Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Gai-út giúp đỡ anh em như thế nào?

Gai-út giúp đỡ anh em như thế nào?

Gai-út và các tín đồ khác vào cuối thế kỷ thứ nhất đối mặt với thử thách. Những người lan truyền sự dạy dỗ sai lầm cố làm các hội thánh bị suy yếu và chia rẽ (1 Giăng 2:18, 19; 2 Giăng 7). Một người tên Đi-ô-trép “bịa đặt để nói xấu” sứ đồ Giăng và người khác. Ông không chịu tiếp đãi các tín đồ lưu động và cố lôi kéo người khác làm thế (3 Giăng 9, 10). Trong bối cảnh này, Giăng đã viết thư cho Gai-út. Lá thư này được viết vào khoảng năm 98 CN và thuộc phần Kinh Thánh tiếng Hy Lạp với tên “Thư thứ ba của Giăng”.

Bất kể thử thách gặp phải, Gai-út tiếp tục trung thành phụng sự Đức Giê-hô-va. Ông thể hiện lòng trung thành như thế nào? Tại sao chúng ta muốn noi gương Gai-út? Bằng cách nào lá thư của Giăng giúp chúng ta làm thế?

THƯ GỬI CHO NGƯỜI BẠN YÊU QUÝ

Người viết Thư thứ ba của Giăng xưng mình là “một trưởng lão”. Trong nguyên ngữ Hy Lạp, từ được dịch là “một trưởng lão” cũng có thể dịch là “người đàn ông lớn tuổi”. Điều đó đủ để Gai-út, con thiêng liêng yêu dấu của người ấy, nhận ra đó là sứ đồ Giăng. Ông trìu mến gọi Gai-út là “người tôi thật lòng yêu thương”. Rồi Giăng nói rằng ông mong sức khỏe thể chất của Gai-út cũng tốt như sức khỏe thiêng liêng. Quả là lời khen chân thành và tình cảm!—3 Giăng 1, 2, 4.

Rất có thể Gai-út là giám thị trong hội thánh, nhưng lá thư không nói rõ. Giăng khen Gai-út vì đã tiếp đãi anh em, dù chưa quen biết họ. Ông xem đây là bằng chứng về lòng trung thành của Gai-út, vì việc thể hiện lòng hiếu khách luôn là nét đặc trưng của tôi tớ Đức Chúa Trời.—Sáng 18:1-8; 1 Ti 3:2; 3 Giăng 5.

Những lời cảm kích của Giăng về lòng hiếu khách của Gai-út đối với anh em cho thấy các tín đồ thường xuyên qua lại giữa chỗ của Giăng với các hội thánh, và những tín đồ ấy hẳn đã cho Giăng biết về điều họ trải qua. Có lẽ qua cách này, Giăng nhận tin tức về các hội thánh.

Các tín đồ lưu động chắc chắn muốn ở nhà anh em đồng đạo. Thời ấy, quán trọ có tiếng là kinh khủng, phục vụ rất tồi tệ, và là ổ gian dâm. Vì thế, nếu có thể, những lữ khách khôn ngoan sẽ ở nhà của bạn bè; những tín đồ lưu động thì ở nhà của anh em tiếp đãi họ.

“HỌ ĐI VÌ DANH NGÀI”

Giăng khuyến khích Gai-út thể hiện lòng hiếu khách một lần nữa, vì sứ đồ này bảo ông “tiễn [những tín đồ lưu động] theo cách đẹp lòng Đức Chúa Trời”. Trong câu này, việc tiễn khách có nghĩa là đáp ứng mọi điều mà các anh lưu động cần cho đến khi họ tới một nơi kế tiếp trong lộ trình. Rõ ràng, Gai-út đã làm điều này với các vị khách trước đây, vì họ cho Giăng biết về tình yêu thương và đức tin của người tiếp đãi mình.—3 Giăng 3, 6.

Các vị khách có thể là giáo sĩ, người đại diện cho Giăng hay giám thị lưu động. Dù làm công tác nào, họ đều đi vì tin mừng. Giăng nói: “Họ đi vì danh ngài” (3 Giăng 7). Vì Giăng vừa nhắc đến Đức Chúa Trời (xem câu 6), nên cụm từ “vì danh ngài” dường như nói đến danh Đức Giê-hô-va. Do đó, các anh ấy thuộc về hội thánh đạo Đấng Ki-tô và đáng được tiếp đón nồng hậu. Như Giăng viết: “Chúng ta có bổn phận tỏ lòng hiếu khách với những anh em như thế, hầu trở thành bạn cùng làm việc với họ vì sự thật”.—3 Giăng 8.

SỰ GIÚP ĐỠ ĐỂ ĐƯƠNG ĐẦU VỚI TÌNH HUỐNG KHÓ

Giăng viết thư không chỉ để cám ơn Gai-út, mà còn muốn giúp ông đối phó với một vấn đề nghiêm trọng. Vì lý do nào đó, một thành viên của hội thánh tên là Đi-ô-trép không sẵn sàng thể hiện lòng hiếu khách với các tín đồ làm công tác lưu động. Ông thậm chí còn ngăn cản người khác làm thế.—3 Giăng 9, 10.

Cho dù được Đi-ô-trép mời thì hẳn các tín đồ trung thành cũng không muốn ở nhà ông ta. Ông ta ưa đứng đầu hội thánh, không chấp nhận bất cứ lời nào của Giăng với lòng tôn trọng, lại còn bịa đặt để nói xấu sứ đồ này và người khác. Dù Giăng chưa hề gọi Đi-ô-trép là giáo sư giả, nhưng ông ta bác bỏ quyền của sứ đồ này. Ông ta muốn được nổi trội, và thái độ không tin kính nêu nghi vấn về lòng trung thành của ông ta. Trường hợp của Đi-ô-trép cho thấy có thể những kẻ tham vọng và kiêu ngạo cố gây ảnh hưởng nhằm chia rẽ hội thánh. Vì thế, Giăng nói với Gai-út, theo nghĩa rộng cũng nói với mỗi chúng ta, rằng: “Đừng bắt chước điều xấu”.—3 Giăng 11.

MỘT LÝ DO QUAN TRỌNG ĐỂ LÀM ĐIỀU TỐT

Khác với Đi-ô-trép, một tín đồ tên Đê-mê-tri-ơ được Giăng nói đến đã nêu gương tốt. Giăng viết: “Đê-mê-tri-ơ được mọi người làm chứng tốt... Đúng thế, chúng tôi cũng làm chứng về anh ấy, và anh biết lời chứng của chúng tôi là thật” (3 Giăng 12). Có lẽ Đê-mê-tri-ơ cần sự trợ giúp của Gai-út, và Thư thứ ba của Giăng có thể là thư giới thiệu của sứ đồ Giăng. Rất có thể chính Đê-mê-tri-ơ là người mang lá thư ấy đến cho Gai-út. Là một trong những người đại diện cho Giăng, hay có lẽ là giám thị lưu động, Đê-mê-tri-ơ hẳn đã củng cố cho những gì Giăng viết.

Tại sao Giăng khuyến giục Gai-út thể hiện lòng hiếu khách trong khi ông đang làm thế? Phải chăng Giăng thấy cần giúp Gai-út củng cố lòng can đảm? Có phải sứ đồ này lo rằng Gai-út ngần ngại vì Đi-ô-trép cố đuổi những tín đồ hiếu khách ra khỏi hội thánh? Dù lý do là gì, Giăng đã trấn an Gai-út bằng cách nói: “Ai làm điều tốt là thuộc về Đức Chúa Trời” (3 Giăng 11). Đó là một lý do quan trọng để tiếp tục làm điều tốt.

Thư của Giăng có thúc đẩy Gai-út tiếp tục thể hiện lòng hiếu khách không? Việc Thư thứ ba của Giăng được bảo tồn trong Kinh Thánh chính điển và lưu truyền để khuyến khích người khác “bắt chước điều tốt” cho thấy câu trả lời là có.

BÀI HỌC TỪ THƯ THỨ BA CỦA GIĂNG

Chúng ta không biết thêm gì về người anh em yêu dấu thời xưa là Gai-út. Tuy nhiên, đôi nét thoáng qua trong cuộc đời của ông dạy chúng ta một số bài học.

Bằng cách nào chúng ta “tập thói quen tỏ lòng hiếu khách”?

Thứ nhất, qua cách nào đó, đa số chúng ta biết sự thật nhờ những người trung thành sẵn sàng đi xa để rao truyền sự thật. Dĩ nhiên, không phải mọi anh chị trong hội thánh đạo Đấng Ki-tô thời nay đều đi xa để rao báo tin mừng. Nhưng như Gai-út, bằng cách này hay cách khác, chúng ta có thể hỗ trợ và khích lệ những tín đồ lưu động, chẳng hạn như giám thị vòng quanh và vợ anh. Hoặc chúng ta có thể hỗ trợ một cách thiết thực những anh chị chuyển đến vùng khác trong nước, thậm chí nước ngoài, để phụng sự ở nơi có nhu cầu lớn hơn về người công bố Nước Trời. Vậy chúng ta hãy “tập thói quen tỏ lòng hiếu khách”.—Rô 12:13; 1 Ti 5:9, 10.

Thứ hai, chúng ta không nên ngạc nhiên nếu trong hội thánh ngày nay nảy sinh việc thách thức uy quyền, dù hiếm xảy ra. Uy quyền của Giăng đã bị thách thức và uy quyền của sứ đồ Phao-lô cũng thế (2 Cô 10:7-12; 12:11-13). Vậy, chúng ta nên phản ứng thế nào nếu đối mặt với những vấn đề tương tự từ một vài người trong hội thánh? Phao-lô khuyên Ti-mô-thê: “Tôi tớ của Chúa không cần phải cãi cọ, nhưng cần phải mềm mại với mọi người, có đủ tư cách để dạy dỗ, biết kiềm chế khi bị đối xử tệ, lấy lòng mềm mại mà chỉ dạy những người có thái độ phản kháng”. Khi chúng ta giữ tinh thần mềm mại dù bị khiêu khích, một số kẻ chỉ trích có thể dần được thúc đẩy để điều chỉnh thái độ. Khi đó, biết đâu Đức Giê-hô-va “giúp họ thay đổi, hầu họ có được sự hiểu biết chính xác về sự thật”.—2 Ti 2:24, 25.

Thứ ba, những tín đồ phụng sự Đức Giê-hô-va bất kể sự chống đối đáng được ghi nhận và được khen về đường lối trung thành của họ. Chắc chắn sứ đồ Giăng đã khích lệ và trấn an Gai-út rằng ông đang làm điều đúng. Tương tự, các trưởng lão ngày nay nên noi gương Giăng bằng cách khích lệ các anh chị để họ “không mệt-nhọc”.—Ê-sai 40:31; 1 Tê 5:11.

Trong nguyên ngữ Hy Lạp, thư mà sứ đồ Giăng gửi cho Gai-út chỉ có 219 từ nên là sách ngắn nhất trong Kinh Thánh. Tuy nhiên, sách này thật sự có giá trị rất lớn đối với các tín đồ thời nay.