Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Hãy rút ra bài học từ minh họa về ta-lâng

Hãy rút ra bài học từ minh họa về ta-lâng

“Ông đưa người này năm ta-lâng, người kia hai và người khác nữa thì một”.—MAT 25:15.

1, 2. Tại sao Chúa Giê-su đưa ra dụ ngôn về ta-lâng?

Trong dụ ngôn về ta-lâng, Chúa Giê-su cho biết rõ trách nhiệm đặt trên vai các môn đồ được xức dầu. Chúng ta cần hiểu ý nghĩa của dụ ngôn vì dụ ngôn này ảnh hưởng đến mọi tín đồ chân chính của Đấng Ki-tô, dù họ có hy vọng nhận phần thưởng trên trời hay trên đất.

2 Chúa Giê-su đưa ra dụ ngôn về ta-lâng để giải đáp một phần cho câu hỏi của các môn đồ về ‘dấu hiệu cho thấy sự hiện diện của ngài và kỳ cuối cùng của thời đại này’ (Mat 24:3). Vì vậy, dụ ngôn ứng nghiệm trong thời kỳ chúng ta và là một phần của dấu hiệu cho thấy Chúa Giê-su đã hiện diện và đang làm Vua.

3. Chúng ta rút ra các bài học nào từ những minh họa được ghi nơi Ma-thi-ơ chương 24 và 25?

3 Dụ ngôn về ta-lâng là một trong bốn minh họa liên quan đến nhau được tường thuật nơi Ma-thi-ơ từ chương 24:45 đến chương 25:46. Ba minh họa khác nói về đầy tớ trung tín và khôn ngoan, mười trinh nữ, chiên và dê. Những minh họa này cũng là một phần của lời giải đáp về dấu hiệu sự hiện diện của Chúa Giê-su. Trong cả bốn minh họa, ngài nhấn mạnh các đặc điểm cho thấy ai là các môn đồ chân chính trong những ngày sau cùng. Minh họa về đầy tớ, mười trinh nữ và ta-lâng hướng đến các môn đồ được xức dầu. Trong minh họa về đầy tớ trung tín, Chúa Giê-su nhấn mạnh rằng nhóm nhỏ tín đồ được xức dầu có nhiệm vụ cung cấp thức ăn cho các đầy tớ trong những ngày sau cùng phải trung tín khôn ngoan. Trong dụ ngôn về trinh nữ, Chúa Giê-su nhấn mạnh rằng tất cả những môn đồ được xức dầu phải sẵn sàng cảnh giác, vì họ biết Chúa Giê-su sẽ đến nhưng không biết ngày và giờ. Trong dụ ngôn về ta-lâng, Chúa Giê-su cho thấy những người được xức dầu phải siêng năng thi hành các trách nhiệm được giao. Ngài hướng minh họa cuối về chiên và dê đến những người có hy vọng sống trên đất. Chúa Giê-su nhấn mạnh việc họ phải trung thành và ủng hộ hết lòng anh em được xức dầu của ngài ở trên đất. * Giờ đây, chúng ta hãy xem xét minh họa về ta-lâng.

CHỦ GIAO TÀI SẢN CHO NHỮNG ĐẦY TỚ

4, 5. Người đàn ông trong minh họa tượng trưng cho ai, và một ta-lâng theo nghĩa đen có giá trị bao nhiêu?

4 Đọc Ma-thi-ơ 25:14-30. Từ lâu, ấn phẩm của chúng ta giải thích người đàn ông, hay chủ, trong minh họa là Chúa Giê-su, và việc ngài đi xa là khi ngài trở về trời vào năm 33 CN. Trong dụ ngôn trước đó, Chúa Giê-su tiết lộ mục đích đi xa của ngài là “để nhận vương quyền” (Lu 19:12). Chúa Giê-su không nhận vương quyền Nước Trời ngay sau khi ngài trở về trời. * Thay vì thế, ngài “ngồi bên hữu Đức Chúa Trời, và từ đó đợi chờ cho đến khi những kẻ thù của ngài bị đặt làm bệ dưới chân ngài”.—Hê 10:12, 13.

5 Người đàn ông trong minh họa có tám ta-lâng, một tài sản lớn vào thời bấy giờ. * Trước khi đi xa, ông phân phát những ta-lâng cho các tôi tớ. Ông muốn họ dùng các ta-lâng đó để đi làm ăn trong thời gian ông vắng nhà. Giống như người đàn ông đó, Chúa Giê-su có một điều vô cùng quý giá trước khi ngài về trời. Đó là gì? Chúng ta sẽ biết câu trả lời bằng cách xem xét công việc ngài làm khi sống trên đất.

6, 7. Các ta-lâng tượng trưng cho điều gì?

6 Công việc rao giảng và dạy dỗ rất quan trọng đối với Chúa Giê-su. (Đọc Lu-ca 4:43). Qua công việc này, ngài đã chuẩn bị một cánh đồng đầy tiềm năng. Trước đó, ngài nói với các môn đồ: “Hãy ngước mắt lên nhìn cánh đồng, lúa đã chín và đang chờ gặt hái” (Giăng 4:35-38). Ngài đang nghĩ đến việc thu nhóm nhiều người có lòng thành sẽ trở thành môn đồ của ngài. Giống như người nông dân siêng năng, Chúa Giê-su sẽ không bỏ mặc cánh đồng đang chờ gặt hái. Thế nên, một thời gian ngắn sau khi được sống lại và trước khi lên trời, ngài đã giao cho các môn đồ sứ mạng quan trọng: “Hãy đi dạy dỗ muôn dân trở thành môn đồ tôi” (Mat 28:18-20). Khi làm thế, Chúa Giê-su giao của báu cho các môn đồ, tức thánh chức của tín đồ đạo Đấng Ki-tô.—2 Cô 4:7.

7 Vậy chúng ta có thể kết luận điều gì? Khi giao cho các môn đồ sứ mạng đào tạo môn đồ, như thể Chúa Giê-su giao “tài sản của mình”, tức các ta-lâng, cho họ (Mat 25:14). Nói đơn giản, các ta-lâng tượng trưng cho trách nhiệm rao giảng và đào tạo môn đồ.

8. Dù mỗi đầy tớ nhận số ta-lâng khác nhau nhưng người chủ muốn họ làm gì?

8 Dụ ngôn về ta-lâng tiết lộ rằng người chủ giao cho một đầy tớ năm ta-lâng, người kia hai và người khác nữa thì một (Mat 25:15). Dù mỗi đầy tớ nhận số ta-lâng khác nhau nhưng người chủ muốn tất cả đầy tớ siêng năng trong việc dùng các ta-lâng ấy, nghĩa là phụng sự hết khả năng của mình trong thánh chức (Mat 22:37; Cô 3:23). Vào thế kỷ thứ nhất, kể từ Lễ Ngũ Tuần năm 33 CN, môn đồ của Đấng Ki-tô bắt đầu dùng các ta-lâng để đi làm ăn. Sự siêng năng của họ trong công việc rao giảng và đào tạo môn đồ được ghi rõ trong sách Công vụ. *Công 6:7; 12:24; 19:20.

DÙNG CÁC TA-LÂNG ĐI LÀM ĂN TRONG THỜI KỲ CUỐI CÙNG

9. (a) Hai đầy tớ trung thành đã dùng ta-lâng để làm gì, và điều đó cho biết gì? (b) “Các chiên khác” đóng vai trò nào?

9 Trong thời kỳ cuối cùng, đặc biệt kể từ năm 1919 trở đi, những đầy tớ trung thành được xức dầu trên đất đã dùng các ta-lâng của Chủ để làm ăn. Giống như hai đầy tớ đầu, những anh chị được xức dầu đã dùng tất cả những gì họ có và nỗ lực hết sức trong công việc rao giảng. Chúng ta không cần phỏng đoán xem ai nhận năm ta-lâng và ai nhận hai ta-lâng. Trong minh họa, hai đầy tớ này đều làm cho ta-lâng của chủ sinh lợi gấp đôi nên cả hai đều siêng năng như nhau. Vậy những người có hy vọng sống trên đất đóng vai trò nào? Một vai trò quan trọng! Minh họa của Chúa Giê-su về chiên và dê dạy chúng ta rằng những người có hy vọng sống trên đất có vinh dự ủng hộ anh em được xức dầu của Chúa Giê-su cách trung thành trong việc rao giảng và dạy dỗ. Trong những ngày sau cùng đầy khó khăn này, hai nhóm cùng làm việc như “một bầy” bằng cách sốt sắng thi hành nhiệm vụ đào tạo môn đồ.—Giăng 10:16.

10. Một phần quan trọng của dấu hiệu chỉ về sự hiện diện của Chúa Giê-su là gì?

10 Chủ có quyền đòi hỏi kết quả. Như được đề cập ở trên, các môn đồ trung thành vào thế kỷ thứ nhất chắc chắn đã gia tăng tài sản của chủ. Nói sao về thời kỳ cuối cùng khi dụ ngôn về ta-lâng được ứng nghiệm? Các tôi tớ trung thành, siêng năng của Chúa Giê-su đã thực hiện công việc rao giảng và đào tạo môn đồ trên bình diện rộng lớn nhất trong lịch sử. Nhờ nỗ lực của tất cả các môn đồ của Chúa Giê-su, mỗi năm có hàng trăm ngàn môn đồ mới gia nhập hàng ngũ những người rao truyền về Nước Trời. Điều này cho thấy rõ công việc rao truyền và dạy dỗ là một phần quan trọng của dấu hiệu chỉ về sự hiện diện của Chúa Giê-su trong vương quyền Nước Trời. Chắc chắn Chủ của họ rất hài lòng!

Đấng Ki-tô giao cho những đầy tớ trọng trách cao quý, đó là công việc rao giảng (Xem đoạn 10)

KHI NÀO CHỦ SẼ ĐẾN TÍNH TOÁN SỔ SÁCH?

11. Điều gì khiến chúng ta kết luận rằng Chúa Giê-su sẽ đến tính toán sổ sách trong hoạn nạn lớn?

11 Chúa Giê-su sẽ đến tính toán sổ sách với những đầy tớ vào cuối hoạn nạn lớn. Điều gì khiến chúng ta kết luận như thế? Trong lời tiên tri được ghi nơi Ma-thi-ơ chương 24 và 25, Chúa Giê-su nhiều lần nhắc đến việc ngài đến. Về sự phán xét trong hoạn nạn lớn, ngài nói rằng người ta “sẽ thấy Con Người đến trong các đám mây trên trời”. Ngài khuyến khích các môn đồ đang sống trong những ngày sau cùng hãy cảnh giác, khi nói: “Anh em không biết ngày nào Chúa mình đến” và “Con Người sẽ đến vào giờ mà anh em không ngờ” (Mat 24:30, 42, 44). Vì vậy, khi Chúa Giê-su nói: “Chủ của những đầy tớ đó trở về tính toán sổ sách”, ngài ám chỉ thời điểm mà ngài sẽ đến để phán xét con người và hủy diệt thế gian của Sa-tan. *Mat 25:19.

12, 13. (a) Chủ đối xử thế nào với hai đầy tớ đầu tiên, và tại sao? (b) Khi nào những người được xức dầu nhận sự đóng ấn lần cuối? (Xem khung “ Họ được xét là xứng đáng khi chết”). (c) Những người được xét là chiên sẽ nhận phần thưởng nào?

12 Theo dụ ngôn, khi trở về, người chủ nhận thấy hai đầy tớ đầu tiên—người được giao năm ta-lâng và người được giao hai ta-lâng—đã chứng tỏ sự trung thành. Mỗi người làm cho ta-lâng của chủ sinh lợi gấp đôi. Chủ nói với mỗi đầy tớ: “Tốt lắm, đầy tớ trung tín và giỏi giang! Ngươi đã trung tín trong một số việc, ta sẽ giao cho ngươi nhiều việc hơn nữa” (Mat 25:21, 23). Vậy chúng ta có thể mong đợi điều gì khi Chủ là Chúa Giê-su vinh hiển đến để phán xét trong tương lai?

13 Hai đầy tớ đầu tiên tượng trưng cho những môn đồ được xức dầu làm việc siêng năng. Các môn đồ này sẽ nhận sự đóng ấn lần cuối trước khi hoạn nạn lớn xảy ra (Khải 7:1-3). Trước Ha-ma-ghê-đôn, Chúa Giê-su sẽ ban cho họ phần thưởng trên trời như ngài hứa. Những người có hy vọng sống trên đất ủng hộ anh em của Đấng Ki-tô trong việc rao giảng sẽ được xét là chiên và có đặc ân sống trên đất dưới sự cai trị của Nước Trời.—Mat 25:34.

ĐẦY TỚ VÔ DỤNG BIẾNG NHÁC

14, 15. Chúa Giê-su có ám chỉ rằng nhiều anh em được xức dầu của ngài sẽ trở nên vô dụng biếng nhác không? Hãy giải thích.

14 Trong dụ ngôn, đầy tớ cuối cùng đem chôn ta-lâng được giao, thay vì đi làm ăn hoặc gửi lấy lãi. Người đầy tớ này thể hiện tinh thần xấu vì cố tình đi ngược lại với quyền lợi của chủ. Chủ đã đúng khi gọi hắn là đầy tớ “vô dụng biếng nhác”. Chủ lấy lại ta-lâng hắn giữ và đưa cho người có mười ta-lâng. Tên đầy tớ vô dụng bị quăng “ra nơi tối tăm ở bên ngoài”. Tại đó, “hắn sẽ khóc lóc rên xiết”.—Mat 25:24-30; Lu 19:22, 23.

15 Một trong ba đầy tớ đã giấu ta-lâng của chủ. Vậy có phải Chúa Giê-su ám chỉ rằng một phần ba các môn đồ được xức dầu sẽ trở nên vô dụng biếng nhác không? Không. Hãy xem xét văn cảnh. Trong minh họa về đầy tớ trung tín và khôn ngoan, Chúa Giê-su nói về một đầy tớ xấu đánh đập những đầy tớ khác. Chúa Giê-su không báo trước rằng sẽ có lớp đầy tớ xấu dấy lên. Thay vì vậy, ngài cảnh báo đầy tớ trung tín không nên có những đặc điểm của đầy tớ xấu. Tương tự, trong minh họa về mười trinh nữ, Chúa Giê-su không ám chỉ rằng phân nửa môn đồ được xức dầu sẽ giống như năm trinh nữ dại. Thay vì thế, ngài cảnh báo các anh em thiêng liêng của ngài về điều sẽ xảy ra nếu họ mất tinh thần cảnh giác và không cho thấy mình sẵn sàng. * Dựa vào văn cảnh này, dường như hợp lý để kết luận rằng trong minh họa về ta-lâng, Chúa Giê-su không nói là nhiều anh em được xức dầu của ngài sẽ trở nên vô dụng biếng nhác vào những ngày sau cùng. Thay vì thế, Chúa Giê-su đang cảnh báo các môn đồ được xức dầu tránh có thái độ và hành động của đầy tớ vô dụng, nhưng cần tiếp tục siêng năng, đó là dùng các ta-lâng để “đi làm ăn”.—Mat 25:16.

16. (a) Chúng ta rút ra các bài học nào từ dụ ngôn về ta-lâng? (b) Bài này giúp chúng ta hiểu rõ hơn dụ ngôn về ta-lâng như thế nào? (Xem khung “ Chúng ta nên hiểu thế nào minh họa về ta-lâng?”).

16 Chúng ta rút ra hai bài học nào từ dụ ngôn về ta-lâng? Thứ nhất, Chủ là Đấng Ki-tô giao cho những đầy tớ được xức dầu điều mà ngài xem rất quý giá, đó là sứ mạng rao giảng và đào tạo môn đồ. Thứ hai, Đấng Ki-tô muốn tất cả chúng ta siêng năng trong công việc rao giảng. Nếu trung thành làm điều này, giữ vững đức tin và có tinh thần cảnh giác, chúng ta có thể tin chắc Chủ sẽ ban thưởng.—Mat 25:21, 23, 34.

^ đ. 3 Tháp Canh ngày 15-7-2013, trang 21, 22, đoạn 8-10 giải thích ai là đầy tớ trung tín và khôn ngoan. Bài trước của tạp chí này cho biết ai là những trinh nữ. Minh họa về chiên và dê được giải thích trong Tháp Canh ngày 15-10-1995, trang 23-28, và trong bài kế tiếp của tạp chí này.

^ đ. 5 Vào thời Chúa Giê-su, một ta-lâng tương đương với khoảng 6.000 đơ-na-ri-on. Người làm công trung bình kiếm được một đơ-na-ri-on trong một ngày. Vì thế, người ấy phải mất khoảng 20 năm để kiếm được chỉ một ta-lâng.

^ đ. 8 Sau khi các sứ đồ qua đời, Sa-tan đẩy mạnh sự bội đạo và tình trạng này nở rộ trong nhiều thế kỷ. Trong thời gian đó, công việc đào tạo môn đồ chỉ được thực hiện rất ít. Nhưng mọi điều sẽ thay đổi trong “mùa gặt”, tức những ngày sau cùng (Mat 13:24-30, 36-43). Xem Tháp Canh ngày 15-7-2013, trang 9-12.

^ đ. 15 Xem đoạn 13 của bài “Bạn có ‘luôn thức canh’ không?” trong tạp chí này.