Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Làm sao để lột bỏ và tránh xa nhân cách cũ?

Làm sao để lột bỏ và tránh xa nhân cách cũ?

“Hãy lột bỏ nhân cách cũ cùng các việc làm của nó”.CÔ 3:9.

BÀI HÁT: 83, 129

1, 2. Có những nhận xét nào về Nhân Chứng Giê-hô-va?

Những người quan sát đã nhận xét về các đức tính nổi bật mà họ thấy trong vòng dân Đức Giê-hô-va. Chẳng hạn, nói về các anh chị trong thời Đức Quốc Xã, tác giả Anton Gill viết: “Nhân Chứng Giê-hô-va là đối tượng mà Đức Quốc Xã đặc biệt thù ghét... Đến năm 1939, có 6.000 người trong số họ ở [trại tập trung]”. Tác giả ấy nói thêm rằng dù bị bắt bớ một cách tàn bạo nhưng các Nhân Chứng cho thấy “sự đáng tin cậy và bình thản [tức điềm tĩnh trong tình thế căng thẳng]” cũng như “lòng trung kiên và tinh thần đoàn kết”.

2 Vài năm trước, những người quan sát ở Nam Phi nhận thấy các đức tính thu hút tương tự trong vòng dân Đức Chúa Trời. Có một thời gian, các Nhân Chứng khác màu da trong nước ấy không thể tự do kết hợp với nhau. Tuy nhiên, vào chủ nhật, ngày 18-12-2011, một cảnh tượng tuyệt vời diễn ra khi hơn 78.000 anh em chúng ta thuộc các chủng tộc khác nhau ở Nam Phi và các nước lân cận đã ngồi chật cứng sân vận động lớn nhất của thành phố Johannesburg, để thưởng thức chương trình thiêng liêng. Nhận xét về những người nhóm lại, một người quản lý sân vận động nói: “Đây là nhóm người có cách cư xử tốt nhất mà tôi từng thấy tại sân vận động này. Tất cả đều ăn mặc gọn gàng. Quý vị dọn dẹp sân vận động rất sạch sẽ. Nhưng đáng chú ý nhất, quý vị thật sự là nhóm người đa chủng tộc”.

3. Điều gì khiến đoàn thể anh em chúng ta là độc nhất vô nhị?

3 Những lời nhận xét như thế của người không phải là Nhân Chứng cho thấy đoàn thể anh em quốc tế của chúng ta là độc nhất vô nhị (1 Phi 5:9). Nhưng điều gì khiến chúng ta khác biệt với các tổ chức khác? Với sự trợ giúp của Lời Đức Chúa Trời và thần khí thánh của ngài, chúng ta nỗ lực “lột bỏ nhân cách cũ”. Thay vào đó, chúng ta “mặc lấy nhân cách mới”.—Cô 3:9, 10.

4. Chúng ta sẽ xem xét điều gì trong bài này, và tại sao?

4 Lột bỏ nhân cách cũ là một chuyện, nhưng tránh xa nó lại là chuyện khác. Trong bài này, chúng ta sẽ xem xét làm thế nào mình có thể lột bỏ nhân cách cũ, tại sao điều này cấp bách và tại sao một người có thể thay đổi dù người ấy phạm tội nặng đến đâu. Chúng ta cũng xem xét những người đi theo chân lý lâu năm có thể làm gì để tránh xa nhân cách cũ. Tại sao những lời nhắc nhở như thế là cần thiết? Đáng buồn là một số người từng phụng sự Đức Giê-hô-va đã thiếu cảnh giác và trở lại đường cũ. Vì thế, tất cả chúng ta đều cần ghi nhớ lời cảnh báo: “Ai nghĩ mình đang đứng thì phải coi chừng kẻo ngã”.—1 Cô 10:12.

“HÃY LÀM CHẾT” BẤT CỨ HAM MUỐN NÀO “SINH RA NHỮNG THỨ NHƯ GIAN DÂM”

5. (a) Hãy minh họa để cho thấy tại sao cần cấp bách lột bỏ nhân cách cũ. (Xem hình nơi đầu bài). (b) Theo Cô-lô-se 3:5-9, những thực hành nào thuộc về nhân cách cũ?

5 Anh chị sẽ làm gì nếu quần áo mình đang mặc bị dơ bẩn, thậm chí có mùi hôi hám? Hẳn anh chị sẽ lột bỏ ngay khi có thể. Tương tự, chúng ta cần cấp bách vâng theo điều răn lột bỏ những thói quen mà Đức Chúa Trời ghét. Chúng ta muốn làm theo lời chỉ dẫn rõ ràng mà Phao-lô viết cho anh em đồng đạo vào thời ông: “Anh em phải lột bỏ hết những điều” ấy. Chúng ta hãy xem xét hai thực hành tội lỗi mà Phao-lô liệt kê, đó là gian dâm và ô uế.—Đọc Cô-lô-se 3:5-9.

6, 7. (a) Làm thế nào lời của Phao-lô cho thấy cần phải nỗ lực nhiều để lột bỏ nhân cách cũ? (b) Chị Sakura đã có lối sống nào, và nhờ đâu chị có sức mạnh để từ bỏ lối sống ấy?

6 Gian dâm. Trong Kinh Thánh, “gian dâm” bao gồm việc quan hệ tình dục giữa những người không phải là vợ chồng và giữa những người đồng tính. Phao-lô khuyên anh em đồng đạo “hãy làm chết các bộ phận của thân thể”, tức là loại bỏ bất cứ ham muốn nào “sinh ra những thứ như gian dâm”. Cách Phao-lô nhấn mạnh cho thấy rõ là cần phải nỗ lực nhiều để loại bỏ những ham muốn sai trái. Nhưng chúng ta có thể giành thắng lợi trong cuộc chiến chống lại những ham muốn tội lỗi.

7 Hãy xem điều xảy ra với chị Sakura * từ Nhật Bản. Khi lớn lên, chị phải chống chọi với cảm giác cô đơn và trống rỗng. Từ khi 15 tuổi, chị bắt đầu quan hệ tình dục với nhiều người để giải tỏa nỗi cô đơn. Chị thú nhận trong sự xấu hổ: “Hậu quả là tôi đã phá thai ba lần”. Chị giải thích: “Lúc đầu, tôi cảm thấy an ổn khi quan hệ gian dâm, vì cho rằng làm vậy là mình có ích và được yêu thương. Nhưng càng dấn sâu vào lối sống này thì tôi càng cảm thấy bất an”. Chị Sakura tiếp tục lối sống ấy cho đến năm 23 tuổi. Rồi chị bắt đầu tìm hiểu Kinh Thánh với Nhân Chứng Giê-hô-va. Chị Sakura yêu thích điều mình học, và với sự giúp đỡ của Đức Giê-hô-va, chị đã vượt qua mặc cảm tội lỗi và sự xấu hổ, cũng như từ bỏ lối sống gian dâm. Hiện nay, chị Sakura đang làm tiên phong đều đều và không còn cảm thấy cô đơn nữa. Thay vì thế, chị nói: “Tôi thật sự hạnh phúc khi được sưởi ấm trong tình yêu thương của Đức Giê-hô-va ngày này qua ngày khác”.

TỪ BỎ CÁC THỰC HÀNH Ô UẾ

8. Một số thực hành nào có thể khiến chúng ta ô uế trước mắt Đức Chúa Trời?

8 Ô uế. Trong Kinh Thánh, từ “ô uế” mang nghĩa rộng, không chỉ bao gồm những tội về tình dục. Ô uế có thể nói đến những thực hành tai hại như hút thuốc lá hoặc nói bông đùa tục tĩu (2 Cô 7:1; Ê-phê 5:3, 4). Ô uế cũng ám chỉ những hành vi không trong sạch mà một người làm ở chốn riêng tư, chẳng hạn như đọc các loại sách kích dục hoặc xem tài liệu khiêu dâm, điều có thể dẫn đến hành vi ô uế khác là tật thủ dâm.—Cô 3:5. *

9. Việc ấp ủ “đam mê tình dục buông thả” có thể dẫn đến hậu quả nào?

9 Những người có thói quen xem tài liệu khiêu dâm ấp ủ “đam mê tình dục buông thả”, là điều mà cuối cùng có thể khiến họ nghiện tình dục. Theo các cuộc nghiên cứu, những người thừa nhận là nghiện tài liệu khiêu dâm có biểu hiện giống với những người nghiện rượu và ma túy. Không lạ gì, việc xem tài liệu khiêu dâm gây ra những hậu quả tai hại, như cảm giác vô cùng xấu hổ, giảm năng suất lao động, đời sống gia đình không hạnh phúc, ly dị và tự tử. Trong dịp kỷ niệm một năm ngày mình được thoát khỏi thói nghiện tài liệu khiêu dâm, một người đàn ông nói: “Tôi đã phục hồi lại nhân phẩm mà mình đã đánh mất”.

10. Làm thế nào anh Ribeiro bỏ được thói nghiện tài liệu khiêu dâm?

10 Đối với nhiều người, việc tránh xa tài liệu khiêu dâm là cuộc chiến trường kỳ. Dù vậy, trường hợp của anh Ribeiro từ Brazil cho thấy một người có thể giành thắng lợi trong trận chiến này. Anh Ribeiro rời khỏi nhà khi còn là thiếu niên, và với thời gian anh bắt đầu làm việc trong xưởng tái chế giấy. Tại đây, anh tiếp xúc với tài liệu khiêu dâm. Anh kể: “Dần dần, tôi trở nên nghiện tài liệu khiêu dâm. Tôi nghiện đến mức cứ chờ cho người phụ nữ sống chung rời khỏi nhà để có thể xem những video khiêu dâm ngay”. Rồi một ngày tại sở làm, anh Ribeiro thấy trong đống sách sắp được tái chế có cuốn Bí quyết giúp gia đình hạnh phúc. Anh cầm lên và đọc. Những gì anh đọc đã thúc đẩy anh tìm hiểu Kinh Thánh với Nhân Chứng Giê-hô-va, nhưng phải mất thời gian dài anh mới bỏ được thói xấu của mình. Cuối cùng điều gì đã giúp anh? Anh giải thích: “Qua lời cầu nguyện, việc học Kinh Thánh và suy ngẫm những điều học được, tôi ngày càng quý trọng các đức tính của Đức Chúa Trời. Với thời gian, tình yêu thương của tôi dành cho Đức Giê-hô-va lớn hơn ước muốn xem tài liệu khiêu dâm”. Được Lời Đức Chúa Trời và thần khí thánh của ngài trợ giúp, anh Ribeiro đã lột bỏ nhân cách cũ, báp-têm và hiện nay làm trưởng lão trong hội thánh.

11. Một người cần làm gì để tránh xa tài liệu khiêu dâm?

11 Hãy lưu ý rằng để giành thắng lợi trong cuộc chiến, anh Ribeiro không chỉ học Kinh Thánh. Anh còn phải dành thời gian để thông điệp Kinh Thánh động đến lòng. Qua việc cầu nguyện và suy ngẫm, tình yêu thương của anh dành cho Đức Chúa Trời đã chế ngự được cơn thèm khát tài liệu khiêu dâm. Vun trồng tình yêu thương mạnh mẽ với Đức Giê-hô-va và ghét điều xấu là cách tốt nhất để tránh xa tài liệu khiêu dâm.—Đọc Thi thiên 97:10.

HÃY TỪ BỎ SỰ TỨC GIẬN, LĂNG MẠ VÀ DỐI TRÁ

12. Điều gì giúp anh Stephen từ bỏ sự tức giận và lăng mạ?

12 Những người nóng tính thường trút giận bằng lời lăng mạ. Rõ ràng, hành vi như thế không góp phần làm gia đình hạnh phúc. Anh Stephen, một người cha từ Úc, kể: “Trước đây tôi thường chửi thề và dễ nổi giận với những điều nhỏ nhặt. Vợ chồng tôi từng ly thân ba lần và đang làm thủ tục ly dị”. Rồi cặp vợ chồng ấy bắt đầu tìm hiểu Kinh Thánh với Nhân Chứng Giê-hô-va. Khi anh Stephen bắt đầu làm theo lời khuyên của Kinh Thánh, kết quả là gì? Anh nói: “Đời sống gia đình tôi cải thiện rõ rệt. Với sự trợ giúp của Đức Giê-hô-va, giờ đây tôi cảm thấy rất bình an và thanh thản, dù trước đây sự cay đắng và tức giận trong tôi giống như một quả bom sẵn sàng phát nổ khi tôi chỉ bị làm phiền một chút”. Hiện nay, anh Stephen làm phụ tá hội thánh, và vợ anh làm tiên phong đều đều được vài năm. Các trưởng lão trong hội thánh của anh Stephen nhận xét: “Anh Stephen là người ít nói, siêng năng và khiêm nhường”. Họ không bao giờ thấy anh giận dữ. Anh Stephen có nhận công trạng cho sự biến đổi nhân cách của mình không? Anh nói: “Đời tôi sẽ không có bất cứ ân phước tuyệt vời nào trong số đó nếu không nhận sự giúp đỡ của Đức Giê-hô-va để biến đổi nhân cách”.

13. Tại sao tức giận là điều rất nguy hiểm, và Kinh Thánh đưa ra lời cảnh báo nào?

13 Với lý do chính đáng, Kinh Thánh cảnh báo việc tức giận, lăng mạ và quát tháo (Ê-phê 4:31). Đáng buồn là những hành vi như thế thường dẫn đến bạo lực. Thế gian có thể xem sự tức giận là điều bình thường, nhưng hành vi này làm ô danh Đấng Tạo Hóa. Nhiều người phải từ bỏ những hành vi tai hại này trước khi mặc lấy nhân cách mới.—Đọc Thi thiên 37:8-11.

14. Một người hung hăng có thể trở nên khiêm hòa không? Hãy nêu ví dụ.

14 Hãy xem trường hợp của anh Hans, một trưởng lão ở Áo. Anh giám thị điều phối của hội đồng trưởng lão trong hội thánh của anh Hans nhận xét: “Anh ấy là một trong những người khiêm hòa nhất mà anh chị có thể gặp”. Nhưng trước đây không phải lúc nào anh Hans cũng khiêm hòa. Khi còn là thiếu niên, anh bắt đầu lạm dụng rượu, vì thế anh trở nên hung hăng. Trong cơn giận dữ vì rượu, anh đã giết bạn gái và bị kết án 20 năm tù. Lúc đầu, cuộc sống trong tù không thay đổi tính cách hung hăng của anh. Với thời gian, mẹ anh sắp xếp để một trưởng lão liên lạc với anh ở nhà tù, và anh Hans bắt đầu tìm hiểu Kinh Thánh. Anh giải thích: “Tôi phải tranh đấu để lột bỏ nhân cách cũ. Những lời trong Kinh Thánh khích lệ tôi là Ê-sai 55:7: ‘Kẻ ác hãy bỏ đường lối mình’, và 1 Cô-rinh-tô 6:11 nói về những người đã từ bỏ con đường tội lỗi: ‘Một số người trong anh em từng là người như thế’. Trong nhiều năm, Đức Giê-hô-va kiên nhẫn dùng thần khí thánh để giúp tôi mặc lấy nhân cách mới”. Sau 17 năm rưỡi thụ án, anh Hans được thả khỏi tù với tư cách là một tín đồ đã báp-têm. Anh kể: “Tôi biết ơn về lòng thương xót và tha thứ dồi dào của Đức Giê-hô-va”.

15. Hành vi nào rất phổ biến, nhưng Kinh Thánh nói gì về điều đó?

15 Ngoài lăng mạ, nói dối cũng là một đặc tính của nhân cách cũ. Chẳng hạn, người ta thường nói dối để trốn thuế hoặc không phải chịu trách nhiệm về tội lỗi của mình. Trái lại, Đức Giê-hô-va là “Đức Chúa Trời chân thật” (Thi 31:5). Vì thế, ngài đòi hỏi “mỗi người” thờ phượng ngài phải “nói thật với nhau” và “đừng nói dối” (Ê-phê 4:25; Cô 3:9). Do đó, chúng ta phải nói thật ngay cả khi làm thế có thể khiến mình hổ thẹn hoặc gặp bất tiện.—Châm 6:16-19.

LÀM THẾ NÀO HỌ CÓ THỂ CHIẾN THẮNG?

16. Làm thế nào một người có thể thành công trong việc lột bỏ nhân cách cũ?

16 Một người không thể lột bỏ các đặc tính của nhân cách cũ bằng sức riêng. Những người được đề cập trong bài này như chị Sakura, anh Ribeiro, anh Stephen và anh Hans, đã phải vất vả tranh đấu để từ bỏ những thực hành xấu xa. Họ đã giành chiến thắng khi để quyền lực của Lời Đức Chúa Trời và thần khí thánh tác động đến lòng và trí (Lu 11:13; Hê 4:12). Để đạt được điều đó, chúng ta phải đọc Kinh Thánh hằng ngày, suy ngẫm và luôn cầu xin sự khôn ngoan cũng như sức mạnh để áp dụng lời khuyên của Kinh Thánh (Giô-suê 1:8; Thi 119:97; 1 Tê 5:17). Chúng ta cũng được lợi ích từ Lời Đức Chúa Trời và thần khí thánh khi chuẩn bị cũng như tham dự các buổi nhóm họp (Hê 10:24, 25). Ngoài ra, chúng ta muốn tận dụng mọi sự cung cấp về thiêng liêng mà dân Đức Chúa Trời trên khắp thế giới nhận được.—Lu 12:42.

Làm thế nào chúng ta có thể thành công trong việc lột bỏ nhân cách cũ? (Xem đoạn 16)

17. Bài tới sẽ xem xét điều gì?

17 Chúng ta đã xem xét một số thực hành xấu xa mà tín đồ đạo Đấng Ki-tô phải lột bỏ và tránh xa. Nhưng có phải chỉ cần làm thế là được Đức Chúa Trời chấp nhận? Không. Chúng ta cũng phải mặc lấy nhân cách mới, và làm cho nhân cách ấy trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống mình. Bài tới sẽ xem xét cách chúng ta có thể làm thế.