi ích nào cho nhiều người thuộc dân ngoại? (b) Các môn đồ của Đấng Ki-tô đã theo khuôn mẫu nào của người Do Thái?

16 Vì cộng đồng Do Thái sống ở hải ngoại nên nhiều người thuộc dân ngoại quen thuộc phần Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ. Họ biết rằng chỉ có một Đức Chúa Trời, và những ai phụng sự ngài phải giữ tiêu chuẩn đạo đức cao. Hơn nữa, phần Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ có nhiều lời tiên tri liên quan đến Đấng Mê-si (Lu 24:44). Cả dân Do Thái lẫn tín đồ đạo Đấng Ki-tô đều hiểu rằng phần Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ được Đức Chúa Trời hướng dẫn. Điều này giúp Phao-lô thiết lập quan điểm chung với những người có lòng hướng đến sự công chính. Vì vậy theo thói quen, sứ đồ Phao-lô vào các nhà hội của người Do Thái và lý luận với họ dựa trên Kinh Thánh.—Đọc Công vụ 17:1, 2.

17 Người Do Thái đã thiết lập khuôn mẫu về sự thờ phượng. Họ thường xuyên hội họp tại nhà hội hoặc ở ngoài trời. Họ ca hát, cầu nguyện và thảo luận Kinh Thánh. Các hội thánh đạo Đấng Ki-tô ngày nay cũng làm theo khuôn mẫu đó.

NHỜ SỰ TRỢ GIÚP CỦA ĐỨC GIÊ-HÔ-VA

18, 19. (a) Những hoàn cảnh vào thế kỷ thứ nhất đã giúp các môn đồ thực hiện được điều gì? (b) Bạn cảm thấy thế nào về Đức Giê-hô-va qua những thông tin trong bài?

18 Những hoàn cảnh đặc biệt đã góp phần vào sự thành công của việc rao truyền tin mừng. Thời kỳ Hòa bình La Mã, việc đi lại tương đối thuận lợi, một ngôn ngữ quốc tế, luật pháp La Mã và sự tản mát của người Do Thái đã giúp các môn đồ của Chúa Giê-su tiếp tục công việc rao giảng do Đức Chúa Trời giao.

19 Bốn thế kỷ trước, triết gia Hy Lạp Plato đã viết: “Thật khó để nhận ra đấng sáng tạo và cha của vũ trụ chúng ta. Ngay cả nếu tìm được ngài, chúng ta cũng không thể nói về ngài cho mọi người”. Tuy nhiên, Chúa Giê-su phán: “Những điều không thể đối với loài người đều có thể đối với Đức Chúa Trời” (Lu 18:27). Đấng Tạo Hóa của vũ trụ muốn người ta tìm kiếm và biết về ngài. Hơn nữa, Chúa Giê-su nói với các môn đồ: “Hãy đi dạy dỗ muôn dân trở thành môn đồ tôi” (Mat 28:19). Nhờ sự trợ giúp của Đức Giê-hô-va, các môn đồ của Chúa Giê-su có thể thực hiện nhiệm vụ này. Bài tiếp theo sẽ cho thấy công việc ấy được thực hiện như thế nào ngày nay.