Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Các cỗ xe và một vương miện bảo vệ anh chị

Các cỗ xe và một vương miện bảo vệ anh chị

“Sẽ xảy ra như thế, nếu anh em lắng nghe tiếng của Giê-hô-va Đức Chúa Trời anh em”.—XA 6:15.

BÀI HÁT: 17, 136

1, 2. Khi khải tượng thứ bảy của Xa-cha-ri kết thúc, tình hình của người Do Thái ở Giê-ru-sa-lem ra sao?

Khi khải tượng thứ bảy của Xa-cha-ri kết thúc, nhà tiên tri này có nhiều điều để nghĩ đến. Đức Giê-hô-va đã đảm bảo rằng ngài sẽ bắt những người bất lương phải chịu trách nhiệm về những việc làm gian ác của họ. Chắc chắn lời hứa này củng cố Xa-cha-ri. Nhưng thật ra tình hình không có gì thay đổi. Những thực hành gian ác và bất lương vẫn còn đó. Sự tái thiết đền thờ của Đức Giê-hô-va ở Giê-ru-sa-lem vẫn chưa đâu vào đâu. Làm sao người Do Thái lại từ bỏ nhiệm vụ mà Đức Chúa Trời giao cho một cách nhanh chóng đến vậy? Phải chăng họ trở về quê hương chỉ để mưu cầu lợi ích cá nhân?

2 Xa-cha-ri biết rằng những người Do Thái chuyển đến Giê-ru-sa-lem là những người nam và nữ có đức tin. Họ là những “người có lòng được Đức Chúa Trời thúc đẩy” để bỏ lại nhà cửa và công việc làm ăn (Ê-xơ-ra 1:2, 3, 5). Họ rời bỏ một xứ quen thuộc để chuyển đến nơi mà phần lớn trong số họ chưa từng thấy. Nếu việc tái thiết đền thờ của Đức Giê-hô-va không quan trọng, thì họ sẽ không thực hiện chuyến hành trình khoảng 1.600km đầy khó khăn qua một vùng đất khắc nghiệt.

3, 4. Người Do Thái trở về quê hương đối mặt với những trở ngại nào?

3 Chuyến hành trình hẳn diễn ra như thế nào? Trên đường đi, chắc chắn người Do Thái dành nhiều giờ để nghĩ về nơi ở mới của mình. Họ đã nghe thành Giê-ru-sa-lem từng đẹp đến mức nào. Những người lớn tuổi trong vòng họ đã thấy vẻ tráng lệ trước đây của đền thờ (Ê-xơ-ra 3:12). Nếu cùng đi với họ, anh chị sẽ có cảm xúc nào khi vừa nhìn thấy Giê-ru-sa-lem, ngôi nhà mới của mình? Anh chị sẽ buồn khi thấy những tòa nhà đổ nát với cỏ mọc um tùm không? Anh chị sẽ so sánh bức tường đôi sừng sững của Ba-by-lôn với bức tường đổ nát của Giê-ru-sa-lem, có những lỗ hổng lớn ở nơi mà trước đây là các cổng và tháp canh không? Nhưng dân chúng tỏ ra can đảm. Họ đã thấy bàn tay giải cứu của Đức Giê-hô-va trong suốt chuyến hành trình xa xôi về quê hương. Điều đầu tiên họ làm khi về đến nơi là lập bàn thờ ở chỗ mà trước đây đền thờ tọa lạc, và họ bắt đầu dâng các vật tế lễ cho Đức Giê-hô-va mỗi ngày (Ê-xơ-ra 3:1, 2). Với sự hứng khởi ban đầu, dường như không điều gì có thể làm họ sờn lòng.

4 Ngoài việc xây đền thờ, dân Y-sơ-ra-ên cũng xây lại các thành của họ. Họ phải xây lại nhà cửa, trồng trọt và nuôi nhiều miệng ăn (Ê-xơ-ra 2:70). Công việc trước mắt họ có vẻ choáng ngợp. Rồi sự chống đối xảy đến: mau và mạnh. Dù lúc đầu họ vững vàng, nhưng sự thù ghét của kẻ chống đối trong 15 năm khiến họ đuối sức (Ê-xơ-ra 4:1-4). Một đòn mạnh giáng trên họ vào năm 522 TCN, khi vua Ba Tư ra lệnh cấm việc xây cất ở Giê-ru-sa-lem. Tương lai của thành này có vẻ ảm đạm.—Ê-xơ-ra 4:21-24.

5. Đức Giê-hô-va giúp dân ngài như thế nào?

5 Đức Giê-hô-va biết dân ngài cần gì. Ngài cho Xa-cha-ri thấy khải tượng cuối cùng để đảm bảo với người Do Thái rằng ngài yêu thương họ, quý trọng mọi điều họ đã làm, và sẽ bảo vệ họ nếu họ trở lại với công việc của ngài. Liên quan đến việc xây lại đền thờ, Xa-cha-ri cho họ biết về lời hứa của Đức Giê-hô-va: “Sẽ xảy ra như thế, nếu anh em lắng nghe tiếng của Giê-hô-va Đức Chúa Trời anh em”.—Xa 6:15.

MỘT ĐỘI KỴ BINH THIÊN SỨ

6. (a) Khải tượng thứ tám của Xa-cha-ri bắt đầu như thế nào? (Xem hình nơi đầu bài). (b) Tại sao các con ngựa có màu khác nhau?

6 Trong tám khải tượng của Xa-cha-ri, khải tượng cuối cùng có lẽ củng cố đức tin của chúng ta nhiều nhất. (Đọc Xa-cha-ri 6:1-3). Hãy hình dung cảnh tượng: “Từ giữa hai ngọn núi... bằng đồng” có bốn cỗ xe tiến ra, hẳn là sẵn sàng để ra trận. Những con ngựa kéo các cỗ xe thì có màu khác nhau. Điều này giúp phân biệt những người điều khiển cỗ xe. Xa-cha-ri hỏi: “Những thứ đó là gì?” (Xa 6:4). Chúng ta cũng muốn biết, vì khải tượng này ảnh hưởng trực tiếp đến chúng ta.

Đức Giê-hô-va vẫn dùng các thiên sứ để bảo vệ và củng cố dân ngài

7, 8. (a) Hai ngọn núi tượng trưng cho điều gì? (b) Tại sao các ngọn núi này được làm bằng đồng?

7 Trong Kinh Thánh, núi có thể tượng trưng cho nước, hay chính phủ. Các ngọn núi trong lời tường thuật của Xa-cha-ri tương tự với hai ngọn núi được miêu tả trong lời tiên tri của Đa-ni-ên. Một ngọn núi tượng trưng cho sự cai trị hoàn vũ và đời đời của Đức Giê-hô-va. Ngọn núi kia tượng trưng cho Nước của Đấng Mê-si do Chúa Giê-su cai trị (Đa 2:35, 45). Từ khi Chúa Giê-su lên ngôi vào mùa thu năm 1914, cả hai ngọn núi đều hiện hữu và đóng một vai trò đặc biệt trong việc thực thi ý muốn của Đức Chúa Trời trên đất.

8 Tại sao các ngọn núi này được làm bằng đồng? Giống như vàng, đồng là kim loại có giá trị cao. Đức Giê-hô-va chỉ thị cho dân ngài dùng kim loại sáng bóng này để dựng lều thánh và về sau là xây đền thờ ở Giê-ru-sa-lem (Xuất 27:1-3; 1 Vua 7:13-16). Vì thế, hai ngọn núi được làm bằng đồng nhắc chúng ta nhớ đến chất lượng vượt trội của quyền cai trị hoàn vũ của Đức Giê-hô-va và Nước của Đấng Mê-si, là những điều sẽ mang lại sự yên ổn và ân phước cho toàn thể nhân loại.

9. Những người điều khiển các cỗ xe là ai, và họ có sứ mạng nào?

9 Giờ đây chúng ta hãy nói về các cỗ xe. Các cỗ xe và những người điều khiển tượng trưng cho điều gì? Những người điều khiển là thiên sứ, hẳn là các nhóm thiên sứ. (Đọc Xa-cha-ri 6:5-8). Sau khi “trình diện Chúa của cả trái đất”, họ đi để thi hành một sứ mạng đặc biệt. Sứ mạng nào? Họ được phái đi coi sóc những khu vực được chỉ định. Họ có trách nhiệm bảo vệ dân Đức Chúa Trời, đặc biệt là khỏi xứ ở “miền bắc”, tức Ba-by-lôn. Qua đó, Đức Giê-hô-va đảm bảo rằng Ba-by-lôn sẽ không đô hộ dân ngài lần nữa. Hẳn điều này an ủi những người xây đền thờ vào thời Xa-cha-ri biết bao! Họ không phải lo lắng rằng kẻ thù sẽ cản trở họ.

10. Qua lời tiên tri của Xa-cha-ri về các cỗ xe và những người điều khiển, dân Đức Chúa Trời ngày nay được đảm bảo điều gì?

10 Như trong thời Xa-cha-ri, ngày nay Đức Giê-hô-va vạn quân vẫn dùng các thiên sứ để bảo vệ và củng cố dân ngài (Mal 3:6; Hê 1:7, 14). Vào năm 1919, dân Y-sơ-ra-ên thiêng liêng được giải thoát khỏi sự giam cầm theo nghĩa bóng của Ba-by-lôn Lớn. Kể từ đó, ngay cả sự chống đối gay gắt cũng không thể cản sự thờ phượng thật lan rộng (Khải 18:4). Vì được các thiên sứ bảo vệ, chúng ta không cần lo sợ rằng tổ chức của Đức Giê-hô-va có thể bị áp bức về thiêng liêng lần nữa (Thi 34:7). Thay vì thế, chúng ta tin chắc rằng tôi tớ của Đức Chúa Trời trên toàn cầu sẽ tiếp tục vững mạnh về thiêng liêng. Khi suy ngẫm về khải tượng của Xa-cha-ri, chúng ta tin chắc rằng mình được an toàn dưới bóng của hai ngọn núi.

11. Trong tương lai gần đây, khi dân Đức Chúa Trời bị tấn công, tại sao chúng ta không cần phải sợ?

11 Không lâu nữa, các thế lực chính trị của thế gian Sa-tan sẽ hợp thành một liên minh nhất quyết tiêu diệt dân Đức Chúa Trời (Ê-xê 38:2, 10-12; Đa 11:40, 44, 45; Khải 19:19). Lời tiên tri của Ê-xê-chi-ên miêu tả những thế lực ấy như đám mây bao phủ xứ, cưỡi ngựa tiến đến đánh chúng ta trong cơn giận dữ (Ê-xê 38:15, 16). * Chúng ta có cần phải sợ không? Không! Bên chúng ta có một đội kỵ binh. Vào thời điểm cam go ấy trong hoạn nạn lớn, các thiên binh của Đức Giê-hô-va vạn quân sẽ hợp lại để bảo vệ dân Đức Chúa Trời và hủy diệt những kẻ chống lại quyền cai trị tối thượng của ngài (2 Tê 1:7, 8). Thật là một ngày trọng đại! Nhưng ai sẽ chỉ huy đội quân trên trời của Đức Giê-hô-va?

ĐỨC GIÊ-HÔ-VA ĐỘI VƯƠNG MIỆN CHO VUA KIÊM THẦY TẾ LỄ

12, 13. (a) Giờ đây Xa-cha-ri được lệnh làm gì? (b) Làm thế nào chúng ta biết người có danh là Chồi tượng trưng cho Chúa Giê-su Ki-tô?

12 Có tám khải tượng mà chỉ mình Xa-cha-ri thấy. Giờ đây, ông làm một việc mang tính tiên tri để khích lệ những người xây lại đền thờ của Đức Chúa Trời. (Đọc Xa-cha-ri 6:9-12). Xa-cha-ri được lệnh gom những khoản đóng góp là bạc và vàng từ Hiên-đai, Tô-bi-gia và Giê-đa-gia, là ba người mới trở về từ Ba-by-lôn, để làm một “vương miện lộng lẫy” (Xa 6:11, chú thích). Phải chăng Xa-cha-ri được lệnh đội vương miện lên đầu tổng đốc Xô-rô-ba-bên thuộc chi phái Giu-đa và là hậu duệ của Đa-vít? Không. Những người chứng kiến hẳn tò mò khi thấy ông đội vương miện cho Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm Giô-suê.

13 Việc đội vương miện cho thầy tế lễ thượng phẩm Giô-suê có khiến ông trở thành vua không? Không, Giô-suê không ra từ dòng dõi hoàng tộc của Đa-vít, nên ông không hội đủ điều kiện làm vua. Đội vương miện cho Giô-suê là một việc mang tính tiên tri, báo trước về một vua kiêm thầy tế lễ đời đời. Thầy tế lễ thượng phẩm được phong vua có danh là Chồi. Kinh Thánh cho biết rõ rằng Chồi là Chúa Giê-su Ki-tô.—Ê-sai 11:1; Mat 2:23, chú thích.

14. Với tư cách là Vua kiêm Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm, Chúa Giê-su làm gì?

14 Với tư cách là Vua kiêm Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm, Chúa Giê-su là đấng chỉ huy đạo quân trên trời của Đức Giê-hô-va. Chúa Giê-su làm việc tận tụy để dân Đức Chúa Trời nói chung được an ổn dù sống giữa thế gian đầy sự thù nghịch này (Giê 23:5, 6). Trong tương lai gần đây, Đấng Ki-tô sẽ dẫn đầu cuộc chinh phục các nước để ủng hộ quyền cai trị tối thượng của Đức Giê-hô-va và bảo vệ dân ngài (Khải 17:12-14; 19:11, 14, 15). Tuy nhiên, trước khi thi hành sự phán xét, Chồi, tức Chúa Giê-su, có một công việc lớn để thực hiện.

NGÀI SẼ XÂY ĐỀN THỜ

15, 16. (a) Thời nay, công việc khôi phục và tinh luyện nào đã và đang được thực hiện? Ai thực hiện việc đó? (b) Đến cuối Triều Đại Một Ngàn Năm sẽ có tình trạng nào trên đất?

15 Không những được bổ nhiệm làm Vua kiêm Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm, Chúa Giê-su còn được giao nhiệm vụ “xây đền thờ Đức Giê-hô-va”. (Đọc Xa-cha-ri 6:13). Thời nay, công việc xây cất của Chúa Giê-su bao gồm việc giải phóng những người thờ phượng thật khỏi Ba-by-lôn Lớn và khôi phục hội thánh đạo Đấng Ki-tô vào năm 1919. Ngài cũng bổ nhiệm “đầy tớ trung tín và khôn ngoan” để điều hành công việc trong sân trên đất của đền thờ thiêng liêng vĩ đại (Mat 24:45). Ngoài ra, Chúa Giê-su bận rộn tinh luyện dân Đức Chúa Trời và giúp họ dâng cho Đức Chúa Trời sự thờ phượng thanh sạch.—Mal 3:1-3.

16 Trong Triều Đại Một Ngàn Năm, Chúa Giê-su và 144.000 vua kiêm thầy tế lễ đồng cai trị với ngài sẽ giúp những người trung thành đạt đến sự hoàn hảo. Khi việc này hoàn tất, chỉ có những người thờ phượng thật của Đức Chúa Trời sẽ còn lại trên trái đất đã được tẩy sạch. Cuối cùng sự thờ phượng thật sẽ hoàn toàn được khôi phục!

HÃY THAM GIA CÔNG VIỆC XÂY CẤT

17. Đức Giê-hô-va cho dân Do Thái lời đảm bảo nào kế tiếp, và thông điệp của ngài tác động đến họ ra sao?

17 Tuy nhiên, thông điệp của Xa-cha-ri ảnh hưởng đến dân Do Thái vào thời ông như thế nào? Đức Giê-hô-va đảm bảo rằng công việc của họ sẽ ổn định và được bảo vệ. Lời đảm bảo của ngài về việc đền thờ sẽ được xây hẳn cho họ niềm hy vọng. Nhưng có ít người thì làm sao thực hiện được nhiều việc như vậy? Những lời tiếp theo của Xa-cha-ri xua tan bất cứ lo sợ hay hồ nghi nào mà họ có. Ngoài sự hỗ trợ của những người trung thành như Hiên-đai, Tô-bi-gia và Giê-đa-gia, Đức Chúa Trời cho biết nhiều người khác sẽ “tham gia xây dựng đền thờ Đức Giê-hô-va”. (Đọc Xa-cha-ri 6:15). Nhờ tin cậy nơi sự trợ giúp của Đức Chúa Trời, dân Do Thái nhanh chóng bắt tay vào việc, tiếp tục xây cất bất kể sự cấm đoán. Không lâu sau đó, Đức Giê-hô-va loại bỏ trở ngại lớn như núi, tức sự cấm đoán chính thức, và đền thờ được hoàn tất vào năm 515 TCN (Ê-xơ-ra 6:22; Xa 4:6, 7). Tuy nhiên, những lời ấy của Đức Giê-hô-va còn nói đến những điều lớn lao hơn sẽ xảy ra vào thời chúng ta.

Đức Giê-hô-va sẽ không bao giờ quên tình yêu thương chúng ta thể hiện với ngài! (Xem đoạn 18, 19)

18. Xa-cha-ri 6:15 được ứng nghiệm như thế nào vào thời chúng ta?

18 Ngày nay, hàng triệu người tham gia sự thờ phượng thật, và lòng họ thúc đẩy họ đóng góp “những điều quý báu”, bao gồm thời gian, năng lực và của cải để ủng hộ đền thờ thiêng liêng vĩ đại của Đức Giê-hô-va (Châm 3:9). Làm thế nào chúng ta biết chắc là ngài quý trọng việc trung thành ủng hộ của chúng ta? Hãy nhớ rằng Hiên-đai, Tô-bi-gia và Giê-đa-gia mang vật liệu đến cho Xa-cha-ri làm vương miện. Sau đó, chiếc vương miện được dùng làm vật “kỷ niệm”, hay điều nhắc nhở về sự đóng góp của họ cho sự thờ phượng thật (Xa 6:14). Tương tự, Đức Giê-hô-va sẽ không bao giờ quên công việc và tình yêu thương chúng ta thể hiện với ngài (Hê 6:10). Những điều đó sẽ còn mãi vì được lưu trong trí nhớ của Đức Giê-hô-va.

19. Các khải tượng của Xa-cha-ri nên có tác động nào trên chúng ta?

19 Trong những ngày sau cùng này, mọi điều được thực hiện cho sự thờ phượng thật là bằng chứng rõ ràng về sự ban phước của Đức Giê-hô-va và sự lãnh đạo của Đấng Ki-tô. Chúng ta thuộc về một tổ chức ổn định, an toàn và vĩnh cửu. Ý định của Đức Giê-hô-va về sự thờ phượng thật “sẽ xảy ra”. Hãy quý trọng vị trí của mình trong vòng dân Đức Giê-hô-va và “lắng nghe tiếng của Giê-hô-va Đức Chúa Trời anh em”. Nhờ thế, anh chị có thể tiếp tục được bảo vệ bởi Vua kiêm Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm và những người điều khiển các cỗ xe trên trời. Hãy làm mọi điều có thể để ủng hộ sự thờ phượng thật. Khi làm thế, anh chị có thể tin chắc rằng Đức Giê-hô-va vạn quân sẽ giữ cho anh chị được an toàn trong thời gian còn lại của thế gian này và cho đến mãi mãi!

^ đ. 11 Để biết thêm thông tin, xin xem “Độc giả thắc mắc” trong Tháp Canh ngày 15-5-2015, trg 29, 30.