Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Thầm lặng làm chứng cho lời tiên tri xác thực

Thầm lặng làm chứng cho lời tiên tri xác thực

ĐỨNG SỪNG SỮNG TẠI TRUNG TÂM CỦA THÀNH PHỐ ROME, Ý, LÀ MỘT KHẢI HOÀN MÔN THU HÚT KHÁCH DU LỊCH TRÊN KHẮP THẾ GIỚI. KHẢI HOÀN MÔN NÀY VINH DANH MỘT HOÀNG ĐẾ NỔI TIẾNG CỦA LA MÃ, HOÀNG ĐẾ TITUS.

Khải Hoàn Môn Titus có hai bức phù điêu lớn miêu tả một sự kiện lịch sử nổi tiếng. Nhưng dường như nhiều người không biết rằng có mối liên kết thú vị giữa khải hoàn môn này và Kinh Thánh: Khải Hoàn Môn Titus đã thầm lặng làm chứng cho một lời tiên tri xác thực và rất đáng lưu ý trong Kinh Thánh.

THÀNH BỊ KẾT ÁN

Đầu thế kỷ thứ nhất, đế quốc La Mã trải dài từ Anh Quốc và Gaul (nay là Pháp) đến Ai Cập. Cả vùng này chưa bao giờ giàu có và bền vững đến thế. Tuy nhiên, có một tỉnh ở xa là “cái gai” trong mắt La Mã: tỉnh Giu-đê cứng đầu.

Bách khoa từ điển Encyclopedia of Ancient Rome cho biết: “Ít có vùng nào dưới quyền kiểm soát của La Mã ở trong tình trạng căng thẳng như Giu-đê, hai bên đều căm ghét nhau. Bên Do Thái phẫn nộ vì những người cai trị ngoại quốc này không màng đến truyền thống của họ, còn bên La Mã không chịu được sự ngang bướng của dân Do Thái”. Nhiều người Do Thái trông chờ một nhà lãnh đạo chính trị sẽ giải phóng họ và khôi phục kỷ nguyên hoàng kim cho Y-sơ-ra-ên. Nhưng vào năm 33 công nguyên (CN), Chúa Giê-su cho biết Giê-ru-sa-lem thuộc Giu-đê sắp đối đầu với một thảm họa.

Chúa Giê-su nói: “Sẽ có ngày quân thù dùng cọc nhọn dựng hàng rào xung quanh ngươi và vây hãm ngươi tứ phía. Chúng sẽ san bằng ngươi, tiêu diệt con cái ở trong ngươi, không để cho ngươi còn khối đá này nằm trên khối đá kia”.Lu-ca 19:43, 44.

Lời của Chúa Giê-su hẳn đã khiến các môn đồ bối rối. Hai ngày sau, khi nhìn đền thờ Giê-ru-sa-lem, một môn đồ thốt lên: “Thầy xem! Những khối đá và công trình này thật tuyệt vời!”. Có tài liệu cho biết một số tảng đá dựng đền thờ dài đến hơn 11m, rộng 5m và cao 3m! Dù vậy, Chúa Giê-su đáp: “Những gì anh em đang nhìn thấy đó, sẽ có ngày không còn khối đá này nằm trên khối đá kia mà không bị phá đổ”.Mác 13:1; Lu-ca 21:6.

Chúa Giê-su dặn dò họ thêm: “Khi anh em thấy quân lính bao vây thành Giê-ru-sa-lem, hãy biết rằng nó sắp bị tàn phá. Bấy giờ, ai ở trong xứ Giu-đê hãy chạy trốn lên núi, ai ở trong thành hãy rời khỏi đó, và ai ở vùng nông thôn thì đừng vào thành” (Lu-ca 21:20, 21). Lời ngài nói có thành hiện thực không?

THÀNH BỊ HỦY DIỆT

Ba mươi ba năm trôi qua, tỉnh Giu-đê vẫn phẫn nộ khi ở dưới ách đô hộ của La Mã. Đến năm 66 CN, vị quan La Mã là Gessius Florus đã chiếm đoạt tiền của ngân khố đền thờ, và điều này trở thành giọt nước làm tràn ly. Chẳng mấy chốc, những người Do Thái giận dữ đã nổi dậy tràn vào Giê-ru-sa-lem, tàn sát các lính La Mã và tuyên bố độc lập khỏi La Mã.

Khoảng ba tháng sau, tướng Cestius Gallus đã dẫn đầu hơn 30.000 lính La Mã tiến đến Giê-ru-sa-lem để trấn áp cuộc nổi dậy. Lính La Mã nhanh chóng xông vào thành và bắt đầu phá đổ tường ngoài của khu vực đền thờ. Nhưng không rõ lý do gì mà bỗng nhiên họ rút lui. Những người Do Thái nổi loạn rất mừng rỡ và liền đuổi theo. Khi hai phe đã rời thành phố, các tín đồ đạo Đấng Ki-tô làm theo lời cảnh báo của Chúa Giê-su là chạy khỏi Giê-ru-sa-lem để lên núi bên kia sông Giô-đanh.—Ma-thi-ơ 24:15, 16.

Năm sau, La Mã tiến đánh Giu-đê một lần nữa, dẫn đầu là tướng Vespasian và con trai ông là Titus. Tuy nhiên, không lâu sau khi hoàng đế Nero chết vào năm 68 CN, Vespasian trở về Rome để lên ngôi. Ông để chiến dịch Giu-đê lại cho Titus, với một đạo quân khoảng 60.000 lính.

Vào tháng 6 năm 70 CN, Titus ra lệnh chặt cây ở vùng nông thôn Giu-đê để dựng hàng rào cọc nhọn dài 7km bao quanh Giê-ru-sa-lem. Đến tháng 9, quân La Mã tràn vào cướp bóc và đốt cháy thành cùng đền thờ, tàn phá đến nỗi không còn khối đá này nằm trên khối đá kia, như lời Chúa Giê-su báo trước (Lu-ca 19:43, 44). Theo một ước tính, “khoảng 250.000 đến 500.000 người chết ở Giê-ru-sa-lem và trên cả nước”.

CHIẾN THẮNG VẺ VANG

Năm 71 CN, Titus trở về Ý và được người dân ở Rome chào đón nồng nhiệt. Cả thủ đô đều tham dự cuộc diễu hành chiến thắng lớn chưa từng thấy.

Dân chúng trầm trồ khi chứng kiến cuộc diễu hành xa hoa và hoành tráng trên các con đường ở Rome. Họ thích thú ngắm nhìn chiến lợi phẩm từ đền thờ Giê-ru-sa-lem, các con thuyền chiếm được và những cỗ xe diễu hành khổng lồ miêu tả cảnh chiến đấu.

Titus nối ngôi Vespasian vào năm 79 CN. Nhưng chỉ hai năm sau, ông đột ngột qua đời. Em trai của Titus là Domitian lên ngôi và cho dựng một khải hoàn môn để vinh danh Titus.

KHẢI HOÀN MÔN NGÀY NAY

Khải Hoàn Môn Titus ở Rome ngày nay

Ngày nay, Khải Hoàn Môn Titus thu hút hàng trăm ngàn người đến Quảng trường La Mã mỗi năm. Một số người xem khải hoàn môn này là tuyệt tác, số khác thì nghĩ đó là tượng đài tôn vinh quyền lực của đế quốc La Mã, và cũng có người xem đó là văn bia cho sự sụp đổ của Giê-ru-sa-lem và đền thờ.

Tuy nhiên, những người nghiên cứu Kinh Thánh thì xem Khải Hoàn Môn Titus có ý nghĩa quan trọng hơn. Nó đã thầm lặng làm chứng cho tính xác thực và đáng tin cậy của các lời tiên tri trong Kinh Thánh, chứng tỏ những lời tiên tri này đến từ Đức Chúa Trời.—2 Phi-e-rơ 1:19-21.