Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Giúp con cái của “ngoại kiều”

Giúp con cái của “ngoại kiều”

“Không có gì khiến tôi biết ơn hơn là nghe con cái tôi tiếp tục bước đi theo sự thật”.—3 GIĂNG 4.

BÀI HÁT: 88, 41

1, 2. (a) Con cái của người nhập cư thường gặp vấn đề nào? (b) Bài này sẽ thảo luận những câu hỏi nào?

Anh Joshua kể: “Cha mẹ tôi là người nhập cư. Từ nhỏ, tôi nói ngôn ngữ của cha mẹ, cả khi ở nhà lẫn trong hội thánh. Tuy nhiên, khi bắt đầu đi học, tôi thích ngôn ngữ địa phương hơn. Trong vài năm, tôi đã hoàn toàn thích nghi. Tôi không hiểu được các buổi nhóm họp và cảm thấy văn hóa của cha mẹ không phải là của mình”. Trường hợp của anh Joshua không phải là duy nhất.

2 Hiện nay, có hơn 240 triệu người sống ở nước không phải nơi họ sinh ra. Nếu là cha mẹ nhập cư, làm sao anh chị tạo cơ hội tốt nhất để con cái yêu mến Đức Giê-hô-va và “bước đi theo sự thật”? (3 Giăng 4). Anh chị khác có thể giúp như thế nào?

CHA MẸ HÃY NÊU GƯƠNG TỐT

3, 4. (a) Làm thế nào cha mẹ có thể nêu gương tốt cho con? (b) Cha mẹ không nên mong đợi điều gì nơi con?

3 Hỡi các bậc cha mẹ, gương mẫu của anh chị là điều thiết yếu để giúp con bước đi trên con đường dẫn đến sự sống vĩnh cửu. Khi thấy anh chị ‘luôn tìm kiếm Nước Đức Chúa Trời trước hết’, con cái sẽ tập nương cậy Đức Giê-hô-va để có được điều thiết yếu hằng ngày (Mat 6:33, 34). Vậy hãy sống giản dị. Hãy hy sinh quyền lợi vật chất để được lợi ích về thiêng liêng, chứ không làm ngược lại. Cố gắng tránh nợ nần. Hãy tìm kiếm “kho báu trên trời”, tức được Đức Giê-hô-va chấp nhận, chứ không tìm kiếm sự giàu sang hoặc “sự khen ngợi của người ta”.—Đọc Mác 10:21, 22; Giăng 12:43.

4 Đừng bao giờ bận rộn đến mức không có thời gian cho con. Hãy cho con biết rằng anh chị tự hào khi chúng quyết định đặt Đức Giê-hô-va lên hàng đầu thay vì tìm kiếm địa vị hay sự giàu sang cho chúng hoặc cho anh chị. Tránh có quan điểm sai rằng con cái phải đem lại cho cha mẹ cuộc sống an nhàn. Hãy nhớ rằng cha mẹ dành dụm cho con cái, chứ không phải con cái dành dụm cho cha mẹ.—2 Cô 12:14.

CHA MẸ HÃY VƯỢT QUA RÀO CẢN NGÔN NGỮ

5. Tại sao cha mẹ phải nói với con về Đức Giê-hô-va?

5 Như được báo trước, người “từ mọi thứ tiếng trong các nước” đang đổ về tổ chức của Đức Giê-hô-va (Xa 8:23). Nhưng rào cản ngôn ngữ có thể gây khó khăn cho anh chị trong việc dạy con sự thật. Con cái là những học viên Kinh Thánh quan trọng nhất của anh chị, và việc chúng “tìm hiểu” về Đức Giê-hô-va có thể dẫn đến sự sống vĩnh cửu (Giăng 17:3). Để con nhận được sự dạy dỗ của Đức Giê-hô-va, anh chị “phải nói đến” những sự dạy dỗ ấy vào mọi dịp thích hợp.—Đọc Phục-truyền Luật-lệ Ký 6:6, 7.

6. Con cái có thể nhận được lợi ích nào khi học ngôn ngữ của cha mẹ? (Xem hình nơi đầu bài).

6 Hẳn con cái anh chị học tiếng địa phương ở trường và qua môi trường xung quanh. Tuy nhiên, chúng học ngôn ngữ của anh chị chủ yếu qua việc thường xuyên giao tiếp với anh chị bằng ngôn ngữ của anh chị. Khi biết nói ngôn ngữ của anh chị, con cái không những có thể trò chuyện cởi mở với cha mẹ mà còn nhận được những lợi ích khác. Thông thạo hai thứ tiếng có thể giúp con gia tăng khả năng suy xét và cải thiện kỹ năng giao tiếp. Điều đó cũng mở ra cho chúng cơ hội nới rộng thánh chức. Chị Carolina, có cha mẹ là người nhập cư, nói: “Thật vui khi được phụng sự trong hội thánh tiếng nước ngoài. Hơn nữa, được giúp ở nơi có nhu cầu lớn hơn là điều tuyệt vời”.

7. Anh chị có thể làm gì nếu có rào cản ngôn ngữ trong gia đình?

7 Tuy nhiên, khi hòa nhập với nền văn hóa và ngôn ngữ địa phương, một số con cái của người nhập cư mất dần ước muốn, ngay cả khả năng giao tiếp trong ngôn ngữ của cha mẹ. Nếu đó là tình trạng của con mình, anh chị có thể học một ít ngôn ngữ địa phương không? Anh chị sẽ dễ nuôi dạy con theo đạo Đấng Ki-tô hơn nếu hiểu những cuộc trò chuyện, việc giải trí và học hành của con, cũng như nếu anh chị có thể nói chuyện trực tiếp với giáo viên của chúng. Đành rằng việc học ngôn ngữ mới đòi hỏi thời gian, sự nỗ lực và khiêm nhường. Nhưng giả sử vì lý do nào đó con anh chị bị khiếm thính, chẳng phải anh chị sẽ cố gắng học ngôn ngữ ký hiệu để giao tiếp với con sao? Một đứa trẻ giao tiếp tốt nhất trong ngôn ngữ nói cũng xứng đáng được quan tâm như thế, phải không? *

8. Làm thế nào anh chị có thể giúp con nếu mình có giới hạn trong việc nói ngôn ngữ khác?

8 Trên thực tế, việc nói thành thạo ngôn ngữ mới của con là điều không thể với một số bậc cha mẹ. Rào cản ngôn ngữ có lẽ khiến cha mẹ khó truyền đạt cho con sự hiểu biết sâu sắc về Kinh Thánh (2 Ti 3:15). Nếu đang trong hoàn cảnh đó, anh chị vẫn có thể giúp con tìm hiểu và yêu mến Đức Giê-hô-va. Một trưởng lão tên Shan kể: “Người mẹ đơn thân của chúng tôi có giới hạn trong ngôn ngữ mà chúng tôi hiểu rõ nhất, và chị em chúng tôi không nói giỏi ngôn ngữ của mẹ. Nhưng khi thấy mẹ học hỏi, cầu nguyện và làm mọi điều có thể để hướng dẫn Buổi thờ phượng của gia đình mỗi tuần, chúng tôi hiểu rằng học về Đức Giê-hô-va là điều rất quan trọng”.

9. Làm sao cha mẹ có thể giúp những người con cần học Kinh Thánh trong hai ngôn ngữ?

9 Một số con trẻ có thể cần học về Đức Giê-hô-va trong hai ngôn ngữ, vì ở trường chúng nói một ngôn ngữ còn ở nhà thì nói ngôn ngữ khác. Để giúp con, một số cha mẹ dùng ấn phẩm in, các bản thu âm và video trong cả hai ngôn ngữ. Rõ ràng, cha mẹ nhập cư phải dành nhiều thời gian hơn và chủ động hơn để giúp con vun trồng mối quan hệ mật thiết với Đức Giê-hô-va.

ANH CHỊ NÊN KẾT HỢP VỚI HỘI THÁNH NÓI NGÔN NGỮ NÀO?

10. (a) Ai phải quyết định gia đình sẽ kết hợp với hội thánh nói ngôn ngữ nào? (b) Người ấy nên làm gì trước khi đưa ra quyết định?

10 Khi sống xa những Nhân Chứng nói cùng ngôn ngữ, anh chị “ngoại kiều” cần kết hợp với hội thánh ngôn ngữ địa phương (Thi 146:9, NW). Nhưng nếu có một hội thánh gần nhà dùng ngôn ngữ của anh chị, câu hỏi đặt ra là: Gia đình anh chị nên kết hợp với hội thánh nói ngôn ngữ nào? Sau khi suy xét kỹ, cầu nguyện và hỏi ý kiến vợ con, chủ gia đình phải quyết định (1 Cô 11:3). Chủ gia đình sẽ xem xét những yếu tố nào? Những nguyên tắc Kinh Thánh nào giúp anh quyết định? Hãy cùng xem.

11, 12. (a) Ngôn ngữ ảnh hưởng thế nào đến những điều con trẻ tiếp thu tại buổi nhóm họp? (b) Tại sao một số người con không muốn học ngôn ngữ của cha mẹ?

11 Các bậc cha mẹ phải xem xét nhu cầu của con một cách thực tế. Dĩ nhiên, dù trong ngôn ngữ nào, để hiểu sâu sắc sự thật, con trẻ cần nhiều hơn là chỉ dành vài tiếng học điều thiêng liêng mỗi tuần tại các buổi nhóm họp. Nhưng hãy xem xét điều này: Tại nhóm họp trong ngôn ngữ mà con trẻ hiểu rõ nhất, chúng có thể tiếp thu các sự chỉ dẫn bằng cách đơn giản là có mặt, có lẽ học được nhiều điều hơn là cha mẹ nghĩ. Trường hợp con trẻ không hiểu rõ ngôn ngữ thì có thể không được như vậy. (Đọc 1 Cô-rinh-tô 14:9, 11). Ngôn ngữ của cha mẹ không nhất thiết là ngôn ngữ của lòng và trí con. Thật vậy, một số con trẻ có thể học cách bình luận, trình diễn và nói bài giảng trong ngôn ngữ của cha mẹ nhưng không thật sự xuất phát từ lòng.

12 Hơn nữa, ngôn ngữ không phải là điều duy nhất tác động đến lòng con trẻ. Đó là trường hợp của anh Joshua, được đề cập ở đầu bài. Chị của anh là Esther nói: “Đối với con trẻ thì ngôn ngữ, văn hóa và tôn giáo của cha mẹ gắn liền với nhau”. Nếu con cái cảm thấy văn hóa của cha mẹ không phải là của mình thì có thể chúng không muốn học ngôn ngữ của cha mẹ, thậm chí không muốn học về đạo của cha mẹ. Cha mẹ nhập cư có thể làm gì?

13, 14. (a) Tại sao một cặp vợ chồng nhập cư quyết định chuyển gia đình sang hội thánh ngôn ngữ địa phương? (b) Làm thế nào bậc cha mẹ ấy giữ cho mình mạnh mẽ về thiêng liêng?

13 Các bậc cha mẹ đạo Đấng Ki-tô đặt lợi ích về thiêng liêng của con lên trên ước muốn cá nhân (1 Cô 10:24). Cha của anh Joshua và chị Esther là anh Samuel kể: “Vợ chồng tôi quan sát xem các con tiến bộ về thiêng liêng trong ngôn ngữ nào và chúng tôi cầu nguyện để xin sự khôn ngoan. Chúng tôi nhận ra rằng điều tốt nhất cho chúng không phải là điều thuận tiện cho chúng tôi. Khi thấy các con không nhận được lợi ích bao nhiêu từ các buổi nhóm họp trong ngôn ngữ của chúng tôi, chúng tôi quyết định chuyển đến hội thánh ngôn ngữ địa phương. Cả gia đình tôi đều đặn tham dự nhóm họp và đi thánh chức cùng nhau. Chúng tôi cũng mời các anh chị nói ngôn ngữ địa phương đến dùng bữa và đi chơi chung. Mọi điều này đã giúp con chúng tôi quen biết các anh chị và hiểu về Đức Giê-hô-va, không những xem ngài là Đức Chúa Trời mà còn là Cha và Bạn của chúng. Với chúng tôi, điều này quan trọng hơn việc các con thành thạo ngôn ngữ của chúng tôi”.

14 Anh Samuel nói thêm: “Để luôn giữ cho mình mạnh mẽ về thiêng liêng, vợ chồng tôi cũng tham dự các buổi nhóm họp trong ngôn ngữ của mình. Đời sống rất bận rộn và chúng tôi cũng mệt mỏi. Nhưng cảm tạ Đức Giê-hô-va vì đã ban phước cho nỗ lực và sự hy sinh của chúng tôi. Hiện giờ, cả ba người con của chúng tôi đều phụng sự trọn thời gian”.

NGƯỜI TRẺ CÓ THỂ LÀM GÌ?

15. Tại sao chị Kristina cảm thấy mình có thể phụng sự tốt hơn nếu ở trong hội thánh ngôn ngữ địa phương?

15 Có thể những người con trưởng thành nhận ra rằng nếu ở trong hội thánh nói ngôn ngữ mà mình hiểu rõ nhất thì sẽ phụng sự Đức Giê-hô-va tốt hơn. Nếu vậy, cha mẹ họ không nên cảm thấy con đang từ bỏ mình. Một chị tên Kristina nhớ lại: “Tôi đã biết cơ bản về ngôn ngữ của cha mẹ, nhưng thấy khó hiểu từ ngữ dùng trong nhóm họp. Khi 12 tuổi, tôi tham dự hội nghị trong ngôn ngữ ở trường. Lần đầu tiên tôi hiểu rằng những gì mình nghe là sự thật! Một bước ngoặt khác là khi tôi bắt đầu cầu nguyện trong ngôn ngữ ở trường. Tôi có thể nói với Đức Giê-hô-va từ đáy lòng!” (Công 2:11, 41). Khi đến tuổi trưởng thành, chị Kristina thảo luận vấn đề với cha mẹ và quyết định chuyển sang hội thánh ngôn ngữ địa phương. Chị kể: “Học về Đức Giê-hô-va bằng ngôn ngữ ở trường thúc đẩy tôi hành động”. Không lâu sau, Kristina làm tiên phong đều đều và chị rất vui mừng.

16. Tại sao chị Nadia vui vì đã ở lại hội thánh nói ngôn ngữ của cha mẹ?

16 Hỡi các bạn trẻ, có phải các bạn thích thuộc về hội thánh ngôn ngữ địa phương hơn không? Nếu vậy, hãy tự hỏi tại sao. Việc chuyển đến hội thánh đó có giúp bạn đến gần hơn với Đức Giê-hô-va không? (Gia 4:8). Hay phải chăng bạn muốn chuyển vì mong rằng mình ít bị giám sát hơn hoặc ít phải nỗ lực hơn? Chị Nadia đang phụng sự ở Bê-tên chia sẻ: “Khi đến tuổi thiếu niên, chị em tôi muốn chuyển đến hội thánh ngôn ngữ địa phương”. Nhưng cha mẹ chị biết rằng việc chuyển như thế sẽ không mang lại lợi ích tốt nhất cho con về thiêng liêng. Chị nói thêm: “Bây giờ, chúng tôi biết ơn cha mẹ vì đã nỗ lực dạy chúng tôi ngôn ngữ của họ và giữ chúng tôi trong hội thánh nói ngôn ngữ ấy. Điều đó làm đời sống chúng tôi phong phú và mở ra cho chúng tôi nhiều cơ hội giúp người khác biết về Đức Giê-hô-va”.

NGƯỜI KHÁC CÓ THỂ GIÚP RA SAO?

17. (a) Đức Giê-hô-va giao trách nhiệm nuôi dạy con cho ai? (b) Làm thế nào cha mẹ có sự trợ giúp để dạy con sự thật?

17 Đức Giê-hô-va giao cho cha mẹ, chứ không phải ông bà hay người khác, trách nhiệm nuôi dạy con trong sự thật. (Đọc Châm-ngôn 1:8; 31:10, 27, 28). Dù vậy, cha mẹ không biết ngôn ngữ địa phương có thể cần sự trợ giúp để động đến lòng con. Nhờ người khác giúp không có nghĩa là cha mẹ từ bỏ trách nhiệm dạy con về thiêng liêng. Thay vì thế, điều đó có thể góp phần vào việc nuôi dạy con theo “sự sửa dạy và răn bảo của Đức Giê-hô-va” (Ê-phê 6:4). Ví dụ, cha mẹ có thể xin trưởng lão gợi ý về cách điều khiển Buổi thờ phượng của gia đình và cách để con cái có sự kết hợp lành mạnh.

Cả cha mẹ lẫn con cái đều được lợi ích khi kết hợp với hội thánh (Xem đoạn 18, 19)

18, 19. (a) Những anh chị thiêng liêng tính giúp ích thế nào cho các em trẻ? (b) Các bậc cha mẹ phải tiếp tục làm gì?

18 Chẳng hạn, thỉnh thoảng cha mẹ có thể mời gia đình khác đến tham dự Buổi thờ phượng của gia đình. Hơn nữa, nhiều người trẻ tiến bộ nhờ được kết hợp với những người bạn có quan điểm thăng bằng về thiêng liêng, như trong thánh chức hoặc khi giải trí (Châm 27:17). Anh Shan, được trích lời ở trên, kể: “Tôi nhớ rõ những anh đã dìu dắt tôi. Khi các anh giúp tôi chuẩn bị bài giảng được giao trong Trường thánh chức, tôi luôn học thêm điều gì đó. Tôi cũng thích tham gia hoạt động giải trí với các anh cùng những người khác”.

19 Dĩ nhiên, những người mà các bậc cha mẹ chọn để giúp con nên khuyến khích các em kính trọng cha mẹ. Họ nên nói tích cực về cha mẹ các em và tránh vượt quyền. Ngoài ra, họ nên tránh bất cứ hành vi nào có thể khiến người bên trong hoặc bên ngoài hội thánh cho là đáng ngờ về đạo đức (1 Phi 2:12). Cha mẹ không nên giao con cho người khác huấn luyện về thiêng liêng. Họ phải giám sát khi người khác giúp con, và chính họ phải tiếp tục dạy dỗ con mình.

20. Làm sao các bậc cha mẹ giúp con mình trở thành một tôi tớ tốt của Đức Giê-hô-va?

20 Các bậc cha mẹ hãy cầu xin Đức Giê-hô-va giúp đỡ, rồi làm hết khả năng của mình. (Đọc 2 Sử-ký 15:7). Hãy đặt tình bạn của con với Đức Giê-hô-va lên trên quyền lợi cá nhân. Hãy làm mọi điều có thể để đảm bảo rằng Lời Đức Chúa Trời động vào lòng con. Đừng bao giờ mất hy vọng rằng con có thể trở thành một tôi tớ tốt của Đức Giê-hô-va. Khi con làm theo Lời Đức Chúa Trời và gương tốt của mình, anh chị sẽ cảm thấy như sứ đồ Giăng đối với con thiêng liêng của ông: “Không có gì khiến tôi biết ơn hơn là nghe con cái tôi tiếp tục bước đi theo sự thật”.—3 Giăng 4.

^ đ. 7 Xin xem bài “Học ngoại ngữ, không quá khó!” trong Tỉnh Thức! tháng 4-6 năm 2007, trg 10-12.