Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Độc giả thắc mắc

Độc giả thắc mắc

Trong quá khứ, ấn phẩm của chúng ta thường đề cập đến ý nghĩa tượng trưng của nhân vật, sự kiện hay đồ vật được nói đến trong Kinh Thánh, nhưng trong những năm gần đây thì hiếm khi nói về điều này. Tại sao?

Tháp Canh (Anh ngữ) ngày 15-9-1950 giải thích rằng đôi khi một nhân vật, sự kiện hoặc đồ vật trong Kinh Thánh tượng trưng cho điều lớn hơn trong tương lai. Trong quá khứ, ấn phẩm của chúng ta nói rằng những người nam nữ trung thành như Đê-bô-ra, Ê-li-hu, Giép-thê, Gióp, Ra-háp, Rê-bê-ca và nhiều người khác tượng trưng cho những tín đồ được xức dầu hoặc “đám đông” (Khải 7:9). Chẳng hạn như Giép-thê, Gióp và Rê-bê-ca từng được cho là tượng trưng cho những người được xức dầu, còn Đê-bô-ra và Ra-háp tượng trưng cho đám đông. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, chúng ta không so sánh như thế nữa. Tại sao?

Kinh Thánh cho thấy một số nhân vật trong Kinh Thánh tượng trưng cho điều lớn hơn. Như được ghi nơi Ga-la-ti 4:21-31, sứ đồ Phao-lô nói đến một ‘câu chuyện mang ý nghĩa tượng trưng’ liên quan đến hai người nữ. A-ga, đầy tớ gái của Áp-ra-ham, tượng trưng cho Y-sơ-ra-ên theo huyết thống, một dân ràng buộc với Đức Giê-hô-va qua Luật pháp Môi-se. Nhưng Sa-ra, “người nữ tự do”, tượng trưng cho vợ của Đức Chúa Trời, tức phần trên trời của tổ chức ngài. Trong thư gửi cho người Hê-bơ-rơ, Phao-lô liên kết vua và thầy tế lễ Mên-chi-xê-đéc với Chúa Giê-su. Ông nêu bật cụ thể những điểm tương đồng giữa hai người (Hê 6:20; 7:1-3). Ngoài ra, Phao-lô còn ví Ê-sai và các con trai của ông với Chúa Giê-su và những tín đồ được xức dầu (Hê 2:13, 14). Phao-lô đã được soi dẫn để ghi lại những điều này. Vì thế, chúng ta sẵn sàng chấp nhận sự giải thích của ông về ý nghĩa tượng trưng của những nhân vật trên.

LỜI TƯỜNG THUẬT

Vào thời dân Y-sơ-ra-ên xưa, con sinh tế dành cho Lễ Vượt Qua được dâng mang ý nghĩa tượng trưng.—Phục 16:6.

Ý NGHĨA TƯỢNG TRƯNG

Phao-lô cho biết Đấng Ki-tô là “con sinh tế dành cho Lễ Vượt Qua của chúng ta”.—1 Cô 5:7.

Tuy nhiên, ngay cả những nơi trong Kinh Thánh cho biết một nhân vật nào đó mang ý nghĩa tượng trưng thì chúng ta không nên kết luận rằng mọi chi tiết hay sự kiện trong cuộc đời của người ấy đều tượng trưng cho điều lớn hơn. Chẳng hạn, Phao-lô nói rằng Mên-chi-xê-đéc tượng trưng cho Chúa Giê-su, nhưng ông không nói gì về lần Mên-chi-xê-đéc đem bánh và rượu cho Áp-ra-ham dùng sau khi Áp-ra-ham đánh bại bốn vua. Vì vậy, không có cơ sở nào từ Kinh Thánh để tìm ý nghĩa nằm sau sự kiện ấy.—Sáng 14:1, 18.

Một số tác giả sống vào những thế kỷ sau cái chết của Chúa Giê-su đã rơi vào một cạm bẫy, đó là họ thấy ý nghĩa tượng trưng trong đa số lời tường thuật. Về sự dạy dỗ của Origen, Ambrose và Jerome, Bách khoa từ điển Kinh Thánh tiêu chuẩn quốc tế (The International Standard Bible Encyclopaedia) giải thích: “Họ tìm những ý nghĩa tượng trưng trong Kinh Thánh, và dĩ nhiên họ tìm được điều đó trong mọi sự việc, dù là nhỏ. Ngay cả trường hợp đơn giản và bình thường nhất, những người này cũng cho rằng trong đó chứa sự thật huyền bí..., thậm chí con số 153, số lượng cá mà các môn đồ bắt được vào đêm Đấng Cứu Rỗi hiện ra với họ. Nhiều người cố giải thích con số đó!”.

Augustine ở Hippo có nhiều ý kiến về lời tường thuật Chúa Giê-su cho khoảng 5.000 người đàn ông ăn chỉ với năm ổ bánh lúa mạch và hai con cá. Vì lúa mạch được xem là kém hơn lúa mì nên Augustine kết luận rằng năm ổ bánh hẳn tượng trưng cho năm sách của Môi-se. Điều này có nghĩa là “Cựu ước” không bằng “Tân ước”. Còn về hai con cá thì sao? Vì một lý do nào đó, ông liên kết hai con cá với một vị vua và một thầy tế lễ. Một học giả khác thích tìm ý nghĩa tượng trưng của lời tường thuật thì quả quyết rằng việc Gia-cốp mua quyền trưởng nam của Ê-sau bằng một bát canh đậu đỏ tượng trưng cho việc Chúa Giê-su dùng huyết của ngài để mua di sản ở trên trời hầu ban cho nhân loại!

Nếu những sự giải thích ấy dường như khó tin, bạn có thể hiểu vấn đề ở đây là gì. Con người không thể biết lời tường thuật nào trong Kinh Thánh là bóng của những điều sẽ đến và lời tường thuật nào là không. Vì vậy, điều khôn ngoan nhất là: Khi Kinh Thánh dạy rằng một nhân vật, sự kiện hoặc đồ vật tượng trưng cho điều gì đó, thì chúng ta chấp nhận cách giải thích ấy. Ngược lại, chúng ta không nên vội gán ý nghĩa tượng trưng cho một nhân vật hoặc lời tường thuật nào đó nếu không có cơ sở cụ thể dựa trên Kinh Thánh.

Vậy chúng ta có thể nhận được lợi ích nào khi xem xét những sự kiện và các trường hợp trong Kinh Thánh? Sứ đồ Phao-lô nói nơi Rô-ma 15:4: “Hết thảy những điều được viết từ trước đều để chỉ dạy chúng ta, hầu cho bởi sự chịu đựng của chúng ta và sự an ủi đến từ Kinh Thánh mà chúng ta có hy vọng”. Phao-lô nói rằng những anh em được xức dầu vào thế kỷ thứ nhất có thể rút ra những bài học quan trọng từ các sự kiện trong Kinh Thánh. Tuy nhiên, dân Đức Chúa Trời thuộc mọi thế hệ, dù được xức dầu hay “các chiên khác” và sống vào “những ngày sau cùng” hay không, đều được lợi ích từ “hết thảy những điều được viết từ trước”.—Giăng 10:16; 2 Ti 3:1.

Vì thế, đa số những lời tường thuật trong Kinh Thánh không chỉ áp dụng cho một lớp người, dù là tín đồ được xức dầu hay đám đông, và không chỉ áp dụng trong một giai đoạn nhất định. Nhưng dân của Đức Chúa Trời, thuộc lớp người nào hay thời kỳ nào, đều có thể áp dụng nhiều bài học từ các lời tường thuật. Chẳng hạn, sự đau khổ của Gióp không chỉ tượng trưng cho tình trạng đau khổ mà những tín đồ được xức dầu phải đương đầu trong Thế Chiến I. Nhiều tôi tớ của Đức Chúa Trời, cả nam lẫn nữ, cả tín đồ được xức dầu và đám đông, đều đã trải qua sự đau khổ giống như Gióp. Họ ‘thấy kết cuộc Đức Giê-hô-va ban cho, thấy rằng Đức Giê-hô-va là đấng có lòng trìu mến và thương xót’.—Gia 5:11.

Trong hội thánh ngày nay, chúng ta thấy có những chị lớn tuổi trung thành giống như Đê-bô-ra, những trưởng lão trẻ và khôn ngoan như Ê-li-hu, các tiên phong sốt sắng và can đảm như Giép-thê và những anh chị trung thành, kiên nhẫn như Gióp. Chúng ta thật biết ơn Đức Giê-hô-va vì đã bảo tồn lời tường thuật của “hết thảy những điều được viết từ trước” hầu cho bởi “sự an ủi đến từ Kinh Thánh mà chúng ta có hy vọng”!

Vì những lý do này nên ấn phẩm của chúng ta trong các năm gần đây nhấn mạnh bài học từ những lời tường thuật trong Kinh Thánh, thay vì cố tìm ý nghĩa tượng trưng hoặc sự ứng nghiệm trong tương lai.