Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Độc giả thắc mắc

Độc giả thắc mắc

Sứ đồ Phao-lô viết rằng Đức Giê-hô-va “sẽ không để anh em bị cám dỗ quá sức mình” (1 Cô 10:13). Phải chăng điều này có nghĩa là Đức Giê-hô-va xác định trước những điều chúng ta có thể chịu đựng, rồi ngài chọn các thử thách mà chúng ta sẽ đối mặt?

Hãy xem quan điểm như thế có thể dẫn đến những suy nghĩ sai lầm nào. Một anh có con trai tự tử đã thắc mắc: “Phải chăng Đức Giê-hô-va xác định trước rằng vợ chồng tôi sẽ chịu đựng được việc con trai mình tự tử? Có phải điều này xảy ra vì Đức Chúa Trời cho rằng chúng tôi có thể chịu đựng được?”. Có lý do chính đáng nào để tin là Đức Giê-hô-va lèo lái các sự kiện trong đời sống chúng ta theo những cách cụ thể như thế không?

Việc xem xét thêm những lời của Phao-lô nơi 1 Cô-rinh-tô 10:13 giúp chúng ta đi đến kết luận sau: Không có cơ sở dựa trên Kinh Thánh để tin rằng Đức Giê-hô-va xác định trước những điều chúng ta có thể chịu đựng, rồi dựa vào đó, ngài chọn những thử thách mà chúng ta sẽ gặp phải. Hãy xem xét bốn lý do cho thấy tại sao chúng ta có thể rút ra kết luận ấy.

Thứ nhất, Đức Giê-hô-va ban cho con người món quà tự do ý chí. Ngài muốn chúng ta tự chọn lối sống cho mình (Phục 30:19, 20; Giô-suê 24:15). Nếu chọn đường lối đúng, chúng ta có thể mong đợi Đức Giê-hô-va chỉ dẫn các bước của mình (Châm 16:9). Nhưng nếu chọn đường lối sai, chúng ta sẽ phải chịu hậu quả (Ga 6:7). Nếu Đức Giê-hô-va chọn những thử thách mà chúng ta sẽ gặp thì chẳng phải như thể ngài làm giảm đi giá trị của món quà tự do ý chí sao?

Thứ hai, Đức Giê-hô-va không che chở chúng ta khỏi “thời thế và chuyện bất trắc” (Truyền 9:11, NW). Những tai nạn đau lòng, có lẽ với hậu quả thảm khốc, có thể xảy ra vì chúng ta tình cờ có mặt không đúng nơi và đúng lúc. Chúa Giê-su nói về một thảm kịch liên quan đến việc 18 người bị chết khi một cái tháp đổ sập trên họ, và ngài cho biết rằng những cái chết đó không phải là ý muốn của Đức Chúa Trời (Lu 13:1-5). Vì thế, có hợp lý không khi nghĩ rằng Đức Chúa Trời xác định trước những ai sẽ sống và chết do hệ quả của các sự kiện ngẫu nhiên?

Thứ ba, mỗi chúng ta đều liên quan đến vấn đề về sự trung kiên. Hãy nhớ rằng Sa-tan thách thức lòng trung kiên của tất cả những người phụng sự Đức Giê-hô-va. Hắn tuyên bố chúng ta sẽ không giữ trung thành với Đức Giê-hô-va khi gặp thử thách (Gióp 1:9-11; 2:4; Khải 12:10). Nếu Đức Giê-hô-va không để chúng ta gặp một số thử thách vì ngài xác định rằng những thử thách ấy quá sức chịu đựng của chúng ta, thì chẳng phải điều đó sẽ ủng hộ cho cáo buộc của Sa-tan là chúng ta phụng sự Đức Chúa Trời chỉ vì mục tiêu ích kỷ sao?

Thứ tư, Đức Giê-hô-va không cần phải biết trước mọi điều xảy ra cho chúng ta. Quan điểm cho là Đức Chúa Trời chọn trước những thử thách mà chúng ta sẽ gặp ám chỉ rằng ngài phải biết mọi điều về tương lai của chúng ta. Nhưng quan điểm đó không dựa trên Kinh Thánh. Chắc chắn, Đức Chúa Trời có thể biết trước tương lai (Ê-sai 46:10). Nhưng Kinh Thánh cho thấy ngài sử dụng khả năng biết trước về tương lai một cách có chọn lọc (Sáng 18:20, 21; 22:12). Do đó, Đức Chúa Trời cân bằng giữa khả năng biết trước của ngài và việc ngài tôn trọng sự tự do ý chí của chúng ta. Chẳng phải đó là điều chúng ta mong đợi nơi Đức Chúa Trời, đấng quý trọng sự tự do của chúng ta và luôn thể hiện các đức tính của ngài trong sự cân bằng hoàn hảo sao?—Phục 32:4; 2 Cô 3:17.

Vậy, chúng ta cần hiểu thế nào về lời của Phao-lô: “Đức Chúa Trời... sẽ không để anh em bị cám dỗ quá sức mình”? Phao-lô đang nói về điều Đức Giê-hô-va làm không phải trước, mà là trong các thử thách. * Lời của sứ đồ Phao-lô đảm bảo rằng dù gặp bất cứ thử thách nào trong đời sống, chúng ta cũng sẽ được Đức Giê-hô-va nâng đỡ nếu tin cậy ngài (Thi 55:22). Những lời an ủi của Phao-lô dựa trên hai sự thật cơ bản.

Thứ nhất, chúng ta không gặp thử thách nào “khác với mọi người”. Do đó, những thử thách chúng ta gặp là điều thông thường đối với trải nghiệm của con người. Các thử thách đó không vượt quá khả năng chịu đựng nếu chúng ta nương cậy nơi Đức Chúa Trời (1 Phi 5:8, 9). Văn cảnh của 1 Cô-rinh-tô 10:13 cho thấy Phao-lô nói về những thử thách mà dân Y-sơ-ra-ên đã đối mặt trong hoang mạc (1 Cô 10:6-11). Không thử thách nào trong số đó mà loài người chưa từng trải qua, hoặc vượt quá khả năng chịu đựng của những người Y-sơ-ra-ên trung thành. Phao-lô bốn lần nói rằng “một số người trong vòng họ” đã không vâng lời. Đáng buồn là một số người Y-sơ-ra-ên đã chiều theo những ham muốn sai trái vì họ không nương cậy Đức Chúa Trời.

Thứ hai, “Đức Chúa Trời là đấng trung tín”. Cách Đức Chúa Trời đối xử với dân ngài trong suốt lịch sử chứng tỏ rằng ngài thể hiện tình yêu thương thành tín đối với “những người yêu-mến Ngài và vâng-giữ các điều-răn Ngài” (Phục 7:9). Lịch sử cũng cho thấy Đức Chúa Trời luôn giữ lời hứa (Giô-suê 23:14). Khi xem xét sự trung tín của Đức Chúa Trời trong quá khứ, những người yêu mến và vâng lời ngài có thể tin rằng ngài sẽ giữ lời hứa gồm hai khía cạnh, liên quan đến thử thách mà họ có thể gặp phải: (1) Ngài sẽ không để cho bất cứ thử thách nào đi xa đến mức khiến họ không thể chịu đựng, và (2) “ngài sẽ... mở lối thoát” cho họ.

Đức Giê-hô-va “an ủi chúng ta trong mọi hoạn nạn”

Bằng cách nào Đức Giê-hô-va mở lối thoát cho những người nương cậy nơi ngài khi gặp thử thách? Dĩ nhiên nếu muốn, ngài có thể dễ dàng loại bỏ thử thách. Nhưng hãy nhớ lại lời của Phao-lô: “Ngài [Đức Giê-hô-va]... sẽ mở lối thoát, hầu anh em có thể chịu đựng”. Do đó, trong nhiều trường hợp, ngài “mở lối thoát” bằng cách cung cấp những điều chúng ta cần để chịu đựng được thử thách. Hãy xem một vài cách mà Đức Giê-hô-va mở lối thoát cho chúng ta:

  • “Ngài an ủi chúng ta trong mọi hoạn nạn” (2 Cô 1:3, 4). Đức Giê-hô-va có thể xoa dịu tâm trí và cảm xúc của chúng ta qua Lời ngài, qua thần khí và qua thức ăn thiêng liêng do đầy tớ trung tín cấp phát.—Mat 24:45; Giăng 14:16; Rô 15:4.

  • Ngài có thể dùng thần khí để hướng dẫn chúng ta (Giăng 14:26). Khi gặp thử thách, thần khí có thể giúp chúng ta nhớ lại những lời tường thuật và các nguyên tắc Kinh Thánh, rồi nhận ra những bước khôn ngoan mà mình cần thực hiện.

  • Ngài có thể dùng thiên sứ để hỗ trợ chúng ta.—Hê 1:14.

  • Ngài có thể dùng anh em đồng đạo để giúp đỡ chúng ta. Lời nói và hành động của họ có thể là “nguồn an ủi lớn” cho chúng ta.—Cô 4:11.

Vậy có thể kết luận thế nào về ý nghĩa của lời Phao-lô nói nơi 1 Cô-rinh-tô 10:13? Đức Giê-hô-va không chọn những thử thách mà chúng ta gặp phải. Nhưng khi gặp thử thách trong đời sống, chúng ta có thể tin chắc điều này: Nếu hoàn toàn tin cậy Đức Giê-hô-va, ngài sẽ không bao giờ để cho thử thách của chúng ta vượt quá giới hạn chịu đựng của con người; ngài sẽ luôn mở lối thoát hầu chúng ta có thể chịu đựng. Thật an ủi biết bao!

^ đ. 9 Từ Hy Lạp được dịch là “cám dỗ” có thể có nghĩa là “thử thách”.