Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Anh chị có ‘gìn giữ sự khôn ngoan thiết thực’ không?

Anh chị có ‘gìn giữ sự khôn ngoan thiết thực’ không?

Theo truyền thuyết, có một cậu bé nghèo sống ở ngôi làng hẻo lánh. Người ta nghĩ cậu bé ngốc nghếch nên đã cười nhạo cậu. Khi có khách đến, một số người dân trong làng đã bày trò giễu cợt cậu bé trước những vị khách ấy. Họ giơ ra hai đồng xu, một đồng bạc lớn và một đồng vàng nhỏ có giá trị gấp hai lần đồng bạc. Rồi họ nói: “Hãy chọn một đồng đi”. Cậu bé sẽ chọn đồng bạc và chạy đi.

Vào ngày nọ, một vị khách hỏi cậu bé: “Cháu không biết rằng đồng xu bằng vàng có giá trị gấp hai lần đồng bạc sao?”. Cậu bé mỉm cười và nói: “Cháu biết”. Vị khách hỏi tiếp: “Vậy tại sao cháu lấy đồng bạc? Nếu lấy đồng vàng, cháu sẽ có số tiền gấp đôi!”. Cậu bé đáp: “Nhưng nếu cháu lấy đồng vàng, người ta sẽ không chơi trò đó với cháu nữa. Chú có biết cháu đã gom được bao nhiêu đồng bạc không?”. Cậu bé trong câu chuyện này đã biểu lộ một phẩm chất mà có thể giúp ích cho những người trưởng thành, đó là sự khôn ngoan thiết thực.

Kinh Thánh nói: “Khá gìn-giữ sự khôn-ngoan thật [“sự khôn ngoan thiết thực”, NW] và sự dẽ-dặt... Con sẽ bước đi vững-vàng trong đường con, và chân con không vấp-ngã” (Châm 3:21, 23). Thế nên, việc biết và áp dụng “sự khôn ngoan thiết thực” liên quan đến sự an toàn của chúng ta. Điều đó giúp chúng ta tránh bị vấp ngã về thiêng liêng và giữ cho “chân” của chúng ta được vững vàng.

SỰ KHÔN NGOAN THIẾT THỰC LÀ GÌ?

Sự khôn ngoan thiết thực khác với tri thức và sự hiểu biết. Người có tri thức tích lũy các thông tin. Người có sự hiểu biết có thể thấy được một thông tin liên quan thế nào đến một thông tin khác. Người có sự khôn ngoan có thể kết hợp tri thức với sự hiểu biết và vận dụng chúng theo cách thực tế.

Chẳng hạn, một người có thể đọc và hiểu sách Kinh Thánh thật sự dạy gì? trong một thời gian tương đối ngắn. Trong buổi học hỏi Kinh Thánh, người ấy có thể trả lời đúng các câu hỏi. Người ấy có thể bắt đầu tham dự các buổi nhóm họp ở hội thánh và thậm chí có những lời bình luận tốt. Tất cả những điều này có lẽ cho thấy rằng người ấy đang tiến bộ về thiêng liêng, nhưng phải chăng điều đó có nghĩa là người ấy đã có sự khôn ngoan? Không nhất thiết. Đó có thể là một người nhanh trí. Nhưng chỉ khi người ấy áp dụng sự thật Kinh Thánh vào đời sống, sử dụng tri thức và sự hiểu biết theo đúng cách, người ấy mới trở nên khôn ngoan. Nếu quyết định của người đó dẫn đến thành công và phản ánh sự suy xét thận trọng thì rõ ràng người ấy đã biểu lộ sự khôn ngoan thiết thực.

Ma-thi-ơ 7:24-27 ghi lại minh họa của Chúa Giê-su về hai người xây một căn nhà riêng cho mình. Một người được miêu tả là người “khôn ngoan”. Nghĩ trước về những điều có thể xảy ra, người đó xây nhà mình trên nền đá. Ông có tầm nhìn xa và thực tế. Ông không lý luận rằng việc xây nhà trên cát sẽ tốn kém ít hơn và nhanh hơn. Ông đã khôn ngoan nghĩ tới những hệ quả lâu dài liên quan đến hành động của mình. Vì thế, khi có bão ập đến, nhà của ông được an toàn. Vậy, câu hỏi đặt ra là: Làm thế nào chúng ta có thể có được sự khôn ngoan thiết thực và gìn giữ phẩm chất quý giá này?

TÔI CÓ THỂ CÓ ĐƯỢC SỰ KHÔN NGOAN THIẾT THỰC BẰNG CÁCH NÀO?

Trước tiên, hãy lưu ý điều mà Mi-chê 6:9 nói: “Người khôn [“người khôn ngoan thiết thực”, NW] phải kính-sợ danh [Đức Chúa Trời]”. Kính sợ danh của Đức Giê-hô-va bao hàm việc kính trọng ngài. Điều đó có nghĩa là tôn kính những điều mà danh ngài biểu trưng, bao gồm cả những tiêu chuẩn của ngài. Để kính trọng một người, anh chị cần biết cách mà người đó suy nghĩ. Sau đó, anh chị có thể tin cậy người ấy, học hỏi từ người ấy và noi theo sự thành công của người ấy. Nếu chúng ta suy xét xem hành động của mình sẽ ảnh hưởng lâu dài thế nào đến mối quan hệ của chúng ta với Đức Giê-hô-va và đưa ra những quyết định dựa trên tiêu chuẩn của ngài, thì chúng ta sẽ có được sự khôn ngoan thiết thực.

Thứ hai, Châm-ngôn 18:1 nói: “Kẻ nào ở riêng cách tìm điều chính mình ưa-thích; nó cãi-cọ với những sự khôn-ngoan thật [“sự khôn ngoan thiết thực”, NW]”. Nếu không cẩn thận, chúng ta có thể tự tách mình khỏi Đức Giê-hô-va và dân của ngài. Để tránh sự cô lập, chúng ta cần kết hợp với những người kính sợ danh Đức Chúa Trời và tôn trọng các tiêu chuẩn của ngài. Chúng ta cần có mặt ở Phòng Nước Trời, bất cứ khi nào có thể, và đều đặn kết hợp với hội thánh đạo Đấng Ki-tô. Tại các buổi nhóm họp, chúng ta cần mở lòng và trí, đồng thời để cho những điều được thảo luận động đến lòng mình.

Hơn nữa, nếu dốc đổ lòng mình với Đức Giê-hô-va trong lời cầu nguyện, chúng ta sẽ đến gần ngài hơn (Châm 3:5, 6). Nhờ mở lòng và trí khi đọc Kinh Thánh và các ấn phẩm do tổ chức Đức Giê-hô-va cung cấp, chúng ta sẽ thấy được hệ quả lâu dài của những việc mình làm và có thể hành động phù hợp. Chúng ta cũng cần mở lòng để nhận lời khuyên từ những anh thành thục (Châm 19:20). Khi làm thế, chúng ta sẽ không ‘cãi-cọ với những sự khôn ngoan thiết thực’ mà sẽ củng cố phẩm chất quan trọng này.

SỰ KHÔN NGOAN THIẾT THỰC SẼ GIÚP GIA ĐÌNH TÔI NHƯ THẾ NÀO?

Sự khôn ngoan thiết thực có thể bảo vệ các gia đình. Chẳng hạn, Kinh Thánh khuyến giục người vợ “kính trọng chồng sâu xa” (Ê-phê 5:33). Làm thế nào một người chồng có thể được vợ kính trọng sâu xa? Nếu đòi hỏi điều đó một cách gay gắt và gây áp lực, anh sẽ chỉ đạt được kết quả nhất thời. Để tránh xung đột, có lẽ vợ của một người chồng như thế sẽ phần nào biểu lộ sự tôn trọng khi anh có mặt. Nhưng khi anh vắng mặt, liệu chị sẽ tôn trọng anh không? Hẳn là không. Người chồng cần xem xét điều gì sẽ mang lại kết quả lâu dài. Nếu anh thể hiện các khía cạnh của bông trái thần khí, như yêu thương và tử tế, anh sẽ chinh phục được lòng kính trọng sâu xa của chị. Dĩ nhiên, một người vợ tin kính nên thể hiện sự tôn trọng đối với chồng dù người chồng có xứng đáng với điều đó hay không.—Ga 5:22, 23.

Kinh Thánh cũng nói rằng chồng phải yêu vợ (Ê-phê 5:28, 33). Để cố gắng giữ được tình yêu thương của chồng, một người vợ có thể lý luận rằng tốt hơn là giấu chồng những điều có thể gây khó chịu mà lẽ ra anh có quyền được biết. Nhưng điều đó có phản ánh sự khôn ngoan thiết thực không? Sau này, khi người chồng phát hiện ra chuyện đã bị giấu giếm, điều gì sẽ xảy ra? Anh sẽ yêu thương chị nhiều hơn không? Có lẽ anh sẽ thấy khó để làm vậy. Trái lại, nếu chị tìm một thời điểm thích hợp để bình tĩnh giải thích về những chuyện như thế, rất có thể người chồng sẽ quý trọng sự chân thật của chị. Khi đó, tình yêu thương mà anh dành cho chị sẽ gia tăng.

Cách anh chị sửa dạy con cái ngày hôm nay sẽ ảnh hưởng đến việc giao tiếp với chúng sau này

Con cái cần vâng lời cha mẹ và được sửa dạy theo đường lối của Đức Giê-hô-va (Ê-phê 6:1, 4). Phải chăng điều này có nghĩa là các bậc cha mẹ nên tạo ra một danh sách dài về những điều mà con cái họ được làm và không được làm? Cha mẹ không chỉ cần cho con biết những luật lệ trong gia đình hoặc hình phạt đối với hành vi sai trái. Một người cha hoặc mẹ có sự khôn ngoan thiết thực sẽ giúp con cái hiểu lý do chúng nên vâng lời.

Chẳng hạn, giả sử một đứa con nói năng vô lễ với cha hoặc mẹ. Việc nói nặng lời với con hoặc phạt con tùy hứng có thể khiến con xấu hổ hoặc im lặng. Tuy nhiên, điều đó có thể khiến con bực tức trong lòng và đẩy con xa cách khỏi cha mẹ.

Các bậc cha mẹ đang vun trồng sự khôn ngoan thiết thực sẽ nghĩ đến cách sửa dạy con và cách sửa dạy đó sẽ tác động thế nào đến con cái trong tương lai. Cha mẹ không nên vội vàng phản ứng chỉ vì họ cảm thấy xấu hổ vào lúc ấy. Có lẽ ở nơi riêng tư, cha mẹ có thể lý luận một cách yêu thương và bình tĩnh với con. Họ có thể giải thích rằng Đức Giê-hô-va mong muốn con kính trọng cha mẹ vì lợi ích lâu dài của con. Nhờ đó, khi con cái biểu lộ lòng kính trọng đối với cha mẹ, chúng sẽ nhận ra mình đang tôn kính Đức Giê-hô-va (Ê-phê 6:2, 3). Cách dạy dỗ tử tế như vậy có thể động đến lòng con. Chúng sẽ cảm nhận được sự quan tâm chân thành của cha mẹ và kính trọng cha mẹ nhiều hơn. Khi làm thế, cha mẹ đang mở đường để các con có thể đến gặp họ khi chúng cần sự giúp đỡ về những vấn đề quan trọng.

Một số bậc cha mẹ có thể sợ làm con tổn thương, nên họ tránh đưa ra sự sửa dạy. Tuy nhiên, điều gì sẽ xảy ra khi đứa trẻ lớn lên? Liệu chúng sẽ kính sợ Đức Giê-hô-va và nhận ra rằng việc chấp nhận những tiêu chuẩn của ngài là khôn ngoan không? Chúng sẽ sẵn sàng mở lòng và trí với Đức Giê-hô-va hay sẽ tự khiến mình cô lập về mặt thiêng liêng?—Châm 13:1; 29:21.

Một thợ điêu khắc giỏi sẽ dự tính trước về thứ ông đang cố gắng tạo hình. Ông không chỉ đục đẽo rồi hy vọng rằng mình sẽ có một tác phẩm đẹp. Những bậc cha mẹ có sự khôn ngoan thiết thực sẽ dành nhiều giờ để học và áp dụng các tiêu chuẩn của Đức Giê-hô-va, nhờ thế họ kính sợ danh ngài. Bằng cách không tự cô lập mình khỏi Đức Giê-hô-va và tổ chức của ngài, các bậc cha mẹ sẽ có được sự khôn ngoan thiết thực và dùng sự khôn ngoan ấy để xây dựng gia đình mình.

Hàng ngày, chúng ta đối mặt với những quyết định mà có thể ảnh hưởng đến đời sống của mình trong nhiều năm sau đó. Thay vì vội vàng phản ứng và nhanh chóng quyết định, sao không dừng lại và suy nghĩ? Hãy cẩn thận suy xét những hệ quả lâu dài. Hãy tìm kiếm sự hướng dẫn của Đức Giê-hô-va và áp dụng sự khôn ngoan của ngài. Khi làm thế, chúng ta sẽ gìn giữ được sự khôn ngoan thiết thực và sự khôn ngoan ấy sẽ mang lại sự sống cho chúng ta.—Châm 3:21, 22.