Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Làm sao để mặc và giữ nhân cách mới?

Làm sao để mặc và giữ nhân cách mới?

‘Hãy mặc lấy nhân cách mới’.—CÔ 3:10.

BÀI HÁT: 43, 106

1, 2. (a) Tại sao mặc lấy nhân cách mới là điều chúng ta có thể làm được? (b) Những khía cạnh nào của nhân cách mới được ghi nơi Cô-lô-se 3:10-14?

“Nhân cách mới”. Cụm từ này xuất hiện hai lần trong Kinh ThánhBản dịch Thế Giới Mới (Ê-phê 4:24; Cô 3:10). Đó là nhân cách “được dựng nên theo ý muốn Đức Chúa Trời”. Vun trồng nhân cách này là điều chúng ta có thể làm được. Tại sao? Vì Đức Giê-hô-va tạo nên con người theo hình ảnh của ngài, nên chúng ta có thể phản ánh các đức tính tuyệt vời của ngài.—Sáng 1:26, 27; Ê-phê 5:1.

2 Đành rằng, do sự bất toàn di truyền từ bậc cha mẹ đầu tiên, nên đôi khi chúng ta có các ước muốn sai trái. Chúng ta còn bị ảnh hưởng sâu sắc bởi môi trường sống. Tuy nhiên, với sự trợ giúp đầy thương xót của Đức Giê-hô-va, chúng ta có thể trở thành loại người mà ngài muốn. Để củng cố ước muốn vươn tới mục tiêu đó, chúng ta sẽ xem xét một số khía cạnh của nhân cách mới mà sứ đồ Phao-lô được soi dẫn để viết. (Đọc Cô-lô-se 3:10-14). Chúng ta cũng xem làm thế nào mình có thể biểu lộ các khía cạnh ấy trong thánh chức.

“ANH EM ĐỀU LÀ MỘT”

3. Một đặc điểm của nhân cách mới là gì?

3 Sau khi khuyên chúng ta mặc lấy nhân cách mới, Phao-lô miêu tả tính không thiên vị như là một đặc điểm nổi bật của nhân cách mới. Ông nói: “Không còn phân biệt người Hy Lạp hay người Do Thái, cắt bì hay không cắt bì, người ngoại quốc, người Sy-the, nô lệ hay người tự do”. * Trong hội thánh, tại sao không nên có sự phân biệt về chủng tộc, quốc gia hay địa vị xã hội? Vì tất cả môn đồ chân chính của Đấng Ki-tô “đều là một”.—Cô 3:11; Ga 3:28.

4. (a) Các tôi tớ của Đức Giê-hô-va cần đối xử với người khác như thế nào? (b) Hoàn cảnh nào có thể gây trở ngại cho sự hợp nhất của đạo Đấng Ki-tô?

4 Người mặc lấy nhân cách mới thì đối xử tôn trọng với anh em đồng đạo và người ngoài, bất kể địa vị xã hội hay gốc gác (Rô 2:11). Ở một số nơi trên thế giới thì làm thế có thể là một thách đố. Chẳng hạn, ở Nam Phi, đa số các Nhân Chứng vẫn sống tại những nơi bị tách biệt vì chủng tộc, như vùng ngoại ô thịnh vượng, thị trấn người da đen hoặc những vùng mà người lai phải sống. Vì thế, để khuyến khích anh em “mở rộng lòng”, vào tháng 10 năm 2013, Hội đồng Lãnh đạo đã chấp thuận một sự sắp đặt đặc biệt để giúp anh em biết rõ về nhau hơn (2 Cô 6:13). Sự sắp đặt đó bao hàm điều gì?

5, 6. (a) Để củng cố sự hợp nhất trong vòng dân Đức Chúa Trời tại một nước, đã có sự sắp đặt nào? (Xem hình nơi đầu bài). (b) Kết quả là gì?

5 Có sự sắp đặt cho hai hội thánh khác ngôn ngữ hay chủng tộc kết hợp với nhau trong vài cuối tuần. Các anh chị trong cả hai hội thánh cùng tham gia thánh chức, tham dự nhóm họp và tiếp đãi nhau tại nhà. Hàng trăm hội thánh đã tham gia và văn phòng chi nhánh nhận được nhiều báo cáo tích cực về sự sắp đặt này, ngay cả từ người ngoài. Chẳng hạn, một chức sắc tôn giáo cảm động nói: “Tôi không phải là Nhân Chứng, nhưng tôi thấy công việc rao giảng của quý vị được tổ chức rất ấn tượng, và quý vị hợp nhất về chủng tộc”. Sự sắp đặt ấy tác động đến các Nhân Chứng như thế nào?

6 Lúc đầu, một chị nói tiếng Xhosa tên Noma do dự mời anh em da trắng trong hội thánh tiếng Anh đến căn nhà đơn sơ của mình. Nhưng sau khi cùng tham gia thánh chức với các Nhân Chứng da trắng và được họ tiếp đãi tại nhà, chị thốt lên: “Họ cũng là những người bình thường như chúng ta!”. Vì thế, khi đến phiên hội thánh tiếng Xhosa của chị tiếp đãi hội thánh tiếng Anh, chị chuẩn bị một bữa ăn và mời một số khách. Trong số khách mời có một trưởng lão da trắng. Chị Noma nói: “Tôi ấn tượng khi anh ấy sẵn sàng ngồi trên chiếc sọt nhựa gần sát đất”. Sự sắp đặt ấy vẫn còn cho đến nay, và giúp nhiều anh chị có thêm bạn mới cũng như quyết tâm tiếp tục mở rộng lòng để kết hợp với anh em.

“LÒNG TRẮC ẨN DỊU DÀNG, SỰ NHÂN TỪ”

7. Tại sao chúng ta cần tiếp tục thể hiện lòng trắc ẩn?

7 Khi thế gian của Sa-tan chưa chấm dứt, chúng ta vẫn tiếp tục gặp thử thách. Chúng ta phải đối mặt với nạn thất nghiệp, những căn bệnh trầm trọng, sự bắt bớ, thảm họa thiên nhiên, việc mất tài sản do tội ác hoặc những khó khăn khác. Để trợ giúp lẫn nhau trong lúc khốn khổ hoặc nghịch cảnh, chúng ta cần có lòng trắc ẩn chân thật. Lòng trắc ẩn dịu dàng sẽ thúc đẩy chúng ta hành động nhân từ (Ê-phê 4:32). Những khía cạnh này của nhân cách mới sẽ giúp chúng ta noi gương Đức Chúa Trời và trở thành nguồn an ủi cho người khác.—2 Cô 1:3, 4.

8. Việc chúng ta thể hiện lòng trắc ẩn và nhân từ với mọi người trong hội thánh có thể mang lại kết quả nào? Hãy nêu ví dụ.

8 Làm thế nào chúng ta có thể quan tâm nhiều hơn đến những anh chị nước ngoài hay anh chị có hoàn cảnh khó khăn trong hội thánh? Chúng ta cần làm bạn với những anh chị ấy và giúp họ thấy mình là một phần quý giá trong hội thánh (1 Cô 12:22, 25). Hãy xem điều xảy ra với anh Dannykarl khi anh chuyển từ Philippines đến Nhật Bản. Tại sở làm, anh không được đối xử tốt như nhân viên địa phương. Rồi anh tham dự nhóm họp của Nhân Chứng Giê-hô-va. Anh Dannykarl nói: “Hầu hết mọi người tham dự nhóm họp đều là người Nhật, nhưng họ nồng nhiệt chào đón tôi như thể quen biết tôi từ lâu”. Anh tiếp tục được đối xử nhân từ, và điều này giúp anh tiến bộ về thiêng liêng. Anh đã báp-têm và hiện nay làm trưởng lão. Các trưởng lão xem anh Dannykarl và vợ anh là chị Jennifer như ân phước đối với hội thánh. Các trưởng lão nói về họ: “Anh chị ấy làm tiên phong và sống rất đơn giản. Họ nêu gương tốt trong việc tìm kiếm Nước Trời trước hết”.—Lu 12:31.

9, 10. Hãy nêu ví dụ cho thấy việc tỏ lòng trắc ẩn trong thánh chức mang lại phần thưởng.

9 Khi chia sẻ thông điệp Kinh Thánh với người khác, chúng ta có cơ hội tốt để “làm điều lành cho mọi người” (Ga 6:10). Vì lòng trắc ẩn đối với người nhập cư, nhiều Nhân Chứng cố gắng học ngôn ngữ mới (1 Cô 9:23). Điều này mang lại ân phước dồi dào. Chẳng hạn, một chị tiên phong ở Úc tên Tiffany học tiếng Swahili để giúp hội thánh tiếng Swahili tại thành phố Brisbane. Dù học ngôn ngữ ấy rất khó nhưng đời sống của chị Tiffany có nhiều ân phước. Chị nói: “Nếu muốn có trải nghiệm lý thú trong thánh chức, thì việc phụng sự ở hội thánh tiếng nước ngoài sẽ thích hợp với anh chị. Điều này giống như đi du lịch mà không cần rời thành phố. Anh chị sẽ cảm nghiệm được tình anh em quốc tế và tận mắt thấy sự hợp nhất kỳ diệu”.

Điều gì thôi thúc tín đồ đạo Đấng Ki-tô giúp người nhập cư? (Xem đoạn 10)

10 Cũng hãy xem xét gương của một gia đình ở Nhật Bản. Chị Sakiko, con gái trong gia đình ấy, kể: “Vào thập niên 1990, chúng tôi thường gặp những người Brazil nhập cư khi đi thánh chức. Khi cho họ xem những câu trong cuốn Kinh Thánh tiếng Bồ Đào Nha của họ, như Khải huyền 21:3, 4 hoặc Thi thiên 37:10, 11, 29, họ chú ý và có khi còn rơi lệ”. Nhưng lòng trắc ẩn của gia đình ấy không dừng lại ở đó. Chị Sakiko nói: “Khi thấy họ đói khát về thiêng liêng, cả nhà tôi bắt đầu học tiếng Bồ Đào Nha”. Sau này, gia đình ấy đã giúp thành lập hội thánh tiếng Bồ Đào Nha. Trong nhiều năm, gia đình ấy đã giúp nhiều người nhập cư trở thành tôi tớ của Đức Giê-hô-va. Chị Sakiko nói thêm: “Học tiếng Bồ Đào Nha đòi hỏi nhiều công sức nhưng ân phước nhận được vượt xa nỗ lực mình bỏ ra. Chúng tôi cảm tạ Đức Giê-hô-va rất nhiều”.—Đọc Công vụ 10:34, 35.

‘MẶC LẤY SỰ KHIÊM NHƯỜNG’

11, 12. (a) Tại sao mặc lấy nhân cách mới với động cơ đúng đắn là điều quan trọng? (b) Điều gì giúp chúng ta giữ sự khiêm nhường?

11 Khi mặc lấy nhân cách mới, động cơ của chúng ta phải là tôn vinh Đức Giê-hô-va, chứ không phải để được con người ngợi khen. Hãy nhớ rằng ngay cả một thần linh hoàn hảo cũng phạm tội vì để cho mình trở nên kiêu ngạo. (So sánh Ê-xê-chi-ên 28:17). Con người tội lỗi càng khó tránh khỏi sự kiêu ngạo! Dù vậy, chúng ta vẫn có thể mặc lấy sự khiêm nhường. Điều gì giúp chúng ta làm thế?

12 Muốn giữ sự khiêm nhường, chúng ta cần dành thời gian mỗi ngày để suy ngẫm những điều mình đọc trong Lời Đức Chúa Trời (Phục 17:18-20). Đặc biệt, chúng ta nên suy ngẫm sự dạy dỗ của Chúa Giê-su và gương mẫu tuyệt vời của ngài về việc khiêm nhường phục vụ người khác (Mat 20:28). Chúa Giê-su thậm chí rửa chân cho các sứ đồ (Giăng 13:12-17). Chúng ta cũng cần thường xuyên cầu xin Đức Chúa Trời ban thần khí. Thần khí có thể giúp chúng ta chống lại bất cứ khuynh hướng nào khiến chúng ta xem mình cao hơn người khác.—Ga 6:3, 4; Phi-líp 2:3.

13. Khiêm nhường mang lại phần thưởng nào?

13 Đọc Châm ngôn 22:4. Tất cả những người thờ phượng Đức Chúa Trời đều phải khiêm nhường, và điều này mang lại phần thưởng lớn. Sự khiêm nhường sẽ giúp chúng ta đẩy mạnh sự bình an và hợp nhất trong hội thánh. Việc vun trồng và củng cố tính khiêm nhường cũng giúp chúng ta nhận được lòng nhân từ bao la của Đức Chúa Trời. Sứ đồ Phi-e-rơ nói: “Hết thảy anh em hãy mặc lấy sự khiêm nhường khi cư xử với nhau, vì Đức Chúa Trời chống lại kẻ cao ngạo nhưng tỏ lòng nhân từ bao la với người khiêm nhường”.—1 Phi 5:5.

‘MẶC LẤY SỰ MỀM MẠI VÀ KIÊN NHẪN’

14. Ai nêu gương xuất sắc nhất về việc thể hiện sự mềm mại và kiên nhẫn?

14 Trong thế giới ngày nay, những người mềm mại và kiên nhẫn thường bị xem là yếu đuối. Sự thật thì khác xa! Những đức tính tuyệt vời đó đến từ đấng có quyền năng nhất trong vũ trụ. Giê-hô-va Đức Chúa Trời nêu gương xuất sắc nhất về việc thể hiện sự mềm mại kiên nhẫn (2 Phi 3:9). Hãy xem cách ngài đáp lại qua các thiên sứ đại diện khi Áp-ra-ham và Lót thương lượng với ngài (Sáng 18:22-33; 19:18-21). Ngoài ra, trong hơn 1.500 năm, Đức Giê-hô-va đã chịu đựng dân Y-sơ-ra-ên ương ngạnh.—Ê-xê 33:11.

15. Chúa Giê-su nêu gương ra sao về việc thể hiện sự mềm mại và kiên nhẫn?

15 Chúa Giê-su là “người ôn hòa” (Mat 11:29). Ngài tỏ ra rất kiên nhẫn khi chịu đựng sự bất toàn của các môn đồ. Trong suốt thời gian làm thánh chức trên đất, Chúa Giê-su bị những nhà lãnh đạo tôn giáo chỉ trích một cách bất công. Dù vậy, ngài vẫn mềm mại và kiên nhẫn cho đến lúc bị xử tử một cách oan uổng. Trong cơn đau đớn cùng cực trên cây khổ hình, Chúa Giê-su cầu xin Cha tha thứ cho những người xử tử ngài, vì như ngài nói: “Họ không biết mình đang làm gì” (Lu 23:34). Thật là gương xuất sắc về sự mềm mại và kiên nhẫn trong tình huống căng thẳng và đau đớn!—Đọc 1 Phi-e-rơ 2:21-23.

16. Chúng ta có thể tỏ ra mềm mại và kiên nhẫn qua cách thực tế nào?

16 Chúng ta có thể tỏ ra mềm mại và kiên nhẫn qua cách nào? Phao-lô nói đến một cách khi ông viết cho anh em đồng đạo: “Hãy tiếp tục chịu đựng nhau và rộng lòng tha thứ nhau cho dù có lý do để phàn nàn về người khác. Đức Giê-hô-va đã rộng lòng tha thứ anh em thể nào, anh em cũng phải làm như vậy” (Cô 3:13). Thật thế, để tha thứ cho người khác, chúng ta phải có sự mềm mại và kiên nhẫn. Nhưng khi tha thứ, chúng ta đẩy mạnh và gìn giữ sự hợp nhất trong hội thánh.

17. Tại sao sự mềm mại và kiên nhẫn là quan trọng?

17 Mặc lấy sự mềm mại và kiên nhẫn không phải là chuyện tùy thích của một tín đồ, mà là đòi hỏi thiết yếu để được cứu rỗi (Mat 5:5; Gia 1:21). Quan trọng hơn, qua các đức tính ấy, chúng ta tôn vinh Đức Giê-hô-va và giúp người khác vâng theo lời khuyên của Kinh Thánh.—Ga 6:1; 2 Ti 2:24, 25.

“HÃY MẶC LẤY TÌNH YÊU THƯƠNG”

18. Tình yêu thương và tính không thiên vị liên hệ với nhau như thế nào?

18 Mọi đức tính chúng ta vừa xem xét liên quan chặt chẽ đến tình yêu thương. Chẳng hạn, môn đồ Gia-cơ phải khuyên anh em vì họ ưu ái người giàu hơn người nghèo. Ông cho thấy cách cư xử như thế vi phạm điều luật cao trọng: “Ngươi phải yêu người lân cận như chính mình”. Ông nói thêm: “Nếu cứ tỏ ra thiên vị thì anh em đang phạm tội” (Gia 2:8, 9). Ngược lại, tình yêu thương sẽ thúc đẩy chúng ta tránh có bất cứ thành kiến nào dựa trên học vấn, chủng tộc hay địa vị xã hội. Thật vậy, tính không thiên vị không chỉ thể hiện qua vẻ bề ngoài. Nó phải là một phần thật sự trong nhân cách của chúng ta.

19. Tại sao mặc lấy tình yêu thương là điều quan trọng?

19 Tình yêu thương cũng “kiên nhẫn và nhân từ” và “không lên mặt tự cao” (1 Cô 13:4). Để tiếp tục chia sẻ thông điệp Kinh Thánh cho người lân cận, chúng ta phải kiên nhẫn, nhân từ và khiêm nhường (Mat 28:19). Những đức tính ấy cũng giúp chúng ta dễ hòa thuận hơn với mọi anh em trong hội thánh. Việc thể hiện tình yêu thương như thế mang lại phần thưởng nào? Đó là giúp cho hội thánh hợp nhất, là điều tôn vinh Đức Giê-hô-va và tạo sự thu hút đối với những người chú ý. Thật thích hợp, lời miêu tả của Kinh Thánh về nhân cách mới kết thúc bằng sự thật mạnh mẽ này: “Bên cạnh những điều ấy, hãy mặc lấy tình yêu thương, vì đó là mối liên kết giúp hợp nhất trọn vẹn”.—Cô 3:14.

“TIẾP TỤC ĐỔI MỚI”

20. (a) Chúng ta nên tự hỏi điều gì, và tại sao? (b) Chúng ta trông mong thời kỳ nào?

20 Mỗi chúng ta nên tự hỏi: “Mình có thể làm gì thêm để lột bỏ và tránh xa nhân cách cũ?”. Chúng ta cần tha thiết cầu xin sự giúp đỡ của Đức Chúa Trời, và nỗ lực loại bỏ bất cứ thái độ hoặc thực hành nào cản trở mình thừa hưởng Nước Trời (Ga 5:19-21). Chúng ta cũng cần tự hỏi: “Mình có đang tiếp tục đổi mới tinh thần chi phối tâm trí mình không?” (Ê-phê 4:23, 24). Việc mặc và giữ nhân cách mới là tiến trình liên tục đối với mọi tín đồ, cho đến khi chúng ta có thể làm thế một cách trọn vẹn. Hãy hình dung đời sống sẽ tuyệt vời ra sao khi mọi người mà chúng ta biết đều mặc lấy nhân cách mới vào con người hoàn hảo!

^ đ. 3 Vào thời Kinh Thánh, người Sy-the bị xem là người thiếu văn minh.