Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

BÀI TRANG BÌA | LÀM SAO VƯỢT QUA NỖI LO LẮNG?

Nỗi lo lắng khắp mọi nơi!

Nỗi lo lắng khắp mọi nơi!

“Tôi đi mua thực phẩm nhưng chỉ thấy có bánh ngọt, đắt gấp 10.000 lần giá bình thường! Hôm sau, các cửa hàng hết sạch thực phẩm”.—Anh Paul, Zimbabwe.

“Chồng tôi bảo tôi ngồi xuống, rồi nói anh ấy sẽ bỏ mẹ con tôi. Làm sao tôi có thể chịu đựng được sự phản bội như thế? Các con tôi sẽ ra sao?”.—Chị Janet, Hoa Kỳ.

“Khi tiếng còi báo động vang lên, tôi chạy tìm nơi trú ẩn, nằm trên sàn khi hỏa tiễn nổ. Hàng giờ sau, tay tôi vẫn còn run”.—Chị Alona, Israel.

Chúng ta sống trong thời kỳ có nhiều nỗi lo, “thời kỳ đặc biệt và rất khó đương đầu” (2 Ti-mô-thê 3:1). Nhiều người phải lao đao với khủng hoảng tài chính, gia đình đổ vỡ, chiến tranh, căn bệnh nan y, những thảm họa thiên nhiên hoặc do con người gây ra. Hơn nữa, còn có những lo lắng cá nhân: “Liệu khối u đang phát triển trên cơ thể tôi có phải là ung thư không?”, “Tương lai con cháu tôi sẽ ra sao?”.

Nhưng không phải mọi nỗi lo đều có hại. Chẳng hạn, chúng ta thấy căng thẳng trước kỳ thi, buổi trình diễn hoặc phỏng vấn xin việc. Nỗi lo sợ gặp nguy hiểm giúp chúng ta tránh bị tổn hại. Nhưng nếu lo âu thái quá hoặc thường xuyên thì không tốt. Một loạt nghiên cứu gần đây trên 68.000 người trưởng thành cho thấy ngay cả lo lắng ít cũng gia tăng nguy cơ chết sớm. Với lý do chính đáng, Chúa Giê-su hỏi: “Có ai trong anh em lo lắng mà làm cho đời mình dài thêm một khắc không?”. Đúng là nỗi lo lắng không giúp một người sống lâu hơn. Vì vậy, Chúa Giê-su khuyên: “Đừng lo lắng” (Ma-thi-ơ 6:25, 27). Nhưng làm sao có thể thực hiện được?

Lời giải đáp liên quan đến việc áp dụng sự khôn ngoan thực tiễn, vun đắp đức tin nơi Đức Chúa Trời và ấp ủ hy vọng về tương lai. Ngay cả hiện giờ chúng ta không gặp những hoàn cảnh gian nan, nhưng trong tương lai chúng ta có thể gặp. Vậy, hãy xem anh Paul, chị Janet và chị Alona đã đương đầu thế nào trước nỗi lo lắng.