Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Anh chị có đang đạt đến vóc dáng như Đấng Ki-tô không?

Anh chị có đang đạt đến vóc dáng như Đấng Ki-tô không?

“Đạt được vóc dáng trọn vẹn như Đấng Ki-tô”.Ê-PHÊ 4:13.

BÀI HÁT: 69, 70

1, 2. Mỗi tín đồ đạo Đấng Ki-tô nên cố gắng đạt đến mục tiêu nào? Hãy minh họa.

Khi đi chợ mua trái cây, người nội trợ có kinh nghiệm sẽ không luôn chọn những trái to nhất hoặc rẻ nhất. Thay vì thế, bà sẽ tìm những trái tươi, thơm ngon, có nhiều dinh dưỡng và ăn được ngay. Thật vậy, bà muốn tìm những trái đã chín.

2 Tương tự, sau khi một người đã tiến bộ đến bước dâng mình và làm báp-têm, người ấy sẽ tiếp tục tấn tới. Mục tiêu của người ấy là trở thành một tôi tớ thành thục của Đức Chúa Trời. Trong thư gửi cho tín đồ ở Ê-phê-sô, sứ đồ Phao-lô nói về việc họ cần tiến bộ về thiêng liêng. Ông khuyến khích họ đạt đến sự “hợp nhất về niềm tin cũng như sự hiểu biết chính xác về Con Đức Chúa Trời, trở nên người trưởng thành, đạt được vóc dáng trọn vẹn như Đấng Ki-tô”.—Ê-phê 4:13.

3. Tình trạng nào trong vòng dân Đức Giê-hô-va ngày nay giống với tình trạng ở hội thánh Ê-phê-sô?

3 Khi Phao-lô viết thư cho hội thánh Ê-phê-sô, hội thánh ở đó đã hoạt động được vài năm. Nhiều môn đồ đã rất thành thục về thiêng liêng, nhưng một số vẫn cần tiến đến sự thành thục. Trong vòng Nhân Chứng Giê-hô-va ngày nay cũng có tình trạng như vậy. Nhiều anh chị phụng sự Đức Chúa Trời lâu năm và đã trở thành người thành thục về thiêng liêng. Nhưng dĩ nhiên không phải tất cả đều đã đạt đến sự thành thục. Chẳng hạn, mỗi năm có hàng ngàn người mới làm báp-têm, vì thế một số tín đồ vẫn cần phấn đấu để trở nên thành thục. Còn anh chị thì sao?—Cô 2:6, 7.

SỰ PHÁT TRIỂN VỀ THIÊNG LIÊNG CỦA TÍN ĐỒ ĐẠO ĐẤNG KI-TÔ

4, 5. Các tín đồ thành thục khác nhau về những phương diện nào, nhưng tất cả họ đều có điểm chung gì? (Xem hình nơi đầu bài).

4 Khi xem xét những trái cây chín, anh chị có thể thấy không phải mọi trái đều giống nhau. Tuy nhiên, chúng có chung một số đặc điểm cho thấy trái đó đã chín. Tương tự, những tín đồ thành thục có lẽ khác nhau về quốc tịch, hoàn cảnh xuất thân, sức khỏe, tuổi tác và kinh nghiệm. Thậm chí, họ còn khác biệt về nhân cách và văn hóa. Dù vậy, tất cả những người tiến bộ về thiêng liêng đều có những đức tính cho thấy họ là người thành thục. Đó là một số đức tính nào?

5 Một tín đồ thành thục sẽ noi gương Chúa Giê-su và “theo sát dấu chân ngài” (1 Phi 2:21). Chúa Giê-su đã nhấn mạnh một điều rất quan trọng là yêu thương Đức Giê-hô-va hết lòng, hết mình và hết tâm trí, đồng thời yêu người lân cận như chính mình (Mat 22:37-39). Một tín đồ thành thục cố gắng sống phù hợp với lời khuyên đó. Qua lối sống, người ấy cho thấy mình đặt mối quan hệ với Đức Giê-hô-va lên hàng đầu và thể hiện tình yêu thương bất vị kỷ với người khác.

Noi gương Đấng Ki-tô về tính khiêm nhường, những anh lớn tuổi ủng hộ các anh trẻ hơn hiện đang dẫn đầu trong hội thánh (Xem đoạn 6)

6, 7. (a) Một tín đồ thành thục được nhận biết qua một số đức tính nào? (b) Chúng ta nên tự hỏi điều gì?

6 Tuy vậy, chúng ta biết rằng tình yêu thương chỉ là một khía cạnh của bông trái thần khí mà các tín đồ thành thục thể hiện (Ga 5:22, 23). Những khía cạnh khác, chẳng hạn như mềm mại, tự chủ và nhẫn nhịn, cũng quan trọng. Nhờ những đức tính này, tín đồ thành thục có thể đối phó với các tình huống khó khăn mà không trở nên bực bội, và chịu đựng trước những nỗi thất vọng gây đau lòng mà không mất hy vọng. Khi học hỏi cá nhân, người ấy tiếp tục tra cứu những nguyên tắc Kinh Thánh có thể giúp mình phân biệt điều đúng và điều sai. Rồi khi phải đưa ra quyết định, người ấy cho thấy rõ sự thành thục về thiêng liêng. Chẳng hạn, người ấy lắng nghe lương tâm được Kinh Thánh rèn luyện. Một tín đồ thành thục thể hiện sự khiêm nhường qua việc nhận biết rằng đường lối và tiêu chuẩn của Đức Giê-hô-va luôn tốt hơn của bản thân. * Người ấy sốt sắng rao truyền tin mừng và góp phần vào sự hợp nhất của hội thánh.

7 Dù đã phụng sự Đức Giê-hô-va bao lâu, mỗi chúng ta có thể tự hỏi: “Có những khía cạnh nào mà mình cần theo sát Chúa Giê-su hơn hầu tiếp tục tiến bộ về thiêng liêng không?”.

“THỨC ĂN ĐẶC THÌ DÀNH CHO NGƯỜI TRƯỞNG THÀNH”

8. Chúa Giê-su biết và hiểu rõ Kinh Thánh đến mức nào?

8 Chúa Giê-su Ki-tô rất am hiểu về Lời Đức Chúa Trời. Thậm chí khi mới 12 tuổi, ngài đã có thể thảo luận những điều trong Kinh Thánh với các thầy dạy đạo trong đền thờ. “Ai nghe cũng đều kinh ngạc trước sự hiểu biết và lời đối đáp của ngài” (Lu 2:46, 47). Sau này, trong thời gian thi hành thánh chức trên đất, Chúa Giê-su đã khéo dùng Kinh Thánh để làm im tiếng những kẻ chống đối ngài.—Mat 22:41-46.

9. (a) Một người muốn tiến bộ về thiêng liêng cần có những thói quen học hỏi nào? (b) Mục đích của việc học hỏi Kinh Thánh là gì?

9 Noi gương Chúa Giê-su, một tín đồ muốn tiến bộ về thiêng liêng sẽ không bằng lòng với sự hiểu biết sơ sài về Kinh Thánh. Người ấy sẽ thường xuyên đào sâu các nội dung của Kinh Thánh vì nhận biết rằng “thức ăn đặc thì dành cho người trưởng thành” (Hê 5:14). Rõ ràng, một tín đồ thành thục muốn có “sự hiểu biết chính xác về Con Đức Chúa Trời” (Ê-phê 4:13). Vậy anh chị có dành thời gian đọc Kinh Thánh hằng ngày không? Anh chị có duy trì chương trình học hỏi cá nhân, nỗ lực dành thời gian mỗi tuần cho buổi thờ phượng của gia đình không? Khi xem xét Lời Đức Chúa Trời, hãy để ý đến những nguyên tắc Kinh Thánh sẽ giúp anh chị hiểu rõ hơn quan điểm và cảm xúc của Đức Giê-hô-va. Sau đó, hãy cố gắng áp dụng những nguyên tắc Kinh Thánh này và dựa vào những nguyên tắc ấy khi đưa ra quyết định, nhờ thế anh chị sẽ càng đến gần Đức Giê-hô-va hơn.

10. Sự hiểu biết của một tín đồ thành thục ảnh hưởng thế nào đến đời sống hằng ngày của người ấy?

10 Một tín đồ thành thục hiểu rằng chỉ có kiến thức thôi thì chưa đủ. Ngoài những gì học được, người ấy yêu mến đường lối và nguyên tắc của Đức Chúa Trời đến mức nào? Một cách cho thấy điều này là qua việc đặt những điều ưu tiên trong đời sống phù hợp với ý muốn của Đức Giê-hô-va thay vì những khuynh hướng của bản thân. Chắc chắn tín đồ ấy cũng đã nỗ lực để “lột bỏ” hạnh kiểm và lối suy nghĩ trước kia. Khi thực hiện thay đổi đó, người ấy mặc lấy nhân cách mới theo gương Đấng Ki-tô, một nhân cách “được dựng nên theo ý muốn Đức Chúa Trời, phù hợp với sự công chính thật và lòng trung thành”. (Đọc Ê-phê-sô 4:22-24). Hãy nhớ rằng Kinh Thánh được viết dưới sự hướng dẫn của thần khí Đức Chúa Trời. Vì vậy, khi một tín đồ gia tăng sự hiểu biết và lòng yêu mến đối với những tiêu chuẩn Kinh Thánh, người ấy đang để thần khí tác động đến lòng và trí mình. Điều này góp phần vào sự tiến bộ về thiêng liêng.

GẮN KẾT VỚI NHAU TRONG SỰ HỢP NHẤT

11. Trong mối quan hệ với gia đình và với các môn đồ, Chúa Giê-su đã trải nghiệm điều gì?

11 Trong thời gian Chúa Giê-su sống trên đất với tư cách là người hoàn hảo, xung quanh ngài là những người bất toàn. Ngài được nuôi dạy bởi cha mẹ bất toàn, và những năm còn ở nhà, ngài sống với người thân cũng là người bất toàn. Thậm chí những môn đồ thân cận nhất của Chúa Giê-su cũng bị ảnh hưởng bởi tinh thần tham vọng và ích kỷ phổ biến xung quanh họ. Chẳng hạn, vào buổi tối trước khi Chúa Giê-su bị hành hình, đã xảy ra cuộc “cãi nhau xem ai lớn nhất trong vòng họ” (Lu 22:24). Dù thế, ngài vẫn tin rằng các môn đồ bất toàn ấy có thể tiến bộ về thiêng liêng và tạo thành một hội thánh hợp nhất. Cũng vào tối hôm đó, Chúa Giê-su cầu nguyện cho các sứ đồ được hợp nhất. Ngài cầu xin với Cha trên trời để “tất cả họ đều trở nên một, như Cha hợp nhất với con và con hợp nhất với Cha, và cũng để họ hợp nhất với chúng ta... để họ trở nên một, như chúng ta là một”.—Giăng 17:21, 22.

12, 13. (a) Ê-phê-sô 4:15, 16 nhấn mạnh thế nào về việc cần đẩy mạnh sự hợp nhất trong hội thánh? (b) Làm thế nào một anh khắc phục được điểm yếu của mình và qua đó học được cách đẩy mạnh sự hợp nhất?

12 Một tín đồ thành thục sẽ đẩy mạnh sự hợp nhất trong hội thánh. (Đọc Ê-phê-sô 4:1-6, 15, 16). Là dân Đức Chúa Trời, mục tiêu của chúng ta là “gắn kết hài hòa” và mọi thành viên đều hợp tác với nhau. Lời Đức Chúa Trời cho biết để có sự hợp nhất ấy, chúng ta cần khiêm nhường. Một anh chị thành thục sẽ có sự khiêm nhường để đẩy mạnh sự hợp nhất, ngay cả khi đối mặt với sự bất toàn của người khác. Anh chị phản ứng thế nào khi phải đương đầu với sự bất toàn của một anh chị nào đó trong hội thánh? Hoặc nói sao nếu cá nhân anh chị bị ai đó trong hội thánh đối xử bất công và gây tổn thương? Anh chị có khuynh hướng hay có thói quen xây một “bức tường” để ngăn cách giữa mình và người ấy không? Hay anh chị cố gắng xây một “chiếc cầu” nối liền khoảng cách giữa hai người? Một tín đồ thành thục muốn gắng sức để xây chiếc cầu, thay vì bức tường.

13 Hãy xem trường hợp của anh Uwe. Trong quá khứ, anh thường để sự bất toàn của anh em đồng đạo làm mình buồn bực. Rồi anh quyết định dùng Kinh Thánh và sách Thông hiểu Kinh Thánh (Insight on the Scriptures) để xem xét về cuộc đời của Đa-vít. Nhưng tại sao anh Uwe tìm hiểu về Đa-vít? Anh giải thích: “Đa-vít đã chứng kiến hành vi sai trái của một số người cùng thờ phượng Đức Chúa Trời. Chẳng hạn, vua Sau-lơ tìm cách giết ông, một số người dân thì muốn ném đá ông, và ngay cả vợ của Đa-vít cũng chế giễu ông (1 Sa 19:9-11; 30:1-6; 2 Sa 6:14-22). Nhưng Đa-vít không bao giờ để hạnh kiểm của người khác làm giảm tình yêu thương của mình dành cho Đức Giê-hô-va. Ông cũng có lòng thương xót, một đức tính mà tôi cần vun trồng. Những điều học được đã thay đổi quan điểm của tôi về sự bất toàn của anh em đồng đạo. Tôi không còn ghi nhớ những lỗi lầm của người khác nữa. Thay vì thế, tôi cố gắng góp phần vào sự hợp nhất của hội thánh”. Giống như anh Uwe, anh chị có mục tiêu đẩy mạnh sự hợp nhất trong hội thánh không?

CHỌN BẠN TRONG VÒNG NHỮNG NGƯỜI LÀM THEO Ý MUỐN CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI

14. Chúa Giê-su đã chọn những ai làm bạn?

14 Chúa Giê-su thân thiện với người ta nói chung. Mọi người dù là nam hay nữ, già hay trẻ, thậm chí là các em nhỏ đều cảm thấy thoải mái khi ở cùng ngài. Nhưng Chúa Giê-su lựa chọn bạn thân một cách cẩn thận. Ngài nói với những sứ đồ trung thành: “Anh em là bạn tôi nếu làm theo những gì tôi truyền dạy” (Giăng 15:14). Chúa Giê-su chọn những người bạn như thế trong vòng những người trung thành theo ngài và hết lòng phụng sự Đức Giê-hô-va. Tương tự, anh chị có lựa chọn bạn thân trong vòng những người hết lòng phụng sự Đức Giê-hô-va không? Tại sao điều này quan trọng?

15. Các bạn trẻ có thể nhận được lợi ích nào khi kết hợp với những tín đồ thành thục?

15 Nhiều loại trái cây sẽ đạt đến độ chín và ngon nhất khi ở dưới ánh nắng ấm áp. Tương tự, sự nồng ấm trong vòng anh em đồng đạo có thể giúp chúng ta tiến đến sự thành thục. Có lẽ bạn là người trẻ và đang quyết định xem mình sẽ theo đuổi điều gì trong đời sống. Thật khôn ngoan nếu bạn kết hợp với anh em đồng đạo có nhiều kinh nghiệm trong việc phụng sự Đức Giê-hô-va cũng như góp phần vào sự hợp nhất của hội thánh! Qua nhiều năm, có thể họ cũng có những thăng trầm trong đời sống, thậm chí là phải đối mặt với những thử thách trong việc phụng sự Đức Chúa Trời. Những anh chị ấy có thể giúp bạn chọn lối sống tốt nhất. Việc có tình bạn lành mạnh và nồng ấm với những anh chị như thế có thể giúp bạn đưa ra những quyết định khôn ngoan và tiến đến sự thành thục.—Đọc Hê-bơ-rơ 5:14.

16. Những anh chị thành thục trong hội thánh đã giúp một tín đồ trẻ như thế nào?

16 Chẳng hạn, chị Helga nhớ lại vào năm học cuối ở trường, các bạn cùng lớp của chị so sánh những mục tiêu mà họ theo đuổi. Nhiều bạn đặt mục tiêu vào đại học và xem đó như là một bàn đạp để có được sự nghiệp đầy hứa hẹn. Chị Helga đã chia sẻ vấn đề với những người bạn trong hội thánh. Chị kể lại: “Trong số những người bạn đó có nhiều anh chị lớn tuổi hơn tôi và họ đã giúp tôi rất nhiều. Họ khuyến khích tôi phụng sự trọn thời gian. Sau đó, tôi đã làm tiên phong được 5 năm. Giờ đây, sau nhiều năm, tôi thấy vui vì mình đã dành phần lớn tuổi trẻ vào việc phụng sự Đức Giê-hô-va. Tôi không có lý do gì để hối tiếc vì mình đã làm thế”.

17, 18. Làm thế nào chúng ta có thể phụng sự Đức Giê-hô-va theo cách tốt nhất?

17 Khi cố gắng sống theo gương Chúa Giê-su, chúng ta sẽ tiến bộ và trở nên thành thục. Chúng ta sẽ đến gần Đức Giê-hô-va hơn và càng có ước muốn để phụng sự ngài hết khả năng. Khi đạt đến sự thành thục về thiêng liêng, một tôi tớ của Đức Chúa Trời có thể dâng cho ngài những điều tốt nhất. Chúa Giê-su khuyến khích các môn đồ: “Hãy chiếu ánh sáng của anh em trước mặt người ta, hầu cho họ thấy việc tốt lành của anh em và tôn vinh Cha trên trời”.—Mat 5:16.

18 Như được xem xét trong bài này, một tín đồ thành thục có thể ảnh hưởng rất tích cực đến hội thánh. Sự thành thục cũng được phản ánh qua cách một tín đồ dùng lương tâm được Đức Chúa Trời ban. Lương tâm có thể giúp chúng ta ra sao để có những quyết định khôn ngoan? Làm thế nào chúng ta có thể tôn trọng những quyết định dựa trên lương tâm của anh em đồng đạo? Những điểm này sẽ được thảo luận trong bài kế tiếp.

^ đ. 6 Chẳng hạn, những anh lớn tuổi và có kinh nghiệm có lẽ được yêu cầu nhường lại một số trách nhiệm cho những anh trẻ hơn cũng như ủng hộ những anh này khi họ đảm nhận các trách nhiệm đó.