Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Hãy giải quyết các mối bất hòa với tinh thần yêu thương

Hãy giải quyết các mối bất hòa với tinh thần yêu thương

‘Hãy giữ hòa thuận với nhau’.—MÁC 9:50.

BÀI HÁT: 39, 77

1, 2. Sách Sáng-thế Ký ghi lại những mâu thuẫn nào giữa người với người, và tại sao chúng ta nên quan tâm đến điều này?

Anh chị đã bao giờ nghĩ về các mâu thuẫn cá nhân được ghi lại trong Kinh Thánh chưa? Hãy xem xét chỉ vài chương đầu của sách Sáng-thế Ký: Ca-in giết A-bên (Sáng 4:3-8); Lê-méc giết một người trai trẻ vì người này đã đánh ông (Sáng 4:23); những người chăn của Áp-ra-ham (Áp-ram) và những người chăn của Lót tranh giành nhau (Sáng 13:5-7); A-ga khinh bỉ Sa-ra (Sa-rai), sau đó Sa-ra giận Áp-ra-ham (Sáng 16:3-6); Ích-ma-ên đối địch cùng mọi người và mọi người đối địch với ông.—Sáng 16:12.

2 Tại sao Kinh Thánh đề cập đến những mâu thuẫn như thế? Một lý do là để giúp những người bất toàn hiểu tại sao họ cần giữ hòa thuận. Những lời tường thuật ấy cũng cho chúng ta biết cách mình có thể làm thế. Chúng ta được lợi ích khi đọc các lời tường thuật trong Kinh Thánh về những con người có thật, vật lộn với những vấn đề có thật. Chúng ta biết được những nỗ lực của họ mang lại kết quả nào, và nhờ đó chúng ta có thể áp dụng những điểm ấy vào một số tình huống mà mình đối mặt trong đời sống. Quả thật, tất cả những điều này giúp chúng ta xem xét mình nên hoặc không nên làm gì khi đối mặt với các vấn đề tương tự.—Rô 15:4.

3. Bài này sẽ xem xét những đề tài nào?

3 Bài này sẽ xem xét tại sao các tôi tớ của Đức Giê-hô-va cần giải quyết các mối bất hòa và cách họ có thể làm thế. Ngoài ra, bài này sẽ đề cập đến những nguyên tắc Kinh Thánh có thể giúp họ xử lý mâu thuẫn cũng như giữ mối quan hệ tốt với người lân cận và với Giê-hô-va Đức Chúa Trời.

TẠI SAO TÔI TỚ CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI CẦN GIẢI QUYẾT CÁC MỐI BẤT HÒA?

4. Thái độ nào đã lan tràn ra khắp thế gian, và hậu quả là gì?

4 Sa-tan chịu trách nhiệm chính về những xung đột và mâu thuẫn mà nhân loại trải qua. Trong vườn Ê-đen, hắn cho rằng mỗi cá nhân có thể tự quyết định điều gì là tốt, điều gì là xấu mà không cần đến Đức Chúa Trời, và nên làm thế (Sáng 3:1-5). Chúng ta có thể dễ dàng thấy được hậu quả của lập luận ấy. Thế gian đầy dẫy những người và những xã hội bị ảnh hưởng bởi tinh thần độc lập cổ vũ sự kiêu ngạo, đề cao cái tôi và sự cạnh tranh. Bất cứ ai để mình bị cuốn theo tinh thần này thì người ấy như thể đồng ý với luận điệu của Sa-tan, đó là sẽ khôn ngoan nếu theo đuổi lợi ích riêng, bất chấp điều này ảnh hưởng thế nào đến người khác. Một đường lối ích kỷ như thế dẫn đến sự tranh chấp. Hãy nhớ rằng “người hay giận gây ra điều tranh-cạnh; và kẻ căm-gan phạm tội nhiều thay”.—Châm 29:22.

5. Chúa Giê-su dạy người ta giải quyết những sự bất đồng ra sao?

5 Ngược lại, Chúa Giê-su dạy người ta tìm kiếm sự hòa thuận, ngay cả khi điều này có vẻ làm tổn hại đến lợi ích của chính họ. Trong Bài giảng trên núi, Chúa Giê-su đưa ra lời khuyên xuất sắc về việc giải quyết những sự bất đồng hiện tại hoặc những mâu thuẫn có thể xảy ra. Chẳng hạn, ngài khuyến giục các môn đồ rằng họ cần có tính ôn hòa, hiếu hòa, loại bỏ các nguyên nhân gây giận dữ, nhanh chóng giải quyết vấn đề và yêu kẻ thù của mình.—Mat 5:5, 9, 22, 25, 44.

6, 7. (a) Tại sao nhanh chóng giải quyết các mối bất hòa là điều quan trọng? (b) Mỗi người thuộc dân của Đức Giê-hô-va nên tự hỏi điều gì?

6 Những nỗ lực của chúng ta để phụng sự Đức Chúa Trời, qua việc cầu nguyện, tham dự nhóm họp, rao giảng cũng như qua các khía cạnh khác của sự thờ phượng, sẽ là vô ích nếu chúng ta từ chối làm hòa với người khác (Mác 11:25). Chúng ta không thể làm bạn với Đức Chúa Trời nếu không sẵn lòng tha thứ cho những thiếu sót của người khác.—Đọc Lu-ca 11:4; Ê-phê-sô 4:32.

7 Mỗi tín đồ cần suy nghĩ cẩn thận và thành thật về việc có tinh thần tha thứ cũng như có mối quan hệ hòa thuận với người khác. Anh chị có sẵn lòng tha thứ cho anh em đồng đạo không? Anh chị có vui vẻ kết hợp với họ không? Đức Giê-hô-va muốn các tôi tớ của ngài có tinh thần tha thứ. Nếu lương tâm cho biết anh chị cần cải thiện trong khía cạnh này, hãy cầu nguyện và tìm kiếm sự giúp đỡ của Đức Giê-hô-va để làm điều đó! Cha trên trời yêu thương của chúng ta sẽ lắng nghe và đáp lại những lời cầu nguyện khiêm nhường như thế.—1 Giăng 5:14, 15.

ANH CHỊ CÓ THỂ BỎ QUA MỘT HÀNH ĐỘNG KHIẾN MÌNH TỔN THƯƠNG KHÔNG?

8, 9. Chúng ta nên làm gì nếu mình bị tổn thương?

8 Vì mọi người đều bất toàn nên không sớm thì muộn sẽ có ai đó nói hoặc làm một điều khiến anh chị tổn thương. Đó là việc không thể tránh khỏi (Truyền 7:20; Mat 18:7). Anh chị sẽ phản ứng thế nào? Hãy để ý bài học quan trọng mà chúng ta có thể rút ra từ tình huống sau: Tại một buổi giao lưu có sự tham dự của một số Nhân Chứng, một chị đã chào hỏi hai anh theo cách mà một trong hai anh thấy không thích hợp. Khi chỉ có hai anh, anh bị tổn thương bắt đầu chỉ trích về điều chị ấy nói. Tuy nhiên, anh kia nhắc rằng chị Nhân Chứng ấy đã trung thành phụng sự Đức Giê-hô-va trong 40 năm dù trải qua những hoàn cảnh khó khăn, và anh chắc rằng chị ấy không có ác ý. Sau khi suy nghĩ về điều này, anh bị tổn thương đáp lại: “Anh nói đúng”. Kết quả là vấn đề đã không đi xa hơn.

9 Kinh nghiệm này cho thấy gì? Khi ai đó làm một điều có khả năng khiến anh chị tổn thương, anh chị hoàn toàn có thể chọn cách mình phản ứng. Một người yêu thương sẽ che lấp những lỗi nhỏ. (Đọc Châm-ngôn 10:12; 1 Phi-e-rơ 4:8). Đức Giê-hô-va xem việc anh chị “bỏ qua tội phạm” là một điều tốt đẹp (Châm 19:11; Truyền 7:9). Thế nên, khi ai đó đối xử với anh chị theo cách có vẻ như thiếu tử tế hoặc thiếu tôn trọng, điều trước tiên anh chị nên tự hỏi là: “Mình có thể bỏ qua không? Mình có cần phải làm lớn chuyện không?”.

10. (a) Lúc đầu, một chị đã phản ứng ra sao trước lời chỉ trích? (b) Lời khuyên nào trong Kinh Thánh đã giúp chị giữ được sự bình an?

10 Có lẽ không dễ để bỏ qua lời chỉ trích. Hãy xem trường hợp của một chị tiên phong mà chúng ta tạm gọi là Lucy. Một số anh chị trong hội thánh đã nhận xét tiêu cực về thánh chức của chị cũng như cách chị sử dụng thời gian. Cảm thấy rất buồn, chị Lucy đã xin lời khuyên của các anh thành thục. Chị kể lại: “Lời khuyên dựa trên Kinh Thánh mà họ chia sẻ đã giúp tôi giữ cái nhìn đúng về quan điểm của người khác và tập trung vào đấng quan trọng nhất là Đức Giê-hô-va”. Chị Lucy được khích lệ nhờ đọc Ma-thi-ơ 6:1-4. (Đọc). Đoạn Kinh Thánh ấy nhắc chị rằng làm vui lòng Đức Giê-hô-va là điều quan trọng nhất. Chị chia sẻ: “Ngay cả khi người khác nhận xét tiêu cực về những gì mình làm, tôi vẫn giữ được niềm vui vì biết mình đang cố gắng hết sức để làm vui lòng Đức Giê-hô-va và được ngài chấp nhận”. Sau khi rút ra kết luận này, chị Lucy đã khôn ngoan chọn cách bỏ qua những lời nhận xét tiêu cực.

KHI KHÔNG THỂ BỎ QUA MỘT HÀNH ĐỘNG KHIẾN MÌNH TỔN THƯƠNG

11, 12. (a) Một tín đồ nên hành động ra sao nếu người ấy nghĩ rằng một anh em “có điều gì bất bình với mình”? (b) Chúng ta có thể học được gì từ cách Áp-ra-ham xử lý một vấn đề? (Xem hình nơi đầu bài).

11 “Hết thảy chúng ta đều vấp ngã nhiều lần” (Gia 3:2). Giả sử anh chị biết được rằng một anh em đã bị tổn thương về điều mà anh chị nói hoặc làm. Anh chị nên làm gì? Chúa Giê-su nói: “Nếu anh em mang lễ vật đến bàn thờ tế lễ nhưng chợt nhớ một người anh em có điều gì bất bình với mình, thì hãy để lễ vật nơi bàn thờ và đi làm hòa với người đó trước, rồi mới trở lại dâng lễ vật” (Mat 5:23, 24). Phù hợp với lời khuyên của Chúa Giê-su, hãy nói chuyện với anh em của mình. Hãy lưu ý mục tiêu mà anh chị nên có. Đó không phải là đổ lỗi một phần cho anh em mình, mà là thừa nhận lỗi của anh chị và làm hòa. Hòa thuận với anh em đồng đạo là điều quan trọng nhất.

12 Kinh Thánh cho thấy cách các tôi tớ của Đức Chúa Trời có thể giải quyết một vấn đề có khả năng gây chia rẽ, nhờ thế giữ được sự hòa thuận. Chẳng hạn, hãy xem xét lời thường thuật về Áp-ra-ham và cháu của ông là Lót, như được đề cập nơi đầu bài. Cả hai người đều có nhiều gia súc, và những người chăn của họ đã cãi nhau, có lẽ là về chuyện đồng cỏ. Vì nóng lòng muốn loại bỏ căng thẳng nên Áp-ra-ham đã cho Lót lựa chọn trước về nơi mà gia đình của mỗi người sẽ định cư (Sáng 13:1, 2, 5-9). Thật là một gương tốt! Áp-ra-ham đã tìm kiếm sự hòa thuận chứ không phải lợi ích riêng. Ông có bị thiệt thòi vì đã thể hiện lòng rộng rãi không? Hoàn toàn không. Ngay sau chuyện đó, Đức Giê-hô-va hứa ban cho ông những ân phước lớn lao (Sáng 13:14-17). Đức Chúa Trời sẽ không bao giờ để tôi tớ của ngài chịu mất mát lâu dài khi họ hành động phù hợp với những nguyên tắc của ngài và giải quyết các mối bất hòa với tinh thần yêu thương. [1]

13. Một giám thị đã phản ứng ra sao trước những lời gay gắt, và chúng ta có thể học được gì từ gương của anh?

13 Hãy xem xét một tình huống trong thời hiện đại. Khi giám thị mới của một ban hội nghị gọi cho một anh Nhân Chứng để hỏi xem liệu anh ấy có thể tình nguyện giúp đỡ không, anh Nhân Chứng đã nói ra những lời gay gắt và cúp máy. Anh ấy vẫn còn giận anh giám thị trước, sau khi hai người làm việc chung. Anh giám thị mới không tức giận trước sự bột phát của anh ấy, nhưng cũng không thể bỏ qua điều này. Một giờ sau, anh giám thị gọi điện lại và cho biết hai người chưa từng gặp mặt, rồi đề nghị rằng họ sẽ cùng giải quyết vấn đề. Một tuần sau, hai anh gặp nhau tại một Phòng Nước Trời. Sau khi cầu nguyện, họ nói chuyện với nhau trong một giờ và anh Nhân Chứng kể cho anh giám thị nghe câu chuyện của mình. Sau khi lắng nghe với sự đồng cảm, anh giám thị thảo luận một số câu Kinh Thánh hữu ích, và hai anh đã ra về trong sự hòa thuận. Sau đó, anh Nhân Chứng phục vụ tại hội nghị, và giờ đây anh rất biết ơn anh giám thị vì đã cư xử với mình một cách bình tĩnh và tử tế.

ANH CHỊ CÓ NÊN NHỜ CÁC TRƯỞNG LÃO CAN THIỆP KHÔNG?

14, 15. (a) Chúng ta nên áp dụng lời khuyên nơi Ma-thi-ơ 18:15-17 khi nào? (b) Chúa Giê-su đã đề cập đến ba bước nào, và chúng ta nên có mục tiêu gì khi áp dụng các bước này?

14 Phần lớn những mối bất hòa giữa các tín đồ có thể được giải quyết riêng và nên được giải quyết riêng giữa những người có liên quan. Tuy nhiên, Chúa Giê-su cũng cho biết một số tình huống có lẽ đòi hỏi sự can thiệp của hội thánh. (Đọc Ma-thi-ơ 18:15-17). Hậu quả sẽ là gì nếu một người phạm lỗi không chịu lắng nghe anh em, lắng nghe những người làm chứng và lắng nghe hội thánh? Người ấy nên bị đối xử “như dân ngoại và người thu thuế”. Ngày nay, điều này đồng nghĩa với việc bị khai trừ. Tính nghiêm trọng của bước này cho thấy rằng “lỗi” ở đây không phải là sự bất đồng nhỏ. Thay vì thế, đó là (1) một lỗi có khả năng giải quyết được giữa những người có liên quan, nhưng đồng thời cũng là (2) một lỗi nghiêm trọng đến mức đáng bị khai trừ nếu không được giải quyết. Những lỗi như thế có thể bao gồm sự lừa đảo hoặc hủy hoại danh tiếng của một người qua việc vu khống. Ba bước mà Chúa Giê-su nêu ra ở Ma-thi-ơ chương 18 chỉ áp dụng khi có đủ hai điều kiện được liệt kê ở trên. Lỗi này không bao gồm các tội như ngoại tình, đồng tính luyến ái, bội đạo, thờ hình tượng hoặc một số tội trọng khác mà nhất thiết phải được các trưởng lão trong hội thánh giải quyết.

Có lẽ cần phải lý luận với anh em mình nhiều hơn một lần để được lại người ấy (Xem đoạn 15)

15 Lời khuyên của Chúa Giê-su có mục tiêu là cho chúng ta biết cách giúp đỡ một anh em với tinh thần yêu thương (Mat 18:12-14). Trước tiên, chúng ta cần cố gắng giải quyết vấn đề mà không lôi người khác vào cuộc. Có lẽ cần phải lý luận nhiều hơn một lần với người phạm lỗi. Nếu không thành công, hãy nói chuyện với người đó trước sự có mặt của những người làm chứng về hành vi sai trái đã xảy ra, hoặc những người có thể giúp xác định xem liệu hành vi sai trái ấy có thật sự xảy ra hay không. Nếu anh chị giải quyết được vấn đề với sự giúp đỡ của họ, anh chị sẽ “được lại anh em mình”. Chỉ nên báo cáo vấn đề cho các trưởng lão khi anh chị đã nỗ lực nhiều lần để giúp người phạm lỗi nhưng vẫn thất bại.

16. Điều gì cho thấy rằng làm theo lời khuyên của Chúa Giê-su là thiết thực và yêu thương?

16 Hiếm khi có những trường hợp đòi hỏi phải dùng đến cả ba bước được nêu lên trong Ma-thi-ơ 18:15-17. Điều này thật khích lệ. Tại sao? Vì vấn đề thường được giải quyết trước khi tình huống đi xa đến mức hội thánh phải khai trừ người phạm tội mà không ăn năn. Thông thường người phạm tội sẽ nhận ra lỗi của mình và sửa chữa vấn đề, hoặc có thể người bị tổn thương sẽ tha thứ anh em của mình để giữ sự hòa thuận. Dù trường hợp là gì đi nữa, những lời của Chúa Giê-su cho thấy rằng hội thánh không nên sớm can thiệp vào các mối bất đồng. Các trưởng lão chỉ nên can thiệp khi hai bước trên đã được thực hiện và có bằng chứng vững chắc cho thấy rõ về điều đã xảy ra.

17. Chúng ta sẽ được hưởng những ân phước nào nếu “tìm-kiếm sự hòa-bình” với nhau?

17 Chừng nào thế gian này còn tồn tại, chừng đó con người vẫn bất toàn và vẫn tiếp tục làm người khác tổn thương. Thật thích hợp khi môn đồ Gia-cơ viết: “Nếu ai không vi phạm trong lời nói thì ấy là người hoàn hảo, có thể kìm hãm cả thân thể mình” (Gia 3:2). Để giải quyết các mối bất hòa, chúng ta phải nỗ lực “tìm-kiếm sự hòa-bình, và đeo-đuổi sự ấy” (Thi 34:14). Khi có tính hiếu hòa, chúng ta sẽ hưởng được mối quan hệ tốt với anh em đồng đạo và sẽ đẩy mạnh sự hợp nhất trong hội thánh (Thi 133:1-3). Trên hết, chúng ta sẽ có mối quan hệ tốt với Đức Giê-hô-va, “đấng ban sự bình an” (Rô 15:33). Chúng ta sẽ được hưởng mọi ân phước ấy khi giải quyết các mối bất hòa với tinh thần yêu thương.

^ [1] (đoạn 12) Những người khác đã giải quyết vấn đề một cách hòa thuận gồm có: Gia-cốp, với Ê-sau (Sáng 27:41-45; 33:1-11); Giô-sép, với các anh mình (Sáng 45:1-15) và Ghê-đê-ôn, với người Ép-ra-im (Quan 8:1-3). Có lẽ anh chị cũng nghĩ về những ví dụ tương tự được ghi lại trong Kinh Thánh.