Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Khi cư xử với các viên chức chính phủ, tín đồ đạo Đấng Ki-tô phải sử dụng lương tâm được Kinh Thánh rèn luyện

Độc giả thắc mắc

Độc giả thắc mắc

Điều gì có thể giúp các tín đồ đạo Đấng Ki-tô quyết định nên hay không nên tặng quà hoặc tiền cho các viên chức chính phủ?

Chúng ta cần ghi nhớ một số yếu tố. Tín đồ đạo Đấng Ki-tô phải lương thiện. Họ có trách nhiệm tuân thủ luật pháp của quốc gia nếu điều này không mâu thuẫn với luật pháp của Đức Giê-hô-va (Mat 22:21; Rô 13:1, 2; Hê 13:18). Họ cũng cố gắng tôn trọng phong tục và cảm xúc của người địa phương, đồng thời “yêu người lân cận như chính mình” (Mat 22:39; Rô 12:17, 18; 1 Tê 4:11, 12). Việc áp dụng những nguyên tắc như thế rất có thể sẽ tác động đến quan điểm của các tín đồ ở những nơi khác nhau trên thế giới đối với việc tặng quà và tiền.

Tại nhiều nơi, người ta không phải tặng cho các công chức bất cứ thứ gì để có được điều mình có quyền nhận. Các công chức thực hiện những công việc phục vụ được chính phủ trả lương, và họ không đòi hỏi hoặc mong đợi nhận thêm bất cứ điều gì ngoài tiền lương thông thường. Tại nhiều nước, sẽ là bất hợp pháp nếu các viên chức chính phủ cố gắng có được hoặc đồng ý nhận bất cứ thứ gì giá trị để thực hiện một việc công mà họ làm một cách hoàn toàn hợp pháp để hoàn thành các trách nhiệm của mình. Một món quà như thế sẽ bị xem là hối lộ, ngay cả khi món quà không làm thay đổi kết quả của việc ấy. Trong trường hợp này, không cần nêu lên vấn đề liệu một tín đồ có thể tặng quà hoặc tiền cho các viên chức chính phủ hay không. Những món quà như thế đơn giản là không phù hợp.

Tuy nhiên, ở một số nơi không có hoặc không thực thi những luật như thế một cách nghiêm túc, các công chức có thể không xem việc tặng quà là điều sai trái. Tại một vài nước, các viên chức chính phủ lợi dụng vị trí của mình để lấy tiền hoặc để nhận được những lợi ích khác từ những người mà họ có trách nhiệm phục vụ, và họ không sẵn lòng làm bất cứ điều gì nếu chưa nhận được một món quà. Do đó, các viên chức đòi tiền biếu cho việc hợp pháp hóa hôn nhân, thu tiền thuế thu nhập hợp pháp, cấp giấy phép xây dựng, v.v. Nếu không được tặng tiền, các viên chức có thể cố ý gây trở ngại để công dân khó có được điều mà họ có quyền nhận, nếu không muốn nói là không thể có được. Thậm chí ở một nước, có thông tin cho biết rằng những lính cứu hỏa, là những người đối phó với các tình huống khẩn cấp, sẽ không chịu tiến hành dập tắt lửa nếu họ chưa được tặng một khoản tiền đáng kể.

Đôi lúc, có lẽ thích hợp để tặng một món quà nhỏ mang tính chất cảm ơn đối với sự phục vụ hợp pháp mà một người có quyền nhận

Tại những nơi mà các hành động trên là phổ biến, một số người cảm thấy không thể nào tránh được việc tặng tiền. Trong những hoàn cảnh như thế, có thể một tín đồ sẽ xem tiền biếu là một khoản phí bổ sung mà mình được yêu cầu trả để nhận được sự phục vụ hợp pháp. Tuy nhiên, trong môi trường phổ biến với việc tham nhũng, một tín đồ cần cảnh giác để không làm mờ đi ranh giới giữa điều được Đức Chúa Trời chấp nhận và điều không được ngài chấp nhận. Tặng tiền để nhận được điều một người có quyền nhận là một chuyện, nhưng tặng tiền để cố đạt được một lợi ích phi pháp lại là chuyện hoàn toàn khác. Trong môi trường tham nhũng, một số người tặng tiền cho một viên chức để nhận được sự phục vụ mà mình không có quyền nhận, hoặc tặng tiền cho một cảnh sát hay thanh tra chính phủ để tránh một mức phạt hợp lý và thích đáng. Dĩ nhiên, sẽ là sai trái nếu tìm cách hối lộ bất cứ ai bằng cách tặng một “món quà”; đồng thời, tham nhũng qua việc nhận một “món quà” như thế cũng là điều sai trái. Cả hai đều là những hành động bóp méo công lý.—Xuất 23:8; Phục 16:19; Châm 17:23.

Dựa trên lương tâm được Kinh Thánh rèn luyện, phần lớn tín đồ thành thục không thấy thoải mái để tặng tiền cho các viên chức yêu cầu họ làm thế. Họ cảm thấy rằng nếu làm vậy, họ đang chấp nhận hoặc đang ủng hộ việc tham nhũng. Do đó, họ không tặng bất cứ loại quà nào theo yêu cầu của các viên chức.

Trong khi các tín đồ thành thục nhận thức rằng tặng quà để có được một lợi ích phi pháp có thể tương đương với việc hối lộ, thì hoàn cảnh địa phương và cảm xúc của người địa phương có lẽ cho phép một số tín đồ tặng một món quà nhỏ mang tính chất cảm ơn để nhận được sự phục vụ hợp pháp, hoặc để tránh việc bị trì hoãn phục vụ một cách bất công. Trong những trường hợp khác, sau khi được điều trị y khoa miễn phí trong một bệnh viện công, một số tín đồ tặng quà cho các bác sĩ và y tá để tỏ lòng biết ơn về sự điều trị mà họ nhận được. Họ thấy thoải mái để làm thế sau khi đã được điều trị, thay vì làm điều này trước đó, nhờ thế tránh gây hiểu lầm rằng họ tặng quà với ý định hối lộ hoặc với yêu cầu được đối xử ưu tiên.

Chúng ta không thể xem xét mọi tình huống có thể xảy ra trong mỗi nước khác nhau. Do đó, bất kể hoàn cảnh địa phương ra sao, khi quyết định về việc mình sẽ hành động thế nào, các tín đồ đạo Đấng Ki-tô nên theo đuổi đường lối mà sẽ giúp họ giữ được một lương tâm tốt (Rô 14:1-6). Họ nên tránh những hành động phi pháp (Rô 13:1-7). Họ nên tránh bất cứ việc làm nào có thể khiến danh Đức Giê-hô-va bị bôi nhọ hoặc làm người khác vấp ngã (Mat 6:9; 1 Cô 10:32). Đồng thời, những quyết định của họ nên phản ánh tình yêu thương đối với người lân cận.—Mác 12:31.

Hội thánh có thể biểu lộ niềm vui mừng như thế nào khi nghe thông báo rằng một người đã được nhận lại?

Lu-ca chương 15 ghi lại minh họa sống động của Chúa Giê-su về một người có đàn cừu gồm 100 con. Khi một con cừu bị lạc mất, ông đã để 99 con kia ở lại trong hoang mạc rồi đi tìm con bị lạc “cho kỳ được”. Chúa Giê-su nói tiếp: “Khi đã tìm được, ông vác nó trên vai và vui mừng hớn hở. Về tới nhà, ông gọi bạn bè và hàng xóm đến rồi nói với họ: ‘Hãy chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được con chiên bị lạc’”. Chúa Giê-su kết luận bằng cách nói: “Tôi cho các ông biết, trên trời cũng sẽ vui mừng như thế vì một người tội lỗi ăn năn hơn là chín mươi chín người công chính không cần ăn năn”.—Lu 15:4-7.

Văn cảnh cho thấy Chúa Giê-su nói những lời này để chỉnh lại lối suy nghĩ của các thầy kinh luật và người Pha-ri-si. Họ đã chỉ trích ngài về việc kết hợp với những người thu thuế và kẻ tội lỗi (Lu 15:1-3). Chúa Giê-su cho biết trên trời vui mừng khi một người phạm tội đã ăn năn. Chúng ta có thể nêu lên câu hỏi: “Vì trên trời vui mừng, chẳng phải trên đất cũng nên vui mừng khi một người phạm tội đã ăn năn, quay trở lại và làm cho thẳng con đường dưới chân mình sao?”.—Hê 12:13.

Khi một người được nhận lại vào hội thánh, chúng ta có lý do chính đáng để vui mừng. Người ấy sẽ phải tiếp tục giữ trung kiên với Đức Chúa Trời, nhưng người ấy đã ăn năn nên mới được nhận lại, và chúng ta vui vì người ấy đã ăn năn. Thế nên, sẽ không sai nếu những người trong cử tọa vỗ tay một cách tự nguyện, nhưng trang nghiêm, khi các trưởng lão thông báo rằng một người đã được nhận lại.

Điều gì có thể đã làm “nước động” ở hồ Bết-da-tha tại Giê-ru-sa-lem?

Một số cư dân ở Giê-ru-sa-lem trong thời Chúa Giê-su nghĩ rằng hồ Bết-da-tha có khả năng chữa bệnh khi “nước động” (Giăng 5:1-7). Thế nên, những người đang tìm cách chữa khỏi bệnh đã tập trung tại địa điểm này.

Hồ ấy được cho là hồ tắm dùng cho nghi lễ của người Do Thái. Lượng nước của hồ được cung cấp và duy trì nhờ lấy nước từ một hồ kế cận, thuộc cùng một công trình. Kết quả nghiên cứu về khu vực đó cho thấy rằng có một đập nước ngăn cách hai hồ. Một cửa của đập này có thể được mở ra để cho nước chảy từ hồ kia vào đáy hồ Bết-da-tha qua một kênh dẫn nước. Khi cửa đập ấy được mở, dòng nước chảy vào chắc hẳn đã khuấy động mặt nước của hồ Bết-da-tha.

Điều đáng chú ý là câu Giăng 5:4, nói rằng một thiên sứ đã làm cho nước động, không được tìm thấy trong những bản chép tay cổ xưa tiếng Hy Lạp rất được xem trọng, chẳng hạn như bản Codex Sinaiticus, có từ thế kỷ thứ tư. Tuy nhiên, tại Bết-da-tha, Chúa Giê-su đã chữa lành cho một người bị bệnh suốt 38 năm. Người đàn ông ấy được chữa lành ngay lập tức dù không bước xuống hồ.