Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Giúp ngoại kiều “hầu-việc Đức Giê-hô-va cách vui-mừng”

Giúp ngoại kiều “hầu-việc Đức Giê-hô-va cách vui-mừng”

“Đức Giê-hô-va che chở ngoại kiều”.—THI 146:9, NW.

BÀI HÁT: 84, 73

1, 2. (a) Một số anh chị của chúng ta đối mặt với những thử thách nào? (b) Các câu hỏi nào được nêu lên?

Một anh tên Lije kể: “Khi cuộc nội chiến bắt đầu ở Burundi, gia đình chúng tôi đang ở hội nghị. Chúng tôi thấy người ta đang chạy và bắn súng. Cha mẹ và 11 anh em chúng tôi chạy thoát thân chỉ với vài thứ bên người. Một số người trong gia đình tôi cuối cùng cũng đến được trại tị nạn ở Malawi, chuyến đi dài hơn 1.600km. Số còn lại thì bị tản mác”.

2 Hiện nay, trên thế giới số người tị nạn phải rời bỏ nhà cửa vì chiến tranh hay sự bắt bớ đã lên đến hơn 65 triệu người, đây là con số cao nhất được thống kê. * Trong số đó có hàng ngàn Nhân Chứng Giê-hô-va. Nhiều người mất người thân và gần như mất hết tài sản. Một số còn đối mặt với khó khăn nào khác? Làm sao chúng ta có thể giúp các anh chị này “hầu-việc Đức Giê-hô-va cách vui-mừng” bất kể thử thách? (Thi 100:2). Làm thế nào chúng ta có thể rao giảng hữu hiệu cho người tị nạn chưa biết Đức Giê-hô-va?

CUỘC SỐNG TỊ NẠN

3. Điều gì khiến Chúa Giê-su và nhiều môn đồ trở thành người tị nạn?

3 Sau khi thiên sứ của Đức Giê-hô-va cảnh báo Giô-sép rằng vua Hê-rốt muốn giết em bé Giê-su, ngài và cha mẹ đã trở thành người tị nạn ở Ai Cập. Họ ở đó cho đến khi Hê-rốt qua đời (Mat 2:13, 14, 19-21). Hàng thập niên sau, các môn đồ thời ban đầu “tản mác khắp xứ Giu-đa và Sa-ma-ri” vì sự bắt bớ (Công 8:1). Chúa Giê-su biết trước rằng nhiều môn đồ sẽ buộc phải rời bỏ nhà cửa. Ngài nói: “Khi họ bắt bớ anh em ở thành này, hãy trốn sang thành khác” (Mat 10:23). Dù phải chạy trốn vì bất cứ lý do nào thì đó luôn là một thách đố.

4, 5. Người tị nạn có thể gặp những nguy hiểm nào khi (a) đang chạy trốn? (b) sống trong trại?

4 Người tị nạn có thể gặp nguy hiểm khi chạy trốn hoặc khi sống trong trại tị nạn. Em trai của anh Lije là anh Gad kể lại: “Chúng tôi đi bộ nhiều tuần, đi qua hàng trăm xác chết. Lúc đó, tôi được 12 tuổi. Chân tôi phồng lên đến nỗi tôi nói gia đình cứ đi tiếp, đừng chờ tôi. Cha không đành bỏ tôi để quân phiến loạn bắt, vì thế ông cõng tôi đi. Chúng tôi sống sót qua từng ngày, cứ cầu nguyện và tin cậy Đức Giê-hô-va, đôi khi chỉ ăn xoài mọc ở ven đường”.—Phi-líp 4:12, 13.

5 Phần lớn người trong gia đình anh Lije sống nhiều năm trong trại tị nạn của Liên Hiệp Quốc. Nhưng họ cũng không an toàn khi ở đó. Anh Lije, hiện làm giám thị vòng quanh, nói: “Đa số người ta không có việc làm. Họ ngồi lê đôi mách, say sưa, cờ bạc, trộm cắp và sống buông thả”. Để kháng cự ảnh hưởng xấu, Nhân Chứng ở các trại tị nạn cần bận rộn trong các hoạt động của hội thánh (Hê 6:11, 12; 10:24, 25). Để giữ sức khỏe thiêng liêng, họ dùng thời gian một cách hiệu quả, nhiều người đã làm tiên phong. Họ giữ thái độ tích cực bằng cách nhớ rằng như hành trình của dân Y-sơ-ra-ên trong hoang mạc, cuộc sống của mình trong trại tị nạn rồi cũng sẽ chấm dứt.—2 Cô 4:18.

TỎ LÒNG YÊU THƯƠNG VỚI NGƯỜI TỊ NẠN

6, 7. (a) “Tình yêu thương với Đức Chúa Trời” thôi thúc tín đồ đạo Đấng Ki-tô làm gì cho anh em đang cần giúp đỡ? (b) Hãy nêu ví dụ.

6 “Tình yêu thương với Đức Chúa Trời” thôi thúc chúng ta tỏ lòng yêu thương với anh em đồng đạo, nhất là khi họ ở trong tình huống cam go. (Đọc 1 Giăng 3:17, 18). Khi nạn đói đe dọa các tín đồ ở Giu-đa vào thế kỷ thứ nhất, hội thánh đã sắp xếp để giúp đỡ họ (Công 11:28, 29). Sứ đồ Phao-lô và Phi-e-rơ cũng khuyên các tín đồ tỏ lòng hiếu khách với nhau (Rô 12:13; 1 Phi 4:9). Nếu các tín đồ phải chào đón anh em đến thăm, thì họ càng phải chào đón những anh em đang lâm nguy hoặc bị bắt bớ vì đức tin!—Đọc Châm-ngôn 3:27. *

7 Gần đây, hàng ngàn Nhân Chứng Giê-hô-va gồm đàn ông, đàn bà và trẻ con phải chạy trốn khỏi cuộc xung đột và sự bắt bớ ở miền đông Ukraine. Đáng buồn là một số anh chị đã bị giết. Nhưng phần lớn thì được anh em đồng đạo ở những nơi khác của Ukraine cưu mang, và nhiều người khác được các Nhân Chứng tại Nga cho ở nhờ. Trong cả hai nước, các Nhân Chứng đều giữ trung lập về chính trị vì “không thuộc về thế gian”. Họ tiếp tục sốt sắng “công bố tin mừng, là lời Đức Chúa Trời”.—Giăng 15:19; Công 8:4.

CỦNG CỐ ĐỨC TIN CỦA ANH EM TỊ NẠN

8, 9. (a) Người tị nạn có thể gặp những khó khăn nào khi ở nước khác? (b) Tại sao họ cần chúng ta kiên nhẫn giúp đỡ?

8 Một số người phải dời đến nơi khác trong nước, còn nhiều người bị đẩy vào một môi trường hoàn toàn xa lạ ở nước khác. Có thể các chính phủ cung cấp thức ăn, quần áo và chỗ ở đến mức độ nào đó, nhưng có lẽ không có đồ ăn quen thuộc. Người tị nạn từ xứ nóng có thể lần đầu tiên đối mặt với khí hậu lạnh và không biết cách mặc sao cho ấm. Nếu đến từ vùng nông thôn, có lẽ họ không biết cách dùng các thiết bị hiện đại.

9 Một số chính phủ có chương trình trợ giúp người tị nạn thích nghi với hoàn cảnh mới. Tuy nhiên, thường thì trong vòng vài tháng, người tị nạn phải tự túc. Sự thay đổi có thể khiến họ choáng ngợp. Hãy hình dung họ phải học một ngôn ngữ mới cũng như thích ứng với các luật và đòi hỏi mới liên quan đến cách cư xử, giờ giấc, thuế má, hóa đơn, trường lớp và cách sửa dạy con cái—phải làm tất cả các việc ấy cùng lúc! Anh chị có thể giúp anh em đang gặp khó khăn như thế với lòng kiên nhẫn và tôn trọng không?—Phi-líp 2:3, 4.

10. Làm thế nào chúng ta có thể củng cố đức tin của anh em tị nạn vừa đến nước mình? (Xem hình nơi đầu bài).

10 Hơn nữa, đôi khi các bậc cầm quyền gây khó khăn để anh em tị nạn không thể liên lạc với hội thánh. Một số cơ quan chính quyền dọa sẽ cắt nguồn trợ cấp hoặc trục xuất nếu anh em chúng ta không chấp nhận công việc đòi hỏi họ phải bỏ nhóm họp. Vì sợ hãi và bất lực, vài anh chị đã đầu hàng. Do đó, việc sớm liên lạc với anh em tị nạn là điều hết sức quan trọng. Họ cần thấy chúng ta quan tâm đến họ. Lòng trắc ẩn và sự giúp đỡ thiết thực của chúng ta có thể củng cố đức tin họ.—Châm 12:25; 17:17.

GIÚP ĐỠ ANH EM TỊ NẠN MỘT CÁCH THIẾT THỰC

11. (a) Trong thời gian đầu, anh em tị nạn cần điều gì? (b) Anh em tị nạn có thể tỏ lòng biết ơn như thế nào?

11 Trong thời gian đầu, có thể chúng ta cần cung cấp đồ ăn, quần áo hoặc những nhu cầu cơ bản khác cho anh em tị nạn. * Ngay cả hành động nhỏ như tặng cà vạt cho một anh cũng rất ý nghĩa. Khi anh em tị nạn tỏ lòng biết ơn mà không đòi hỏi, họ giúp các anh chị đang hỗ trợ mình cảm nghiệm niềm vui của sự ban cho. Nhưng nếu họ cứ sống dựa vào sự hào phóng của người khác mãi thì điều đó có thể làm xói mòn lòng tự trọng và phá vỡ mối quan hệ của họ với anh em (2 Tê 3:7-10). Dù vậy, họ vẫn cần sự giúp đỡ thiết thực.

Chúng ta có thể giúp đỡ anh em tị nạn ra sao? (Xem đoạn 11-13)

12, 13. (a) Chúng ta có thể giúp đỡ anh em tị nạn qua những cách thiết thực nào? (b) Hãy nêu ví dụ.

12 Việc giúp đỡ anh em tị nạn một cách thiết thực không đòi hỏi phải có nhiều tiền. Điều họ cần nhất nơi chúng ta là thời gian và sự quan tâm. Chẳng hạn, chúng ta có thể chỉ cho họ cách di chuyển bằng phương tiện công cộng, mua thức ăn vừa rẻ vừa bổ dưỡng, mua được công cụ hay thiết bị như máy may hoặc máy cắt cỏ để kiếm sống. Quan trọng hơn, anh chị có thể giúp họ tích cực kết hợp với hội thánh mới. Nếu được, hãy đưa đón họ đi nhóm họp. Cũng giải thích cách họ có thể tiếp cận người ta khi rao truyền thông điệp Nước Trời trong khu vực. Hãy dẫn anh em tị nạn đi thánh chức chung.

13 Khi bốn anh tị nạn trẻ đến một hội thánh, các trưởng lão dạy họ lái xe, đánh máy và viết sơ yếu lý lịch, cũng như sắp xếp thời gian để phụng sự Đức Giê-hô-va một cách trọn vẹn (Ga 6:10). Chẳng bao lâu, cả bốn anh đều làm tiên phong. Sự hướng dẫn của các trưởng lão cùng với nỗ lực theo đuổi mục tiêu thiêng liêng của bản thân đã giúp họ tiến bộ và tránh bị thế gian Sa-tan nuốt chửng.

14. (a) Anh em tị nạn cần chống lại cám dỗ nào? (b) Hãy nêu ví dụ.

14 Như mọi tín đồ khác, anh em tị nạn cần chống lại cám dỗ và áp lực là đặt vật chất lên trên mối quan hệ với Đức Giê-hô-va. * Anh Lije, người được trích lời ở trên, và anh chị em ruột vẫn nhớ bài học về đức tin mà cha đã dạy khi họ chạy trốn. Họ kể: “Cha lần lượt vứt bỏ những thứ không cần thiết mà chúng tôi mang theo. Cuối cùng, cha cầm cái túi rỗng rồi mỉm cười nói: ‘Các con thấy không? Đây là tất cả những gì chúng ta cần!’”.—Đọc 1 Ti-mô-thê 6:8.

CHĂM SÓC NHU CẦU QUAN TRỌNG NHẤT CỦA ANH EM TỊ NẠN

15, 16. Làm thế nào chúng ta có thể giúp đỡ anh em tị nạn về (a) thiêng liêng? (b) cảm xúc?

15 Ngoài sự hỗ trợ về vật chất, anh em tị nạn cần được giúp đỡ về thiêng liêng và cảm xúc (Mat 4:4). Các trưởng lão có thể giúp qua việc tìm cách để người tị nạn có ấn phẩm trong ngôn ngữ của họ và giúp họ liên lạc với anh em nói ngôn ngữ đó. Nhiều anh em tị nạn bị chia cắt khỏi đại gia đình, cộng đồng và hội thánh. Họ cần cảm nhận tình yêu thương và lòng trắc ẩn của Đức Giê-hô-va trong vòng anh em đồng đạo. Nếu không, họ dễ tìm đến bà con hoặc người đồng hương không tin đạo, là những người cùng văn hóa và thông cảm với cảnh ngộ của họ (1 Cô 15:33). Khi giúp họ cảm thấy mình là thành viên trong hội thánh, chúng ta có đặc ân được chung tay với Đức Giê-hô-va trong việc “che chở ngoại kiều”.—Thi 146:9, NW.

16 Như em bé Giê-su và gia đình, có thể anh em tị nạn không thể trở về quê hương khi những kẻ áp bức còn nắm quyền. Hơn thế, theo lời của anh Lije, “nhiều bậc cha mẹ từng chứng kiến các thành viên trong gia đình bị hãm hiếp và bị giết nên họ thấy không thể mang con trở về nơi xảy ra chuyện đó”. Để giúp những anh chị từng trải qua lúc kinh hoàng như thế, anh em ở nước tiếp nhận người tị nạn cần có “sự đồng cảm, tình huynh đệ, lòng trắc ẩn và tính khiêm nhường” (1 Phi 3:8). Sự bắt bớ khiến một số anh em tị nạn trở nên khép kín. Có lẽ họ cảm thấy xấu hổ khi nói về điều mình từng trải qua, nhất là trước mặt con cái. Hãy tự hỏi: “Nếu ở trong hoàn cảnh của anh chị ấy, mình muốn được đối xử như thế nào?”.—Mat 7:12.

RAO GIẢNG CHO NGƯỜI TỊ NẠN KHÔNG PHẢI LÀ NHÂN CHỨNG

17. Công việc rao giảng mang lại lợi ích nào cho người tị nạn?

17 Ngày nay, nhiều người tị nạn đến từ các nước mà công việc rao giảng bị hạn chế. Nhờ các Nhân Chứng sốt sắng ở những nước tiếp nhận người tị nạn, hàng ngàn người tị nạn lần đầu được nghe “lời giảng về Nước của Đức Chúa Trời” (Mat 13:19, 23). Nhiều người “nặng gánh” tìm được sự tươi tỉnh về thiêng liêng tại các buổi nhóm họp của chúng ta và sớm công nhận: “Quả thật, Đức Chúa Trời ở giữa anh em”.—Mat 11:28-30; 1 Cô 14:25.

18, 19. Làm thế nào chúng ta thể hiện sự khôn ngoan khi rao giảng cho người tị nạn?

18 Những ai rao giảng cho người tị nạn cần “thận trọng” và “khôn-ngoan” (Mat 10:16, Bản Diễn Ý; Châm 22:3). Hãy kiên nhẫn lắng nghe họ bày tỏ nỗi lo âu, nhưng tránh nói về chính trị. Hãy làm theo sự chỉ dẫn của văn phòng chi nhánh và chính quyền địa phương; đừng bao giờ đặt mình và người khác vào vòng nguy hiểm. Hãy tìm hiểu và tôn trọng tín ngưỡng cũng như văn hóa của người tị nạn. Chẳng hạn, có những người từ một số nước rất xem trọng cách ăn mặc của phụ nữ. Vì thế, khi rao giảng cho người tị nạn, hãy ăn mặc thích hợp để không gây phản cảm.

19 Như người Sa-ma-ri nhân lành trong minh họa của Chúa Giê-su, chúng ta muốn giúp những người đau khổ, kể cả người không phải là Nhân Chứng (Lu 10:33-37). Cách tốt nhất để làm thế là chia sẻ tin mừng cho họ. Một trưởng lão đã giúp nhiều người tị nạn nhận xét: “Điều quan trọng là ngay từ đầu chúng ta cần nói mình là Nhân Chứng Giê-hô-va, và mục tiêu chính của mình là giúp họ về thiêng liêng chứ không phải vật chất. Nếu không, một số người có thể kết hợp với chúng ta chỉ vì lợi ích cá nhân”.

KẾT QUẢ ĐẦY VUI MỪNG

20, 21. (a) Việc thể hiện tình yêu thương chân thật đem lại kết quả nào? (b) Bài sau sẽ xem xét điều gì?

20 Việc thể hiện tình yêu thương chân thật với “ngoại kiều” đem lại kết quả tốt. Một nữ tín đồ kể rằng gia đình chị chạy trốn vì sự bắt bớ ở Eritrea. Sau chuyến hành trình tám ngày mệt mỏi băng qua sa mạc, bốn người con của chị đặt chân đến Sudan. Chị nói: “Các anh em ở đó đối xử với chúng như người thân. Họ cung cấp thức ăn, quần áo, chỗ ở và phương tiện đi lại. Có ai cho người lạ vào nhà mình ở chỉ vì thờ phượng cùng một Đức Chúa Trời? Chỉ có Nhân Chứng Giê-hô-va!”.—Đọc Giăng 13:35.

21 Còn về nhiều em trẻ đi cùng cha mẹ, gồm cả người tị nạn lẫn người nhập cư, thì sao? Bài sau sẽ xem xét làm thế nào tất cả chúng ta có thể giúp các em trẻ ấy vui mừng phụng sự Đức Giê-hô-va.

^ đ. 2 Trong bài này, chúng tôi dùng cụm từ “người tị nạn” để nói đến những người buộc phải dời đi nước khác hoặc nơi khác trong nước vì chiến tranh, sự bắt bớ hay thảm họa. Theo Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn (UNHCR), ngày nay trên thế giới “cứ 113 người thì có 1 người buộc phải dời đi”.

^ đ. 6 Xin xem bài “Đừng quên thể hiện lòng nhân từ với người lạ” trong Tháp Canh tháng 10 năm 2016, trg 8-12.

^ đ. 11 Ngay sau khi anh em tị nạn đến, các trưởng lão nên làm theo chỉ dẫn trong sách Được tổ chức để thi hành ý muốn Đức Giê-hô-va, chương 8, đoạn 30. Các trưởng lão có thể liên lạc với hội thánh ở nước của anh em tị nạn bằng cách dùng jw.org để gửi thư cho chi nhánh của mình. Trong khi đợi hồi âm, họ có thể khéo léo hỏi về hội thánh và thánh chức của anh em tị nạn để biết tình trạng thiêng liêng của người ấy.

^ đ. 14 Xin xem bài “Không ai có thể làm tôi hai chủ” và “Hãy can đảm—Đức Giê-hô-va là đấng giúp đỡ bạn!” trong Tháp Canh ngày 15-4-2014, trg 17-26.