Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

“Đừng sợ, ta sẽ giúp-đỡ ngươi”

“Đừng sợ, ta sẽ giúp-đỡ ngươi”

Hãy tưởng tượng anh chị đang đi bộ trên đường khi trời đã tối. Đột nhiên anh chị cảm thấy có ai đó đang đi theo mình. Khi anh chị dừng lại, tiếng bước chân phía sau cũng dừng lại. Khi anh chị bước nhanh hơn, người ấy cũng bước nhanh theo. Anh chị bắt đầu chạy và hướng đến nhà của bạn mình ở gần đó. Khi người bạn này mở cửa ra và đón anh chị vào nhà, anh chị thở phào nhẹ nhõm.

Có thể anh chị chưa trải qua một tình huống giống như vậy, nhưng các vấn đề khác trong đời sống có thể khiến anh chị lo âu. Chẳng hạn, anh chị có đang tranh đấu với một sự yếu đuối của bản thân mà anh chị muốn vượt qua nhưng vẫn tiếp tục tái diễn không? Anh chị có bị thất nghiệp trong một thời gian dài và không thể tìm được việc dù đã nỗ lực tìm kiếm? Anh chị có lo lắng về việc mình đang ngày càng già đi và đối mặt với những vấn đề sức khỏe trong tương lai? Hoặc có một điều gì khác khiến anh chị lo lắng?

Bất kể vấn đề là gì đi nữa, chẳng phải anh chị sẽ rất biết ơn nếu có một ai đó lắng nghe anh chị giãi bày về những mối lo lắng và giúp đỡ khi anh chị cần sao? Anh chị có một bạn thân như vậy không? Có chứ! Đức Giê-hô-va là bạn như thế với anh chị, giống như ngài đã là bạn thân của tộc trưởng Áp-ra-ham. Điều này được nói đến ở Ê-sai 41:8-13. Trong câu 10 và 13, Đức Giê-hô-va phán với các tôi tớ của ngài: “Đừng sợ, vì ta ở với ngươi; chớ kinh-khiếp, vì ta là Đức Chúa Trời ngươi! Ta sẽ bổ sức cho ngươi; phải, ta sẽ giúp-đỡ ngươi, lấy tay hữu công-bình ta mà nâng-đỡ ngươi... Vì ta, là Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi, sẽ nắm tay hữu ngươi, và phán cùng ngươi rằng: Đừng sợ, ta sẽ giúp-đỡ ngươi”.

‘TA SẼ NÂNG-ĐỠ NGƯƠI’

Chẳng phải những lời này khiến anh chị cảm thấy ấm lòng sao? Hãy tự đặt mình trong bức tranh mà Đức Giê-hô-va đã vẽ ra cho chúng ta. Trong bức tranh ấy, anh chị không được miêu tả là đang nắm tay và đi với ngài, dù đó cũng là một hình ảnh thú vị. Nếu anh chị đang nắm tay và đi với Đức Giê-hô-va thì tay hữu, tức tay phải ngài, sẽ nắm lấy tay trái của anh chị. Thay vì thế, Đức Giê-hô-va giơ “tay hữu công-bình” của ngài ra và nắm lấy “tay hữu” anh chị, như thể là kéo anh chị ra khỏi một tình huống khó khăn trong đời sống. Trong khi làm thế, ngài củng cố anh chị qua lời đảm bảo sau: “Đừng sợ, ta sẽ giúp-đỡ ngươi”.

Anh chị có thấy Đức Giê-hô-va giống như là bạn, là cha yêu thương sẵn sàng giúp đỡ khi anh chị gặp khó khăn không? Ngài để ý, quan tâm và rất muốn giúp đỡ anh chị. Khi anh chị đối mặt với khó khăn thử thách, Đức Giê-hô-va muốn anh chị cảm thấy an tâm vì ngài rất yêu quý anh chị. Quả thật, ngài “sẵn giúp-đỡ trong cơn gian-truân”.—Thi 46:1.

MẶC CẢM VỀ NHỮNG LỖI LẦM TRONG QUÁ KHỨ

Một số người tự dằn vặt về hành vi của họ trong quá khứ và băn khoăn liệu Đức Chúa Trời có tha thứ cho mình không. Nếu anh chị đang ở trong trường hợp như thế, hãy nghĩ về người trung thành Gióp, ông đã thú nhận “các tội-ác phạm lúc thanh-niên” (Gióp 13:26). Người viết sách Thi-thiên là Đa-vít từng trải qua cảm xúc tương tự và đã khẩn cầu Đức Giê-hô-va: “Xin chớ nhớ các tội-lỗi của buổi đang-thì tôi, hoặc các sự vi-phạm tôi” (Thi 25:7). Là con người bất toàn, tất cả chúng ta “đều phạm tội và không thể phản ánh sự vinh hiển của Đức Chúa Trời”.—Rô 3:23.

Thông điệp trong chương 41 của sách Ê-sai ban đầu được viết cho dân Đức Chúa Trời thời xưa. Họ phạm tội nghiêm trọng đến mức Đức Giê-hô-va quyết định thi hành án phạt đối với họ bằng cách để họ bị lưu đày sang Ba-by-lôn (Ê-sai 39:6, 7). Dù vậy, Đức Chúa Trời đang nghĩ đến thời kỳ mà ngài sẽ giải cứu những người ăn năn và quay trở lại với ngài! (Ê-sai 41:8, 9; 49:8). Vào thời nay, Đức Giê-hô-va thể hiện lòng nhân từ và thương xót tương tự như thế đối với những người thật sự muốn có được ân huệ của ngài.—Thi 51:1.

Hãy xem kinh nghiệm của anh Takuya *, người đã nỗ lực để vượt qua những thói quen ô uế là xem tài liệu khiêu dâm và có tật thủ dâm. Dù vậy, thỉnh thoảng những việc ấy đã tái diễn. Anh cảm thấy thế nào? Anh kể lại: “Tôi thấy mình hoàn toàn không có giá trị, nhưng khi tôi cầu nguyện với Đức Chúa Trời để nài xin ngài tha thứ, ngài đã nâng đỡ tôi”. Đức Giê-hô-va đã làm thế bằng cách nào? Các trưởng lão trong hội thánh đã bảo anh Takuya gọi điện cho họ bất cứ khi nào điều đó lặp lại. Anh thừa nhận: “Việc gọi điện cho họ quả thật không dễ dàng, nhưng mỗi khi làm thế, tôi đều được thêm sức”. Sau đó, các trưởng lão đã sắp xếp để giám thị vòng quanh có cuộc thăm chiên đối với anh Takuya. Giám thị vòng quanh nói với anh: “Tôi ở đây không phải là tình cờ, mà vì các trưởng lão muốn tôi đến đây. Họ đã chọn anh để được nhận cuộc thăm chiên này”. Anh Takuya nhớ lại: “Tôi đã phạm tội, nhưng Đức Giê-hô-va, qua các trưởng lão, vẫn sẵn lòng giúp đỡ tôi”. Anh Takuya tiến bộ nhiều và trở thành tiên phong đều đều. Giờ đây, anh đang phụng sự tại một văn phòng chi nhánh. Như trong trường hợp của anh Takuya, Đức Giê-hô-va cũng sẽ giúp và nâng đỡ khi anh chị phạm lỗi.

LO LẮNG VỀ VIỆC KIẾM SỐNG

Thất nghiệp là nỗi lo lắng của nhiều người. Một số người bị mất việc và thấy khó tìm nguồn thu nhập khác. Hãy hình dung anh chị sẽ cảm thấy thế nào nếu bị từ chối hết lần này đến lần khác khi đi xin việc. Trong hoàn cảnh như thế, một số người đã cảm thấy tự ti. Đức Giê-hô-va có thể giúp đỡ anh chị bằng cách nào? Có lẽ ngài không ban cho anh chị một công việc lý tưởng ngay lập tức, nhưng ngài có thể giúp anh chị nhớ lại điều mà vua Đa-vít đã nhận thấy: “Trước tôi trẻ, rày đã già, nhưng chẳng hề thấy người công-bình bị bỏ, hay là dòng-dõi người đi ăn-mày” (Thi 37:25). Đúng vậy, Đức Giê-hô-va quý trọng anh chị và có thể dùng “tay hữu công-bình” của ngài để giúp anh chị có được những thứ cần thiết, nhờ thế anh chị có thể tiếp tục phụng sự ngài.

Đức Giê-hô-va có thể giúp đỡ thế nào nếu anh chị bị mất việc?

Chị Sara sống ở Colombia, đã cảm nghiệm được sự giúp đỡ của Đức Giê-hô-va. Chị làm một công việc chiếm nhiều thời gian cũng như năng lực ở một công ty danh tiếng, và công việc ấy được trả lương cao. Dù vậy, chị muốn làm nhiều hơn cho Đức Giê-hô-va, vì thế chị bỏ việc và bắt đầu làm tiên phong. Tuy nhiên, không dễ để tìm một công việc bán thời gian mà chị cần. Chị đã mở một cửa hàng nhỏ để bán kem nhưng với thời gian, chị không còn đủ vốn để duy trì và phải đóng cửa. Chị Sara kể lại: “Ba năm dài đã trôi qua nhưng nhờ Đức Giê-hô-va, tôi có thể chịu đựng”. Chị học cách nhận ra sự khác biệt giữa những thứ cần thiết và không cần thiết, đồng thời học cách tránh lo lắng về ngày mai (Mat 6:33, 34). Cuối cùng, người chủ cũ đã gọi điện cho chị và mời chị làm lại công việc trước đây. Chị trả lời rằng chị chỉ chấp nhận nếu được làm bán thời gian và được phép nghỉ khi cần tham gia các hoạt động thiêng liêng. Mặc dù chị Sara không kiếm được nhiều tiền như trước nhưng chị có thể tiếp tục làm tiên phong. Chị nói rằng trong giai đoạn khó khăn ấy, chị đã “cảm nhận được bàn tay yêu thương của Đức Giê-hô-va”.

LO LẮNG NHIỀU HƠN VỀ VIỆC TUỔI TÁC NGÀY CÀNG CAO

Nhiều người lo lắng vì họ ngày càng cao tuổi và sắp nghỉ hưu. Họ băn khoăn liệu mình sẽ có đủ tiền để sống thoải mái trong quãng đời còn lại không. Họ cũng lo lắng về những vấn đề sức khỏe mà mình có thể phải đối mặt khi cao tuổi hơn. Rất có thể Đa-vít là người cầu khẩn điều này với Đức Giê-hô-va: “Xin Chúa chớ từ-bỏ tôi trong thì già-cả; cũng đừng lìa-khỏi tôi khi sức tôi hao-mòn”.—Thi 71:9, 18.

Vậy, làm thế nào các tôi tớ của Đức Giê-hô-va có thể cảm thấy yên tâm trong tuổi xế chiều? Họ cần tiếp tục vun trồng đức tin nơi Đức Chúa Trời, tin cậy rằng ngài sẽ cung cấp những gì họ cần. Dĩ nhiên, nếu họ đã hưởng một đời sống sung túc trong nhiều năm, có thể họ cần đơn giản hóa đời sống và hài lòng với điều kiện vật chất khiêm tốn hơn. Có lẽ họ nhận ra việc ăn “một món rau” thay vì “bò mập-béo” có thể là điều thú vị và thậm chí tốt hơn cho sức khỏe! (Châm 15:17). Nếu anh chị tập trung vào việc làm hài lòng Đức Giê-hô-va, ngài sẽ chăm sóc cho anh chị, kể cả lúc về già.

Anh José và chị Rose cùng anh Tony và chị Wendy

Hãy xem trường hợp của anh José và chị Rose. Họ đã phụng sự Đức Giê-hô-va trọn thời gian hơn 65 năm. Trong những năm qua, họ phải lo cho cha của chị Rose, người cần được chăm sóc 24/24 giờ. Anh José cũng phải trải qua cuộc phẫu thuật và hóa trị do ung thư. Đức Giê-hô-va có đưa tay hữu của ngài ra để giúp cặp vợ chồng trung thành này không? Có. Nhưng qua cách nào? Qua một cặp vợ chồng trong hội thánh là anh Tony và chị Wendy. Anh chị ấy đã sẵn sàng cho anh José và chị Rose ở nhờ trong căn hộ của mình. Anh Tony và chị Wendy có ý muốn cho anh chị nào làm tiên phong trọn thời gian được ở miễn phí trong căn hộ ấy. Nhiều năm trước đó, khi còn học trung học, từ cửa sổ của trường, anh Tony đã quan sát thấy anh José và chị Rose thường xuyên đi làm thánh chức. Anh Tony yêu mến lòng sốt sắng của họ và điều này đã tác động sâu sắc đến anh. Khi thấy cặp vợ chồng lớn tuổi dành trọn đời phụng sự Đức Giê-hô-va, anh Tony và chị Wendy được thôi thúc để chăm lo cho họ. Trong 15 năm qua, anh chị ấy đã giúp đỡ anh José và chị Rose, nay đã ngoài 80 tuổi. Cặp vợ chồng lớn tuổi này xem sự trợ giúp của cặp vợ chồng trẻ ấy là món quà đến từ Đức Giê-hô-va.

Đức Chúa Trời cũng đang đưa “tay hữu công-bình” của ngài ra cho anh chị. Anh chị có đáp lại bằng cách giơ tay của mình ra cho đấng nói lời hứa này: “Đừng sợ, ta sẽ giúp-đỡ ngươi”?

^ đ. 11 Một số tên đã được thay đổi.