Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Đức Chúa Trời là tình yêu thương

Đức Chúa Trời là tình yêu thương

“Đức Chúa Trời là tình yêu thương”.—1 GIĂNG 4:8, 16.

BÀI HÁT: 18, 91

1. Đức tính nổi bật nhất của Đức Chúa Trời là gì, và việc biết đức tính ấy khiến anh chị cảm thấy thế nào về ngài?

Lời được Đức Giê-hô-va soi dẫn là Kinh Thánh cho chúng ta biết “Đức Chúa Trời là tình yêu thương”. Kinh Thánh không đơn thuần nói tình yêu thương là một trong nhiều đức tính tuyệt vời của Đức Chúa Trời, nhưng nói rằng “Đức Chúa Trời tình yêu thương” (1 Giăng 4:8). Đó là đức tính nổi bật nhất và quan trọng nhất của Đức Chúa Trời. Đức Giê-hô-va không chỉ có tình yêu thương mà ngài là hiện thân của tình yêu thương. Đức tính này chi phối mọi điều ngài làm. Chúng ta thật biết ơn vì tình yêu thương thôi thúc Đức Giê-hô-va tạo ra toàn thể vũ trụ và mọi vật sống.

2. Tình yêu thương của Đức Chúa Trời giúp chúng ta tin chắc điều gì? (Xem hình nơi đầu bài).

2 Lòng yêu thương nhân từ và nồng ấm mà Đức Chúa Trời dành cho các tạo vật đảm bảo với chúng ta rằng mọi ý định của ngài đối với gia đình nhân loại sẽ thành hiện thực theo cách tốt nhất, và sẽ mang lại lợi ích lớn nhất cho tất cả những ai ở dưới sự cai trị của ngài. Chẳng hạn, vì yêu thương nên Đức Giê-hô-va “đã định một ngày để xét xử dân cư trên đất một cách công bằng bởi người mà ngài đã chọn” là Chúa Giê-su Ki-tô (Công 17:31). Chúng ta có thể tin chắc rằng ý định này sẽ được thực hiện. Những người có thái độ đúng và biết vâng lời sẽ nhận được sự phán xét thuận lợi, nhờ đó họ được hưởng một tương lai thật sự hạnh phúc và kéo dài đến mãi mãi.

LỊCH SỬ ĐÃ CHO THẤY ĐIỀU GÌ?

3. Đời sống sẽ ra sao nếu Đức Chúa Trời không yêu thương nhân loại?

3 Tương lai của nhân loại sẽ như thế nào nếu đức tính nổi bật nhất của Đức Chúa Trời không phải là tình yêu thương? Loài người sẽ tiếp tục cai trị lẫn nhau dưới ảnh hưởng của kẻ cai trị nhẫn tâm và đầy hận thù là Sa-tan, Kẻ Quỷ Quyệt (2 Cô 4:4; 1 Giăng 5:19; đọc Khải huyền 12:9, 12). Tương lai sẽ tồi tệ biết bao nếu Đức Giê-hô-va không yêu thương chúng ta!

4. Tại sao Đức Giê-hô-va cho phép cuộc phản nghịch chống lại sự cai trị công bình của ngài xảy ra?

4 Khi phản nghịch chống lại sự cai trị của Đức Giê-hô-va, Kẻ Quỷ Quyệt đã lôi kéo cặp vợ chồng đầu tiên cũng làm như vậy. Hắn đã thách thức tính chính đáng và tính công bình của quyền cai trị hoàn vũ của Đức Chúa Trời. Thực tế, Sa-tan cho rằng sự cai trị của hắn tốt hơn sự cai trị của Đấng Tạo Hóa (Sáng 3:1-5). Dù Đức Giê-hô-va cho phép Sa-tan cố chứng minh lập trường của hắn, nhưng sự cho phép ấy chỉ là tạm thời. Với sự khôn ngoan tột bậc, Đức Giê-hô-va đã cho đủ thời gian để chứng minh cách rõ ràng là không một ai khác hơn ngài có đủ khả năng cai trị. Lịch sử đáng buồn của nhân loại cho thấy rằng cả con người và Sa-tan đều không thể là những nhà cai trị tốt.

5. Lịch sử của nhân loại rõ ràng đã cho thấy điều gì?

5 Chỉ trong 100 năm qua, hơn 100 triệu người đã bị giết trong những cuộc chiến tranh của các nước. Ngày nay, tình trạng thế gian vẫn đang ngày càng tồi tệ. Lời Đức Chúa Trời đã báo trước đó chính là điều sẽ xảy ra trong “những ngày sau cùng” của thế gian hiện tại, khi “những kẻ gian ác và kẻ giả mạo thì ngày càng tồi tệ” (2 Ti 3:1, 13). Lịch sử rõ ràng đã cho thấy những gì Kinh Thánh nói là chân thật: “Hỡi Đức Giê-hô-va, tôi biết đường của loài người chẳng do nơi họ, người ta đi, chẳng có quyền dẫn-đưa bước của mình” (Giê 10:23). Đúng thế, Đức Giê-hô-va không tạo ra loài người với khả năng hoặc với quyền tự cai trị mà không cần ngài hướng dẫn.

6. Đức Chúa Trời tạm thời để cho sự gian ác xảy ra nhằm đáp ứng mục đích nào?

6 Việc Đức Chúa Trời tạm thời để cho sự gian ác xảy ra không chỉ cho thấy sự cai trị của con người là vô ích mà còn đáp ứng một mục đích lâu dài khác. Đó là chứng minh một cách vĩnh viễn rằng chỉ duy nhất Đức Chúa Trời mới có thể cai trị thành công. Sau khi Đức Giê-hô-va diệt trừ sự gian ác cùng những kẻ làm ác, nếu ai đó lại thách thức cách cai trị yêu thương của ngài thì Đức Chúa Trời sẽ không cần cho phép sự thách thức đó được tiếp diễn. Ngài có thể dùng những điều đã xảy ra trong lịch sử nhân loại làm cơ sở chính đáng để nhanh chóng loại bỏ những kẻ phản nghịch ấy, không cho chúng gieo sự gian ác thêm một lần nữa.

ĐỨC GIÊ-HÔ-VA ĐÃ THỂ HIỆN TÌNH YÊU THƯƠNG NHƯ THẾ NÀO?

7, 8. Đức Giê-hô-va đã thể hiện tình yêu thương cao cả qua một số cách nào?

7 Tình yêu thương cao cả của Đức Giê-hô-va đã được thể hiện qua nhiều cách. Chẳng hạn, hãy nghĩ về kích cỡ và vẻ đẹp của vũ trụ. Có hàng tỉ thiên hà trong vũ trụ, mỗi thiên hà chứa hàng tỉ ngôi sao và hành tinh. Một trong những ngôi sao đó là mặt trời, thuộc dải Ngân Hà của chúng ta. Nếu không có mặt trời, sự sống đa dạng trên trái đất sẽ không thể tồn tại. Hết thảy những công trình sáng tạo này cho thấy cương vị Chúa Trời của Đức Giê-hô-va cùng những đức tính của ngài, chẳng hạn như quyền năng, khôn ngoan và yêu thương. Thật vậy, dù Đức Chúa Trời “là vô hình, nhưng từ lúc thế gian được dựng nên, khi xem xét những vật ngài tạo ra thì người ta có thể thấy rõ các đặc tính của ngài, tức quyền năng muôn đời và cương vị Chúa Trời”.—Rô 1:20.

8 Trên trái đất, Đức Giê-hô-va đã tạo nên mọi thứ vì lợi ích của những tạo vật trên đất. Ngài đã dựng nên một địa đàng xinh đẹp cho con người, ban cho họ tâm trí và thể chất hoàn hảo với khả năng sống mãi mãi. (Đọc Khải huyền 4:11). Ngoài ra, “ngài cũng ban đồ-ăn cho mọi loài xác-thịt, vì sự nhân-từ Ngài còn đến đời đời”.—Thi 136:25.

9. Bên cạnh tình yêu thương, chúng ta biết gì về Đức Giê-hô-va?

9 Đức Chúa Trời là tình yêu thương. Bên cạnh đó, ngài gớm ghét điều ác. Chẳng hạn, Thi-thiên 5:4-6 nói về ngài như sau: “Chúa chẳng phải là Đức Chúa Trời bằng lòng sự dữ... Chúa ghét hết thảy những kẻ làm ác... Đức Giê-hô-va gớm-ghiếc người đổ huyết và kẻ gian-lận”.

SỰ GIAN ÁC SẮP CHẤM DỨT

10, 11. (a) Điều gì sẽ xảy ra cho những kẻ gian ác? (b) Đức Giê-hô-va sẽ ban thưởng thế nào cho những người có thái độ đúng?

10 Vì Đức Chúa Trời là tình yêu thương và ghét sự gian ác, ngài có ý định loại bỏ điều ác khỏi toàn thể vũ trụ khi vấn đề liên quan đến sự cai trị được giải quyết theo cách ngài hài lòng. Lời Đức Chúa Trời hứa: “Những kẻ làm ác sẽ bị diệt; còn kẻ nào trông-đợi Đức Giê-hô-va sẽ được đất làm cơ-nghiệp. Một chút nữa kẻ ác không còn... Những kẻ thù-nghịch Đức Giê-hô-va sẽ... tan đi như khói”.—Thi 37:9, 10, 20.

11 Mặt khác, Lời Đức Chúa Trời cũng hứa: “Người công-bình sẽ nhận được đất, và ở tại đó đời đời” (Thi 37:29). Những người công bình ấy sẽ “được khoái-lạc về bình-yên dư-dật” (Thi 37:11). Điều này sẽ thành hiện thực vì Đức Chúa Trời yêu thương của chúng ta luôn làm những gì đem lại lợi ích tốt nhất cho các tôi tớ trung thành của ngài. Kinh Thánh nói: “Ngài sẽ lau hết nước mắt trên mắt họ, sẽ không còn sự chết, than van, khóc lóc hay đau đớn nữa. Những điều trước kia nay đã qua rồi” (Khải 21:4). Quả là một tương lai tuyệt diệu đang chờ đón tất cả chúng ta, những người thật sự quý trọng tình yêu thương của Đức Giê-hô-va và vâng lời Đấng Cai Trị của mình!

12. Ai có thể được xem là “người trọn-vẹn”?

12 Lời Đức Giê-hô-va nói với chúng ta: “Hãy chăm-chú người trọn-vẹn, và nhìn-xem người ngay-thẳng; vì cuối-cùng người hòa-bình có phước. Còn các kẻ phạm sẽ cùng nhau bị hủy-hoại; sự tương-lai kẻ ác sẽ bị diệt đi” (Thi 37:37, 38). “Người trọn-vẹn” trong câu Kinh Thánh trên là người nhận biết Đức Giê-hô-va và Con ngài, đồng thời làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời. (Đọc Giăng 17:3). Người ấy thật sự tin những lời nơi 1 Giăng 2:17: “Thế gian cùng những ham muốn của nó đang qua đi, nhưng ai làm theo ý muốn Đức Chúa Trời thì còn lại đời đời”. Vì sự kết liễu của thế gian đang đến gần, điều cấp bách là chúng ta “hãy trông-đợi Đức Giê-hô-va, và giữ theo đường Ngài”.—Thi 37:34.

HÀNH ĐỘNG YÊU THƯƠNG CAO CẢ CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI

13. Đức Giê-hô-va đã thể hiện hành động yêu thương cao cả nào đối với những người tội lỗi?

13 Dù bất toàn nhưng chúng ta có thể ‘giữ theo đường của Đức Giê-hô-va’. Chúng ta cũng có thể có mối quan hệ gần gũi với Đức Giê-hô-va nhờ hành động yêu thương cao cả của ngài. Đức Chúa Trời đã cung cấp giá chuộc hy sinh của Chúa Giê-su Ki-tô, mở đường cho nhân loại biết vâng lời được giải thoát khỏi tội lỗi và sự chết di truyền từ A-đam. (Đọc Rô-ma 5:12; 6:23). Đức Giê-hô-va hoàn toàn tin tưởng Con một của ngài vì người con này đã trung thành với ngài ở trên trời trong hằng hà sa số năm. Là Cha yêu thương, chắc hẳn Đức Chúa Trời rất đau lòng khi Chúa Giê-su bị con người đối xử bất công. Tuy nhiên, Chúa Giê-su đã trung thành ủng hộ quyền cai trị của Đức Chúa Trời và chứng tỏ rằng một người hoàn hảo có thể giữ trung kiên với Đức Giê-hô-va dù ở trong những hoàn cảnh khó khăn nhất.

Đức Chúa Trời yêu thương phái Con ngài xuống đất; Chúa Giê-su sẵn lòng nhận nhiệm vụ được giao (Xem đoạn 13)

14, 15. Sự hy sinh của Chúa Giê-su đã thực hiện được điều gì?

14 Bất chấp những thử thách cam go nhất, Chúa Giê-su đã giữ lòng trung kiên và ủng hộ quyền cai trị của Đức Giê-hô-va. Ngài trung thành với Cha cho đến chết. Chúng ta nên thật lòng biết ơn vì qua cái chết của ngài, Chúa Giê-su cũng trả một giá chuộc cần thiết để giải cứu nhân loại và mở đường cho sự sống vĩnh cửu trong thế giới mới mà Đức Chúa Trời đã hứa! Sứ đồ Phao-lô đã cho thấy đó là hành động đầy yêu thương của Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su khi nói: “Thật thế, trong khi chúng ta vẫn còn là người tội lỗi thì vào thời điểm được ấn định, Đấng Ki-tô đã chết cho loài người không tin kính. Hiếm có ai chết cho người công chính, còn người tốt thì có thể có người dám chết cho. Nhưng Đức Chúa Trời biểu lộ tình yêu thương với chúng ta qua cách này: Trong khi chúng ta vẫn còn là người tội lỗi, Đấng Ki-tô đã chết cho chúng ta” (Rô 5:6-8). Sứ đồ Giăng đã viết: “Trong trường hợp của chúng ta, tình yêu thương của Đức Chúa Trời được tỏ ra qua điều này: Đức Chúa Trời đã sai Con một của ngài xuống thế gian, hầu nhờ Con ấy mà chúng ta có sự sống. Tình yêu thương trong trường hợp này là: Không phải chúng ta yêu thương Đức Chúa Trời, nhưng ngài yêu thương chúng ta và phái Con ngài đến làm lễ vật cầu hòa vì tội lỗi chúng ta”.—1 Giăng 4:9, 10.

15 Chúa Giê-su nói về tình yêu thương của Đức Chúa Trời dành cho nhân loại như sau: “Đức Chúa Trời yêu thương thế gian [của loài người có thể cứu chuộc được] đến độ đã ban Con một của ngài cho họ, để ai thể hiện đức tin nơi Con ấy sẽ không bị hủy diệt mà được sống đời đời” (Giăng 3:16). Tình yêu thương mà Đức Chúa Trời dành cho nhân loại lớn đến mức ngài không từ chối làm điều lành cho họ dù phải hy sinh nhiều như thế nào. Tình yêu thương của ngài tồn tại mãi mãi. Chúng ta có thể luôn tin chắc về điều ấy. Phao-lô viết: “Tôi tin chắc rằng ngay cả sự chết, sự sống, thiên sứ, nhà cầm quyền, những điều bây giờ hoặc điều sẽ đến, quyền lực, điều trên cao hoặc dưới thấp, hay bất cứ tạo vật nào khác, cũng không thể ngăn cách chúng ta khỏi tình yêu thương của Đức Chúa Trời được tỏ ra qua Đấng Ki-tô Giê-su, Chúa chúng ta”.—Rô 8:38, 39.

NƯỚC TRỜI HIỆN ĐANG CAI TRỊ

16. Nước của Đấng Mê-si là gì, và Đức Giê-hô-va đã giao quyền cai trị Nước này cho ai?

16 Tình yêu thương của Đức Chúa Trời dành cho nhân loại được thấy rõ trong sắp đặt của ngài về Nước của Đấng Mê-si. Đức Giê-hô-va đã đặt chính phủ này trong tay của Con ngài, đấng yêu thương nhân loại và hoàn toàn đủ điều kiện để cai trị (Châm 8:31). Đức Chúa Trời đã lựa chọn 144.000 người để cùng cai trị với Chúa Giê-su ở trên trời. Khi được sống lại, họ mang theo kinh nghiệm mà mình có lúc còn sống trên đất (Khải 14:1). Nước Trời là chủ đề chính trong sự dạy dỗ của Chúa Giê-su, và ngài dạy các môn đồ cầu nguyện: “Lạy Cha chúng con ở trên trời, xin cho danh Cha được nên thánh. Xin Nước Cha được đến, ý Cha được thực hiện ở trên trời cũng như dưới đất” (Mat 6:9, 10). Sự ứng nghiệm của những lời cầu nguyện ấy sẽ mang lại vô vàn ân phước cho nhân loại biết vâng lời!

17. Sự cai trị của Chúa Giê-su tương phản thế nào với sự cai trị của con người tội lỗi?

17 Thật là một sự tương phản giữa vương quyền trên trời đầy yêu thương của Chúa Giê-su với sự cai trị của con người mà đã khiến hàng triệu người mất mạng trong chiến tranh! Chúa Giê-su thật sự quan tâm đến các thần dân của ngài và phản ánh những đức tính tuyệt hảo của Đức Chúa Trời, đặc biệt là tình yêu thương (Khải 7:10, 16, 17). Chúa Giê-su nói: “Hãy đến với tôi, hỡi những ai nhọc nhằn và nặng gánh, tôi sẽ cho anh em được nghỉ ngơi. Hãy mang ách của tôi và học theo tôi, vì tôi là người ôn hòa và có lòng khiêm nhường. Anh em sẽ cảm thấy khoan khoái, vì ách của tôi dễ chịu và gánh của tôi nhẹ nhàng” (Mat 11:28-30). Quả là một lời đảm bảo đầy yêu thương!

18. (a) Nước Đức Chúa Trời đã làm gì kể từ khi thành lập? (b) Chúng ta sẽ xem xét điều gì trong bài tới?

18 Lời tiên tri trong Kinh Thánh cho thấy Nước Đức Chúa Trời đã được thiết lập khi Đấng Ki-tô bắt đầu hiện diện vào năm 1914. Kể từ đó, đã có một cuộc thu nhóm những thành viên còn sót lại sẽ cai trị với Chúa Giê-su ở trên trời cũng như “một đám đông” gồm những người sẽ sống sót qua sự kết liễu của thế gian và được đưa vào thế giới mới (Khải 7:9, 13, 14). Ngày nay, đám đông ấy lớn như thế nào? Đức Chúa Trời đòi hỏi gì nơi họ? Bài tới sẽ xem xét những câu hỏi này.