Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

‘Hãy giữ vững đức tin’

‘Hãy giữ vững đức tin’

‘Hãy giữ vững đức tin và mạnh mẽ lên’.—1 CÔ 16:13.

BÀI HÁT: 60, 64

1. (a) Phi-e-rơ đã có trải nghiệm nào trong một cơn giông bão ở biển Ga-li-lê? (Xem hình nơi đầu bài). (b) Tại sao Phi-e-rơ bắt đầu chìm?

Sứ đồ Phi-e-rơ và một số môn đồ khác đang vật lộn với sóng để chèo thuyền vượt biển Ga-li-lê trong đêm giông bão. Thình lình, họ thấy Chúa Giê-su bước đi trên mặt biển. Phi-e-rơ gọi và hỏi Chúa Giê-su xem ông có thể đi trên mặt nước để đến với Thầy mình không. Khi Chúa Giê-su bảo Phi-e-rơ đến, ông bước ra khỏi thuyền và đi trên mặt biển gợn sóng để đến với Chúa Giê-su. Nhưng một lát sau, Phi-e-rơ bắt đầu chìm. Tại sao? Ông nhìn thấy gió mạnh và trở nên sợ hãi. Phi-e-rơ cầu cứu Chúa Giê-su. Ngài liền nắm lấy ông và nói: “Anh thật ít đức tin, sao lại nghi ngờ?”.—Mat 14:24-32.

2. Giờ đây chúng ta sẽ xem xét điều gì?

2 Hãy xem xét ba khía cạnh liên quan đến đức tin trong kinh nghiệm của Phi-e-rơ: (1) Cách Phi-e-rơ lúc đầu cho thấy ông tin cậy nơi sự hỗ trợ của Đức Chúa Trời, (2) lý do Phi-e-rơ bắt đầu mất đức tin, và (3) điều đã giúp Phi-e-rơ lấy lại đức tin. Xem xét những điểm này có thể giúp chúng ta biết cách “giữ vững đức tin”.—1 Cô 16:13.

TIN NƠI SỰ HỖ TRỢ CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI

3. Tại sao Phi-e-rơ bước ra khỏi thuyền, và chúng ta đã làm điều tương tự nào?

3 Phi-e-rơ đã có đức tin mạnh mẽ. Tại sao chúng ta có thể nói như vậy? Khi Chúa Giê-su gọi Phi-e-rơ, ông bước ra khỏi thuyền và đi trên mặt nước. Phi-e-rơ tin rằng quyền năng của Đức Chúa Trời sẽ hỗ trợ ông như quyền năng ấy đang hỗ trợ Chúa Giê-su. Tương tự, khi Chúa Giê-su gọi chúng ta đến làm môn đồ ngài và bước theo dấu chân ngài, chúng ta đã dâng mình cho Đức Giê-hô-va và làm báp-têm. Tại sao? Vì chúng ta có đức tin nơi Chúa Giê-su cũng như Đức Chúa Trời, và tin rằng hai đấng ấy sẽ hỗ trợ chúng ta qua những cách khác nhau.—Giăng 14:1; đọc 1 Phi-e-rơ 2:21.

4, 5. Tại sao đức tin là một tài sản quý giá?

4 Đức tin là một tài sản rất quý giá. Nhờ có đức tin, Phi-e-rơ có thể đi trên mặt nước. Tương tự, đức tin có thể giúp chúng ta làm những điều mà theo quan điểm của loài người thì dường như là không thể (Mat 21:21, 22). Chẳng hạn, nhiều người trong chúng ta đã thay đổi thái độ và hạnh kiểm nhiều đến mức những người biết chúng ta trước đó khó có thể nhận ra chúng ta. Đức Giê-hô-va hỗ trợ khi chúng ta nỗ lực làm những điều này dựa trên đức tin nơi ngài. (Đọc Cô-lô-se 3:5-10). Đức tin đã thôi thúc chúng ta dâng mình cho Đức Giê-hô-va, và chúng ta trở thành bạn ngài. Đây là điều mà chúng ta không bao giờ có thể làm được bằng sức riêng.—Ê-phê 2:8.

5 Đức tin tiếp tục thêm sức cho chúng ta. Nhờ đức tin, chúng ta có thể kháng cự những đòn tấn công đến từ kẻ thù siêu phàm là Kẻ Quỷ Quyệt (Ê-phê 6:16). Ngoài ra, tin cậy nơi Đức Giê-hô-va giúp chúng ta giảm bớt lo âu trong những lúc khó khăn. Đức Giê-hô-va hứa rằng nếu chúng ta có đức tin nơi ngài và đặt quyền lợi Nước Trời lên hàng đầu, ngài sẽ chăm lo nhu cầu vật chất cho chúng ta (Mat 6:30-34). Hơn nữa, nhờ có đức tin, chúng ta sẽ nhận được một món quà mà không người nào có thể có được dựa vào nỗ lực bản thân, đó là sự sống vĩnh cửu.—Giăng 3:16.

MẤT SỰ CHÚ TÂM CÓ THỂ DẪN ĐẾN VIỆC MẤT ĐỨC TIN

6, 7. (a) Gió và sóng bao quanh Phi-e-rơ có thể được ví với điều gì? (b) Tại sao chúng ta cần nhìn nhận là đức tin của mình có thể bị suy yếu?

6 Gió và sóng bao quanh Phi-e-rơ khi ông đi trên mặt nước có thể được ví như những thử thách và cám dỗ mà tín đồ đạo Đấng Ki-tô đối mặt trong đời sống. Ngay cả khi những điều này rất khó để đương đầu, chúng ta vẫn có thể đứng vững với sự hỗ trợ của Đức Giê-hô-va. Hãy nhớ điều gì đã xảy ra cho Phi-e-rơ. Ông đã không chìm bởi một luồng gió mạnh hoặc cơn sóng lớn. Thay vì thế, Kinh Thánh cho biết: “Khi nhìn thấy gió mạnh, ông sợ hãi” (Mat 14:30). Phi-e-rơ mất sự chú tâm vào Chúa Giê-su, và đức tin của ông bị dao động. Chúng ta có thể bắt đầu chìm nếu bắt đầu ‘nhìn gió mạnh’, chú tâm vào sức mạnh của gió và nghi ngờ nơi sự hỗ trợ của Đức Giê-hô-va.

7 Chúng ta cần nhìn nhận là đức tin của mình có thể bị suy yếu, vì Kinh Thánh nói rằng việc yếu đức tin hay mất đức tin là “tội lỗi khiến chúng ta dễ bị vướng mắc” (Hê 12:1). Như kinh nghiệm của Phi-e-rơ cho thấy, đức tin của chúng ta có thể nhanh chóng suy yếu nếu chúng ta chú tâm vào những điều không đúng. Làm thế nào chúng ta biết đức tin của mình có đang ở trong tình trạng nguy hiểm đó hay không? Hãy xem xét một số câu hỏi có thể giúp chúng ta tra xét bản thân.

8. Làm thế nào những lời hứa của Đức Chúa Trời có thể không còn có thật đối với chúng ta như trước kia?

8 Những lời hứa của Đức Chúa Trời còn có thật với mình như trước kia không? Chẳng hạn, Đức Chúa Trời hứa sẽ hủy diệt thế gian hiện tại. Nhưng chúng ta có đang bị phân tâm bởi nhiều loại hình giải trí mà thế gian đưa ra không? Nếu thế, đức tin của chúng ta nơi những lời hứa của Đức Chúa Trời có thể bị suy yếu và có lẽ chúng ta bắt đầu không còn tin chắc sự cuối cùng đã thật sự rất gần (Ha 2:3). Hãy xem một ví dụ khác. Đức Chúa Trời hứa sẽ tha thứ cho chúng ta dựa trên giá chuộc. Nhưng nếu cảm thấy bị ám ảnh về những lỗi lầm trong quá khứ, chúng ta có thể bắt đầu nghi ngờ không biết Đức Giê-hô-va có thật sự “xóa sạch” mọi tội lỗi của mình không (Công 3:19). Hậu quả là chúng ta có thể mất niềm vui trong việc phụng sự Đức Chúa Trời và ngưng hoạt động.

9. Điều gì có thể xảy ra nếu chúng ta chú tâm vào những mục tiêu cá nhân?

9 Mình có còn siêng năng trong việc phụng sự Đức Chúa Trời như trước không? Sứ đồ Phao-lô cho thấy rằng làm việc chăm chỉ cho Đức Giê-hô-va giúp ‘niềm hy vọng của chúng ta được vững chắc cho đến cuối cùng’. Tuy nhiên, điều gì có thể xảy ra nếu chúng ta bắt đầu chú tâm vào những mục tiêu cá nhân, chẳng hạn như nhận một việc có lương cao nhưng cản trở việc mình thờ phượng Đức Chúa Trời? Đức tin của chúng ta có thể bị suy yếu, và chúng ta có thể “trở nên biếng nhác”, phụng sự Đức Giê-hô-va ít hơn hoàn cảnh cho phép.—Hê 6:10-12.

10. Chúng ta cho thấy mình có đức tin nơi Đức Giê-hô-va như thế nào khi tha thứ cho người khác?

10 Mình có khó tha thứ cho người làm mình tổn thương không? Khi bị người khác xúc phạm hoặc gây tổn thương, có thể chúng ta chú tâm vào cảm xúc của mình, rồi muốn trách móc hay cắt đứt mối quan hệ với người ấy bằng cách không nói chuyện nữa. Ngược lại nếu tha thứ cho người ấy, chúng ta cho thấy mình có đức tin nơi Đức Giê-hô-va. Tại sao có thể nói thế? Người phạm lỗi với chúng ta nợ chúng ta một món nợ, như chúng ta nợ Đức Chúa Trời khi phạm lỗi với ngài (Lu 11:4). Vì vậy, khi tha thứ cho người khác, chúng ta đang tin cậy Đức Giê-hô-va. Chúng ta tin rằng ngài sẽ ban phước, và ân phước của ngài có giá trị hơn nhiều so với việc trả đũa để thỏa mãn cơn giận. Các môn đồ của Chúa Giê-su nhận biết rằng để tha thứ cho người khác thì phải có đức tin. Khi Chúa Giê-su bảo các môn đồ tha thứ ngay cả cho người phạm lỗi với họ nhiều lần, họ đã cầu xin ngài: “Xin cho chúng tôi thêm đức tin”.—Lu 17:1-5.

11. Điều gì có thể khiến chúng ta không nhận được lợi ích từ lời khuyên dựa trên Kinh Thánh?

11 Mình có khó chịu khi nhận lời khuyên dựa trên Kinh Thánh không? Thay vì để ý xem lời khuyên đó cho mình lợi ích nào, có lẽ chúng ta chú tâm vào thiếu sót nào đó của lời khuyên hoặc của người cho lời khuyên (Châm 19:20). Nếu thế, chúng ta có thể đánh mất cơ hội uốn nắn lối suy nghĩ của mình cho phù hợp với lối suy nghĩ của Đức Chúa Trời.

12. Một người luôn phàn nàn về những người đang được Đức Chúa Trời dùng để dẫn dắt dân ngài là dấu hiệu cho thấy điều gì?

12 Mình có phàn nàn về những anh được bổ nhiệm trong hội thánh không? Khi dân Y-sơ-ra-ên chú tâm vào báo cáo tiêu cực của mười người do thám thiếu đức tin, họ bắt đầu lầm bầm về Môi-se và A-rôn. Sau đó, Đức Giê-hô-va nói với Môi-se: ‘Dân nầy không tin ta cho đến chừng nào?’ (Dân 14:2-4, 11). Thật vậy, việc dân Y-sơ-ra-ên lầm bầm cho thấy họ thiếu sự tin cậy nơi Đức Chúa Trời, đấng đã bổ nhiệm Môi-se và A-rôn. Tương tự, nếu chúng ta luôn phàn nàn về những người đang được Đức Chúa Trời dùng để dẫn dắt dân ngài, chẳng phải điều này là dấu hiệu cho thấy đức tin của mình nơi Đức Chúa Trời bị suy giảm sao?

13. Tại sao chúng ta không nên nản lòng nếu thấy đức tin của mình bị suy yếu?

13 Khi tra xét bản thân, nếu anh chị thấy đức tin của mình bị suy yếu thì đừng nản lòng. Ngay cả Phi-e-rơ, một sứ đồ, cũng từng sợ hãi và nghi ngờ. Thực tế là có những lần Chúa Giê-su đã khiển trách tất cả các sứ đồ vì họ có “ít đức tin” (Mat 16:8). Hãy ghi nhớ bài học quan trọng mà chúng ta học được từ kinh nghiệm của Phi-e-rơ về điều ông đã làm sau khi đức tin của ông bị dao động và ông bắt đầu chìm xuống biển.

CHÚ TÂM VÀO CHÚA GIÊ-SU ĐỂ LÀM VỮNG MẠNH ĐỨC TIN

14, 15. (a) Phi-e-rơ đã làm gì khi ông bắt đầu chìm? (b) Làm thế nào chúng ta có thể “chăm chú nhìn xem” Chúa Giê-su dù không thể tận mắt thấy ngài?

14 Khi nhìn thấy cơn bão và bắt đầu chìm, Phi-e-rơ đã có thể cố tự bơi trở lại thuyền. Điều này có thể là phản ứng tự nhiên vì ông là người bơi thành thạo (Giăng 21:7). Nhưng thay vì nương cậy nơi bản thân, ông chú tâm trở lại vào Chúa Giê-su và chấp nhận sự giúp đỡ của ngài. Nếu cảm thấy đức tin của mình đang yếu đi, chúng ta nên bắt chước gương của Phi-e-rơ. Tuy nhiên, chúng ta có thể làm điều này như thế nào?

15 Như Phi-e-rơ đã chú tâm trở lại vào Chúa Giê-su, chúng ta cũng phải “chăm chú nhìn xem Đấng Lãnh Đạo Chính của đức tin chúng ta và Đấng Làm Trọn Vẹn đức tin chúng ta là Chúa Giê-su”. (Đọc Hê-bơ-rơ 12:2, 3). Dĩ nhiên, chúng ta không thể tận mắt thấy Chúa Giê-su như Phi-e-rơ đã thấy. Nhưng chúng ta “chăm chú nhìn xem” Chúa Giê-su bằng cách xem xét những sự dạy dỗ và hành động của ngài, rồi theo sát những điều này. Khi làm thế, chúng ta sẽ nhận được sự trợ giúp cần thiết để giúp đức tin của mình vững mạnh. Hãy xem xét một số cách mà chúng ta có thể noi theo Chúa Giê-su.

Nhờ chú tâm vào gương Chúa Giê-su và theo sát dấu chân của ngài, chúng ta có thể được vững mạnh về đức tin (Xem đoạn 15)

16. Chúng ta có thể học hỏi Kinh Thánh theo cách nào để củng cố đức tin của mình?

16 Củng cố lòng tin cậy nơi Kinh Thánh. Chúa Giê-su tin chắc rằng Kinh Thánh là Lời Đức Chúa Trời, một cuốn sách cung cấp sự hướng dẫn tốt nhất trong đời sống (Giăng 17:17). Noi gương Chúa Giê-su, chúng ta phải đọc Kinh Thánh hằng ngày, học hỏi và suy ngẫm về những gì mình đã học. Bên cạnh những điều trên, hãy đào sâu các đề tài mà có lẽ anh chị còn thắc mắc. Chẳng hạn, để càng tin chắc sự kết liễu của thế gian hiện tại thật sự đã rất gần, anh chị có thể nghiên cứu kỹ lưỡng các bằng chứng trong Kinh Thánh cho thấy chúng ta đang sống trong những ngày sau cùng. Hoặc anh chị có thể củng cố niềm tin nơi những lời hứa về tương lai bằng cách nghiên cứu nhiều lời tiên tri đã được ứng nghiệm. Anh chị cũng có thể làm vững mạnh lòng tin cậy nơi giá trị thiết thực của Kinh Thánh qua việc xem xét những kinh nghiệm cho thấy cách Kinh Thánh cải thiện đời sống của người ta. *1 Tê 2:13.

17. Tại sao Chúa Giê-su có thể giữ trung thành trước những thử thách tột độ, và anh chị có thể noi gương ngài như thế nào?

17 Chú tâm vào những ân phước Đức Giê-hô-va đã hứa. Nhờ chú tâm vào “niềm vui đặt trước mặt”, Chúa Giê-su có thể giữ trung thành trước những thử thách tột độ (Hê 12:2). Ngài không bao giờ để những điều trong thế gian khiến mình bị phân tâm (Mat 4:8-10). Anh chị có thể noi gương Chúa Giê-su bằng cách suy ngẫm về những lời hứa tuyệt diệu mà Đức Giê-hô-va đã hứa với anh chị. Hãy hình dung mình đang ở trong thế giới mới bằng cách vẽ hoặc ghi ra những điều anh chị muốn làm khi Đức Chúa Trời loại bỏ thế gian gian ác này. Hãy liệt kê những người mà anh chị muốn gặp khi họ được sống lại và điều mà anh chị muốn thảo luận với họ. Hãy xem những lời hứa này của Đức Chúa Trời không chỉ dành cho nhân loại nói chung mà dành cho cá nhân anh chị.

18. Cầu nguyện có thể giúp anh chị thế nào để củng cố đức tin?

18 Cầu xin để có thêm đức tin. Chúa Giê-su dạy các môn đồ cầu xin Đức Giê-hô-va ban cho thần khí (Lu 11:9, 13). Khi anh chị làm điều này, hãy cầu xin để có thêm đức tin, một khía cạnh của bông trái thần khí. Hãy cầu xin cách cụ thể. Nếu nhận ra bất cứ điều gì cho thấy đức tin của mình bị suy yếu, chẳng hạn như việc không thể tha thứ cho người khác, hãy cầu xin Đức Giê-hô-va giúp mình khắc phục điểm đó.

19. Chúng ta nên tìm điều gì nơi một người bạn?

19 Kết hợp với những người có đức tin. Chúa Giê-su chọn bạn rất cẩn thận, đặc biệt là những người bạn thân. Những bạn thân nhất của ngài, tức các sứ đồ, đã chứng tỏ đức tin và lòng trung thành của họ qua việc vâng theo những gì ngài truyền dạy. (Đọc Giăng 15:14, 15). Vì vậy khi chọn bạn, hãy tìm những người thể hiện đức tin qua việc vâng lời Chúa Giê-su. Hãy nhớ rằng một dấu hiệu của tình bạn tốt là cả hai trò chuyện cởi mở với nhau, ngay cả khi họ cần đưa ra hoặc chấp nhận lời khuyên.—Châm 27:9.

20. Chúng ta nhận được lợi ích nào khi giúp người khác xây dựng đức tin?

20 Giúp người khác củng cố đức tin. Chúa Giê-su đã giúp các môn đồ xây dựng đức tin qua lời nói và hành động của ngài (Mác 11:20-24). Chúng ta nên noi gương ngài, vì khi giúp người khác củng cố đức tin thì chính đức tin của chúng ta cũng vững mạnh hơn (Châm 11:25). Khi rao giảng và dạy dỗ, hãy nêu bật bằng chứng cho thấy Đức Chúa Trời hiện hữu, ngài quan tâm đến chúng ta và Kinh Thánh là Lời được ngài soi dẫn. Cũng hãy làm vững mạnh đức tin của anh em đồng đạo. Nếu thấy anh chị nào đó có dấu hiệu ngờ vực, có lẽ qua việc bắt đầu phàn nàn về những anh được bổ nhiệm, đừng vội xa lánh người đó. Thay vì thế, hãy tế nhị giúp anh chị ấy làm những bước để khôi phục đức tin (Giu 22, 23). Nếu bạn còn đi học và giáo viên nói về thuyết tiến hóa, hãy can đảm bênh vực niềm tin của bạn nơi sự sáng tạo. Có lẽ bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy những gì mình nói có tác động tích cực đến người khác.

21. Đức Giê-hô-va hứa giúp mỗi chúng ta điều gì liên quan đến đức tin?

21 Với sự trợ giúp của Đức Chúa Trời qua Chúa Giê-su, Phi-e-rơ đã chiến thắng nỗi sợ hãi và sự nghi ngờ. Sau này, ông trở thành trụ cột về đức tin trong vòng những tín đồ thời ban đầu. Tương tự, Đức Giê-hô-va giúp tất cả chúng ta giữ vững đức tin. (Đọc 1 Phi-e-rơ 5:9, 10). Những nỗ lực chúng ta bỏ ra để xây dựng đức tin của mình sẽ rất đáng công vì không gì có thể sánh bằng những phần thưởng mà đức tin mang lại.

^ đ. 16 Chẳng hạn, hãy xem loạt bài “Kinh Thánh thay đổi đời sống” trong Tháp Canh, ấn bản công cộng.