Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Họ thoát khỏi tôn giáo sai lầm

Họ thoát khỏi tôn giáo sai lầm

“Hỡi dân ta, hãy ra khỏi nó”.—KHẢI 18:4.

BÀI HÁT: 101, 93

1. Dân Đức Chúa Trời có thể hy vọng được thoát khỏi Ba-by-lôn Lớn dựa trên cơ sở nào, và chúng ta sẽ xem xét những câu hỏi nào?

Trong bài trước, chúng ta được biết rằng các tín đồ trung thành đã ở dưới sự giam cầm của Ba-by-lôn. Dù vậy, điều vui mừng là họ sẽ không ở trong tình trạng đó mãi mãi. Mệnh lệnh của Đức Chúa Trời “Hỡi dân ta, hãy ra khỏi nó” sẽ không có ý nghĩa nếu không ai có thể thoát khỏi ảnh hưởng của đế quốc tôn giáo sai lầm. (Đọc Khải huyền 18:4). Chúng ta háo hức muốn biết khi nào dân Đức Chúa Trời đã hoàn toàn thoát khỏi vòng kìm kẹp của Ba-by-lôn! Nhưng trước tiên, chúng ta phải trả lời những câu hỏi sau: “Trước năm 1914, các Học viên Kinh Thánh có lập trường nào liên quan đến Ba-by-lôn Lớn? Trong Thế Chiến I, các anh em của chúng ta đã rao giảng tích cực đến mức nào? Có mối liên hệ nào giữa việc họ cần được sửa dạy trong thời gian đó với việc họ ở dưới sự giam cầm của Ba-by-lôn không?”.

“SỰ SỤP ĐỔ CỦA BA-BY-LÔN”

2. Học viên Kinh Thánh thời ban đầu có lập trường nào liên quan đến các tôn giáo sai lầm?

2 Trong những thập niên trước Thế Chiến I, anh Charles Taze Russell và các cộng sự đã nhận ra rằng những tổ chức thuộc khối Ki-tô giáo không dạy sự thật Kinh Thánh. Vì thế, các anh quyết tâm không dính líu đến tôn giáo sai lầm. Vào tháng 11 năm 1879, Tháp Canh Si-ôn (Zion’s Watch Tower) thẳng thắn nêu lên lập trường của họ dựa trên Kinh Thánh khi nói: “Bất cứ đạo nào nhận mình là trinh nữ được hứa gả cho Đấng Ki-tô, nhưng trên thực tế lại hợp nhất với thế gian (tức là con thú) và được thế gian hỗ trợ thì chúng ta phải lên án nó theo ngôn ngữ Kinh Thánh là đạo kỹ nữ”, một từ ám chỉ Ba-by-lôn Lớn.—Đọc Khải huyền 17:1, 2.

3. Các Học viên Kinh Thánh đưa ra quyết định dứt khoát nào cho thấy họ hiểu rằng việc tách biệt khỏi tôn giáo sai lầm là điều cần thiết? (Xem hình nơi đầu bài).

3 Những người nam và nữ kính sợ Đức Chúa Trời biết điều họ phải làm. Họ không thể mong nhận được ân phước của Đức Chúa Trời nếu tiếp tục ủng hộ các tổ chức tôn giáo sai lầm. Kết quả là nhiều Học viên Kinh Thánh đã viết thư xin rút tên khỏi nhà thờ. Trong một số trường hợp, họ đọc những lá thư ấy một cách công khai tại các buổi họp của nhà thờ. Ở những nơi mà việc đọc công khai bị cấm, một số người đã gửi bản sao đến mỗi thành viên của nhà thờ. Họ không muốn tiếp tục dính líu đến tôn giáo sai lầm! Trong thời đại khác, một hành động can đảm như thế sẽ khiến họ phải chịu nhiều tổn hại. Nhưng vào cuối thế kỷ 19, tại nhiều quốc gia, giáo hội bắt đầu mất đi sự ủng hộ của Nhà nước. Vì không sợ bị trả thù tại những nước như thế, các công dân đã tự do thảo luận những vấn đề tôn giáo và công khai phản đối những tôn giáo lâu đời.

4. Chúng ta có thể kết luận gì về mối quan hệ giữa dân của Đức Chúa Trời và Ba-by-lôn Lớn trong Thế Chiến I?

4 Các Học viên Kinh Thánh hiểu rằng họ cần làm nhiều hơn là chỉ cho bà con, bạn thân và các thành viên thuộc nhà thờ biết về lập trường của mình đối với tôn giáo sai lầm. Cả thế giới cần phải thấy bộ mặt thật của Ba-by-lôn Lớn: Đó là một ả kỹ nữ về tôn giáo! Vì thế, từ tháng 12 năm 1917 đến đầu năm 1918, vài ngàn Học viên Kinh Thánh đã sốt sắng phân phát 10.000.000 tờ chuyên đề có đề tài “Sự sụp đổ của Ba-by-lôn” (“The Fall of Babylon”). Đây là một lời kết án mạnh mẽ đối với khối Ki-tô giáo. Anh chị có thể hình dung hàng giáo phẩm tức giận đến mức nào. Nhưng các Học viên Kinh Thánh đã tiếp tục làm công việc quan trọng này mà không lùi bước. Họ quyết tâm “vâng phục Đức Chúa Trời hơn là vâng phục loài người” (Công 5:29). Chúng ta có thể kết luận gì? Những nam và nữ tín đồ ấy hoàn toàn không làm nô lệ cho Ba-by-lôn Lớn trong Thế Chiến I. Thay vì thế, họ đang thoát khỏi sự ảnh hưởng của đế quốc tôn giáo sai lầm và giúp người khác làm thế.

HOẠT ĐỘNG SỐT SẮNG TRONG THẾ CHIẾN I

5. Làm sao chúng ta biết các anh em đã rất sốt sắng trong Thế Chiến I?

5 Trong quá khứ, chúng ta nghĩ rằng Đức Giê-hô-va không hài lòng với dân ngài vì họ không sốt sắng rao giảng trong Thế Chiến I. Chúng ta đã kết luận rằng vì lý do đó mà Đức Giê-hô-va để họ bị Ba-by-lôn Lớn giam cầm một thời gian ngắn. Tuy nhiên, các anh chị trung thành phụng sự Đức Chúa Trời trong giai đoạn từ năm 1914 đến năm 1918 cho biết rõ rằng với tư cách tập thể, dân của Chúa đã làm mọi điều có thể để công việc rao giảng được tiếp diễn. Có bằng chứng vững chắc ủng hộ cho điều họ nói. Việc hiểu biết chính xác hơn về lịch sử thần quyền đã giúp chúng ta hiểu rõ hơn một số sự kiện trong Kinh Thánh.

6, 7. (a) Các Học viên Kinh Thánh đã phải vượt qua những thử thách nào trong Thế Chiến I? (b) Hãy nêu ví dụ cho thấy lòng sốt sắng của các Học viên Kinh Thánh.

6 Thực tế là trong giai đoạn diễn ra Thế Chiến I (1914-1918), các Học viên Kinh Thánh đã làm chứng rất sốt sắng. Điều này không hề dễ, vì một số lý do. Chúng ta sẽ xem xét hai lý do trong số đó. Trước tiên, cách làm chứng chủ yếu mà các anh chị thực hiện trong giai đoạn ấy là phân phát ấn phẩm dựa trên Kinh Thánh. Khi sách Sự mầu nhiệm đã nên trọn (The Finished Mystery) bị chính quyền cấm lưu hành vào đầu năm 1918, việc rao giảng trở nên khó khăn đối với nhiều anh em. Họ chưa được học cách chỉ dùng Kinh Thánh để rao giảng nên phải nhờ sách Sự mầu nhiệm đã nên trọn “nói thay” cho mình. Lý do thứ hai liên quan đến sự bùng phát của dịch cúm Tây Ban Nha vào năm 1918. Sự lan rộng của cơn đại dịch kinh hoàng đó khiến những người công bố gặp khó khăn trong việc tự do đi lại. Nhưng bất chấp những khó khăn này và các khó khăn khác, với tư cách tập thể, các Học viên Kinh Thánh đã nỗ lực hết sức để duy trì công việc rao giảng.

Các Học viên Kinh Thánh đã rất sốt sắng! (Xem đoạn 6, 7)

7 Chỉ tính riêng trong năm 1914, nhóm nhỏ các Học viên Kinh Thánh đã trình chiếu “Kịch ảnh về sự sáng tạo” (“Photo-Drama of Creation”) cho hơn 9.000.000 người xem. Kịch ảnh này có sự kết hợp giữa các hình chiếu và phim được đồng bộ hóa với âm thanh. Kịch ảnh kể về lịch sử từ lúc con người được tạo ra cho đến Triều Đại Một Ngàn Năm. Đó là một thành quả nổi bật vào thời ấy. Hãy nghĩ về điều này: Số người xem kịch ảnh vào năm 1914 lớn hơn tổng số người công bố Nước Trời đang hoạt động trên toàn thế giới vào thời nay! Các báo cáo cho biết thêm rằng vào năm 1916, có tổng cộng 809.393 người tham dự các buổi họp công cộng tại Hoa Kỳ, và con số này tăng lên 949.444 người vào năm 1918. Các Học viên Kinh Thánh đã rất sốt sắng!

8. Nhu cầu thiêng liêng của các anh em đã được đáp ứng ra sao trong Thế Chiến I?

8 Trong Thế Chiến I, các anh dẫn đầu đã nỗ lực để tiếp tục cung cấp thức ăn thiêng liêng và sự khích lệ cho các Học viên Kinh Thánh sống rải rác. Những sự cung cấp này giúp các anh em được thêm sức để thi hành công việc rao giảng. Anh Richard Barber đã sốt sắng rao giảng trong thời gian đó. Anh nhớ lại: “Chúng tôi đã giúp một vài giám thị lưu động tiếp tục công việc của họ, đồng thời giữ cho Tháp Canh tiếp tục được lưu hành và gửi cho Canada, nơi mà tạp chí này bị cấm. Tôi có đặc ân gửi những bản cỡ bỏ túi của sách Sự mầu nhiệm đã nên trọn cho một số anh em bị tịch thu sách này. Anh Rutherford yêu cầu chúng tôi tổ chức các hội nghị tại vài thành phố thuộc miền tây Hoa Kỳ và cử các diễn giả khách đến để cố gắng khích lệ anh em càng nhiều càng tốt”.

MỘT SỐ SỰ TINH LUYỆN CẦN THIẾT

9. (a) Trong giai đoạn 1914-1919, tại sao dân Đức Chúa Trời cần được sửa dạy? (b) Việc họ cần được sửa dạy không cho thấy điều gì?

9 Không phải mọi điều mà các Học viên Kinh Thánh làm trong giai đoạn 1914-1919 đều phù hợp với những nguyên tắc Kinh Thánh. Dù chân thành nhưng không phải lúc nào các anh em cũng có quan điểm đúng về việc vâng phục các bậc cầm quyền (Rô 13:1). Vì thế, với tư cách tập thể, họ đã không luôn trung lập trong vấn đề chiến tranh. Chẳng hạn, khi tổng thống Hoa Kỳ chỉ thị rằng ngày 30-5-1918 sẽ là ngày cầu nguyện cho hòa bình, Tháp Canh đã khuyến giục các Học viên Kinh Thánh tham dự ngày đó. Một số anh em mua trái phiếu để ủng hộ tài chính cho chiến tranh. Một số người thậm chí còn cầm súng ra chiến trường. Tuy nhiên, sẽ sai lầm nếu kết luận rằng các Học viên Kinh Thánh bị rơi vào sự giam cầm của Ba-by-lôn Lớn vì họ cần được sửa dạy. Ngược lại, họ đã hiểu trách nhiệm của mình là tách biệt khỏi tôn giáo sai lầm. Trong Thế Chiến I, họ gần như đã thoát khỏi đế quốc tôn giáo ấy.—Đọc Lu-ca 12:47, 48.

10. Các Học viên Kinh Thánh có lập trường vững chắc nào liên quan đến tính thánh khiết của sự sống?

10 Dù các Học viên Kinh Thánh không hiểu rõ mọi khía cạnh về sự trung lập của tín đồ đạo Đấng Ki-tô như chúng ta ngày nay, nhưng họ biết một điều: Kinh Thánh cấm giết người. Thế nên, dù có một số ít các anh cầm vũ khí và ra chiến trường trong Thế Chiến I, nhưng họ kiên quyết không dùng vũ khí để giết người. Một số anh từ chối giết người đã bị đặt ở đầu chiến tuyến để bị mất mạng.

11. Các bậc cầm quyền đã phản ứng thế nào trước lập trường của Học viên Kinh Thánh về sự xung đột vũ trang?

11 Rõ ràng, Kẻ Quỷ Quyệt rất tức giận trước lập trường của các anh em về chiến tranh, dù lập trường ấy chưa trọn vẹn. Thế nên, hắn đã “nhờ luật-pháp toan sự thiệt-hại” (Thi 94:20). Trong cuộc nói chuyện với anh Rutherford và anh Van Amburgh, thiếu tướng của quân đội Hoa Kỳ là James Franklin Bell cho biết rằng Bộ Tư pháp Hoa Kỳ đã cố đề xuất một dự luật tại Quốc hội cho phép áp dụng án tử hình đối với những người từ chối dùng vũ khí trong chiến tranh. Ông muốn ám chỉ các Học viên Kinh Thánh. Trong cơn tức giận, tướng Bell nói với anh Rutherford: “Dự luật đó không được thông qua vì [tổng thống Hoa Kỳ] Wilson đã ngăn cản; nhưng chúng tôi biết cách khiến các người phải trả giá, và chúng tôi sẽ làm thế!”.

12, 13. (a) Tại sao tám anh có trách nhiệm đã bị kết án tù nhiều năm? (b) Sự cầm tù có phá đổ được lòng quyết tâm của các anh trong việc vâng lời Đức Giê-hô-va không? Hãy giải thích.

12 Các bậc cầm quyền đã làm đúng như lời đe dọa ấy. Là những người đại diện của Hội Tháp Canh, anh Rutherford, anh Van Amburgh và sáu anh khác đã bị bắt giữ. Khi thông qua bản án, vị thẩm phán tuyên bố: “Lời tuyên truyền về tôn giáo mà những người này gieo rắc còn nguy hiểm hơn cả một sư đoàn lính Đức... Họ không chỉ chất vấn những nhân viên pháp lý của chính phủ và cơ quan tình báo quân đội mà còn lên án mọi chức sắc trong tất cả các nhà thờ. Họ cần bị trừng phạt nghiêm khắc” (tự truyện Faith on the March của anh Alexander Macmillan, trg 99). Điều đó đã xảy ra. Tám Học viên Kinh Thánh ấy bị kết án tù nhiều năm tại nhà tù liên bang ở Atlanta, Georgia. Tuy nhiên, khi chiến tranh kết thúc, họ được thả ra và những tội danh mà họ bị cáo buộc được bãi bỏ.

13 Ngay cả khi ở trong tù, tám anh ấy đã kiên quyết vâng theo sự dạy dỗ của Kinh Thánh, dựa trên những gì họ hiểu. Trong đơn xin khoan hồng gửi cho tổng thống Hoa Kỳ, họ viết: “Ý muốn của Chúa như được tuyên bố trong Kinh Thánh là: ‘Ngươi chớ giết người’, và do đó bất cứ thành viên nào của Hiệp hội [Học viên Kinh Thánh Quốc tế] đã dâng mình cho Chúa mà lại cố tình vi phạm giao ước dâng mình thì sẽ tự đánh mất ân huệ của Đức Chúa Trời, thậm chí sẽ bị hủy diệt hoàn toàn. Bởi lý do đó, và vì cớ lương tâm, những thành viên ấy không thể giết người”. Quả là những lời can đảm! Rõ ràng, các anh của chúng ta hoàn toàn không có ý định thỏa hiệp!

SỰ TỰ DO CUỐI CÙNG ĐÃ ĐẾN!

14. Dựa trên Kinh Thánh, hãy miêu tả những điều diễn ra từ năm 1914 đến năm 1919.

14 Ma-la-chi 3:1-3 miêu tả về thời gian từ năm 1914 đến đầu năm 1919, khi “các con trai Lê-vi” được xức dầu trải qua một giai đoạn tinh luyện. (Đọc). Trong thời gian đó, Giê-hô-va Đức Chúa Trời, cùng với “thiên-sứ của sự giao-ước” là Chúa Giê-su, đã đến đền thờ thiêng liêng để thanh tra những người phụng sự tại đó. Sau khi nhận được sự sửa dạy cần thiết, dân được tẩy sạch của Đức Giê-hô-va đã sẵn sàng để đảm nhận thêm một nhiệm vụ khác. Vào năm 1919, một “đầy tớ trung tín và khôn ngoan” được bổ nhiệm để cung cấp thức ăn thiêng liêng cho những người thờ phượng ngài (Mat 24:45). Giờ đây, dân Đức Chúa Trời đã thoát khỏi ảnh hưởng của Ba-by-lôn Lớn. Kể từ đó, nhờ lòng nhân từ bao la của Đức Chúa Trời, dân ngài không ngừng gia tăng sự hiểu biết về ý muốn ngài và ngày càng yêu mến Cha trên trời. Họ thật biết ơn về những ân phước của ngài! [1]

15. Việc được giải thoát khỏi Ba-by-lôn Lớn nên tác động thế nào đến chúng ta?

15 Thật vui mừng biết bao khi được thoát khỏi sự giam cầm của Ba-by-lôn Lớn! Sa-tan đã thất bại thảm hại trong việc cố xóa sổ đạo thật của Đấng Ki-tô khỏi đất. Tuy nhiên, chúng ta không được quên mục đích của việc Đức Giê-hô-va ban cho chúng ta sự tự do này (2 Cô 6:1). Hàng triệu người có lòng thành vẫn đang bị giam cầm bởi tôn giáo sai lầm. Họ cần được biết cách thoát khỏi đó. Chúng ta có thể hướng dẫn họ. Vì thế, mong sao chúng ta noi gương các anh em trong thế kỷ trước và làm mọi điều có thể để giúp người ta được giải thoát!

^ [1] (đoạn 14) Có nhiều điểm tương đồng giữa việc người Do Thái bị lưu đày 70 năm ở Ba-by-lôn với điều đã xảy ra cho các tín đồ đạo Đấng Ki-tô sau khi sự bội đạo phát triển. Tuy nhiên, sự lưu đày của người Do Thái dường như không phải là hình bóng tiên tri cho điều đã xảy ra với các tín đồ đạo Đấng Ki-tô. Một lý do là sự khác biệt về thời gian giam cầm. Do đó, chúng ta không nên cố tìm những điểm tương đồng mang tính cách tiên tri trong mọi chi tiết của cuộc lưu đày của người Do Thái, như thể những chi tiết này nên áp dụng theo cách nào đó cho điều đã xảy ra với các tín đồ được xức dầu trong những năm trước năm 1919.