Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Anh chị có biết Đức Giê-hô-va như Nô-ê, Đa-ni-ên và Gióp không?

Anh chị có biết Đức Giê-hô-va như Nô-ê, Đa-ni-ên và Gióp không?

“Kẻ dữ không hiểu được công lý, người tìm kiếm Đức Giê-hô-va hiểu được mọi sự”.—CHÂM 28:5.

BÀI HÁT: 126, 150

1-3. (a) Điều gì giúp chúng ta giữ lòng trung tín với Đức Chúa Trời trong những ngày sau cùng này? (b) Bài này sẽ xem xét điều gì?

Càng gần đến thời điểm thế gian này kết thúc, người ác càng “mọc như cỏ dại” (Thi 92:7). Vì thế, không ngạc nhiên gì, nhiều người chối bỏ các tiêu chuẩn đạo đức. Trong môi trường này, làm thế nào chúng ta có thể ‘trở nên như con trẻ về sự xấu xa’ và ‘trở nên như người trưởng thành về sự hiểu biết’?—1 Cô 14:20.

2 Lời giải đáp được tìm thấy nơi câu Kinh Thánh chủ đề của bài, trong đó nói: “Người tìm kiếm Đức Giê-hô-va hiểu được mọi sự”, tức mọi điều cần thiết để làm vui lòng ngài (Châm 28:5). Ý tưởng tương tự được nói đến nơi Châm ngôn 2:7, 9. Những câu đó cho biết Đức Giê-hô-va “dành sẵn sự khôn ngoan thiết thực cho người ngay thẳng”. Nhờ thế, họ có thể “hiểu được điều công chính, đúng đắn và công bằng, hiểu trọn đường lối của điều tốt lành”.

3 Nô-ê, Đa-ni-ên và Gióp có sự khôn ngoan đó (Ê-xê 14:14). Dân Đức Chúa Trời ngày nay cũng thế. Còn anh chị thì sao? Anh chị có “hiểu được mọi sự” cần thiết để làm vui lòng Đức Giê-hô-va không? Bí quyết là có sự hiểu biết chính xác về ngài. Với ý tưởng đó, hãy xem xét (1) Nô-ê, Đa-ni-ên và Gióp biết Đức Chúa Trời qua cách nào, (2) sự hiểu biết ấy mang lại lợi ích cho họ ra sao và (3) làm thế nào để vun đắp đức tin như họ.

NÔ-Ê ĐỒNG ĐI VỚI ĐỨC CHÚA TRỜI TRONG THẾ GIAN GIAN ÁC

4. Nô-ê biết Đức Giê-hô-va qua cách nào, và sự hiểu biết chính xác giúp ông ra sao?

4 Nô-ê biết Đức Giê-hô-va qua cách nào? Từ thời kỳ đầu lịch sử nhân loại, những người nam và người nữ có đức tin đã học về Đức Chúa Trời qua ba cách chính yếu: quan sát công trình sáng tạo, học từ những người kính sợ ngài và cảm nghiệm những ân phước khi sống phù hợp với các tiêu chuẩn và nguyên tắc công chính của ngài (Ê-sai 48:18). Khi quan sát công trình sáng tạo, hẳn Nô-ê thấy vô số bằng chứng về sự hiện hữu của Đức Chúa Trời cũng như nhiều đặc tính của ngài, chẳng hạn như “quyền năng muôn đời và cương vị Chúa Trời” (Rô 1:20). Nhờ thế, Nô-ê không chỉ tin có Đức Chúa Trời mà còn có đức tin mạnh mẽ nơi ngài.

5. Bằng cách nào Nô-ê biết về ý định của Đức Chúa Trời dành cho nhân loại?

5 Đức tin “có được qua điều đã nghe” (Rô 10:17). Nô-ê nghe về Đức Giê-hô-va qua cách nào? Hẳn ông học về ngài từ người thân, trong đó có cha của ông là Lê-méc, người có đức tin và sống cùng thời với A-đam trong một thời gian. (Xem hình nơi đầu bài). Ngoài ra, cũng có ông nội của ông là Mê-tu-sê-la và ông của ông nội là Gia-rết, người sống cùng thời với Nô-ê trong 366 năm * (Lu 3:36, 37). Có lẽ qua những người này và vợ họ, Nô-ê học về sự khởi đầu của nhân loại, ý định của Đức Chúa Trời là làm cho trái đất có đầy những người công chính, và sự phản nghịch trong vườn Ê-đen, là điều gây ra hậu quả mà ông tận mắt thấy (Sáng 1:28; 3:16-19, 24). Dù qua cách nào, những gì Nô-ê học được đã động đến lòng ông, thúc đẩy ông phụng sự Đức Chúa Trời.—Sáng 6:9.

6, 7. Những hy vọng nào củng cố đức tin của Nô-ê?

6 Đức tin được củng cố nhờ hy vọng. Hãy hình dung Nô-ê cảm thấy thế nào khi biết tên của mình chứa đựng hy vọng, vì tên ông rất có thể nghĩa là “sự nghỉ ngơi; niềm an ủi” (Sáng 5:29, chú thích). Lê-méc được soi dẫn để nói: “Đứa con này [Nô-ê] sẽ mang lại niềm an ủi khi... tay [chúng ta] làm lụng nhọc nhằn vì đất bị Đức Giê-hô-va rủa sả”. Nô-ê đã đặt hy vọng nơi Đức Chúa Trời. Như A-bên và Hê-nóc, ông tin là “dòng dõi” sẽ đến để giày đạp đầu con rắn.—Sáng 3:15.

7 Dù có thể Nô-ê không hiểu mọi chi tiết của lời tiên tri nơi Sáng thế 3:15, nhưng hẳn ông thấy những lời đó chứa đựng hy vọng về sự giải cứu. Hơn nữa, lời hứa ấy trong vườn Ê-đen phù hợp với thông điệp Hê-nóc công bố là Đức Chúa Trời sẽ thi hành sự phán xét trên người ác (Giu 14, 15). Thông điệp của Hê-nóc chắc chắn đã củng cố đức tin và niềm hy vọng của Nô-ê, và sẽ được ứng nghiệm lần cuối tại Ha-ma-ghê-đôn.

8. Sự hiểu biết chính xác về Đức Chúa Trời bảo vệ Nô-ê như thế nào?

8 Sự hiểu biết chính xác về Đức Chúa Trời mang lại lợi ích cho Nô-ê ra sao? Sự hiểu biết chính xác giúp Nô-ê có đức tin và sự khôn ngoan theo ý Đức Chúa Trời, là điều bảo vệ ông khỏi những mối nguy hại, đặc biệt về thiêng liêng. Chẳng hạn, vì “đồng đi với Đức Chúa Trời thật”, Nô-ê không đồng đi, hay kết hợp, với người không tin kính. Ông không bị lừa gạt bởi các quỷ mặc hình người. Hẳn chúng đã dùng khả năng siêu nhiên để gây ấn tượng với những người nhẹ dạ và không có đức tin, thậm chí có thể khiến họ thờ phượng chúng (Sáng 6:1-4, 9). Ngoài ra, Nô-ê biết loài người được phán bảo là sinh con cái, làm cho đầy cả đất (Sáng 1:27, 28). Vì thế, hẳn ông biết mối quan hệ tình dục giữa các tạo vật thần linh và phụ nữ trên đất là sai và trái tự nhiên. Điều này được thấy rõ khi mối quan hệ của họ sinh ra những người con bất thường. Với thời gian, Đức Chúa Trời báo trước với Nô-ê là ngài sẽ giáng trận nước lụt trên đất. Vì tin lời cảnh báo đó nên Nô-ê đã đóng tàu, nhờ thế cứu được người nhà mình.—Hê 11:7.

9, 10. Làm sao để noi theo đức tin của Nô-ê?

9 Làm thế nào để vun trồng đức tin như Nô-ê? Bí quyết là siêng năng học Lời Đức Chúa Trời, khắc ghi điều mình học và để sự hiểu biết đó uốn nắn cũng như hướng dẫn mình (1 Phi 1:13-15). Rồi đức tin và sự khôn ngoan theo ý Đức Chúa Trời sẽ bảo vệ chúng ta khỏi mưu kế xảo quyệt của Sa-tan và tinh thần xấu xa của thế gian (2 Cô 2:11). Tinh thần đó thúc đẩy người ta yêu thích sự hung bạo và vô luân, cũng như tập trung vào ham muốn xác thịt (1 Giăng 2:15, 16). Tinh thần đó còn có thể làm những người yếu về thiêng liêng lờ đi bằng chứng cho thấy ngày lớn của Đức Chúa Trời sắp đến. Hãy lưu ý rằng khi Chúa Giê-su so sánh thời chúng ta với thời Nô-ê, ngài không tập trung vào sự hung bạo hay vô luân nhưng tập trung vào mối nguy hiểm của sự thờ ơ về thiêng liêng.—Đọc Ma-thi-ơ 24:36-39.

10 Hãy tự hỏi: “Lối sống của mình có cho thấy mình thật sự biết Đức Giê-hô-va không? Đức tin có thúc đẩy mình sống phù hợp với các tiêu chuẩn công chính của ngài và nói cho người khác biết những tiêu chuẩn ấy không?”. Mong sao câu trả lời của anh chị cho thấy anh chị cũng “đồng đi với Đức Chúa Trời thật”.

ĐA-NI-ÊN THỂ HIỆN SỰ KHÔN NGOAN KHI Ở NƯỚC BA-BY-LÔN NGOẠI GIÁO

11. (a) Sự tin kính của Đa-ni-ên khi còn trẻ cho biết gì về sự dạy dỗ của cha mẹ ông? (b) Anh chị muốn noi theo những đức tính nào của Đa-ni-ên?

11 Đa-ni-ên biết Đức Giê-hô-va qua cách nào? Hẳn Đa-ni-ên được cha mẹ dạy dỗ cẩn thận, họ dạy ông yêu mến Đức Giê-hô-va và Lời ngài. Lòng yêu mến ấy đã theo ông suốt cuộc đời. Ngay cả khi lớn tuổi, ông vẫn nghiên cứu Lời Đức Chúa Trời (Đa 9:1, 2). Sự hiểu biết sâu sắc của Đa-ni-ên về Đức Chúa Trời, kể cả cách ngài đối xử với dân Y-sơ-ra-ên, được phản ánh qua lời cầu nguyện chân thành và khiêm nhường của ông nơi Đa-ni-ên 9:3-19. Hãy đọc và suy ngẫm lời cầu nguyện ấy và tự hỏi: “Lời cầu nguyện này dạy mình điều gì về Đa-ni-ên?”.

12-14. (a) Đa-ni-ên thể hiện sự khôn ngoan theo ý Đức Chúa Trời qua những cách nào? (b) Lòng trung thành và sự can đảm của Đa-ni-ên được Đức Giê-hô-va ban phước ra sao?

12 Sự hiểu biết chính xác về Đức Chúa Trời mang lại lợi ích cho Đa-ni-ên ra sao? Khi sống ở nước Ba-by-lôn ngoại giáo, người Do Thái trung tín gặp khó khăn trong việc phụng sự Đức Chúa Trời. Chẳng hạn, Đức Giê-hô-va bảo họ: “Hãy mưu cầu bình an cho thành mà ta đã đày các con đến” (Giê 29:7). Đồng thời họ phải dành cho ngài lòng sùng kính chuyên độc (Xuất 34:14). Điều gì giúp Đa-ni-ên thăng bằng giữa hai đòi hỏi ấy? Sự khôn ngoan theo ý Đức Chúa Trời giúp ông hiểu nguyên tắc về sự vâng phục tương đối dành cho các bậc cầm quyền. Nhiều thế kỷ sau, Chúa Giê-su cũng dạy nguyên tắc ấy.—Lu 20:25.

13 Hãy xem điều Đa-ni-ên đã làm khi có sắc lệnh cấm cầu nguyện với bất kỳ thần hay người nào ngoài vua trong vòng 30 ngày. (Đọc Đa-ni-ên 6:7-10). Đa-ni-ên có thể lý luận: “Chỉ 30 ngày thì chắc cũng không sao”. Nhưng ông không làm thế, ông nhất quyết không đặt luật pháp của con người lên trên sự thờ phượng Đức Chúa Trời. Dĩ nhiên, ông có thể cầu nguyện cách kín đáo để không ai thấy. Nhưng ông biết nhiều người thấy ông cầu nguyện mỗi ngày. Vì thế, dù tính mạng có thể bị đe dọa, Đa-ni-ên quyết định không hành động khiến người ta nghĩ rằng ông thỏa hiệp trong sự thờ phượng.

14 Đức Giê-hô-va ban phước cho quyết định can đảm và dựa trên lương tâm của Đa-ni-ên bằng cách thực hiện phép lạ để giải cứu ông khỏi cái chết đau đớn. Nhờ thế, người ta trên khắp đế quốc Mê-đi Ba Tư biết về Đức Giê-hô-va!—Đa 6:25-27.

15. Làm thế nào để vun trồng đức tin như Đa-ni-ên?

15 Làm thế nào để vun trồng đức tin như Đa-ni-ên? Bí quyết để có đức tin mạnh mẽ không chỉ là đọc Lời Đức Chúa Trời mà còn hiểu điều mình đọc (Mat 13:23). Chúng ta muốn biết quan điểm của Đức Giê-hô-va về vấn đề nào đó, điều này bao hàm việc hiểu các nguyên tắc Kinh Thánh. Vì thế, chúng ta cần suy ngẫm những gì mình đọc. Điều quan trọng khác là thường xuyên cầu nguyện một cách chân thành, nhất là khi gặp thử thách. Khi chúng ta cầu nguyện với đức tin để xin Đức Giê-hô-va ban sự khôn ngoan và sức mạnh, ngài sẽ rộng rãi ban cho.—Gia 1:5.

GIÓP ÁP DỤNG NGUYÊN TẮC CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI KHI THUẬN LỢI CŨNG NHƯ KHÓ KHĂN

16, 17. Làm thế nào Gióp có sự hiểu biết chính xác về Đức Chúa Trời?

16 Gióp biết Đức Giê-hô-va qua cách nào? Gióp không phải là người Y-sơ-ra-ên. Tuy nhiên, ông là bà con xa của Áp-ra-ham, Y-sác và Gia-cốp, và Đức Giê-hô-va đã tiết lộ cho họ biết nhiều sự thật về ngài cũng như ý định của ngài dành cho nhân loại. Qua cách nào đó, Gióp đã học được một số trong những sự thật ấy (Gióp 23:12). Ông nói: “Tai con có nghe về ngài” (Gióp 42:5). Ngoài ra, chính Đức Giê-hô-va nói rằng Gióp nói sự thật về ngài.—Gióp 42:7, 8.

Đức tin của chúng ta được củng cố khi thấy những đặc tính của Đức Chúa Trời qua công trình sáng tạo (Xem đoạn 17)

17 Gióp cũng thấy nhiều đặc tính của Đức Chúa Trời qua công trình sáng tạo (Gióp 12:7-9, 13). Sau này Ê-li-hu và Đức Giê-hô-va đã dùng công trình sáng tạo để nhắc Gióp nhớ rằng con người thật nhỏ bé so với sự vĩ đại của ngài (Gióp 37:14; 38:1-4). Lời dạy của Đức Giê-hô-va động đến lòng Gióp, nên ông khiêm nhường nói với ngài: “Giờ con biết ngài làm được mọi điều, chẳng có gì ngài định mà ngài không thể làm. Nên con... ăn năn trong tro bụi”.—Gióp 42:2, 6.

18, 19. Điều gì cho thấy Gióp thật sự biết Đức Giê-hô-va?

18 Sự hiểu biết chính xác về Đức Chúa Trời mang lại lợi ích cho Gióp ra sao? Gióp hiểu rõ các nguyên tắc của Đức Giê-hô-va. Ông thật sự biết ngài và hành động dựa trên sự hiểu biết ấy. Chẳng hạn, Gióp biết rằng mình không thể nói là yêu mến Đức Chúa Trời nhưng lại đối xử tệ với người khác (Gióp 6:14). Ông không xem mình cao hơn người khác nhưng đối xử với mọi người như người thân, dù họ giàu hay nghèo. Ông nói: “Chẳng lẽ đấng tạo thành tôi trong bụng mẹ không tạo ra họ?” (Gióp 31:13-22). Rõ ràng, Gióp không để cho địa vị và sự giàu có khiến ông có cái nhìn lệch lạc về chính mình và người khác. Ông thật khác so với nhiều người có thế lực và giàu có trong thế gian!

19 Gióp bác bỏ mọi hình thức thờ thần tượng, ngay cả từ trong lòng. Ông biết nếu tham gia vào sự thờ phượng sai lầm, kể cả theo đuổi của cải vật chất, là chối bỏ “Đức Chúa Trời thật”. (Đọc Gióp 31:24-28). Ông xem hôn nhân là mối quan hệ thánh khiết giữa một người nam và một người nữ. Thậm chí ông còn kết ước với mắt mình để không nhìn người trinh nữ với ý tưởng vô luân (Gióp 31:1). Hãy nhớ rằng vào thời đó Đức Giê-hô-va cho phép tục đa thê. Vì thế nếu muốn, Gióp có thể lấy vợ lẽ. * Nhưng hẳn ông xem mối quan hệ hôn nhân được Đức Chúa Trời thiết lập trong vườn Ê-đen là mẫu để noi theo (Sáng 2:18, 24). Khoảng 1.600 năm sau, Chúa Giê-su dạy người nghe làm theo những nguyên tắc công chính ấy về hôn nhân và đạo đức tính dục.—Mat 5:28; 19:4, 5.

20. Làm thế nào sự hiểu biết chính xác về Đức Giê-hô-va và tiêu chuẩn của ngài giúp chúng ta chọn bạn tốt và hình thức giải trí lành mạnh?

20 Làm thế nào để vun trồng đức tin như Gióp? Một lần nữa, bí quyết là có sự hiểu biết chính xác về Đức Giê-hô-va và để sự hiểu biết đó hướng dẫn mình trong mọi khía cạnh đời sống. Chẳng hạn, Kinh Thánh nói Đức Giê-hô-va “ghét kẻ nào yêu sự hung bạo” và cảnh báo về việc kết hợp với “phường gian dối”. (Đọc Thi thiên 11:5; 26:4). Những câu Kinh Thánh này giúp anh chị hiểu gì về quan điểm của Đức Chúa Trời? Sự hiểu biết đó nên tác động thế nào đến việc anh chị đặt thứ tự ưu tiên, dùng Internet cũng như chọn bạn và hình thức giải trí? Câu trả lời có thể giúp anh chị nhận ra mình biết Đức Giê-hô-va rõ đến mức nào. Để giữ mình trọn vẹn trong thế gian phức tạp và gian ác này, chúng ta phải rèn luyện “khả năng nhận thức” để có thể phân biệt điều đúng và điều sai cũng như điều khôn ngoan và điều thiếu khôn ngoan.—Hê 5:14; Ê-phê 5:15.

21. Điều gì giúp chúng ta “hiểu mọi sự” cần thiết để làm vui lòng Cha trên trời?

21 Vì Nô-ê, Đa-ni-ên và Gióp hết lòng tìm kiếm Đức Giê-hô-va nên ngài giúp họ “hiểu mọi sự” cần thiết để làm vui lòng ngài. Gương mẫu của họ cho thấy việc làm theo đường lối của Đức Giê-hô-va mang lại đời sống thành công (Thi 1:1-3). Hãy tự hỏi: “Mình có biết Đức Giê-hô-va rõ như Nô-ê, Đa-ni-ên và Gióp không?”. Thật ra, anh chị có thể biết ngài rõ hơn thế nhờ ánh sáng thiêng liêng ngày càng gia tăng! (Châm 4:18). Vậy hãy đào sâu và suy ngẫm Lời Đức Chúa Trời. Hãy cầu xin Đức Giê-hô-va ban thần khí thánh. Khi làm thế, anh chị sẽ đến gần hơn với Cha trên trời cũng như hành động một cách khôn ngoan và thông sáng trong thế gian không tin kính này.—Châm 2:4-7.

^ đ. 5 Ông cố của Nô-ê là Hê-nóc cũng “đồng đi với Đức Chúa Trời thật”. Tuy nhiên, “Đức Chúa Trời đã đưa ông đi” khoảng 69 năm trước khi Nô-ê được sinh ra.—Sáng 5:23, 24.

^ đ. 19 Có thể nói Nô-ê cũng ở trong trường hợp đó. Ông chỉ có một vợ, dù tục đa thê đã bắt đầu có ít lâu sau cuộc phản nghịch trong vườn Ê-đen.—Sáng 4:19.