Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

BÀI TRANG BÌA | TÌM ĐÂU NIỀM AN ỦI?

Đức Chúa Trời an ủi chúng ta như thế nào?

Đức Chúa Trời an ủi chúng ta như thế nào?

Sứ đồ Phao-lô cho biết Đức Giê-hô-va * “là Đức Chúa Trời ban mọi sự an ủi. Ngài an ủi chúng ta trong mọi hoạn nạn” (2 Cô-rinh-tô 1:3, 4). Như vậy, Kinh Thánh đảm bảo rằng Đức Chúa Trời có thể giúp mọi người và không có bi kịch nào quá lớn đến nỗi Cha trên trời không thể an ủi.

Dĩ nhiên, nếu muốn được Đức Chúa Trời an ủi, chúng ta phải làm điều gì đó. Giống như nếu chúng ta không bao giờ hẹn gặp bác sĩ thì làm sao bác sĩ có thể giúp đỡ? Nhà tiên tri A-mốt từng hỏi: “Hai người có đồng hành được chăng, nếu đã không hẹn với nhau từ trước?” (A-mốt 3:3, Các Giờ Kinh Phụng Vụ). Vì thế, Kinh Thánh khuyến khích chúng ta: “Hãy đến gần Đức Chúa Trời thì ngài sẽ đến gần anh em”.—Gia-cơ 4:8.

Làm sao có thể biết chắc Đức Chúa Trời sẽ đến gần chúng ta? Thứ nhất, vì nhiều lần ngài cho biết rằng ngài muốn giúp đỡ chúng ta. (Xem  khung trong bài). Thứ hai, vì chúng ta có bằng chứng thuyết phục từ những người đã được Đức Chúa Trời an ủi, những người có thật vào thời nay cũng như trong quá khứ.

Giống như nhiều người ngày nay, vua Đa-vít đã gặp phải những bi kịch trong đời. Có lần ông khẩn thiết nài xin Đức Giê-hô-va giúp đỡ: ‘Khi tôi kêu-cầu cùng Chúa, xin hãy nghe tiếng khẩn-cầu của tôi’. Đức Chúa Trời có đáp lời ông không? Có. Đa-vít nói thêm: “Tôi được cứu-tiếp; vì vậy, lòng tôi rất mừng-rỡ”.—Thi-thiên 28:2, 7.

VAI TRÒ CỦA CHÚA GIÊ-SU TRONG VIỆC AN ỦI NHỮNG NGƯỜI ĐAU BUỒN

Đức Chúa Trời muốn Chúa Giê-su đóng vai trò quan trọng trong việc an ủi. Trong số những nhiệm vụ mà Đức Chúa Trời giao, Chúa Giê-su đã “rịt những kẻ vỡ lòng” và “yên-ủi mọi kẻ buồn-rầu” (Ê-sai 61:1, 2). Như được báo trước, ngài rất quan tâm đến những ai “nhọc nhằn và nặng gánh”.—Ma-thi-ơ 11:28-30.

Chúa Giê-su an ủi người ta qua lời khuyên khôn ngoan và cách đối xử tử tế, thậm chí ngài còn chữa bệnh cho họ. Có lần, một người phong cùi van xin Chúa Giê-su: “Nếu ngài muốn, ngài có thể làm cho tôi được sạch”. Chúa Giê-su thương xót đáp: “Tôi muốn, hãy sạch đi” (Mác 1:40, 41). Và người phong cùi được lành bệnh.

Ngày nay, Con của Đức Chúa Trời không có mặt trên trái đất để trực tiếp an ủi mỗi người trong chúng ta. Nhưng Cha của ngài, Đức Giê-hô-va, là “Đức Chúa Trời ban mọi sự an ủi”, tiếp tục giúp đỡ những ai gặp hoạn nạn (2 Cô-rinh-tô 1:3). Hãy xem qua bốn cách chính mà Đức Chúa Trời an ủi chúng ta.

  • Kinh Thánh. “Hết thảy những điều được viết từ trước đều để chỉ dạy chúng ta, hầu cho bởi sự chịu đựng của chúng ta và sự an ủi đến từ Kinh Thánh mà chúng ta có hy vọng”.—Rô-ma 15:4.

  • Thần khí của Đức Chúa Trời. Không lâu sau khi Chúa Giê-su qua đời, hội thánh đạo Đấng Ki-tô bước vào giai đoạn bình an. Tại sao? Vì “họ đi trong đường lối kính sợ Đức Giê-hô-va và trong sự trợ lực [an ủi] của thần khí” (Công vụ 9:31). Thần khí, tức lực hoạt động của Đức Chúa Trời, rất mạnh mẽ. Ngài có thể dùng lực này để an ủi bất cứ ai trong bất cứ hoàn cảnh nào.

  • Cầu nguyện. Kinh Thánh khuyến khích chúng ta “đừng lo lắng bất cứ điều gì” và hãy “trình lời thỉnh cầu của anh em cho Đức Chúa Trời; rồi sự bình an của Đức Chúa Trời, là điều không ai hiểu thấu, sẽ bảo vệ lòng và trí của anh em”.—Phi-líp 4:6, 7.

  • Anh em đồng đạo là những người bạn thật mà chúng ta có thể tìm đến để được an ủi khi gặp gian nan. Sứ đồ Phao-lô xem các bạn đồng hành của ông là “nguồn an ủi lớn” trong giai đoạn “khốn khó và hoạn nạn”.—Cô-lô-se 4:11; 1 Tê-sa-lô-ni-ca 3:7.

Nhưng có lẽ bạn thắc mắc: “Thực tế có được như vậy không?”. Chúng ta hãy xem kinh nghiệm của những người đã đối mặt với thử thách được đề cập ở bài đầu. Giống như họ, bạn có thể nhận ra rằng Đức Chúa Trời tiếp tục giữ lời hứa ấm lòng: “Ta sẽ yên-ủi các ngươi như mẹ yên-ủi con”.—Ê-sai 66:13.

^ đ. 3 Giê-hô-va là tên của Đức Chúa Trời được tiết lộ trong Kinh Thánh.