Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Đức Giê-hô-va dẫn dắt dân ngài

Đức Giê-hô-va dẫn dắt dân ngài

“Đức Giê-hô-va sẽ cứ dắt-đưa ngươi”.Ê-SAI 58:11.

BÀI HÁT: 152, 22

1, 2. (a) Những người dẫn đầu trong vòng Nhân Chứng Giê-hô-va khác biệt thế nào với những người dẫn đầu trong các tôn giáo khác? (b) Chúng ta sẽ xem xét điều gì trong bài này và bài tới?

“Ai là người lãnh đạo của các anh?”. Nhân Chứng Giê-hô-va thường được hỏi câu này. Và không có gì ngạc nhiên! Trong nhiều tôn giáo, một người đàn ông hoặc một phụ nữ đóng vai trò là nhà lãnh đạo hay người đứng đầu. Ngược lại, chúng ta tự hào cho những người chất vấn biết rằng Vị Lãnh Đạo của chúng ta không phải là một người bất toàn. Chúng ta đi theo sự lãnh đạo của Đấng Ki-tô đã được sống lại, và chính Đấng Ki-tô cũng đi theo sự lãnh đạo của Cha ngài là Đức Giê-hô-va.—Mat 23:10.

2 Nhưng có một nhóm hữu hình gồm những người nam, là “đầy tớ trung tín và khôn ngoan”, dẫn đầu trong vòng dân Đức Chúa Trời ngày nay (Mat 24:45). Vậy làm sao có thể biết chính Đức Giê-hô-va đang dẫn dắt chúng ta qua đấng vô hình là Con của ngài? Bài này và bài tới sẽ xem xét làm thế nào trong hàng thiên niên kỷ, Đức Giê-hô-va đã dùng một số người để dẫn dắt dân ngài. Cả hai bài sẽ phân tích ba loại bằng chứng cho thấy Đức Giê-hô-va thật sự đứng sau hỗ trợ những người ấy, chứng minh rằng chính ngài đã và đang là Đấng Lãnh Đạo của dân ngài.—Ê-sai 58:11.

ĐƯỢC THẦN KHÍ HỖ TRỢ

3. Điều gì đã hỗ trợ Môi-se trong việc lãnh đạo dân Y-sơ-ra-ên?

3 Thần khí hỗ trợ những người đại diện cho Đức Chúa Trời. Hãy xem xét trường hợp của Môi-se, người được bổ nhiệm để lãnh đạo dân Y-sơ-ra-ên. Điều gì giúp ông thực thi trọng trách ấy? Đức Giê-hô-va đã ban thần khí cho ông. (Đọc Ê-sai 63:11-14). Qua việc dùng thần khí để hỗ trợ Môi-se, Đức Giê-hô-va tiếp tục dẫn dắt dân ngài.

4. Làm sao dân Y-sơ-ra-ên có thể nhận ra rằng Môi-se có thần khí của Đức Chúa Trời? (Xem hình nơi đầu bài).

4 Thần khí là một lực vô hình, vậy làm thế nào dân Y-sơ-ra-ên có thể nhận ra rằng thần khí đang hoạt động trên Môi-se? Thần khí giúp Môi-se làm được các phép lạ và công bố danh Đức Chúa Trời cho Pha-ra-ôn (Xuất 7:1-3). Thần khí cũng giúp Môi-se vun trồng những đức tính tuyệt vời như yêu thương, ôn hòa và kiên nhẫn. Nhờ thế, ông có khả năng lãnh đạo dân Y-sơ-ra-ên. Thật tương phản với những nhà lãnh đạo ích kỷ và hà khắc của các nước khác! (Xuất 5:2, 6-9). Rõ ràng, Đức Giê-hô-va đã chọn Môi-se làm người lãnh đạo dân ngài.

5. Hãy giải thích cách Đức Giê-hô-va hỗ trợ những người nam khác để họ lãnh đạo dân Y-sơ-ra-ên.

5 Sau này, thần khí của Đức Giê-hô-va đã hỗ trợ những người nam khác mà ngài bổ nhiệm để lãnh đạo dân ngài. Kinh Thánh nói: “Giô-suê, con trai của Nun, được đầy-dẫy thần khôn-ngoan”, “Thần của Đức Giê-hô-va cảm-hóa Ghê-đê-ôn”, và “Thần của Đức Giê-hô-va cảm-động Đa-vít” (Phục 34:9; Quan 6:34; 1 Sa 16:13). Tất cả những người ấy đã nương cậy nơi sự hỗ trợ của thần khí Đức Chúa Trời, và thần khí giúp họ thực hiện những việc lớn lao mà họ không thể làm với sức riêng (Giô-suê 11:16, 17; Quan 7:7, 22; 1 Sa 17:37, 50). Kết quả là Đức Giê-hô-va được ngợi khen về các hành động phi thường ấy.

6. Tại sao Đức Chúa Trời muốn dân ngài tôn trọng những người lãnh đạo trong nước Y-sơ-ra-ên?

6 Lẽ ra dân Y-sơ-ra-ên nên phản ứng thế nào trước bằng chứng rõ ràng cho thấy những người nam ấy được thần khí hỗ trợ? Khi dân chúng phàn nàn về sự lãnh đạo của Môi-se, Đức Giê-hô-va hỏi: “Dân nầy khinh ta... cho đến chừng nào?” (Dân 14:2, 11). Quả thật, Đức Giê-hô-va đã chọn Môi-se, Giô-suê, Ghê-đê-ôn và Đa-vít đại diện cho ngài. Khi dân chúng vâng lời những người ấy, thật ra họ đang vâng lời Đức Giê-hô-va, Đấng Lãnh Đạo của họ.

ĐƯỢC CÁC THIÊN SỨ GIÚP ĐỠ

7. Các thiên sứ giúp đỡ Môi-se như thế nào?

7 Các thiên sứ giúp đỡ những người đại diện cho Đức Chúa Trời. (Đọc Hê-bơ-rơ 1:7, 14). Đức Giê-hô-va đã phái các thiên sứ đến để giao nhiệm vụ, trang bị và hướng dẫn Môi-se. Kinh Thánh nói: “Qua trung gian vị thiên sứ đến với [Môi-se] trong bụi gai, Đức Chúa Trời phái chính người làm người cai trị và giải cứu” (Công 7:35). Luật pháp của Đức Giê-hô-va “được các thiên sứ truyền lại”, và Môi-se dùng Luật pháp ấy để chỉ dạy dân Y-sơ-ra-ên (Ga 3:19). Ngoài ra, Đức Giê-hô-va bảo ông: “Hãy... dẫn dân-sự đến nơi ta đã chỉ phán. Nầy thiên-sứ ta sẽ đi trước ngươi” (Xuất 32:34). Kinh Thánh không nói rằng dân Y-sơ-ra-ên đã thấy một thiên sứ thực thi những nhiệm vụ đó. Tuy nhiên, cách Môi-se chỉ dạy và hướng dẫn dân chúng cho thấy rõ ông được các thiên sứ giúp đỡ.

8. Các thiên sứ giúp đỡ Giô-suê và Ê-xê-chia ra sao?

8 Sau thời Môi-se, người kế nhiệm ông là Giô-suê được “tướng đạo binh của Đức Giê-hô-va” thêm sức để lãnh đạo dân ngài trong trận chiến với người Ca-na-an, và dân Y-sơ-ra-ên đã giành thắng lợi (Giô-suê 5:13-15; 6:2, 21). Sau này, vua Ê-xê-chia đối mặt với một đạo binh A-si-ri hùng hậu đang đe dọa xâm chiếm Giê-ru-sa-lem. Trong một đêm, “một thiên-sứ của Đức Giê-hô-va đi đến trong dinh A-si-ri, và giết một trăm tám mươi lăm ngàn người tại đó”.—2 Vua 19:35.

9. Sự bất toàn của những người đại diện cho Đức Chúa Trời có phải là lý do để dân Y-sơ-ra-ên không vâng theo sự lãnh đạo của họ không? Hãy giải thích.

9 Dĩ nhiên, các thiên sứ là hoàn hảo còn những người mà họ giúp đỡ thì không. Có lần, Môi-se không tôn vinh Đức Giê-hô-va (Dân 20:12). Giô-suê đã không tìm kiếm sự hướng dẫn của Đức Chúa Trời trước khi kết ước với dân Ga-ba-ôn (Giô-suê 9:14, 15). “Lòng [Ê-xê-chia] tự-cao” trong một thời gian ngắn (2 Sử 32:25, 26). Nhưng dù những người nam ấy bất toàn, Đức Giê-hô-va đòi hỏi dân Y-sơ-ra-ên vâng theo sự lãnh đạo của họ. Dân Y-sơ-ra-ên có thể thấy rằng ngài đang dùng các thiên sứ để giúp đỡ những người nam ấy. Đúng vậy, Đức Giê-hô-va đang dẫn dắt dân ngài.

ĐƯỢC LỜI ĐỨC CHÚA TRỜI HƯỚNG DẪN

10. Luật pháp của Đức Chúa Trời đã hướng dẫn Môi-se như thế nào?

10 Lời Đức Chúa Trời hướng dẫn những người đại diện cho ngài. Kinh Thánh gọi Luật pháp được ban cho dân Y-sơ-ra-ên là “luật-pháp của Môi-se” (1 Vua 2:3). Dù vậy, Kinh Thánh cho biết Đức Giê-hô-va mới là Đấng Lập Luật, và chính Môi-se phải vâng theo Luật pháp ấy (2 Sử 34:14). Sau khi Đức Giê-hô-va ban cho ông sự chỉ dẫn về cách dựng đền tạm, “Môi-se làm y như mọi điều Đức Giê-hô-va đã phán dặn mình”.—Xuất 40:1-16.

11, 12. (a) Giô-suê và các vua cai trị dân Đức Chúa Trời phải làm gì? (b) Lời Đức Chúa Trời tác động thế nào đến những người lãnh đạo dân Đức Chúa Trời?

11 Từ khi trở thành người lãnh đạo, Giô-suê đã có một bản chép tay Lời Đức Chúa Trời. Ngài bảo ông: “Hãy suy-gẫm [“đọc nhẩm”, NW] ngày và đêm, hầu cho cẩn-thận làm theo mọi điều đã chép ở trong” (Giô-suê 1:8). Sau này, các vua cai trị dân Đức Chúa Trời cũng làm điều tương tự. Họ phải đọc Luật pháp mỗi ngày, sao chép một bản và “cẩn-thận làm theo các lời của luật-pháp nầy, và hết thảy điều-răn nầy”.—Đọc Phục-truyền Luật-lệ Ký 17:18-20.

12 Lời Đức Chúa Trời đã tác động thế nào đến những người dẫn đầu? Hãy xem trường hợp của vua Giô-si-a. Sau khi Luật pháp Môi-se được tìm thấy, thư ký của Giô-si-a bắt đầu đọc Luật pháp ấy cho vua. * Vua phản ứng ra sao? Kinh Thánh nói: “Vua vừa nghe các lời của sách luật-pháp, liền xé quần-áo mình”. Nhưng không chỉ có thế. Được Lời Đức Chúa Trời hướng dẫn, Giô-si-a bắt đầu một chiến dịch mạnh mẽ chống lại việc thờ hình tượng, và tổ chức một Lễ Vượt Qua lớn chưa từng có (2 Vua 22:11; 23:1-23). Vì Giô-si-a và những người lãnh đạo trung thành khác được Lời Đức Chúa Trời hướng dẫn, nên họ sẵn sàng điều chỉnh và làm sáng tỏ các chỉ dẫn mà họ cung cấp cho dân ngài. Những thay đổi ấy giúp dân Đức Chúa Trời vào thời xưa hành động phù hợp với ý muốn ngài.

13. Có sự tương phản nào giữa những người lãnh đạo của dân Đức Chúa Trời và những nhà lãnh đạo của các nước ngoại giáo?

13 Các vị vua trung thành ấy thật khác biệt với những nhà lãnh đạo của các nước khác, là những người được hướng dẫn bởi sự khôn ngoan của con người và có tầm nhìn hạn hẹp! Dưới sự lãnh đạo của người Ca-na-an, dân chúng làm các việc gớm ghiếc như loạn luân, đồng tính luyến ái, giao cấu với thú vật, dâng con tế thần và thờ hình tượng (Lê 18:6, 21-25). Ngoài ra, những nhà lãnh đạo của Ba-by-lôn và Ai Cập không tuân theo các tiêu chuẩn vệ sinh hợp với khoa học mà Đức Chúa Trời ban cho dân Y-sơ-ra-ên (Dân 19:13). Ngược lại, dân Đức Chúa Trời vào thời xưa đã thấy cách những người lãnh đạo trung thành của họ đẩy mạnh sự trong sạch về thể chất, đạo đức và thiêng liêng. Rõ ràng, Đức Giê-hô-va đang dẫn dắt những người lãnh đạo trung thành ấy.

14. Tại sao Đức Giê-hô-va sửa phạt một số người lãnh đạo của dân ngài?

14 Thời xưa, không phải mọi vị vua cai trị dân Đức Chúa Trời đều làm theo các chỉ dẫn của ngài. Những người bất tuân với Đức Giê-hô-va thì không chịu chấp nhận sự hướng dẫn của thần khí, các thiên sứ và Lời ngài. Trong một số trường hợp, Đức Giê-hô-va đã sửa phạt hoặc thay thế những người lãnh đạo ấy (1 Sa 13:13, 14). Vào đúng thời điểm của ngài, Đức Chúa Trời bổ nhiệm một người vượt trội hơn hết thảy những người mà ngài đã dùng trước đó.

ĐỨC GIÊ-HÔ-VA BỔ NHIỆM MỘT VỊ LÃNH ĐẠO HOÀN HẢO

15. (a) Làm thế nào các nhà tiên tri cho thấy rằng một vị lãnh đạo lý tưởng nhất sắp đến? (b) Ai là vị lãnh đạo được báo trước?

15 Trong nhiều thế kỷ, Đức Giê-hô-va tiên tri rằng ngài sẽ bổ nhiệm một người lãnh đạo lý tưởng nhất cho dân ngài. Môi-se nói với dân Y-sơ-ra-ên: “Từ giữa anh em ngươi, Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi sẽ lập lên một đấng tiên-tri như ta; các ngươi khá nghe theo đấng ấy!” (Phục 18:15). Ê-sai báo trước rằng đấng ấy sẽ trở thành “quan-trưởng [“người lãnh đạo”, NW] và quan-tướng” (Ê-sai 55:4). Đa-ni-ên được soi dẫn để viết về sự đến của “Đấng chịu xức dầu, tức là vua [“Đấng Lãnh Đạo”, NW]” (Đa 9:25). Cuối cùng, chính Chúa Giê-su Ki-tô đã xác nhận ngài là “Vị Lãnh Đạo” của dân Đức Chúa Trời. (Đọc Ma-thi-ơ 23:10). Các môn đồ Chúa Giê-su tình nguyện đi theo ngài, và họ khẳng định rằng ngài là đấng được Đức Giê-hô-va chọn (Giăng 6:68, 69). Điều gì khiến họ tin chắc Chúa Giê-su Ki-tô chính là người Đức Giê-hô-va dùng để dẫn dắt dân ngài?

16. Điều gì chứng tỏ Chúa Giê-su được thần khí hỗ trợ?

16 Thần khí hỗ trợ Chúa Giê-su. Khi Chúa Giê-su chịu phép báp-têm, Giăng Báp-tít thấy “các tầng trời mở ra và thần khí ngự xuống trên ngài giống như chim bồ câu”. Sau đó, “thần khí thôi thúc ngài đi đến hoang mạc” (Mác 1:10-12). Trong suốt thời gian Chúa Giê-su thi hành thánh chức trên đất, thần khí đã giúp ngài làm các phép lạ và nói với uy quyền từ Đức Chúa Trời (Công 10:38). Ngoài ra, thần khí giúp Chúa Giê-su thể hiện hoàn hảo các khía cạnh của bông trái thần khí như tình yêu thương, vui mừng và đức tin không lay chuyển (Giăng 15:9; Hê 12:2). Không có người lãnh đạo nào khác cho thấy những bằng chứng thuyết phục như thế. Chúa Giê-su chính là đấng được Đức Giê-hô-va chọn.

Không lâu sau khi Chúa Giê-su chịu phép báp-têm, các thiên sứ đã giúp đỡ ngài như thế nào? (Xem đoạn 17)

17. Các thiên sứ đã làm gì để giúp đỡ Chúa Giê-su?

17 Các thiên sứ giúp đỡ Chúa Giê-su. Không lâu sau khi Chúa Giê-su chịu phép báp-têm, “có các thiên sứ đến phục vụ ngài” (Mat 4:11). Nhiều giờ trước khi Chúa Giê-su chết, “một thiên sứ từ trời hiện đến và làm ngài vững lòng” (Lu 22:43). Chúa Giê-su tin chắc Đức Giê-hô-va sẽ phái thiên sứ giúp đỡ bất cứ khi nào ngài cần để thực thi ý muốn của Cha.—Mat 26:53.

18, 19. Chúa Giê-su đã để Lời Đức Chúa Trời hướng dẫn đời sống và sự dạy dỗ của ngài như thế nào?

18 Lời Đức Chúa Trời hướng dẫn Chúa Giê-su. Từ lúc bắt đầu thi hành thánh chức, Chúa Giê-su đã để Kinh Thánh hướng dẫn ngài (Mat 4:4). Ngài vâng theo Lời Đức Chúa Trời đến mức sẵn sàng chịu chết trên cây khổ hình. Thậm chí trong những lời cuối cùng trước khi chết, ngài còn trích dẫn những lời tiên tri về Đấng Mê-si (Mat 27:46; Lu 23:46). Ngược lại, các nhà lãnh đạo tôn giáo vào thời đó đã bác bỏ Lời Đức Chúa Trời mỗi khi Lời ấy trái với truyền thống của họ. Trích dẫn lời của Đức Giê-hô-va qua nhà tiên tri Ê-sai, Chúa Giê-su nói về họ: “Dân này tôn kính ta bằng môi miệng nhưng lòng chúng lại cách xa ta. Chúng có thờ ta cũng vô ích, vì những gì chúng dạy chỉ là điều răn của loài người” (Mat 15:7-9). Liệu Đức Giê-hô-va có thể chọn bất cứ ai trong số đó làm người lãnh đạo dân ngài không?

19 Chúa Giê-su đã để Lời Đức Chúa Trời hướng dẫn không chỉ hành động mà cả sự dạy dỗ của ngài. Khi các nhà lãnh đạo tôn giáo thử Chúa Giê-su, ngài không dựa vào sự khôn ngoan uyên bác cũng như kinh nghiệm dày dạn của mình. Thay vì thế, ngài đã dùng Kinh Thánh làm thẩm quyền tối cao (Mat 22:33-40). Chúa Giê-su cũng không kể những câu chuyện cá nhân về đời sống ở trên trời hoặc về việc sáng tạo vũ trụ để khiến người nghe thích thú, nhưng “ngài mở trí cho họ hiểu Kinh Thánh” (Lu 24:32, 45). Chúa Giê-su yêu mến Lời Đức Chúa Trời và háo hức chia sẻ Lời ấy cho người khác.

20. (a) Làm thế nào Chúa Giê-su cho thấy ngài vâng phục Đức Chúa Trời? (b) Sự tương phản giữa Chúa Giê-su và Hê-rốt A-ríp-ba I dạy chúng ta điều gì về việc Đức Giê-hô-va lựa chọn một nhà lãnh đạo?

20 Dù Chúa Giê-su khiến người nghe thán phục với “những lời tử tế”, nhưng ngài quy sự vinh hiển cho Thầy của ngài là Đức Giê-hô-va (Lu 4:22). Khi một người giàu cố dùng tước vị “Thầy Tốt Lành” để tôn vinh Chúa Giê-su, ngài khiêm tốn đáp: “Sao anh gọi tôi là tốt lành? Không ai là tốt lành, ngoại trừ Đức Chúa Trời” (Mác 10:17, 18). Thật tương phản với Hê-rốt A-ríp-ba I, người đã trở thành vua hay nhà lãnh đạo của xứ Giu-đa khoảng tám năm sau đó! Trong một buổi lễ ngoại giao, Hê-rốt đã mặc “vương bào”. Đám đông ngưỡng mộ ông hô lên: “Ấy là tiếng của một vị thần, không phải của người phàm!”. Hẳn Hê-rốt đã mê đắm trong sự ngợi khen. Điều gì xảy ra tiếp theo? “Ngay lúc đó, thiên sứ của Đức Giê-hô-va khiến vua bị bệnh, vì vua không dành sự vinh hiển cho ngài. Hê-rốt bị giun sán đục mà chết” (Công 12:21-23). Chắc chắn, không một người quan sát khách quan nào có thể kết luận rằng Hê-rốt được Đức Giê-hô-va chọn làm nhà lãnh đạo. Mặt khác, Chúa Giê-su đưa ra bằng chứng thuyết phục rằng ngài được Đức Chúa Trời bổ nhiệm, và không ngừng tôn vinh Đức Giê-hô-va là Đấng Lãnh Đạo Tối Cao của dân ngài.

21. Chúng ta sẽ thảo luận điều gì trong bài tới?

21 Sự lãnh đạo của Chúa Giê-su không chỉ kéo dài vài năm. Sau khi sống lại, ngài tuyên bố: “Tôi đã được giao mọi quyền hành ở trên trời và dưới đất... Này! Tôi sẽ luôn ở cùng anh em cho đến khi thời đại này kết thúc” (Mat 28:18-20). Nhưng là một thần linh vô hình trên trời, làm thế nào Chúa Giê-su có thể lãnh đạo dân Đức Chúa Trời ở trên đất? Đức Giê-hô-va dùng những ai để làm việc dưới sự lãnh đạo của Chúa Giê-su, và để dẫn đầu trong vòng dân ngài? Bằng cách nào các tín đồ đạo Đấng Ki-tô có thể nhận ra những người đại diện cho ngài? Bài tới sẽ xem xét lời giải đáp cho những câu hỏi đó.

^ đ. 12 Có lẽ đây là bản gốc do Môi-se viết.