Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Chúa Giê-su có ngoại hình thế nào?

Chúa Giê-su có ngoại hình thế nào?

Không ai có hình ảnh thật của Chúa Giê-su. Ngài chưa từng tạo mẫu để người khác vẽ tranh hoặc khắc tượng. Tuy nhiên, qua nhiều thế kỷ, hình ảnh của ngài xuất hiện trong những tác phẩm của vô số nghệ sĩ.

Hiển nhiên là các nghệ sĩ ấy không biết Chúa Giê-su thật sự có ngoại hình ra sao. Văn hóa thịnh hành, niềm tin tôn giáo và nhu cầu của khách hàng thường ảnh hưởng đến cách các nghệ sĩ miêu tả Chúa Giê-su. Dù vậy, tác phẩm của họ có thể ảnh hưởng hoặc làm lệch lạc quan điểm của người ta về Chúa Giê-su và những dạy dỗ của ngài.

Một số nghệ sĩ đã miêu tả Chúa Giê-su là nhân vật yếu đuối, có mái tóc dài và bộ râu quai nón mỏng hoặc là người đượm vẻ u sầu. Trong những tác phẩm khác, Chúa Giê-su trông như một thần linh được tô điểm bằng vầng hào quang, hoặc một nhân vật xa cách với mọi người xung quanh. Những miêu tả này có phản ánh đúng đặc điểm của Chúa Giê-su không? Làm thế nào chúng ta biết được câu trả lời? Một cách là xem xét những câu Kinh Thánh tiết lộ phần nào về ngoại hình của Chúa Giê-su. Điều này cũng có thể giúp chúng ta có quan điểm đúng về ngài.

“NGÀI CHUẨN BỊ CHO CON MỘT THÂN THỂ”

Đó là lời Chúa Giê-su nói trong khi cầu nguyện, rất có thể là vào lúc ngài báp-têm (Hê-bơ-rơ 10:5; Ma-thi-ơ 3:13-17). Thân thể ấy trông như thế nào? Khoảng 30 năm trước đó, thiên sứ Gáp-ri-ên tiết lộ với Ma-ri: “Cô sẽ mang thai và sinh một con trai... là Con Đức Chúa Trời” (Lu-ca 1:31, 35). Vì vậy, Chúa Giê-su là người hoàn hảo giống với A-đam lúc được tạo ra (Lu-ca 3:38; 1 Cô-rinh-tô 15:45). Chúa Giê-su chắc phải là người có ngoại hình cân đối. Hẳn ngài cũng có những nét giống với người mẹ Do Thái của mình là Ma-ri.

Khác với người La Mã, Chúa Giê-su để râu quai nón theo phong tục của người Do Thái. Việc để râu như thế là dấu hiệu cho thấy một người đứng đắn và có nhân phẩm. Người Do Thái thường không để râu dài hoặc xồm xoàm. Chắc chắn, Chúa Giê-su đã chú ý đến việc cắt tỉa râu và tóc một cách gọn gàng. Chỉ có những người Na-xi-rê, như Sam-sôn, mới không cắt tóc.—Dân số 6:5; Quan xét 13:5.

Chúa Giê-su làm thợ mộc trong phần lớn khoảng thời gian sống trên đất. Khi làm việc, ngài không có các dụng cụ hiện đại (Mác 6:3). Vì vậy, chắc hẳn Chúa Giê-su phải có một cơ thể cường tráng. Trong thời gian đầu làm thánh chức, một mình Chúa Giê-su đã “đuổi hết [những người bán] cùng cừu và bò ra khỏi đền thờ, ngài cũng đổ tiền và lật bàn của những kẻ đổi tiền” (Giăng 2:14-17). Để làm được điều này, ngài hẳn phải là người khỏe mạnh. Chúa Giê-su đã dùng thân thể mà Đức Chúa Trời chuẩn bị cho ngài để thi hành nhiệm vụ được giao phó. Ngài nói: “Tôi cũng phải rao truyền tin mừng về Nước Đức Chúa Trời ở các thành khác nữa, vì tôi được phái đến để làm việc đó” (Lu-ca 4:43). Cần phải có thể lực rất tốt để đi bộ khắp Pa-lét-tin và rao truyền thông điệp này.

“HÃY ĐẾN VỚI TÔI... TÔI SẼ CHO ANH EM ĐƯỢC LẠI SỨC”

Gương mặt nhân hậu và thái độ hiền hòa của Chúa Giê-su hẳn đã khiến những ai “nhọc nhằn và nặng gánh” hưởng ứng lời mời này (Ma-thi-ơ 11:28-30). Cách cư xử nồng ấm và tử tế đảm bảo lời hứa là Chúa Giê-su sẽ mang lại sự tươi tỉnh cho người sẵn sàng học từ ngài. Ngay cả con trẻ cũng muốn đến gần Chúa Giê-su, vì Kinh Thánh nói: “Ngài ôm những đứa trẻ vào lòng”.—Mác 10:13-16.

Dù trải qua sự đau đớn tột cùng trước khi chết, nhưng Chúa Giê-su không phải là người u sầu. Chẳng hạn, ngài góp vui trong một tiệc cưới tại Ca-na bằng cách biến nước thành rượu ngon (Giăng 2:1-11). Vào một số dịp vui khác, ngài dạy người ta những bài học không thể nào quên.—Ma-thi-ơ 9:9-13; Giăng 12:1-8.

Trên hết, công việc truyền giáo của Chúa Giê-su giúp mọi người có triển vọng đầy vui mừng là sự sống vĩnh cửu (Giăng 11:25, 26; 17:3). Khi 70 môn đồ báo cáo kết quả của công việc rao truyền, Chúa Giê-su “vui mừng khôn xiết” và nói: “Hãy vui mừng vì tên của anh em đã được ghi ở trên trời”.—Lu-ca 10:20, 21.

“NHƯNG ANH EM CHỚ NHƯ VẬY”

Các nhà lãnh đạo tôn giáo vào thời Chúa Giê-su thường tìm cách để thu hút sự chú ý của người khác và thể hiện uy quyền của mình (Dân số 15:38-40; Ma-thi-ơ 23:5-7). Không như họ, Chúa Giê-su khuyên các sứ đồ không nên thống trị người khác (Lu-ca 22:25, 26). Thật ra, Chúa Giê-su đã cảnh báo: “Hãy coi chừng những thầy kinh luật thích mặc áo choàng đi dạo quanh đây đó và muốn được người ta chào hỏi ở chợ”.—Mác 12:38.

Trái với các nhà lãnh đạo tôn giáo, Chúa Giê-su hòa mình vào đám đông và đôi khi không ai nhận ra ngài (Giăng 7:10, 11). Ngay cả khi ở cùng 11 sứ đồ, Chúa Giê-su cũng không nổi bật hơn họ về vẻ bề ngoài. Kẻ phản bội là Giu-đa đã phải dùng một nụ hôn làm “dấu hiệu” để đám đông nhận ra Chúa Giê-su.—Mác 14:44, 45.

Vậy, có nhiều chi tiết về Chúa Giê-su mà chúng ta không biết, nhưng rõ ràng là ngoại hình của ngài không giống với những gì thường được miêu tả trong các tác phẩm. Tuy nhiên, việc Chúa Giê-su thật sự có ngoại hình thế nào không quan trọng bằng quan điểm hiện nay của chúng ta về ngài.

“CHẲNG BAO LÂU NỮA, THẾ GIAN SẼ KHÔNG CÒN THẤY TÔI”

Vào ngày nói những lời này, Chúa Giê-su đã chết và được chôn cất (Giăng 14:19). Ngài hiến mạng sống mình làm “giá chuộc cho nhiều người” (Ma-thi-ơ 20:28). Đến ngày thứ ba, Đức Chúa Trời làm Chúa Giê-su sống lại “ở thể thần linh” và “cho ngài hiện ra” với một số môn đồ (1 Phi-e-rơ 3:18; Công vụ 10:40). Chúa Giê-su trông như thế nào lúc hiện ra với các môn đồ? Chắc hẳn là rất khác so với trước khi ngài chết, vì ngay cả những môn đồ thân cận nhất cũng không nhận ra ngài. Ma-ri Ma-đơ-len đã nhầm Chúa Giê-su với người làm vườn, và hai môn đồ đang trên đường tới Em-ma-út cũng tưởng ngài là một người lạ.—Lu-ca 24:13-18; Giăng 20:1, 14, 15.

Ngày nay, chúng ta nên hình dung thế nào về Chúa Giê-su? Hơn 60 năm sau khi Chúa Giê-su qua đời, sứ đồ Giăng được ban cho một sự hiện thấy về ngài. Ông không thấy một người đang bị treo trên cây thập tự. Thay vì thế, Giăng thấy “Vua của các vua và Chúa của các chúa”, là Vua của Nước Đức Chúa Trời. Chẳng bao lâu nữa, vua ấy sẽ chinh phục kẻ thù của Đức Chúa Trời, cả ở thể thần linh lẫn xác thịt, và mang lại ân phước vĩnh cửu cho nhân loại.—Khải huyền 19:16; 21:3, 4.