Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

“Anh có yêu thương tôi hơn những thứ này không?”

“Anh có yêu thương tôi hơn những thứ này không?”

“Si-môn con của Giăng, anh có yêu thương tôi hơn những thứ này không?”—GIĂNG 21:15.

BÀI HÁT: 128, 45

1, 2. Sau một đêm đánh cá, Phi-e-rơ có trải nghiệm nào?

Bảy môn đồ của Chúa Giê-su vừa đánh cá cả đêm ở biển Ga-li-lê nhưng không bắt được gì. Lúc này, Chúa Giê-su đã được sống lại. Từ trên bờ, ngài quan sát họ. Rồi ngài bảo: “‘Hãy quăng lưới bên phải thuyền thì các con sẽ bắt được’. Vậy họ quăng lưới, nhưng không kéo lên được nữa do có rất nhiều cá”.—Giăng 21:1-6.

2 Sau khi cung cấp cho họ bữa sáng, Chúa Giê-su quay sang Si-môn Phi-e-rơ và nói: “Si-môn con của Giăng, anh có yêu thương tôi hơn những thứ này không?”. Ngài muốn nói đến điều gì? Phi-e-rơ rất gắn bó với nghề đánh cá. Vì thế, dường như Chúa Giê-su hỏi xem lòng yêu mến của ông thật sự đặt nơi đâu. Có phải ông yêu mến cá và nghề đánh cá hơn Chúa Giê-su và những điều ngài dạy? Phi-e-rơ đáp: “Thưa Chúa có, Chúa biết tôi yêu mến Chúa” (Giăng 21:15). Phi-e-rơ đã sống đúng với lời ông nói. Từ ngày đó, ông chứng tỏ tình yêu thương dành cho Đấng Ki-tô bằng cách bận rộn trong việc đào tạo môn đồ, trở thành một cột trụ trong hội thánh đạo Đấng Ki-tô vào thế kỷ thứ nhất.

3. Tín đồ đạo Đấng Ki-tô cần đề phòng những mối nguy hiểm nào?

3 Chúng ta học được gì từ lời Chúa Giê-su nói với Phi-e-rơ? Chúng ta phải cẩn thận để tình yêu thương dành cho Đấng Ki-tô không suy giảm và mình không bị phân tâm khi theo đuổi quyền lợi Nước Trời. Chúa Giê-su biết rất rõ những mối lo lắng trong đời này gây ra sự căng thẳng. Trong minh họa về người gieo giống, ngài nói một số người sẽ chấp nhận “lời giảng về Nước của Đức Chúa Trời” và lúc đầu có sự tiến triển nhưng sau đó “những mối lo lắng trong đời này và sự cám dỗ của giàu sang khiến lời ấy bị bóp nghẹt” (Mat 13:19-22; Mác 4:19). Thật vậy, nếu không cẩn thận, những mối lo lắng thường ngày có thể dẫn dụ lòng mình và khiến chúng ta chậm lại về thiêng liêng. Vì thế, Chúa Giê-su cảnh báo các môn đồ: “Hãy cẩn thận, đừng để sự ăn uống vô độ, say sưa và lo lắng trong đời choán hết lòng anh em”.—Lu 21:34.

4. Bằng cách nào chúng ta biết mình có yêu thương Đấng Ki-tô sâu đậm hay không? (Xem hình nơi đầu bài).

4 Như Phi-e-rơ, chúng ta chứng tỏ tình yêu thương sâu đậm với Đấng Ki-tô khi đặt công việc ngài giao lên hàng ưu tiên. Bằng cách nào chúng ta chắc chắn là mình vẫn làm thế? Thỉnh thoảng, chúng ta cần tự hỏi: “Lòng yêu mến của mình thật sự đặt nơi đâu? Phần lớn niềm vui trong đời sống mình đến từ các hoạt động ngoài đời hay các hoạt động thiêng liêng?”. Để trả lời, hãy xem xét ba lĩnh vực trong đời sống có thể làm suy giảm tình yêu thương dành cho Đấng Ki-tô và điều thiêng liêng nếu không đặt đúng chỗ: công việc ngoài đời, việc giải trí và của cải vật chất.

ĐẶT CÔNG VIỆC NGOÀI ĐỜI ĐÚNG CHỖ

5. Theo Kinh Thánh, chủ gia đình có trách nhiệm nào?

5 Đối với Phi-e-rơ, đánh cá không chỉ là sở thích mà còn là kế sinh nhai. Ngày nay, chủ gia đình hiểu rằng theo Kinh Thánh, họ có trách nhiệm chu cấp nhu cầu vật chất cho gia đình (1 Ti 5:8). Họ phải làm việc chăm chỉ để thực hiện bổn phận này. Nhưng trong những ngày sau cùng này, công việc ngoài đời thường là nguyên nhân gây lo lắng.

6. Ngày nay, có những mối căng thẳng nào ở nơi làm việc?

6 Tình trạng thiếu việc làm gây ra sự cạnh tranh dữ dội, và điều này khiến nhiều người cảm thấy buộc phải làm thêm giờ, đôi khi bị trả lương thấp hơn. Ngoài ra, do sức ép liên tục để có thêm sản phẩm nên người lao động bị thiệt hại về thể chất, tinh thần và cảm xúc. Người nào không muốn cống hiến như thế cho công ty thì có nguy cơ mất việc.

7, 8. (a) Chúng ta đặt lòng trung thành với ai lên hàng đầu? (b) Một anh ở Thái Lan rút ra bài học quý giá nào về công việc của mình?

7 Là tín đồ đạo Đấng Ki-tô, chúng ta có trách nhiệm đặt lòng trung thành với Đức Giê-hô-va lên hàng đầu, chứ không phải với chủ (Lu 10:27). Công việc ngoài đời chỉ là phương tiện kiếm sống. Chúng ta làm việc để chu cấp nhu cầu cơ bản cho mình và để hỗ trợ thánh chức. Tuy nhiên, nếu không cẩn thận, công việc ngoài đời có thể cản trở sự thờ phượng của chúng ta. Chẳng hạn, một anh ở Thái Lan kể: “Công việc của tôi là sửa máy tính. Công việc này rất thú vị nhưng đòi hỏi phải làm nhiều giờ. Do đó, tôi hầu như không có thời gian cho những điều thiêng liêng. Cuối cùng, tôi nhận ra rằng để đặt quyền lợi Nước Trời lên hàng đầu, tôi cần đổi việc”. Anh ấy đã làm gì?

8 Anh cho biết: “Sau khoảng một năm lên kế hoạch, tôi quyết định đi bán kem dạo. Lúc đầu tôi gặp vấn đề về tài chính và cảm thấy nản lòng. Khi gặp đồng nghiệp cũ, họ cười tôi và hỏi tại sao tôi nghĩ bán kem tốt hơn việc sửa máy tính trong phòng có máy lạnh. Tôi cầu xin Đức Giê-hô-va giúp mình đương đầu và đạt được mục tiêu là có nhiều thời gian hơn cho các hoạt động thiêng liêng. Với thời gian, tình hình bắt đầu khá hơn. Tôi hiểu hơn về thị hiếu của khách hàng và thành thạo hơn trong việc làm kem. Không lâu sau, mỗi ngày tôi đều bán hết kem. Thật ra, tài chính của tôi khá hơn so với khi sửa máy tính. Tôi vui hơn vì không căng thẳng và lo lắng như khi làm việc cũ. Điều quan trọng nhất là giờ đây tôi cảm thấy gần gũi Đức Giê-hô-va hơn”.—Đọc Ma-thi-ơ 5:3, 6.

9. Làm sao chúng ta có thể giữ quan điểm thăng bằng về công việc ngoài đời?

9 Siêng năng là một đức tính mà Đức Chúa Trời yêu chuộng, và làm việc siêng năng đem lại phần thưởng (Châm 12:14). Dù vậy, như bài học mà anh được đề cập ở trên rút tỉa, chúng ta cần đặt công việc ngoài đời vào đúng chỗ. Chúa Giê-su nói: “Hãy luôn tìm kiếm Nước Đức Chúa Trời và sự công chính của ngài trước hết, rồi anh em sẽ được mọi thứ ấy [nhu cầu cơ bản về vật chất]” (Mat 6:33). Để xác định xem chúng ta có quan điểm thăng bằng về công việc ngoài đời và trách nhiệm thần quyền hay không, hãy tự hỏi: “Tôi có xem công việc ngoài đời là điều vui thích và hứng thú, nhưng xem các hoạt động thiêng liêng là điều bình thường và đơn điệu không?”. Khi ngẫm nghĩ mình cảm thấy thế nào về công việc ngoài đời và hoạt động thiêng liêng, chúng ta có thể xác định lòng yêu mến của mình thật sự đặt nơi đâu.

10. Chúa Giê-su dạy bài học quan trọng nào về việc đặt ưu tiên?

10 Chúa Giê-su đặt ra tiêu chuẩn về việc giữ thăng bằng giữa hoạt động đời thường và những điều thiêng liêng. Có lần, ngài đến thăm gia đình của chị em Ma-ri và Ma-thê. Trong khi Ma-thê tất bật chuẩn bị bữa ăn, Ma-ri chọn ngồi dưới chân Chúa Giê-su để lắng nghe ngài. Khi Ma-thê than rằng Ma-ri không giúp mình, ngài bảo Ma-thê: “[Ma-ri] đã chọn phần tốt, là phần sẽ không bị lấy đi” (Lu 10:38-42). Qua đó, Chúa Giê-su dạy một bài học quan trọng. Để tránh bị phân tâm bởi những hoạt động đời thường và chứng tỏ tình yêu thương đối với Đấng Ki-tô, chúng ta phải tiếp tục chọn “phần tốt”, tức ưu tiên cho những điều thiêng liêng.

QUAN ĐIỂM CỦA CHÚNG TA VỀ VIỆC GIẢI TRÍ

11. Kinh Thánh cho biết gì về việc nghỉ ngơi và thư giãn?

11 Vì công việc khó nhọc và đời sống bận rộn nên chúng ta cần có thời gian thư giãn và lại sức. Lời Đức Chúa Trời nói: “Chẳng gì tốt cho người hơn là ăn, uống, khiến linh-hồn mình hưởng phước của lao-khổ mình” (Truyền 2:24). Chúa Giê-su ý thức rằng đôi khi các môn đồ cần được nghỉ ngơi. Sau một đợt rao giảng cật lực, ngài bảo các môn đồ: “Hãy đi với tôi đến nơi hẻo lánh để nghỉ ngơi một chút”.—Mác 6:31, 32.

12. Có lời cảnh báo nào liên quan đến việc giải trí? Hãy nêu ví dụ.

12 Thật vậy, giải trí đáp ứng một nhu cầu quan trọng. Tuy nhiên, mối nguy hiểm là việc vui chơi có thể trở thành trọng tâm trong đời sống. Vào thế kỷ thứ nhất, nhiều người có thái độ: “Chúng ta hãy ăn, uống vì ngày mai chúng ta sẽ chết” (1 Cô 15:32). Tinh thần như thế đang phổ biến ở nhiều nơi trên thế giới. Chẳng hạn, cách đây nhiều năm, một người trẻ ở Tây Âu bắt đầu tham dự các buổi nhóm họp của đạo Đấng Ki-tô. Nhưng anh mê giải trí đến mức ngừng kết hợp với dân Đức Giê-hô-va. Tuy nhiên, sau một thời gian, anh hiểu rằng việc chú tâm vào giải trí chỉ dẫn đến vấn đề và thất vọng. Vì thế, anh học Kinh Thánh trở lại và với thời gian, anh hội đủ điều kiện làm người công bố tin mừng. Sau khi làm báp-têm, anh nói: “Tôi chỉ hối tiếc là mình đã mất quá nhiều thời gian trước khi nhận ra việc phụng sự Đức Giê-hô-va mang lại hạnh phúc hơn nhiều so với việc theo đuổi sự giải trí trong thế gian”.

13. (a) Hãy minh họa về mối nguy hiểm liên quan đến việc giải trí. (b) Điều gì có thể giúp chúng ta giữ quan điểm thăng bằng về việc giải trí?

13 Mục đích của việc giải trí là để tươi tỉnh và lại sức. Để đạt được điều đó, chúng ta nên dành bao nhiêu thời gian cho việc giải trí? Hãy nghĩ về minh họa này: Nhiều người trong chúng ta thỉnh thoảng thích ăn tráng miệng nhưng nhận ra rằng ăn đồ ngọt quá độ sẽ gây hại cho sức khỏe. Vì thế, chúng ta chủ yếu ăn thức ăn dinh dưỡng. Tương tự, giải trí quá độ sẽ làm suy giảm sức khỏe thiêng liêng. Để ngăn chặn điều này, chúng ta đều đặn tham gia các hoạt động thần quyền. Làm sao chúng ta xác định mình có quan điểm thăng bằng về việc giải trí hay không? Chúng ta có thể chọn một tuần và ghi lại số giờ dành cho các hoạt động thiêng liêng như tham dự nhóm họp, tham gia thánh chức, học hỏi cá nhân và học Kinh Thánh cùng gia đình. Rồi chúng ta so sánh với số giờ dành cho việc giải trí trong tuần đó như chơi thể thao, theo đuổi sở thích riêng, xem ti-vi hoặc chơi điện tử. Sự so sánh cho thấy gì? Chúng ta có cần cắt giảm “món tráng miệng” không?—Đọc Ê-phê-sô 5:15, 16.

14. Chúng ta nên để điều gì hướng dẫn mình khi chọn loại hình giải trí?

14 Cá nhân và chủ gia đình được tự do lựa chọn loại hình giải trí mình thích, miễn là phù hợp với sự hướng dẫn của Đức Giê-hô-va qua các nguyên tắc Kinh Thánh. * Việc giải trí lành mạnh là “sự ban cho của Đức Chúa Trời” (Truyền 3:12, 13). Dĩ nhiên, chúng ta nhận ra rằng mỗi người chọn giải trí theo cách khác nhau (Ga 6:4, 5). Dù chọn loại hình giải trí nào, chúng ta cũng muốn giữ nó ở đúng chỗ. Chúa Giê-su nói: “Của cải anh em ở đâu thì lòng anh em cũng ở đó” (Mat 6:21). Vì thế, tình yêu thương đối với Chúa Giê-su sẽ thúc đẩy chúng ta hướng tư tưởng, lời nói và hành động chủ yếu đến các hoạt động thiêng liêng thay vì các hoạt động thường ngày.—Phi-líp 1:9, 10.

CHỐNG LẠI CHỦ NGHĨA VẬT CHẤT

15, 16. (a) Bằng cách nào chủ nghĩa vật chất có thể là cạm bẫy cho tín đồ đạo Đấng Ki-tô? (b) Chúa Giê-su đưa ra lời khuyên khôn ngoan nào liên quan đến của cải vật chất?

15 Ngày nay, nhiều người mê thời trang, thiết bị điện tử mới nhất, v.v. Vì thế, mỗi tín đồ cần thường xuyên xem xét ước muốn của mình bằng cách tự hỏi những câu như: “Phải chăng mình xem của cải vật chất quan trọng đến mức dành thời gian để nghiên cứu và suy nghĩ về xe cộ hay thời trang nhiều hơn thời gian chuẩn bị cho các buổi nhóm họp? Có phải mình bận tâm về đời sống thường ngày đến mức dành ít thời gian hơn cho việc cầu nguyện hay đọc Kinh Thánh?”. Nếu nhận thấy tình yêu mình dành cho của cải vật chất che khuất tình yêu dành cho Đấng Ki-tô, chúng ta nên suy ngẫm lời sau của Chúa Giê-su: ‘Hãy tránh mọi hình thức tham lam’ (Lu 12:15). Tại sao Chúa Giê-su đưa ra lời cảnh báo quan trọng này?

16 Chúa Giê-su nói: “Không ai có thể làm tôi hai chủ”. Ngài nói thêm: “Anh em không thể vừa làm tôi Đức Chúa Trời lại vừa làm tôi tiền của”. Đó là vì cả hai chủ đều đòi hỏi lòng sùng kính chuyên độc. Chúa Giê-su nói chúng ta sẽ “ghét chủ này mà yêu chủ kia” hoặc “gắn bó với chủ này mà khinh thường chủ kia” (Mat 6:24). Là người bất toàn, tất cả chúng ta cần tiếp tục chống lại “các ham muốn của xác thịt”, kể cả chủ nghĩa vật chất.—Ê-phê 2:3.

17. (a) Tại sao người chú tâm đến xác thịt khó có quan điểm thăng bằng về của cải vật chất? (b) Điều gì giúp chúng ta chống lại ham muốn vật chất?

17 Người chú tâm đến xác thịt khó có quan điểm thăng bằng về của cải vật chất. Tại sao? Vì khả năng nhận thức của họ về mặt thiêng liêng không nhạy bén. (Đọc 1 Cô-rinh-tô 2:14). Khi khả năng nhận thức không nhạy bén, họ càng khó phân biệt điều đúng, điều sai (Hê 5:11-14). Vì thế, một số người nảy sinh lòng ham muốn vô độ đối với của cải vật chất, là ước muốn không bao giờ thỏa mãn (Truyền 5:10). Mừng thay, có thuốc giải cho tình trạng ngộ độc bởi chủ nghĩa vật chất. Đó là Lời Đức Chúa Trời, tức Kinh Thánh, loại thuốc mà chúng ta phải uống đều đặn và đủ liều (1 Phi 2:2). Như việc suy ngẫm sự thật trong Lời Đức Chúa Trời giúp Chúa Giê-su bác bỏ cám dỗ, việc áp dụng các nguyên tắc Kinh Thánh cũng giúp chúng ta chống lại ham muốn vật chất (Mat 4:8-10). Khi làm thế, chúng ta cho Chúa Giê-su thấy mình yêu thương ngài hơn của cải vật chất.

Điều gì là ưu tiên trong đời sống anh chị? (Xem đoạn 18)

18. Anh chị quyết tâm làm gì?

18 Khi Chúa Giê-su hỏi Phi-e-rơ: “Anh có yêu thương tôi hơn những thứ này không?”, ngài muốn nhắc ông nhớ là cần đặt những điều thiêng liêng lên hàng đầu trong đời sống. Tên Phi-e-rơ có nghĩa là “hòn đá”, và ông sống đúng với tên mình vì đã thể hiện phẩm chất giống như đá (Công 4:5-20). Ngày nay, chúng ta cũng quyết tâm giữ vững tình yêu thương đối với Đấng Ki-tô bằng cách đặt công việc ngoài đời, sự giải trí và của cải vật chất ở đúng chỗ. Mong sao sự lựa chọn của chúng ta trong đời sống cho thấy mình có cùng tâm tình với Phi-e-rơ, người đã nói với Chúa Giê-su: “Thưa Chúa có, Chúa biết tôi yêu mến Chúa”.

^ đ. 14 Xin xem bài “Việc giải trí của bạn có lợi ích không?” trong Tháp Canh ngày 15-10-2011, trg 9-12, đ. 6-15.