Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Hãy để lòng vào của báu thiêng liêng

Hãy để lòng vào của báu thiêng liêng

“Của báu anh em ở đâu thì lòng anh em cũng ở đó”.​—LU 12:34.

BÀI HÁT: 153, 104

1, 2. (a) Đức Giê-hô-va ban cho chúng ta ba của báu thiêng liêng nào? (b) Chúng ta sẽ xem xét điều gì trong bài này?

Đức Giê-hô-va là đấng giàu có nhất trong vũ trụ (1 Sử 29:11, 12). Là người Cha hào phóng, ngài rộng rãi chia sẻ của báu thiêng liêng cho những người hiểu giá trị vượt trội của chúng. Thật biết ơn vì Đức Giê-hô-va cho chúng ta những của báu thiêng liêng bao gồm: (1) Nước Trời, (2) thánh chức cứu mạng và (3) những sự thật quý báu trong Lời ngài! Nhưng nếu không cẩn thận, chúng ta có thể đánh mất lòng biết ơn về những của báu này, như thể vứt bỏ chúng. Để giữ những của báu thiêng liêng, chúng ta phải dùng chúng một cách khôn ngoan và luôn củng cố lòng yêu mến đối với những của báu ấy. Chúa Giê-su nói: “Của báu anh em ở đâu thì lòng anh em cũng ở đó”.—Lu 12:34.

2 Hãy xem xét làm sao chúng ta có thể vun trồng cũng như duy trì lòng yêu mến và biết ơn đối với Nước Trời, thánh chức và chân lý. Đồng thời, hãy suy ngẫm cách mình có thể gia tăng lòng yêu mến đối với những của báu thiêng liêng ấy.

NƯỚC TRỜI​—NHƯ VIÊN NGỌC TRAI VÔ GIÁ

3. Người lái buôn trong minh họa của Chúa Giê-su sẵn lòng làm gì để có viên ngọc trai vô giá? (Xem hình nơi đầu bài).

3 Đọc Ma-thi-ơ 13:45, 46. Chúa Giê-su kể minh họa về một lái buôn đi tìm ngọc trai. Qua nhiều năm, chắc chắn ông đã mua bán hàng trăm viên ngọc trai. Nhưng giờ đây, ông tìm được một viên ngọc trai đẹp đến mức chỉ nhìn thôi lòng đã vui mừng. Nhưng để mua nó, ông phải bán hết những gì mình có. Anh chị có thể hình dung viên ngọc trai quý giá đến mức nào đối với ông không?

4. Nếu yêu mến Nước Trời nhiều như người lái buôn yêu mến viên ngọc trai, chúng ta sẽ làm gì?

4 Minh họa ấy dạy chúng ta bài học nào? Sự thật về Nước Trời giống như viên ngọc trai vô giá. Nếu yêu mến sự thật ấy nhiều như người lái buôn yêu mến viên ngọc trai, chúng ta sẽ sẵn lòng từ bỏ mọi thứ để trở thành và tiếp tục là thần dân của Nước Trời. (Đọc Mác 10:28-30). Hãy xem xét gương của hai người đã làm thế.

5. Làm thế nào Xa-ki-ơ cho thấy ông quyết tâm vào Nước Trời?

5 Xa-ki-ơ là trưởng đội thu thuế, ông trở nên giàu có nhờ việc tống tiền (Lu 19:1-9). Tuy nhiên, khi nghe Chúa Giê-su giảng về Nước Trời, người đàn ông bất chính ấy nhận ra giá trị vượt trội của những điều mình nghe, và hành động ngay. Ông tuyên bố: “Thưa Chúa, nay tôi lấy một nửa tài sản mình mà cho người nghèo. Còn ai đã bị tôi tống tiền, tôi sẽ đền gấp bốn lần”. Ông sẵn sàng từ bỏ sự giàu có phi nghĩa và lòng tham muốn vật chất.

6. Chị Rose thực hiện những thay đổi nào để trở thành thần dân Nước Trời, và tại sao chị làm thế?

6 Cách đây vài năm, một chị tạm gọi là Rose nghe về thông điệp Nước Trời. Lúc đó chị đang có mối quan hệ đồng tính. Chị là chủ tịch một tổ chức đấu tranh giành quyền cho người đồng tính. Nhưng khi học Kinh Thánh, chị Rose nhận ra giá trị vượt trội của sự thật về Nước Trời. Chị cũng nhận thấy mình phải thực hiện những thay đổi lớn (1 Cô 6:9, 10). Chị được thúc đẩy để từ chức và chấm dứt mối quan hệ đồng tính. Chị Rose làm báp-têm năm 2009, và năm sau đó chị bắt đầu làm tiên phong đều đều. Tình yêu thương chị dành cho Đức Giê-hô-va và Nước của ngài mạnh hơn bất cứ ham muốn xác thịt nào.—Mác 12:29, 30.

7. Làm thế nào chúng ta có thể luôn hết lòng yêu mến Nước Trời?

7 Đành rằng, nhiều người trong chúng ta đã thực hiện những thay đổi lớn trong đời sống để trở thành thần dân Nước Trời (Rô 12:2). Nhưng điều đó chưa đủ. Chúng ta phải luôn cảnh giác với những điều có thể khiến mình mất đi lòng yêu mến, như ham muốn vật chất và tình dục vô luân (Châm 4:23; Mat 5:27-29). Để giúp chúng ta luôn hết lòng yêu mến Nước Trời, Đức Giê-hô-va ban cho chúng ta của báu vô giá khác.

THÁNH CHỨC CỨU MẠNG

8. (a) Tại sao Phao-lô miêu tả thánh chức là ‘của báu trong bình bằng đất’? (b) Phao-lô cho thấy ông trân trọng thánh chức như thế nào?

8 Hãy nhớ rằng Chúa Giê-su giao cho chúng ta công việc rao giảng và dạy dỗ về tin mừng Nước Trời (Mat 28:19, 20). Sứ đồ Phao-lô nhận ra giá trị cao quý của thánh chức. Ông miêu tả thánh chức về giao ước mới là ‘của báu trong bình bằng đất’ (2 Cô 4:7; 1 Ti 1:12). Dù chúng ta chỉ là bình đất bất toàn, nhưng thông điệp mà chúng ta rao giảng có thể mang lại sự sống vĩnh cửu cho chính mình và những người nghe mình. Biết điều này, Phao-lô nói: “Tôi làm mọi điều vì cớ tin mừng, để có thể chia sẻ tin mừng với người khác” (1 Cô 9:23). Thật vậy, lòng yêu mến của Phao-lô dành cho thánh chức thúc đẩy ông nỗ lực đào tạo môn đồ. (Đọc Rô-ma 1:14, 15; 2 Ti-mô-thê 4:2). Điều đó giúp ông chịu đựng sự chống đối dữ dội (1 Tê 2:2). Làm sao chúng ta có thể tỏ lòng yêu mến như thế đối với thánh chức?

9. Chúng ta có thể cho thấy mình quý trọng thánh chức qua một số cách nào?

9 Một cách Phao-lô cho thấy ông quý trọng thánh chức là tìm mọi cơ hội để rao giảng cho người khác. Như các sứ đồ và tín đồ thời ban đầu, chúng ta rao giảng bán chính thức, trước công chúng và từ nhà này sang nhà kia (Công 5:42; 20:20). Khi hoàn cảnh cho phép, chúng ta tìm cách mở rộng thánh chức, có lẽ làm tiên phong phụ trợ hay đều đều. Chúng ta cũng có thể học ngoại ngữ, chuyển đến vùng khác trong nước hoặc thậm chí một nước khác.—Công 16:9, 10.

10. Vì quyết tâm chia sẻ tin mừng, chị Irene được ban phước ra sao?

10 Hãy xem gương của Irene, một chị độc thân ở Hoa Kỳ. Chị rất muốn rao giảng cho người nhập cư nói tiếng Nga. Vào năm 1993, khi chị bắt đầu thực hiện điều đó thì chỉ có khoảng 20 người công bố trong nhóm tiếng Nga ở thành phố New York. Trong khoảng 20 năm, chị Irene nỗ lực rất nhiều trong cánh đồng tiếng Nga. Chị thừa nhận: “Tôi vẫn chưa nói chuẩn tiếng Nga”. Dù vậy, Đức Giê-hô-va đã ban phước cho tinh thần sốt sắng của chị và những người phụng sự giống như chị. Ngày nay có sáu hội thánh tiếng Nga trong thành phố New York. Trong số những người học Kinh Thánh với chị, có 15 người đã làm báp-têm. Một số người phụng sự ở nhà Bê-tên, làm tiên phong hay trưởng lão. Chị Irene nói: “Khi nghĩ đến những mục tiêu khác mình có thể theo đuổi, tôi không thể hình dung đến bất cứ điều gì có thể mang lại cho tôi niềm vui như thế”. Thật vậy, chị trân trọng thánh chức của mình!

Anh chị có xem thánh chức là một của báu và cho thấy điều đó trong thời gian biểu hằng tuần không? (Xem đoạn 11, 12)

11. Việc tiếp tục rao giảng bất kể sự bắt bớ mang lại kết quả tích cực nào?

11 Nếu trân trọng thánh chức, chúng ta sẽ giống như sứ đồ Phao-lô, tiếp tục rao giảng bất kể sự bắt bớ (Công 14:19-22). Vào thập niên 1930 đến đầu thập niên 1940, anh em ở Hoa Kỳ đối mặt với sự chống đối dữ dội. Nhưng như Phao-lô, họ đứng vững và tiếp tục rao giảng. Để bênh vực quyền rao giảng của chúng ta, các anh em đã tham gia nhiều cuộc chiến pháp lý. Năm 1943, khi bình luận về một chiến thắng ở Tòa Tối Cao Hoa Kỳ, anh Nathan Knorr nói: “Những chiến thắng có được là do anh chị đã tranh đấu. Nếu các anh chị công bố không tiếp tục làm việc trong cánh đồng thì sẽ không có bất cứ vụ kiện nào tại Tòa Tối Cao; nhưng vì các anh chị công bố đã kiên trì và không bỏ cuộc nên sự bắt bớ mà anh em trên khắp thế giới đối mặt bị đẩy lùi. Chiến thắng ở đây chính là dân Chúa đứng vững, và đó là điều dẫn đến phán quyết này”. Anh em trên khắp thế giới cũng đứng vững và giành được những chiến thắng tương tự. Thật vậy, lòng yêu mến đối với thánh chức có thể đánh bại sự bắt bớ.

12. Về thánh chức, anh chị quyết tâm làm gì?

12 Khi xem thánh chức là của báu vô giá đến từ Đức Giê-hô-va, chúng ta sẽ không chỉ rao giảng để “tính giờ”. Thay vì thế, chúng ta sẽ cố gắng hết sức để ‘làm chứng cặn kẽ về tin mừng’ (Công 20:24; 2 Ti 4:5). Nhưng chúng ta sẽ dạy người ta điều gì? Hãy xem xét của báu khác đến từ Đức Chúa Trời.

KHO BÁU CHỨA NHỮNG SỰ THẬT ĐƯỢC TIẾT LỘ

13, 14. “Kho báu” mà Chúa Giê-su đề cập nơi Ma-thi-ơ 13:52 là gì, và chúng ta làm đầy kho báu ấy như thế nào?

13 Của báu thiêng liêng thứ ba là kho chứa những sự thật được tiết lộ. Những sự thật này đến từ Đức Giê-hô-va, là Đức Chúa Trời chân thật (2 Sa 7:28; Thi 31:5). Là người Cha hào phóng, ngài chia sẻ các sự thật với những ai kính sợ ngài. Từ lần đầu nghe chân lý, chúng ta đã có cơ hội thu thập những sự thật từ Lời ngài là Kinh Thánh, các ấn phẩm của đạo Đấng Ki-tô, các hội nghị và buổi nhóm họp hằng tuần. Với thời gian, như Chúa Giê-su miêu tả, chúng ta tích lũy được “kho báu” gồm những sự thật cũ và mới. (Đọc Ma-thi-ơ 13:52). Nếu chúng ta tìm kiếm những sự thật ấy như tìm báu vật ẩn giấu, Đức Giê-hô-va sẽ giúp chúng ta thu thập những sự thật mới và rất quý giá vào “kho báu” của mình. (Đọc Châm ngôn 2:4-7). Chúng ta làm thế bằng cách nào?

14 Chúng ta phải vun trồng thói quen học hỏi cá nhân tốt và nghiên cứu kỹ lưỡng Lời Đức Chúa Trời cũng như các ấn phẩm. Điều này sẽ giúp chúng ta khám phá những sự thật có thể là “mới” theo nghĩa chúng ta chưa biết trước đó (Giô-suê 1:8, 9; Thi 1:2, 3). Số đầu tiên của tạp chí này, xuất bản vào tháng 7 năm 1879, nói: “Sự thật, giống như một bông hoa nhỏ bé đơn sơ giữa cảnh rối ren của cuộc đời, bị cỏ dại của sự sai trái mọc um tùm ở chung quanh làm cho nó gần như bị nghẹt. Nếu muốn tìm thấy sự thật, bạn phải luôn để ý tìm tòi... Nếu bạn muốn có được nó thì phải cúi xuống để nhặt nó. Đừng hài lòng với một bông hoa sự thật... Hãy tiếp tục thu lượm, tìm kiếm thêm”. Thật vậy, chúng ta phải sốt sắng làm cho kho báu sự thật của mình ngày càng phong phú hơn.

15. Tại sao chúng ta có thể gọi một số sự thật là “cũ”, và trong số đó, anh chị đặc biệt trân trọng sự thật nào?

15 Khi mới kết hợp với dân Đức Chúa Trời, chúng ta khám phá một số sự thật vô giá. Những sự thật này có thể được gọi là “cũ” theo nghĩa chúng ta biết và quý những sự thật ấy từ lúc bắt đầu theo đường lối đạo Đấng Ki-tô. Những sự thật quý giá như thế bao gồm điều gì? Bao gồm việc chúng ta hiểu Đức Giê-hô-va là Đấng Tạo Hóa và Đấng Ban Sự Sống, cũng như ngài có một ý định cho nhân loại. Chúng ta cũng hiểu rằng vì yêu thương, Đức Chúa Trời đã hy sinh Con ngài làm giá chuộc giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi và sự chết. Hơn nữa, chúng ta hiểu rằng Nước Trời sẽ chấm dứt mọi sự đau khổ và chúng ta có triển vọng sống vĩnh cửu trong sự bình an và hạnh phúc dưới sự cai trị của Nước Trời.—Giăng 3:16; Khải 4:11; 21:3, 4.

16. Khi sự hiểu biết về một sự thật được điều chỉnh, chúng ta cần làm gì?

16 Đôi khi, sự hiểu biết về một lời tiên tri hay đoạn Kinh Thánh được điều chỉnh. Khi có sự hiểu biết mới, chúng ta nên dành thời gian để tra xét kỹ thông tin ấy và suy ngẫm (Công 17:11; 1 Ti 4:15). Chúng ta cố gắng hiểu rõ không chỉ những điều chỉnh lớn mà còn những sự khác biệt tinh tế giữa sự hiểu biết cũ và mới. Bằng cách này, chúng ta có thể lưu trữ sự thật mới này vào kho báu của mình. Tại sao những nỗ lực như thế là đáng công?

17, 18. Thần khí thánh có thể giúp chúng ta như thế nào?

17 Chúa Giê-su dạy rằng thần khí của Đức Chúa Trời có thể giúp chúng ta nhớ lại những gì mình đã học (Giăng 14:25, 26). Điều đó có thể giúp chúng ta như thế nào với tư cách là “người dạy dỗ công chúng”? Hãy xem kinh nghiệm của một anh tên Peter. Năm 1970, anh được 19 tuổi và bắt đầu phụng sự tại Bê-tên ở Anh Quốc. Khi đang rao giảng từng nhà, anh gặp một người đàn ông trung niên có râu. Anh Peter hỏi ông ấy có muốn hiểu Kinh Thánh không. Ông sửng sốt rồi đáp rằng đây là nhà của các thầy Do Thái giáo. Để thử anh Peter, thầy Do Thái giáo ấy hỏi: “Này chàng trai trẻ, sách Đa-ni-ên được viết bằng tiếng gì?”. Anh Peter trả lời: “Một phần của sách được viết bằng tiếng A-ram”. Anh kể: “Ông ấy kinh ngạc khi tôi biết câu trả lời, nhưng tôi còn kinh ngạc hơn! Làm sao tôi biết được câu trả lời? Khi về nhà, tôi xem lại các tạp chí Tháp Canh Tỉnh Thức! của những tháng trước, và tìm được một bài giải thích rằng một phần của sách Đa-ni-ên được viết bằng tiếng A-ram” (Đa 2:4, chú thích). Thật vậy, thần khí thánh có thể giúp chúng ta nhớ lại những gì trước đây chúng ta đã đọc và lưu trữ trong kho báu của mình.—Lu 12:11, 12; 21:13-15.

18 Nếu trân trọng sự khôn ngoan đến từ Đức Giê-hô-va, chúng ta sẽ được thúc đẩy để làm đầy kho báu của mình bằng những sự thật, cả mới lẫn cũ. Khi lòng yêu mến và quý trọng đối với sự khôn ngoan của Đức Giê-hô-va càng gia tăng, chúng ta sẽ được trang bị tốt để làm “người dạy dỗ công chúng”.

HÃY BẢO VỆ CỦA BÁU CỦA ANH CHỊ

19. Tại sao chúng ta phải bảo vệ của báu thiêng liêng của mình?

19 Sa-tan và thế gian của hắn luôn tìm cách làm suy yếu hoặc hủy hoại lòng biết ơn của chúng ta đối với những của báu thiêng liêng được thảo luận trong bài này. Chúng ta không được miễn trừ khỏi mưu kế ấy. Chúng ta có thể dễ bị dụ dỗ bởi lời hứa hẹn về công việc kiếm được nhiều tiền, mơ ước một lối sống giàu sang, hay ước muốn phô trương của cải. Sứ đồ Giăng nhắc nhở chúng ta rằng thế gian cùng ham muốn của nó đang qua đi (1 Giăng 2:15-17). Vì thế, chúng ta phải cố gắng hết sức để bảo vệ lòng yêu mến và biết ơn của mình đối với những của báu thiêng liêng.

20. Anh chị quyết tâm làm gì để bảo vệ của báu thiêng liêng của mình?

20 Hãy sẵn sàng từ bỏ bất cứ điều gì có thể cản trở anh chị hết lòng yêu mến Nước Trời. Hãy tiếp tục sốt sắng rao giảng, đừng bao giờ đánh mất lòng quý trọng đối với thánh chức cứu mạng. Hãy luôn sốt sắng tìm kiếm những sự thật Kinh Thánh. Khi làm thế, anh chị sẽ tích lũy được “kho báu không hề cạn ở trên trời, là nơi không kẻ trộm nào đến gần và không sâu bọ nào làm hư hại. Vì của báu anh em ở đâu thì lòng anh em cũng ở đó”.—Lu 12:33, 34.