Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Đức Giê-hô-va hướng dẫn công việc rao giảng toàn cầu

Đức Giê-hô-va hướng dẫn công việc rao giảng toàn cầu

“Ta là Đức Giê-hô-va, Đức Chúa Trời ngươi, là Đấng dạy cho ngươi được ích, và dắt ngươi trong con đường ngươi phải đi”.Ê-SAI 48:17.

1. Tín đồ đạo Đấng Ki-tô thời nay đối mặt với những trở ngại nào trong công việc rao giảng?

Học viên Kinh Thánh * vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20 đã đối mặt với nhiều trở ngại. Giống như các tín đồ vào thế kỷ thứ nhất, họ công bố rộng rãi một thông điệp không mấy được ưa chuộng. Họ chỉ có ít người, và thế gian nói chung xem họ là những người ít học. Ngoài ra không sớm thì muộn, họ phải đương đầu với sự “giận dữ” của Sa-tan Kẻ Quỷ Quyệt (Khải 12:12). Công việc rao giảng của họ được thực hiện trong “những ngày sau cùng”, một thời kỳ được miêu tả là “đặc biệt và rất khó đương đầu”.—2 Ti 3:1.

2. Đức Giê-hô-va làm gì để đẩy mạnh công việc rao giảng vào thời chúng ta?

2 Tuy nhiên, ý định của Đức Giê-hô-va là dân ngài công bố tin mừng trên khắp đất trong thời chúng ta, và không điều gì có thể ngăn cản ngài hoàn thành ý định đó. Như đã giải cứu dân Y-sơ-ra-ên xưa khỏi Ba-by-lôn, Đức Giê-hô-va đã giải thoát các tôi tớ thời hiện đại khỏi “Ba-by-lôn Lớn”, tức đế quốc tôn giáo sai lầm (Khải 18:1-4). Ngài dạy dỗ vì lợi ích của chúng ta, ban sự bình an và huấn luyện chúng ta biết cách dạy người khác. (Đọc Ê-sai 48:16-18). Điều này không có nghĩa là Đức Giê-hô-va dùng khả năng thấy trước của ngài và sau đó tác động đến mọi diễn biến trên đất để đẩy mạnh công việc rao giảng về Nước Trời. Đúng là một số điều kiện đã tạo thuận lợi cho hoạt động làm chứng, nhưng chúng ta vẫn bị ngược đãi và đối mặt với các vấn đề khác đến từ thế gian của Sa-tan. Vì vậy, chỉ với sự trợ giúp của Đức Giê-hô-va, chúng ta mới có thể rao giảng.—Ê-sai 41:13; 1 Giăng 5:19.

3. “Sự hiểu biết thật” trở nên dư dật như thế nào?

3 Dưới sự hướng dẫn của Đức Giê-hô-va, nhà tiên tri Đa-ni-ên báo trước rằng “sự học-thức [“sự hiểu biết thật”, Bản Phổ thông]” sẽ dư dật trong thời kỳ cuối cùng. (Đọc Đa-ni-ên 12:4). Đức Giê-hô-va giúp Học viên Kinh Thánh hiểu những sự thật cơ bản trong Kinh Thánh đã bị các giáo lý của khối Ki-tô giáo che khuất từ lâu. Ngài hiện đang dùng dân của ngài để lan truyền sự hiểu biết thật trên khắp đất. Ngày nay, chúng ta thấy sự ứng nghiệm trong lời tiên tri của Đa-ni-ên. Gần 8.000.000 người chấp nhận sự thật Kinh Thánh và đang công bố sự thật ấy ra khắp thế giới. Một số yếu tố nào đã giúp thực hiện công việc loan báo toàn cầu này?

VIỆC DỊCH KINH THÁNH ĐÃ GIÚP ÍCH THẾ NÀO?

4. Việc dịch Kinh Thánh phổ biến thế nào trong thế kỷ 19?

4 Một yếu tố đã tạo thuận lợi cho việc công bố tin mừng là người ta khắp mọi nơi có cơ hội sở hữu cuốn Kinh Thánh. Trong nhiều thế kỷ, hàng giáo phẩm của khối Ki-tô giáo đã ngăn cản và chống đối người khác đọc Kinh Thánh, thậm chí một số người dịch Kinh Thánh bị khép vào tội chết. Tuy nhiên, trong thế kỷ 19, các hiệp hội Kinh Thánh đã phổ biến trọn bộ hoặc một phần Kinh Thánh trong khoảng 400 ngôn ngữ. Vào cuối thế kỷ đó, nhiều người đã sở hữu một cuốn Kinh Thánh nhưng thiếu sự hiểu biết chính xác về những gì Kinh Thánh dạy.

5. Liên quan đến việc dịch Kinh Thánh, Nhân Chứng Giê-hô-va đã thực hiện được những gì?

5 Học viên Kinh Thánh biết rằng họ phải rao giảng, và họ hăng say giải thích những gì Kinh Thánh dạy. Ngoài ra, dân Đức Giê-hô-va cũng dùng và phân phát nhiều bản dịch Kinh Thánh. Kể từ năm 1950, họ xuất bản trọn bộ hoặc một phần Kinh Thánh—Bản dịch Thế Giới Mới trong hơn 120 ngôn ngữ. Bản dịch Thế Giới Mới hiệu đính năm 2013 (Anh ngữ) giúp việc dịch Kinh Thánh sang những ngôn ngữ khác dễ dàng hơn. Bản dịch rõ ràng và dễ đọc này giúp chúng ta thi hành công việc rao giảng.

GIAI ĐOẠN HÒA BÌNH GIÚP ÍCH RA SAO?

6, 7. (a) Chiến tranh lan rộng thế nào vào thời hiện đại? (b) Sự hòa bình tương đối trong một số nước đã giúp ích thế nào cho công việc rao giảng?

6 Trong thế kỷ 20, hàng triệu người thiệt mạng vì chiến tranh, đặc biệt là trong hai cuộc chiến thế giới. Tuy nhiên, những thời điểm hòa bình đã giúp dân của Đức Giê-hô-va rao giảng qua cách nào? Khi Thế Chiến II đang diễn ra vào năm 1942, người dẫn đầu trong vòng Nhân Chứng Giê-hô-va là anh Nathan Knorr đã trình bày một bài giảng trong hội nghị với tựa đề “Hòa bình—Có thể tồn tại không?”. Bài giảng này xem xét bằng chứng từ Khải huyền chương 17 cho thấy cuộc chiến trên sẽ dẫn đến một giai đoạn hòa bình, chứ không phải Ha-ma-ghê-đôn.—Khải 17:3, 11.

7 Sự chấm dứt của Thế Chiến II không mang lại nền hòa bình trọn vẹn. Theo một bản thống kê, có 331 cuộc xung đột vũ trang kể từ năm 1946 đến năm 2013. Hàng triệu người đã thiệt mạng. Nhưng trong giai đoạn ấy, nhiều nước có sự hòa bình tương đối, và dân Đức Giê-hô-va đã tận dụng hoàn cảnh này để công bố tin mừng. Kết quả là gì? Năm 1944, trên toàn cầu chỉ có gần 110.000 người công bố về Nước Trời, nhưng ngày nay đã lên tới khoảng 8.000.000 người! (Đọc Ê-sai 60:22). Chẳng phải chúng ta quý trọng việc rao giảng tin mừng trong hoàn cảnh hòa bình sao?

VIỆC ĐI LẠI THUẬN LỢI GIÚP ÍCH THẾ NÀO?

8, 9. Lĩnh vực vận tải có những cải tiến nào, và điều này giúp ích cho công việc của chúng ta ra sao?

8 Những cải tiến trong lĩnh vực vận tải đã giúp ích cho công việc rao giảng. Vào năm 1900, khoảng 21 năm kể từ khi số Tháp Canh đầu tiên được in, cả nước Hoa Kỳ chỉ có 8.000 xe hơi được đăng ký, và chỉ có vài trăm kilômét đường bộ tốt. Nhưng hiện nay, trên khắp thế giới có hơn 1,5 tỷ xe hơi được đăng ký và hàng triệu kilômét đường bộ dễ dàng đi lại. Những xe hơi và các tuyến đường bộ đã giúp nhiều người trong chúng ta mang tin mừng đến những nơi xa xôi hẻo lánh. Tuy nhiên, ngay cả nếu phương tiện đi lại không thuận tiện và phải đi bộ rất xa, chúng ta vẫn nỗ lực để đào tạo môn đồ.—Mat 28:19, 20.

9 Phương tiện đi lại đa dạng cũng rất hữu ích cho công việc của chúng ta. Xe tải, tàu thủy và tàu hỏa giúp chuyển các ấn phẩm dựa trên Kinh Thánh đến những vùng xa xôi trong vòng vài tuần. Nhờ máy bay, giám thị vòng quanh, thành viên Ủy ban chi nhánh, giáo sĩ và những anh chị khác có thể đến các hội nghị mà không mất nhiều thời gian hoặc tới các nơi khác để chăm lo trách nhiệm thần quyền. Ngoài ra, thành viên thuộc Hội đồng Lãnh đạo và các anh khác từ trụ sở trung ương có thể di chuyển bằng máy bay đến nhiều nước để khích lệ và hướng dẫn anh em đồng đạo. Vì vậy, sự cải tiến trong lĩnh vực vận tải giúp đẩy mạnh sự hợp nhất trong vòng dân của Đức Giê-hô-va.—Thi 133:1-3.

NGÔN NGỮ GIÚP ÍCH THẾ NÀO?

10. Tại sao có thể nói tiếng Anh là ngôn ngữ quốc tế?

10 Vào thế kỷ thứ nhất, ngôn ngữ Koine hay tiếng Hy Lạp phổ thông được nói phổ biến trong đế quốc La Mã. Ngày nay, ngôn ngữ nào được dùng nhiều nhất trên thế giới? Nhiều người sẽ nói rằng đó là tiếng Anh. Sách Tiếng Anh—Một ngôn ngữ toàn cầu (English as a Global Language) cho biết: “Khoảng 1/4 dân số thế giới nói hoặc sử dụng thành thạo Anh ngữ”. Tiếng Anh là ngoại ngữ được dạy rộng rãi nhất, được dùng để giao tiếp trong lĩnh vực kinh doanh, chính trị, khoa học và công nghệ trên bình diện quốc tế.

11. Tiếng Anh tác động thế nào đến việc đẩy mạnh sự thờ phượng thật?

11 Việc tiếng Anh được sử dụng phổ biến đã giúp đẩy mạnh sự thờ phượng thật. Trong nhiều năm, Tháp Canh và các ấn phẩm dựa trên Kinh Thánh được in ra bằng tiếng Anh trước. Đó là ngôn ngữ chính thức được dùng tại trụ sở trung ương của Nhân Chứng Giê-hô-va. Ngôn ngữ này thường được sử dụng để giảng dạy tại Trung tâm Giáo dục của Hội Tháp Canh ở Patterson, New York, Hoa Kỳ.

12. Tôi tớ Đức Giê-hô-va đã dịch các ấn phẩm dựa trên Kinh Thánh nhiều đến mức nào, và kỹ thuật công nghệ đã hỗ trợ ra sao?

12 Vì có trách nhiệm rao truyền tin mừng Nước Trời cho mọi dân, nên chúng ta đã dịch các ấn phẩm ra khoảng 700 ngôn ngữ. Sự phát triển của công nghệ máy tính, kể cả sự cải tiến của MEPS (Phương pháp sắp chữ bằng quang điện tử cho nhiều ngôn ngữ), đã hỗ trợ chúng ta trong công việc quy mô này. Những nỗ lực ấy giúp chúng ta lan truyền thông điệp Nước Trời và đẩy mạnh sự hợp nhất trong vòng anh em trên khắp đất. Nhưng chúng ta đặc biệt hợp nhất vì cùng nói một ngôn ngữ rất quan trọng, đó là “môi-miếng [“ngôn ngữ”, BPT] thanh-sạch” của sự thật Kinh Thánh.—Đọc Sô-phô-ni 3:9.

LUẬT PHÁP GIÚP ÍCH THẾ NÀO?

13, 14. Tín đồ đạo Đấng Ki-tô ngày nay nhận lợi ích nào từ luật pháp và các phán quyết hợp pháp?

13 Như được thảo luận trong bài trước, tín đồ thời ban đầu hưởng lợi ích từ luật pháp La Mã, một bộ luật có hiệu lực khắp đế quốc. Tương tự, tín đồ đạo Đấng Ki-tô ngày nay hưởng lợi ích từ những điều khoản của luật pháp. Chẳng hạn ở Hoa Kỳ, nơi chúng ta đặt trụ sở trung ương, hiến pháp của quốc gia này đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, ngôn luận và hội họp. Điều này giúp anh em ở đó có sự tự do để công khai nhóm lại cũng như thảo luận Kinh Thánh, và chia sẻ những điều họ học với người khác. Tuy nhiên, để có sự tự do thi hành một số quyền thì quyền ấy phải được tòa án hợp pháp hóa (Phi-líp 1:7). Ở Hoa Kỳ, khi bị kiện thì dân Đức Giê-hô-va kháng cáo lên tòa án cấp cao, và tòa án đã nhiều lần bênh vực quyền cho người công bố Nước Trời.

14 Tòa án tại các quốc gia khác cũng ủng hộ sự tự do tín ngưỡng và việc rao giảng công khai của chúng ta. Tại vài xứ, chúng ta thất bại trong các cuộc đấu tranh về pháp lý tại địa phương, nhưng chúng ta đã kháng cáo lên các tòa án quốc tế. Chẳng hạn, kể từ tháng 6 năm 2014, Tòa án Nhân quyền Châu Âu đã đưa ra phán quyết có lợi cho chúng ta trong 57 vụ kiện, buộc các quốc gia thuộc Hội đồng châu Âu thi hành những phán quyết này. Dù chúng ta “bị mọi dân thù ghét” nhưng tòa án của nhiều nước đã công nhận quyền tự do thờ phượng của chúng ta.—Mat 24:9.

NHỮNG YẾU TỐ KHÁC ẢNH HƯỞNG THẾ NÀO ĐẾN CÔNG VIỆC DẠY DỖ?

Chúng ta mời nhận ấn phẩm dựa trên Kinh Thánh trong nhiều ngôn ngữ

15. Ngành in có những cải tiến nào, và điều này hỗ trợ chúng ta ra sao?

15 Sự cải tiến trong ngành in đã góp phần vào công việc rao giảng tin mừng ra khắp đất. Trong nhiều thế kỷ, loại máy in bằng kỹ thuật xếp chữ do ông Johannes Gutenberg phát minh vào khoảng năm 1450 không thay đổi nhiều. Tuy nhiên, trong hai thế kỷ qua, có những thay đổi đáng chú ý trong ngành in. Máy in lớn hơn, nhanh hơn và tinh vi hơn. Việc sản xuất giấy và đóng sách ít tốn kém hơn. Nhờ kỹ thuật in offset ra đời, quy trình in ấn được đẩy nhanh và chất lượng hình ảnh được cải tiến. Tất cả những điều này có nghĩa gì đối với công việc của chúng ta? Hãy xem xét điều này: Tháp Canh đầu tiên (tháng 7 năm 1879) được in 6.000 bản, không có hình minh họa và chỉ có trong một ngôn ngữ, đó là tiếng Anh. Nhưng ngày nay—sau 136 năm—mỗi số Tháp Canh được in và phân phát hơn 50.000.000 bản. Tạp chí với hình màu đẹp và có trong hơn 200 ngôn ngữ.

16. Những phát minh nào đã hỗ trợ chúng ta trong việc rao giảng ra khắp đất? (Xem hình nơi đầu bài).

16 Hãy xem xét một số phát minh trong 200 năm qua mà dân Đức Chúa Trời đã dùng trong việc rao giảng tin mừng. Chúng ta đã đề cập đến tàu lửa, xe hơi và máy bay. Nhưng ngoài ra còn có xe đạp, máy đánh chữ, những thiết bị để dùng chữ nổi, máy điện tín, điện thoại, máy chụp hình, máy ghi âm và ghi hình, radio, ti-vi, phim ảnh, máy vi tính và Internet. Các thiết bị này đã giúp chúng ta hoàn thành sứ mạng đào tạo môn đồ qua nhiều cách khác nhau. Như đã được tiên tri, dân Đức Giê-hô-va sẽ “hút sữa của các nước”. Điều này được ứng nghiệm khi chúng ta dùng những phát minh của các nước một cách khôn ngoan, chẳng hạn như công nghệ hiện đại, để xuất bản Kinh Thánh và những ấn phẩm dựa trên Kinh Thánh trong nhiều ngôn ngữ.—Đọc Ê-sai 60:16.

17. (a) Các sự kiện chúng ta vừa thảo luận cho thấy điều gì? (b) Tại sao Đức Giê-hô-va ban cho chúng ta cơ hội “cùng làm việc” với ngài?

17 Rõ ràng, chúng ta có bằng chứng vững chắc cho thấy Đức Giê-hô-va ban phước cho dân ngài. Dĩ nhiên, Đức Giê-hô-va không dựa vào sự trợ giúp của chúng ta để hoàn thành ý định của ngài. Nhưng Cha yêu thương trên trời cho chúng ta cơ hội trở thành “bạn cùng làm việc” với ngài để chúng ta có thể biểu lộ tình yêu thương với ngài và người lân cận (1 Cô 3:9; Mác 12:28-31). Mong sao chúng ta tận dụng mọi cơ hội để loan báo thông điệp Nước Trời, một công việc quan trọng nhất trên đất. Bằng mọi cách, hãy cho thấy mình biết ơn Đức Giê-hô-va vì ngài đã hướng dẫn và ban phước cho công việc rao giảng toàn cầu!

^ đ. 1 Học viên Kinh Thánh đón nhận danh hiệu Nhân Chứng Giê-hô-va vào năm 1931.—Ê-sai 43:10.