Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Kinh Thánh vẫn đang thay đổi đời sống anh chị không?

Kinh Thánh vẫn đang thay đổi đời sống anh chị không?

“Hãy biến đổi tâm trí mình”.—RÔ 12:2.

BÀI HÁT: 61, 52

1-3. (a) Có lẽ chúng ta khó thực hiện một số thay đổi nào sau khi làm báp-têm? (b) Khi cảm thấy việc tiến bộ của mình khó khăn hơn so với mong đợi, có thể chúng ta thắc mắc điều gì? (Xem hình nơi đầu bài).

Khi học sự thật, anh Kevin [1] không muốn gì hơn là có được mối quan hệ gần gũi với Đức Giê-hô-va. Nhưng trong nhiều năm, anh đã đánh bạc, hút thuốc, lạm dụng rượu và ma túy. Để được Đức Chúa Trời chấp nhận, anh Kevin phải từ bỏ những thực hành sai trái ấy. Anh đã làm được điều này bằng cách nương cậy nơi Đức Giê-hô-va và quyền lực biến đổi của Lời ngài.—Hê 4:12.

2 Sau khi làm báp-têm, anh Kevin có ngưng thực hiện những thay đổi trong đời sống không? Không, vì anh vẫn cần vun trồng và cải thiện phẩm chất của tín đồ đạo Đấng Ki-tô (Ê-phê 4:31, 32). Chẳng hạn, anh Kevin ngạc nhiên khi nhận thấy việc kiểm soát tính nóng giận của mình là điều không hề dễ dàng. Anh thừa nhận: “Học cách kiểm soát tính khí của mình khó hơn nhiều so với việc từ bỏ những tật xấu trước kia!”. Nhưng anh Kevin đã làm được nhờ cầu nguyện tha thiết với Đức Giê-hô-va và siêng năng học hỏi Kinh Thánh.

3 Giống như anh Kevin, nhiều người trong chúng ta phải thực hiện những thay đổi lớn trước khi làm báp-têm để có đời sống phù hợp với những đòi hỏi căn bản trong Kinh Thánh. Sau khi báp-têm, chúng ta nhận thấy mình cần tiếp tục thay đổi những điều nhỏ nhưng tinh vi hơn để ngày càng theo sát gương của Đức Chúa Trời và Đấng Ki-tô (Ê-phê 5:1, 2; 1 Phi 2:21). Chẳng hạn, có lẽ chúng ta nhận thấy mình có tinh thần chỉ trích, sợ loài người, có khuynh hướng hay thày lay hoặc có một số khuyết điểm khác. Có lẽ chúng ta cảm thấy việc tiến bộ trong phương diện này tỏ ra khó khăn hơn so với mong đợi của mình. Vì vậy, có thể anh chị thắc mắc: “Nếu mình đã thực hiện được những thay đổi lớn thì tại sao việc tiếp tục thực hiện những thay đổi nhỏ hơn lại khó khăn đến thế? Làm thế nào mình có thể để Kinh Thánh thay đổi đời sống, nhờ thế tiếp tục tiến bộ hơn?”.

HÃY CÓ MONG ĐỢI THỰC TẾ

4. Tại sao chúng ta không thể làm vui lòng Đức Giê-hô-va trong mọi việc?

4 Là những người biết và yêu mến Đức Giê-hô-va, chúng ta tha thiết muốn làm ngài vui lòng. Nhưng dù ước muốn đó mạnh mẽ đến đâu thì sự bất toàn vẫn khiến chúng ta không thể làm vui lòng Đức Chúa Trời vào mọi lúc. Chúng ta thường có cảm giác như sứ đồ Phao-lô, người từng nói: “Tôi có ước muốn làm điều tốt, nhưng lại không có khả năng làm”.—Rô 7:18; Gia 3:2.

5. Chúng ta đã thực hiện những thay đổi nào trước khi làm báp-têm, nhưng có lẽ chúng ta vẫn phải tranh đấu với những khuyết điểm nào?

5 Chúng ta đã từ bỏ những hành vi sai trái để hội đủ điều kiện làm thành viên của hội thánh đạo Đấng Ki-tô (1 Cô 6:9, 10). Dù vậy, chúng ta vẫn bất toàn (Cô 3:9, 10). Vì thế, sẽ không thực tế khi mong đợi rằng sau khi báp-têm, hay thậm chí sau nhiều năm trong sự thật, chúng ta sẽ không còn phạm lỗi, không gặp những trở ngại hoặc không có những khuynh hướng và động lực sai trái. Một thói xấu nào đó có thể kéo dài trong nhiều năm.

6, 7. (a) Dù bất toàn, chúng ta vẫn có thể làm bạn với Đức Giê-hô-va nhờ điều gì? (b) Tại sao chúng ta không nên ngần ngại xin Đức Giê-hô-va tha thứ?

6 Tội lỗi di truyền không nhất thiết ngăn cản chúng ta hưởng tình bạn với Đức Giê-hô-va và tiếp tục phụng sự ngài. Hãy nghĩ về điều này: Khi Đức Giê-hô-va kéo chúng ta đến để làm bạn với ngài, ngài biết có những lúc chúng ta sẽ phạm lỗi (Giăng 6:44). Vì biết các đặc điểm của chúng ta và điều gì ở trong lòng chúng ta nên chắc chắn Đức Chúa Trời biết những khuynh hướng bất toàn nào sẽ đặc biệt gây khó khăn cho chúng ta. Đồng thời, ngài cũng biết rằng thỉnh thoảng chúng ta sẽ mắc lỗi. Dù vậy, Đức Giê-hô-va vẫn muốn chúng ta là bạn của ngài.

7 Tình yêu thương đã thôi thúc Đức Chúa Trời ban cho chúng ta món quà quý giá là sự hy sinh làm giá chuộc của Con yêu dấu của ngài (Giăng 3:16). Khi phạm lỗi, nếu chúng ta ăn năn và xin Đức Giê-hô-va tha thứ dựa trên món quà vô giá ấy thì chúng ta có thể tin chắc rằng Đức Giê-hô-va vẫn xem chúng ta là bạn của ngài (Rô 7:24, 25; 1 Giăng 2:1, 2). Chúng ta có nên do dự tận dụng lợi ích từ giá chuộc vì cảm thấy mình không trong sạch hoặc tội lỗi không? Dĩ nhiên là không! Nếu làm thế thì như thể chúng ta từ chối dùng nước để rửa tay khi tay bẩn. Suy cho cùng, giá chuộc được cung cấp cho những người tội lỗi biết ăn năn. Vậy nhờ giá chuộc, chúng ta có thể hưởng tình bạn với Đức Giê-hô-va ngay cả khi chúng ta ở trong tình trạng bất toàn.—Đọc 1 Ti-mô-thê 1:15.

8. Tại sao chúng ta không nên lờ đi những khuyết điểm của mình?

8 Dĩ nhiên, chúng ta không thể lờ đi những khuyết điểm của mình. Vun trồng tình bạn với Đức Giê-hô-va bao hàm việc cố gắng theo sát hơn gương của ngài và của Đấng Ki-tô, đồng thời trở nên loại người mà hai đấng ấy muốn (Thi 15:1-5). Điều này cũng bao hàm việc nỗ lực kiểm soát những khuynh hướng bất toàn của mình, thậm chí loại bỏ chúng khi có thể. Dù mới làm báp-têm hay đã ở trong sự thật nhiều năm, chúng ta phải “tiếp tục... chịu sửa đổi”.—2 Cô 13:11.

9. Làm thế nào chúng ta biết rằng mình có thể tiếp tục mặc lấy nhân cách mới?

9 Chúng ta cần tiếp tục nỗ lực để “sửa đổi” và thể hiện “nhân cách mới”. Phao-lô nhắc các anh em đồng đạo: “Anh em nên lột bỏ nhân cách cũ, là nhân cách chiều theo lối sống trước đây và bị bại hoại bởi những ham muốn làm cho lầm lạc. Anh em nên tiếp tục đổi mới tinh thần chi phối tâm trí mình, và mặc lấy nhân cách mới được dựng nên theo ý muốn Đức Chúa Trời, phù hợp với sự công chính thật và lòng trung thành” (Ê-phê 4:22-24). Cụm từ “tiếp tục đổi mới” cho thấy việc mặc lấy nhân cách mới là một quá trình liên tục. Thật khích lệ vì điều này đảm bảo với chúng ta rằng dù đã phụng sự Đức Giê-hô-va bao lâu, chúng ta vẫn có thể tiếp tục vun trồng và cải thiện những phẩm chất của tín đồ đạo Đấng Ki-tô, là những phẩm chất tạo thành nhân cách mới. Thật vậy, Kinh Thánh có thể tiếp tục thay đổi đời sống chúng ta.

TẠI SAO THAY ĐỔI LẠI KHÓ KHĂN ĐẾN THẾ?

10. Chúng ta phải làm gì để tiếp tục thay đổi với sự trợ giúp của Kinh Thánh, và có lẽ chúng ta thắc mắc về những câu hỏi nào?

10 Chúng ta phải nỗ lực nếu muốn để Lời Đức Chúa Trời tiếp tục thay đổi mình. Nhưng tại sao chúng ta cần cố gắng nhiều như thế? Nếu Đức Giê-hô-va đang ban phước cho những nỗ lực của chúng ta, chẳng phải chúng ta sẽ tiến bộ về mặt thiêng liêng một cách dễ dàng hơn sao? Chẳng phải Đức Giê-hô-va có thể chỉ cần loại bỏ những khuynh hướng sai trái của chúng ta để chúng ta thể hiện những phẩm chất tin kính mà không cần nỗ lực sao?

11-13. Tại sao Đức Giê-hô-va muốn chúng ta nỗ lực chiến thắng những khuyết điểm của mình?

11 Khi suy ngẫm về vũ trụ vật chất, chúng ta nhận biết rằng Đức Giê-hô-va là đấng có quyền năng to lớn. Chẳng hạn, mỗi giây mặt trời chuyển năm triệu tấn vật chất của nó thành năng lượng. Dù chỉ một phần nhỏ năng lượng ấy đi qua bầu khí quyển của chúng ta nhưng vẫn cung cấp đủ ánh sáng và hơi ấm để duy trì sự sống trên đất (Thi 74:16; Ê-sai 40:26). Đức Giê-hô-va cũng ban sức mạnh thích hợp cho những tôi tớ của ngài khi họ cần (Ê-sai 40:29). Rõ ràng nếu muốn, Đức Chúa Trời có thể ban cho chúng ta sức mạnh để chiến thắng mọi khuyết điểm mà không cần tranh đấu hoặc học từ những lỗi lầm của mình. Nhưng tại sao ngài không làm thế?

12 Đức Giê-hô-va đã ban cho chúng ta món quà vô giá là sự tự do ý chí. Qua việc chọn làm theo ý muốn Đức Chúa Trời và nỗ lực làm thế, chúng ta cho thấy mình yêu thương ngài sâu đậm và có ước muốn làm ngài vui lòng. Chúng ta cũng cho thấy mình ủng hộ quyền tối thượng của ngài. Sa-tan đã thách thức tính chính đáng của quyền tối thượng của Đức Giê-hô-va. Thế nên, khi chúng ta tình nguyện và nỗ lực ủng hộ quyền ấy thì điều này đặc biệt có giá trị với Cha trên trời nhân từ và đầy ân nghĩa (Gióp 2:3-5; Châm 27:11). Nhưng nếu Đức Giê-hô-va giúp chúng ta không cần nỗ lực tranh đấu với những khuynh hướng bất toàn để làm ngài hài lòng, thì bất cứ lời quả quyết nào về việc trung thành và ủng hộ quyền tối thượng của ngài sẽ trở nên vô nghĩa.

13 Vì thế, Đức Giê-hô-va bảo chúng ta hãy dồn “mọi nỗ lực” để vun trồng những phẩm chất tin kính. (Đọc 2 Phi-e-rơ 1:5-7; Cô 3:12). Ngài muốn chúng ta cố gắng kiểm soát lối suy nghĩ và cảm xúc của mình (Rô 8:5; 12:9). Khi nỗ lực hết sức về phương diện này, chúng ta sẽ cảm thấy thỏa lòng hơn vì biết rằng Kinh Thánh vẫn đang thay đổi đời sống mình.

HÃY ĐỂ LỜI ĐỨC CHÚA TRỜI TIẾP TỤC THAY ĐỔI ANH CHỊ

14, 15. Chúng ta cần làm gì để vun trồng những phẩm chất mà Đức Giê-hô-va yêu quý? (Xem khung “ Kinh Thánh và lời cầu nguyện đã thay đổi đời sống của họ”).

14 Chúng ta có thể làm gì để vun trồng những phẩm chất tin kính và làm Đức Giê-hô-va vui lòng? Thay vì chỉ theo một chương trình tự cải thiện bản thân, chúng ta cần để Đức Chúa Trời hướng dẫn. Rô-ma 12:2 nói: “Đừng rập khuôn theo đời này nữa, nhưng hãy biến đổi tâm trí mình, hầu tự chứng minh cho chính mình về ý muốn của Đức Chúa Trời, là ý muốn tốt lành, hoàn hảo và đẹp lòng ngài”. Qua Lời ngài và thần khí, Đức Giê-hô-va giúp chúng ta nhận biết và làm theo ý muốn của ngài cũng như thay đổi đời sống đến mức độ cần thiết để đáp ứng những đòi hỏi của ngài. Chúng ta cần đọc Kinh Thánh hằng ngày, suy ngẫm về những gì mình đọc và cầu xin Đức Chúa Trời ban thần khí (Lu 11:13; Ga 5:22, 23). Khi chúng ta để thần khí hướng dẫn và điều chỉnh lối suy nghĩ cho phù hợp với quan điểm của Đức Chúa Trời, như được tiết lộ trong Kinh Thánh, thì lối suy nghĩ, lời nói và hành động của chúng ta sẽ ngày càng làm vui lòng ngài. Dù vậy, chúng ta sẽ cần tiếp tục cảnh giác để không chiều theo những khuyết điểm của bản thân.—Châm 4:23.

Có lẽ anh chị sẽ thấy hữu ích khi sưu tầm và xem lại những câu Kinh Thánh và các bài giúp mình đối phó với khuyết điểm của bản thân (Xem đoạn 15)

15 Ngoài việc đọc Kinh Thánh hằng ngày, chúng ta cần học hỏi Lời Đức Chúa Trời cùng các ấn phẩm của tổ chức với mục tiêu noi theo những phẩm chất tuyệt vời của Đức Giê-hô-va. Có những câu Kinh Thánh hoặc những bài trong Tháp Canh Tỉnh Thức! đặc biệt hữu ích cho việc vun trồng các phẩm chất của tín đồ đạo Đấng Ki-tô, hoặc giúp chúng ta vượt qua khuyết điểm nào đó. Một số anh chị thấy thiết thực khi sưu tầm và thỉnh thoảng xem lại những câu Kinh Thánh hoặc những bài như thế.

16. Tại sao chúng ta không nên nản lòng nếu mình không thể thay đổi một cách nhanh chóng?

16 Nếu anh chị cảm thấy mình có vẻ chậm tiến bộ về thiêng liêng, hãy nhớ rằng cần thời gian để lớn mạnh về phương diện này. Vun trồng những đức tính thiêng liêng là một quá trình liên tục. Chúng ta cần kiên nhẫn và nỗ lực khi để Kinh Thánh tiếp tục giúp mình có những thay đổi tích cực trong đời sống. Lúc đầu, có lẽ chúng ta cần ép mình làm những điều phù hợp với Kinh Thánh. Nhưng với thời gian, chúng ta sẽ dễ suy nghĩ và hành động một cách tin kính hơn vì chúng ta ngày càng có lối suy nghĩ và hành động giống như Giê-hô-va Đức Chúa Trời.—Thi 37:31; Châm 23:12; Ga 5:16, 17.

HÃY NGHĨ VỀ NHỮNG TRIỂN VỌNG TUYỆT DIỆU

17. Nếu trung thành với Đức Giê-hô-va, chúng ta có thể mong chờ tương lai tuyệt diệu nào?

17 Những người thờ phượng Đức Giê-hô-va một cách trung thành cuối cùng sẽ có đặc ân được phụng sự ngài mãi mãi trong sự hoàn hảo. Khi đó, việc thể hiện những phẩm chất tin kính sẽ không còn là một thử thách mà sẽ luôn là niềm vui thích. Còn trong hiện tại, nhờ giá chuộc, chúng ta có thể thờ phượng Đức Chúa Trời đầy yêu thương. Dù đang ở trong tình trạng bất toàn, chúng ta vẫn có thể làm thế nếu tiếp tục cố gắng để quyền lực của Lời ngài biến đổi mình.

18, 19. Tại sao chúng ta có thể tin chắc rằng Kinh Thánh có quyền lực để tiếp tục thay đổi đời sống chúng ta?

18 Anh Kevin, người được đề cập ở đầu bài, đã nỗ lực rất nhiều để kiểm soát tính nóng giận. Anh đã suy ngẫm và áp dụng các nguyên tắc Kinh Thánh, đồng thời chấp nhận sự giúp đỡ và lời khuyên đến từ anh em đồng đạo. Sau vài năm, anh Kevin đã có những cải thiện đáng kể. Với thời gian, anh hội đủ điều kiện để được bổ nhiệm làm phụ tá hội thánh. Trong 20 năm qua, anh phụng sự với tư cách là trưởng lão. Dù vậy, anh thấy mình vẫn phải cảnh giác để không cho những khuyết điểm mà anh đã khắc phục bộc lộ trở lại.

19 Kinh nghiệm của anh Kevin cho thấy Kinh Thánh giúp dân Đức Chúa Trời tiếp tục có những thay đổi tích cực trong đời sống. Vì thế, đừng bỏ cuộc trong việc để Lời Đức Chúa Trời tiếp tục biến đổi chúng ta và giúp chúng ta có mối quan hệ mật thiết hơn với ngài (Thi 25:14). Khi thấy Đức Giê-hô-va ban phước cho những nỗ lực của mình, chúng ta sẽ có bằng chứng rõ ràng cho thấy Kinh Thánh vẫn có thể tiếp tục thay đổi đời sống của chúng ta.—Thi 34:8.

^ [1] (đoạn 1) Tên đã được thay đổi.