Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Biết ơn vì được hưởng lòng nhân từ bao la của Đức Chúa Trời

Biết ơn vì được hưởng lòng nhân từ bao la của Đức Chúa Trời

“Tất cả chúng ta nhận được hết ân huệ [“nhân từ bao la”, chú thích] này đến ân huệ khác”.—GIĂNG 1:16.

BÀI HÁT: 95, 13

1, 2. (a) Hãy miêu tả minh họa của Chúa Giê-su về chủ vườn nho. (b) Câu chuyện này giúp chúng ta hiểu thế nào về lòng tốt và nhân từ bao la?

Vào một buổi sáng sớm, người chủ vườn nho đi ra chợ để mướn người làm việc tại vườn của ông. Những người mà chủ vườn nho tìm được đã đồng ý với mức tiền công do ông đề nghị, rồi đến làm việc. Nhưng ông vẫn cần thêm người làm. Vì thế trong cả ngày hôm đó, ông trở lại chợ nhiều lần và thuê nhiều người hơn nữa. Ông sẵn sàng trả công đàng hoàng cho ngay cả những người được mướn vào cuối buổi chiều. Khi tối đến, ông tập hợp những người làm để trả tiền công cho họ, và ông trả cho mỗi người một khoản giống nhau dù họ đã lao động nhiều giờ hay chỉ một giờ. Khi những người được mướn đầu tiên biết được điều này, họ đã cằn nhằn. Chủ vườn nho đáp lại: ‘Chẳng phải anh đã thỏa thuận với tôi số tiền đó rồi sao? Tôi không có quyền trả cho mọi người làm công bất cứ số tiền nào theo ý mình sao? Có phải anh ghen tị vì tôi có lòng tốt?’.—Mat 20:1-15.

2 Dụ ngôn của Chúa Giê-su nhắc chúng ta về một phẩm chất của Đức Giê-hô-va thường được đề cập trong Kinh Thánh. Đó là “lòng nhân từ bao la” của ngài. [1] (Đọc 2 Cô-rinh-tô 6:1). Những người làm công chỉ lao động một giờ dường như không xứng đáng nhận mức tiền công tương đương với một ngày làm việc, nhưng chủ vườn nho đã biểu lộ sự nhân từ đặc biệt với họ. Liên quan đến cụm từ “nhân từ bao la”, cũng được dịch là “ân điển” hoặc “ân huệ” trong một số bản Kinh Thánh, một học giả viết: “Từ này có ý nghĩa cơ bản là một món quà cho không, mà người nhận không đáng được nhận, là điều gì đó được ban cho một người không xứng đáng”.

MÓN QUÀ RỘNG RÃI CỦA ĐỨC GIÊ-HÔ-VA

3, 4. Tại sao Đức Giê-hô-va đã thể hiện lòng nhân từ bao la với toàn thể nhân loại, và ngài làm điều đó qua cách nào?

3 Kinh Thánh nói đến “món quà, là lòng nhân từ bao la, mà Đức Chúa Trời ban cho” (Ê-phê 3:7). Tại sao Đức Giê-hô-va ban “món quà” này, và ngài làm thế qua cách nào? Nếu đáp ứng mọi đòi hỏi của Đức Giê-hô-va một cách hoàn hảo thì chúng ta sẽ xứng đáng với lòng nhân từ của ngài. Thực tế là chúng ta không làm được điều đó. Vị vua khôn ngoan Sa-lô-môn đã viết: “Chẳng có người công-bình ở trên đất làm điều thiện, mà không hề phạm tội” (Truyền 7:20). Tương tự, sứ đồ Phao-lô nói: “Mọi người đều phạm tội và không thể phản ánh sự vinh hiển của Đức Chúa Trời”. Ông cũng viết: “Tiền công mà tội lỗi trả là sự chết” (Rô 3:23; 6:23a). Đó là điều mà chúng ta đáng phải nhận.

4 Tuy nhiên, Đức Giê-hô-va đã thể hiện tình yêu thương với nhân loại tội lỗi qua một hành động biểu lộ lòng nhân từ bao la mà không gì có thể so sánh được. Ngài đã ban món quà cao cả nhất là “Con một của ngài” xuống trái đất và hy sinh cho chúng ta (Giăng 3:16). Thế nên, sứ đồ Phao-lô viết rằng Chúa Giê-su “nay được ban sự vinh hiển và tôn trọng vì đã chịu chết, hầu cho bởi lòng nhân từ bao la của Đức Chúa Trời mà ngài nếm trải sự chết vì mọi người” (Hê 2:9). Đúng vậy, “món quà Đức Chúa Trời ban là sự sống vĩnh cửu qua Đấng Ki-tô Giê-su, Chúa chúng ta”.—Rô 6:23b.

5, 6. (a) Hậu quả là gì khi chúng ta bị tội lỗi cai trị? (b) Kết quả là gì khi chúng ta phục dưới lòng nhân từ bao la của Đức Chúa Trời?

5 Tại sao tất cả chúng ta đều bị di truyền tội lỗi và sự chết? Kinh Thánh giải thích: “Bởi tội của một người [A-đam] mà sự chết được làm vua” trên con cháu của A-đam (Rô 5:12, 14, 17). Nhưng điều đáng mừng là chúng ta có thể chọn không bị tội lỗi cai trị nữa. Qua việc thể hiện đức tin nơi sự hy sinh làm giá chuộc của Đấng Ki-tô, chúng ta chọn phục dưới lòng nhân từ bao la của Đức Giê-hô-va. Tại sao có thể nói như thế? Kinh Thánh cho biết: “Khi người ta phạm nhiều tội, Đức Chúa Trời biểu lộ lòng nhân từ bao la với họ nhiều hơn nữa. Vì mục đích gì? Đó là, như tội lỗi và sự chết làm vua thì lòng nhân từ bao la cũng làm vua trong sự công chính, dẫn đến sự sống vĩnh cửu qua Chúa Giê-su Ki-tô”.—Rô 5:20, 21.

6 Dù vẫn là người tội lỗi nhưng chúng ta không nhất thiết phải để cho tội lỗi cai trị đời sống mình. Khi phạm tội, chúng ta cầu xin Đức Giê-hô-va tha thứ. Phao-lô cảnh báo các tín đồ đạo Đấng Ki-tô: “Chớ để tội lỗi làm chủ trên anh em, vì anh em không ở dưới Luật pháp nhưng ở dưới lòng nhân từ bao la của Đức Chúa Trời” (Rô 6:14). Do đó, chúng ta phục dưới lòng nhân từ bao la. Kết quả là gì? Phao-lô giải thích: “Lòng nhân từ bao la của Đức Chúa Trời... dạy chúng ta bác bỏ sự bất kính cùng những ước muốn trần tục, sống có suy xét, đi theo đường lối công chính và thể hiện lòng sùng kính giữa thế gian này”.—Tít 2:11, 12.

LÒNG NHÂN TỪ BAO LA ĐƯỢC THỂ HIỆN “QUA NHIỀU CÁCH”

7, 8. Lòng nhân từ bao la của Đức Giê-hô-va được thể hiện “qua nhiều cách” có nghĩa gì? (Xem hình nơi đầu bài).

7 Sứ đồ Phi-e-rơ viết: “Là quản gia tốt được Đức Chúa Trời ban ân huệ [“nhân từ bao la”, chú thích] qua nhiều cách, mỗi người được ban món quà nào thì hãy dùng món quà đó để phục vụ nhau” (1 Phi 4:10). Điều này có nghĩa gì? Dù thử thách mà chúng ta phải đối mặt trong đời sống là gì đi nữa, Đức Giê-hô-va vẫn có thể giúp chúng ta đương đầu (1 Phi 1:6). Đức Chúa Trời sẽ luôn thể hiện lòng nhân từ qua việc ban cho chúng ta chính xác những điều mình cần để có thể vượt qua mỗi thử thách.

8 Quả thật, ân huệ hay lòng nhân từ bao la của Đức Giê-hô-va được thể hiện qua nhiều cách. Sứ đồ Giăng viết: “Nhờ sự đầy dẫy đó của ngài, tất cả chúng ta nhận được hết ân huệ này đến ân huệ khác” (Giăng 1:16). Việc Đức Giê-hô-va thể hiện lòng nhân từ qua nhiều cách mang lại cho chúng ta nhiều ân phước. Một số ân phước ấy là gì?

9. Lòng nhân từ bao la của Đức Giê-hô-va mang lại lợi ích nào cho chúng ta, và làm thế nào chúng ta có thể cho thấy mình biết ơn món quà này?

9 Được tha tội. Nhờ lòng nhân từ bao la của Đức Giê-hô-va, chúng ta được tha tội nếu ăn năn và tiếp tục nỗ lực kháng cự những khuynh hướng tội lỗi. (Đọc 1 Giăng 1:8, 9). Chúng ta thật sự biết ơn Đức Chúa Trời về lòng thương xót của ngài, và điều này thôi thúc chúng ta tôn vinh ngài. Phao-lô viết cho các tín đồ được xức dầu: “[Đức Giê-hô-va] giải cứu chúng ta khỏi quyền lực bóng tối và chuyển chúng ta vào Nước của Con yêu dấu ngài, nhờ Con ấy mà chúng ta được giải thoát bởi giá chuộc, tức được tha thứ tội lỗi” (Cô 1:13, 14). Nhờ được tha tội, chúng ta có thể nhận thêm nhiều ân phước tuyệt vời khác.

10. Chúng ta được hưởng điều gì nhờ lòng nhân từ bao la của Đức Chúa Trời?

10 Có mối quan hệ hòa thuận với Đức Chúa Trời. Vì ở trong tình trạng tội lỗi nên từ khi sinh ra, chúng ta đã là kẻ thù của Đức Chúa Trời. Phao-lô thừa nhận: “Khi còn là kẻ thù, chúng ta được hòa thuận lại với Đức Chúa Trời nhờ cái chết của Con ngài” (Rô 5:10). Nhờ giá chuộc, chúng ta được hòa thuận với Đức Giê-hô-va và được làm bạn với ngài. Phao-lô liên kết đặc ân này với lòng nhân từ bao la của Đức Giê-hô-va khi nói: “Nhờ đức tin mà nay chúng ta [anh em được xức dầu của Đấng Ki-tô] được tuyên bố là công chính, nên hãy giữ sự hòa thuận với Đức Chúa Trời qua Chúa Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, nhờ đức tin nơi ngài nên chúng ta có thể đến gần Đức Chúa Trời để hưởng sự nhân từ bao la mà chúng ta hiện đang hưởng” (Rô 5:1, 2). Quả là một ân phước lớn lao!

Đức Chúa Trời thể hiện lòng nhân từ bao la qua việc ban cho chúng ta: Đặc ân được nghe tin mừng (Xem đoạn 11)

11. Bằng cách nào những người được xức dầu giúp “các chiên khác” được xem là công chính?

11 Được xem là công chính. Tất cả chúng ta vốn là người không công chính. Nhưng nhà tiên tri Đa-ni-ên báo trước rằng trong kỳ cuối cùng, “những kẻ khôn-sáng”, tức là những người được xức dầu còn sót lại, sẽ “dắt-đem nhiều người về sự công-bình”. (Đọc Đa-ni-ên 12:3). Qua công việc rao giảng và dạy dỗ, họ đã giúp hàng triệu người thuộc “các chiên khác” có được vị thế công chính trước mắt Đức Chúa Trời (Giăng 10:16). Tuy nhiên, điều này chỉ có được nhờ lòng nhân từ bao la của Đức Giê-hô-va. Phao-lô giải thích: “Bởi lòng nhân từ bao la, ngài ban cho họ một món quà, ấy là tuyên bố họ công chính bằng cách giải thoát họ khỏi tội lỗi qua giá chuộc của Đấng Ki-tô Giê-su”.—Rô 3:23, 24.

Đặc ân cầu nguyện (Xem đoạn 12)

12. Việc cầu nguyện liên quan thế nào đến lòng nhân từ bao la của Đức Chúa Trời?

12 Đến gần ngôi của Đức Chúa Trời qua lời cầu nguyện. Với lòng nhân từ bao la, Đức Giê-hô-va ban cho chúng ta đặc ân đến gần ngôi trên trời của ngài qua lời cầu nguyện. Phao-lô khuyến khích chúng ta “dạn dĩ đến gần ngôi Đức Chúa Trời, đấng tỏ lòng nhân từ bao la” (Hê 4:16a). Đức Giê-hô-va đã ban cho chúng ta đặc ân cầu nguyện với ngài qua Con của ngài, và “bởi đấng ấy mà chúng ta nói năng dạn dĩ, và nhờ đức tin nơi ngài mà chúng ta tin chắc mình có thể tự do đến với Đức Chúa Trời” (Ê-phê 3:12). Việc Đức Giê-hô-va cho chúng ta tự do đến với ngài qua lời cầu nguyện quả là một biểu hiện tuyệt vời về lòng nhân từ bao la của ngài.

Sự giúp đỡ khi cần (Xem đoạn 13)

13. Lòng nhân từ bao la của Đức Chúa Trời có thể giúp chúng ta ra sao “khi cần được giúp đỡ”?

13 Được giúp đỡ khi cần. Phao-lô khuyến khích chúng ta thoải mái đến gần Đức Giê-hô-va qua lời cầu nguyện, “hầu hưởng được sự thương xót và lòng nhân từ bao la khi cần được giúp đỡ” (Hê 4:16b). Bất cứ khi nào đối mặt với những thử thách hoặc sự biến động trong đời sống, chúng ta có thể cầu xin Đức Giê-hô-va nhân từ giúp đỡ. Dù chúng ta không xứng đáng với điều đó nhưng Đức Giê-hô-va sẽ đáp lời chúng ta, và ngài thường làm vậy qua các anh em đồng đạo. “Nhờ thế chúng ta có sự can đảm và nói: ‘Đức Giê-hô-va là đấng giúp đỡ tôi; tôi sẽ không sợ. Loài người làm gì được tôi?’”.—Hê 13:6.

14. Lòng nhân từ bao la của Đức Giê-hô-va giúp ích thế nào khi chúng ta buồn nản?

14 Lòng chúng ta được an ủi. Một ân phước lớn lao mà chúng ta nhận được nhờ lòng nhân từ bao la của Đức Giê-hô-va là được an ủi khi buồn nản (Thi 51:17). Khi các tín đồ ở Tê-sa-lô-ni-ca bị bắt bớ, Phao-lô viết cho họ: “Nguyện xin Chúa Giê-su Ki-tô và Đức Chúa Trời là Cha, hai đấng yêu thương chúng ta và ban sự an ủi mãi mãi cùng niềm hy vọng tốt lành bởi lòng nhân từ bao la, an ủi và giúp anh em vững mạnh” (2 Tê 2:16, 17). Thật khích lệ khi biết Đức Giê-hô-va yêu thương và quan tâm đến chúng ta vì lòng nhân từ rộng lượng của ngài!

15. Nhờ lòng nhân từ bao la của Đức Chúa Trời, chúng ta có hy vọng nào?

15 Có triển vọng sống đời đời. Là loài người tội lỗi, tự chúng ta sẽ không có hy vọng. (Đọc Thi-thiên 49:7-9). Nhưng Đức Giê-hô-va ban cho chúng ta một hy vọng tuyệt vời. Chúa Giê-su hứa với các môn đồ: “Ý của Cha tôi là ai thừa nhận và thể hiện đức tin nơi Con thì được sống đời đời” (Giăng 6:40). Đúng vậy, hy vọng sống đời đời là một món quà, một biểu hiện tuyệt vời về lòng nhân từ bao la của Đức Chúa Trời. Chắc hẳn Phao-lô biết ơn về điều đó, và ông nói: “Lòng nhân từ bao la của Đức Chúa Trời đã được tỏ bày và mang lại sự cứu rỗi cho mọi loại người”.—Tít 2:11.

ĐỪNG BIẾN LÒNG NHÂN TỪ BAO LA CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI THÀNH CỚ PHẠM TỘI

16. Một số tín đồ thời ban đầu đã biến lòng nhân từ bao la của Đức Chúa Trời thành cớ phạm tội như thế nào?

16 Lòng nhân từ bao la của Đức Giê-hô-va mang lại cho chúng ta nhiều ân phước. Tuy nhiên, chúng ta không nên có suy nghĩ sai lầm rằng ngài chấp nhận mọi loại hạnh kiểm. Trong vòng các tín đồ thời ban đầu, đã có một số người cố “biến lòng nhân từ bao la của [Đức Chúa Trời] thành cớ cho lối sống trâng tráo” (Giu 4). Dường như những tín đồ bất trung này nghĩ rằng họ có thể phạm tội và Đức Giê-hô-va sẽ luôn tha thứ. Tệ hơn nữa, họ còn cố lôi kéo các anh em đồng đạo thực hiện những hành vi sai trái giống như họ. Ngày nay, bất cứ ai làm thế là “khinh thường thần khí mà qua đó Đức Chúa Trời thể hiện lòng nhân từ bao la”.—Hê 10:29.

17. Phi-e-rơ đã đưa ra lời khuyên mạnh mẽ nào?

17 Ngày nay, Sa-tan đã khiến một số tín đồ suy nghĩ sai lầm rằng họ có thể tiếp tục phạm tội và Đức Chúa Trời sẽ nghiễm nhiên tha thứ cho họ. Đúng là Đức Giê-hô-va sẵn lòng tha thứ cho những người phạm tội mà biết ăn năn, nhưng ngài muốn chúng ta nỗ lực kháng cự những khuynh hướng tội lỗi. Ngài soi dẫn Phi-e-rơ viết: “Vậy, hỡi anh em yêu dấu, vì biết trước những điều đó nên anh em hãy coi chừng, kẻo bị dẫn dụ bởi sự lừa dối của những kẻ gian ác ấy mà đánh mất lòng trung kiên. Hãy tiếp tục đón nhận thêm ân huệ cùng sự hiểu biết về Chúa Giê-su Ki-tô là Đấng Cứu Rỗi chúng ta”.—2 Phi 3:17, 18.

VIỆC HƯỞNG LÒNG NHÂN TỪ BAO LA ĐI KÈM VỚI TRÁCH NHIỆM

18. Vì Đức Giê-hô-va đã thể hiện lòng nhân từ bao la với chúng ta nên chúng ta có những trách nhiệm nào?

18 Chúng ta rất biết ơn Đức Giê-hô-va về lòng nhân từ của ngài. Do đó, chúng ta nên sử dụng những món quà mà mình được ban để tôn vinh Đức Chúa Trời và giúp ích cho người khác. Đây là trách nhiệm của chúng ta với Đức Giê-hô-va và với người lân cận. Chúng ta có thể sử dụng những món quà ấy như thế nào? Phao-lô trả lời: “Vì chúng ta có các món quà khác nhau tùy theo ân huệ được ban, nên... ai phục vụ, hãy tiếp tục phục vụ; ai dạy dỗ, hãy chăm việc dạy dỗ; ai khuyến khích, hãy tiếp tục khuyến khích;... ai thể hiện sự thương xót, hãy làm với lòng vui vẻ” (Rô 12:6-8). Vì Đức Giê-hô-va đã thể hiện lòng nhân từ bao la với chúng ta nên chúng ta có trách nhiệm sốt sắng tham gia thánh chức, dạy Kinh Thánh cho người khác, khích lệ anh em đồng đạo và tha thứ cho bất cứ ai có lẽ đã làm mình tổn thương.

19. Trách nhiệm nào của chúng ta sẽ được xem xét trong bài tới?

19 Chúng ta cũng biết ơn Đức Chúa Trời vì ngài đã biểu lộ tình yêu thương rộng lượng với chúng ta. Điều này nên thôi thúc chúng ta nỗ lực hết sức để “làm chứng cặn kẽ tin mừng về lòng nhân từ bao la của Đức Chúa Trời” (Công 20:24). Trách nhiệm này sẽ được xem xét kỹ trong bài tới.

^ [1] (đoạn 2) Xem cụm từ “Nhân từ bao la” trong “Bảng chú giải thuật ngữ” của Bản dịch Thế Giới Mới (Ma-thi-ơ đến Khải huyền).