Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Hãy tấn tới về thiêng liêng!

Hãy tấn tới về thiêng liêng!

“Hãy luôn bước theo thần khí”.—GA 5:16.

BÀI HÁT: 22, 75

1, 2. Một anh nhận ra điều gì về bản thân, và anh đã hành động ra sao?

Anh Robert báp-têm từ khi còn niên thiếu, nhưng anh không thật sự quý trọng chân lý. Anh nói: “Tôi chưa bao giờ phạm phải điều gì nghiêm trọng nhưng tôi phụng sự một cách chiếu lệ. Tôi trông có vẻ mạnh về thiêng liêng. Tôi tham dự mọi buổi nhóm họp và làm tiên phong phụ trợ vài lần trong năm. Nhưng tôi thiếu điều gì đó”.

2 Anh Robert chưa nhận ra điều mình thiếu cho đến khi kết hôn. Vợ chồng anh bắt đầu dành thời gian đố nhau về các đề tài Kinh Thánh. Vì mạnh mẽ về thiêng liêng nên vợ anh dễ dàng trả lời các câu hỏi. Nhưng anh Robert luôn cảm thấy ngượng, không biết nói gì. Anh kể: “Như thể tôi không biết gì cả. Tôi tự nhủ: ‘Nếu muốn dẫn đầu gia đình về thiêng liêng, mình phải làm gì đó’”. Anh Robert đã hành động. Anh nói: “Tôi học hỏi Kinh Thánh, học hỏi và tiếp tục học hỏi, rồi những sự hiểu biết bắt đầu kết nối một cách hợp lý. Tôi có sự thông hiểu, và quan trọng nhất là có mối quan hệ mật thiết với Đức Giê-hô-va”.

3. (a) Chúng ta học được gì từ kinh nghiệm của anh Robert? (b) Chúng ta sẽ xem xét những câu hỏi then chốt nào?

3 Chúng ta có thể rút ra những bài học quan trọng từ kinh nghiệm của anh Robert. Có thể chúng ta có sự hiểu biết phần nào về Kinh Thánh và đều đặn kết hợp với hội thánh, nhưng những điều đó chưa đủ để khiến mình trở thành người thiêng liêng tính. Hoặc có thể chúng ta đã tiến bộ ở mức nào đó, nhưng khi xem xét bản thân kỹ hơn, chúng ta thấy mình vẫn cần cải thiện về thiêng liêng (Phi-líp 3:16). Để giúp chúng ta tiếp tục tiến bộ, bài này sẽ trả lời ba câu hỏi then chốt: (1) Điều gì giúp chúng ta đánh giá trung thực về tình trạng thiêng liêng của mình? (2) Bằng cách nào chúng ta có thể vun trồng thiêng liêng tính và tiếp tục tiến bộ về thiêng liêng? (3) Sự mạnh mẽ về thiêng liêng giúp chúng ta thế nào trong đời sống hằng ngày?

ĐÁNH GIÁ BẢN THÂN

4. Lời khuyên nơi Ê-phê-sô 4:23, 24 dành cho ai?

4 Khi trở thành tôi tớ Đức Chúa Trời, chúng ta đã có sự biến đổi. Sự thay đổi này ảnh hưởng đến mọi khía cạnh của đời sống chúng ta, và không chấm dứt khi chúng ta báp-têm. Chúng ta được khuyên là “tiếp tục đổi mới tinh thần chi phối tâm trí mình” (Ê-phê 4:23, 24). Vì bất toàn nên tất cả chúng ta đều cần tiếp tục thay đổi. Ngay cả những tôi tớ lâu năm của Đức Giê-hô-va cũng cần duy trì tình trạng thiêng liêng tốt.—Phi-líp 3:12, 13.

5. Những câu hỏi nào có thể giúp chúng ta đánh giá bản thân?

5 Để cải thiện và duy trì tình trạng thiêng liêng, chúng ta cần đánh giá bản thân một cách trung thực. Dù già hay trẻ, hãy tự hỏi: “Mình có thấy mình đang thay đổi để trở thành người thiêng liêng tính không? Nhân cách của mình có ngày càng giống với Đấng Ki-tô không? Thái độ và hành động của mình trong các buổi nhóm họp cho thấy gì về tình trạng thiêng liêng của mình? Những cuộc trò chuyện của mình cho thấy mình thật sự quan tâm đến điều gì? Thói quen học hỏi, ngoại diện hay cách phản ứng của mình trước lời khuyên cho thấy gì về mình? Mình phản ứng thế nào khi gặp cám dỗ? Mình có tiến tới sự thành thục thay vì chỉ thỏa mãn với sự hiểu biết căn bản không?” (Ê-phê 4:13). Những câu hỏi này có thể giúp chúng ta đánh giá sự tiến bộ của mình về thiêng liêng.

6. Để đánh giá tình trạng thiêng liêng của mình, đôi khi chúng ta cần điều gì khác?

6 Để đánh giá tình trạng thiêng liêng của mình, đôi khi chúng ta cần sự giúp đỡ của người khác. Sứ đồ Phao-lô cho thấy người sống theo xác thịt không hiểu rằng lối sống của mình làm buồn lòng Đức Chúa Trời. Trái lại, người thiêng liêng tính hiểu quan điểm của Đức Chúa Trời và biết rằng ngài không chấp nhận đường lối của người sống theo xác thịt (1 Cô 2:14-16; 3:1-3). Những trưởng lão có tư tưởng của Đấng Ki-tô thường nhận ra dấu hiệu cảnh báo khi một người bắt đầu có lối suy nghĩ xác thịt. Nếu họ cho lời khuyên, chúng ta có chấp nhận và áp dụng không? Nếu có, chúng ta cho thấy mình muốn tiến bộ về thiêng liêng.—Truyền 7:5, 9.

VUN TRỒNG THIÊNG LIÊNG TÍNH

7. Tại sao chỉ có sự hiểu biết về Kinh Thánh thì chưa đủ để trở thành người thiêng liêng tính?

7 Hãy nhớ rằng chỉ có sự hiểu biết về Kinh Thánh thì chưa đủ để trở thành người thiêng liêng tính. Vua Sa-lô-môn biết nhiều về đường lối của Đức Giê-hô-va. Một số lời khôn ngoan của ông đã trở thành một phần của Kinh Thánh. Nhưng cuối cùng ông yếu đi về thiêng liêng và không còn trung tín với Đức Giê-hô-va (1 Vua 4:29, 30; 11:4-6). Vậy ngoài sự hiểu biết về Kinh Thánh, chúng ta cần điều gì khác? Chúng ta cần tiếp tục tiến bộ về thiêng liêng (Cô 2:6, 7). Bằng cách nào?

8, 9. (a) Điều gì sẽ giúp chúng ta vững vàng trong đức tin? (b) Chúng ta nên có mục tiêu nào khi học hỏi và suy ngẫm? (Xem hình nơi đầu bài).

8 Phao-lô khuyến giục tín đồ vào thế kỷ thứ nhất “tiến đến sự thành thục” (Hê 6:1). Để áp dụng lời khuyên ấy, chúng ta có thể thực hiện những bước nào? Một bước quan trọng là học sách Hãy giữ mình trong tình yêu thương của Đức Chúa Trời. Học toàn bộ sách này sẽ giúp anh chị biết cách áp dụng các nguyên tắc Kinh Thánh vào đời sống. Nếu đã học xong sách này, anh chị có thể học những ấn phẩm khác giúp mình vững vàng trong đức tin (Cô 1:23). Chúng ta cũng cần suy ngẫm điều mình học và cầu xin Đức Giê-hô-va giúp mình biết cách áp dụng.

9 Khi học hỏi và suy ngẫm, chúng ta nên có mục tiêu vun trồng ước muốn chân thành là làm hài lòng Đức Giê-hô-va và vâng giữ luật pháp của ngài (Thi 40:8; 119:97). Đồng thời, chúng ta cố gắng bác bỏ những điều cản trở mình tiến bộ về thiêng liêng.—Tít 2:11, 12.

10. Người trẻ có thể làm gì để vun trồng thiêng liêng tính?

10 Nếu là người trẻ, bạn có mục tiêu rõ ràng về thiêng liêng không? Khi tham dự các hội nghị vòng quanh, một anh phụng sự ở Bê-tên thường nói chuyện với những ứng viên báp-têm trước khi chương trình bắt đầu. Nhiều người trong số đó là người trẻ. Anh hỏi họ có mục tiêu nào về thiêng liêng. Câu trả lời của nhiều bạn trẻ cho thấy họ có mục tiêu rõ ràng trong việc phụng sự Đức Giê-hô-va, chẳng hạn tham gia vào một hình thức phụng sự trọn thời gian hoặc chuyển đến nơi cần thêm người rao giảng về Nước Trời. Nhưng thỉnh thoảng có những người trẻ không biết trả lời thế nào. Phải chăng điều đó cho thấy họ chưa quyết tâm để đặt mục tiêu rõ ràng về thiêng liêng? Nếu bạn là người trẻ, hãy tự hỏi: “Có phải mình đang tham gia các hoạt động thiêng liêng chỉ vì cha mẹ muốn mình làm thế không? Mình có đang đến gần Đức Chúa Trời bằng cách vun trồng mối quan hệ với ngài không?”. Dĩ nhiên, không chỉ người trẻ mới cần đặt mục tiêu thiêng liêng. Tất cả tôi tớ của Đức Giê-hô-va đều cần làm thế để mạnh mẽ hơn về thiêng liêng.—Truyền 12:1, 13.

11. (a) Để tiến bộ về thiêng liêng, chúng ta cần làm gì? (b) Chúng ta có thể noi theo gương nào trong Kinh Thánh?

11 Khi nhận ra khía cạnh mình cần cải thiện, chúng ta nên thực hiện những bước cụ thể để giúp mình tấn tới. Trở thành người thiêng liêng tính là điều rất quan trọng. Thật vậy, đó là vấn đề sinh tử (Rô 8:6-8). Tuy nhiên, người thành thục về thiêng liêng không có nghĩa là người hoàn hảo. Thần khí Đức Giê-hô-va có thể giúp chúng ta tiến bộ. Nhưng chính chúng ta cần nỗ lực. Khi bình luận về câu Lu-ca 13:24, anh John Barr, từng là thành viên Hội đồng Lãnh đạo, nói: “Nhiều người không vào được cửa hẹp vì không đủ siêng năng để làm mình mạnh mẽ”. Chúng ta cần noi gương Gia-cốp, người đã không ngừng vật lộn với thiên sứ cho đến khi được ban phước (Sáng 32:26-28). Dù học hỏi Kinh Thánh có thể là điều thú vị nhưng chúng ta không nên mong đợi rằng đọc Kinh Thánh sẽ giống như đọc tiểu thuyết, là truyện được viết với mục tiêu giải trí. Chúng ta cần nỗ lực tìm những viên ngọc thiêng liêng giúp ích cho mình.

12, 13. (a) Điều gì sẽ giúp chúng ta áp dụng Rô-ma 15:5? (b) Gương mẫu và lời khuyên của sứ đồ Phi-e-rơ giúp chúng ta như thế nào? (c) Anh chị có thể làm gì để vun trồng thiêng liêng tính? (Xem khung “ Những bước giúp tiến bộ về thiêng liêng”).

12 Khi chúng ta cố gắng vun trồng thiêng liêng tính, thần khí thánh sẽ ban sức mạnh để giúp mình biến đổi tâm trí. Với sự trợ giúp của thần khí, chúng ta sẽ dần có lối suy nghĩ giống như Đấng Ki-tô (Rô 15:5). Ngoài ra, thần khí sẽ giúp chúng ta loại bỏ ham muốn xác thịt, đồng thời vun trồng các đức tính làm hài lòng Đức Chúa Trời (Ga 5:16, 22, 23). Nếu thấy mình đang hướng đến của cải vật chất hoặc ham muốn xác thịt, chúng ta không nên bỏ cuộc. Hãy tiếp tục cầu xin Đức Giê-hô-va ban thần khí, và ngài sẽ giúp anh chị chú tâm đến những điều đúng đắn (Lu 11:13). Hãy nhớ đến trường hợp của sứ đồ Phi-e-rơ. Có vài lần trong đời, ông đã không hành động như một người thiêng liêng tính (Mat 16:22, 23; Lu 22:34, 54-62; Ga 2:11-14). Nhưng ông không bỏ cuộc. Với sự trợ giúp của Đức Giê-hô-va, Phi-e-rơ đã dần vun trồng lối suy nghĩ như Đấng Ki-tô. Chúng ta cũng có thể làm thế.

13 Thật vậy, sau này Phi-e-rơ cho biết chúng ta cần làm gì để tiến bộ. (Đọc 2 Phi-e-rơ 1:5-8). Khi “tha thiết dồn mọi nỗ lực” để vun trồng các đức tính như tự chủ, chịu đựng và tình huynh đệ, chúng ta có thể tiếp tục tấn tới về thiêng liêng. Mỗi ngày, hãy tự hỏi: “Hôm nay mình có thể cải thiện điều gì để tiến bộ về thiêng liêng?”.

ÁP DỤNG NGUYÊN TẮC KINH THÁNH TRONG ĐỜI SỐNG HẰNG NGÀY

14. Việc có thiêng liêng tính tác động thế nào đến đời sống chúng ta?

14 Việc có lối suy nghĩ như Đấng Ki-tô sẽ tác động đến hạnh kiểm của chúng ta tại sở làm hay trường học, cũng như lời nói và quyết định hằng ngày của chúng ta. Những quyết định ấy sẽ cho thấy mình đang cố gắng noi gương Đấng Ki-tô. Là người thiêng liêng tính, chúng ta không muốn để bất cứ điều gì gây hại cho mối quan hệ của mình với Cha trên trời. Khi gặp cám dỗ, chúng ta sẽ kháng cự thành công nếu có tinh thần như Đấng Ki-tô. Trước khi đưa ra quyết định, chúng ta sẽ dừng lại và suy ngẫm những câu hỏi như: “Các nguyên tắc Kinh Thánh nào giúp mình quyết định? Đấng Ki-tô sẽ làm gì trong tình huống này? Quyết định nào sẽ làm vui lòng Đức Giê-hô-va?”. Để tập suy nghĩ theo cách ấy, hãy xem một số trường hợp cụ thể. Trong mỗi trường hợp, chúng ta sẽ nhận ra nguyên tắc Kinh Thánh có thể giúp mình quyết định khôn ngoan.

15, 16. Có lối suy nghĩ như Đấng Ki-tô giúp chúng ta thế nào khi đưa ra quyết định về việc (a) chọn bạn đời? (b) chọn bạn?

15 Chọn bạn đời. Nguyên tắc Kinh Thánh có thể áp dụng là 2 Cô-rinh-tô 6:14, 15. (Đọc). Những lời của Phao-lô rõ ràng cho thấy người thiêng liêng tính không thể hòa hợp với người sống theo xác thịt. Chúng ta có thể áp dụng lời khuyên này như thế nào khi chọn bạn đời?

16 Chọn bạn. Hãy lưu ý đến nguyên tắc Kinh Thánh nơi 1 Cô-rinh-tô 15:33. (Đọc). Một người tin kính sẽ không kết hợp với những người có thể gây nguy hại cho mình về thiêng liêng. Những câu hỏi nào có thể giúp anh chị áp dụng nguyên tắc đó? Chẳng hạn, anh chị có thể áp dụng nguyên tắc ấy ra sao trong việc dùng mạng xã hội? Hoặc anh chị nên làm gì nếu được mời chơi trò chơi trực tuyến với người lạ?

Những quyết định của tôi có giúp tôi tiến bộ về thiêng liêng không? (Xem đoạn 17)

17-19. Có cái nhìn thiêng liêng giúp anh chị thế nào trong việc (a) tránh theo đuổi những điều vô ích? (b) đặt mục tiêu trong đời sống? (c) giải quyết các mối bất hòa?

17 Những hoạt động cản trở sự tiến bộ về thiêng liêng. Những lời Phao-lô viết cho anh em đồng đạo chứa đựng một lời cảnh báo. (Đọc Hê-bơ-rơ 6:1). “Công việc chết” mà chúng ta nên tránh là gì? Đó là những việc vô ích, không có giá trị hoặc không kết quả về thiêng liêng. Nguyên tắc này có thể giúp chúng ta trả lời những câu hỏi trong đời sống như: Hoạt động này có nằm trong số những công việc chết không? Mình có nên tham gia vào loại làm ăn kiếm tiền này không? Tại sao mình không nên tham gia vào phong trào cải cách của thế gian?

Những quyết định của tôi có giúp tôi đặt mục tiêu thiêng liêng không? (Xem đoạn 18)

18 Mục tiêu thiêng liêng. Lời dạy của Chúa Giê-su trong Bài giảng trên núi cho chúng ta sự hướng dẫn rõ ràng về việc đặt mục tiêu (Mat 6:33). Người thiêng liêng tính thì theo đuổi mục tiêu hướng đến điều thiêng liêng. Nguyên tắc này giúp chúng ta giải đáp những câu hỏi như: Mình có nên theo đuổi việc học lên cao không? Mình có nên chấp nhận một công việc nào đó không?

Những quyết định của tôi có giúp tôi “hòa thuận với mọi người” không? (Xem đoạn 19)

19 Các mối bất hòa. Lời khuyên mà Phao-lô viết cho hội thánh ở Rô-ma giúp chúng ta thế nào trong việc giải quyết các mối bất hòa? (Rô 12:18). Là môn đồ Đấng Ki-tô, chúng ta nỗ lực “hòa thuận với mọi người”. Khi có mối bất hòa, chúng ta phản ứng ra sao? Chúng ta thấy khó nhượng bộ, hay chúng ta được biết đến là người “tạo sự hòa thuận”?—Gia 3:18.

20. Tại sao anh chị muốn tấn tới về thiêng liêng?

20 Những trường hợp ấy cho thấy các nguyên tắc Kinh Thánh có thể giúp chúng ta đưa ra quyết định cho thấy mình là người thiêng liêng tính. Là người thiêng liêng tính, chúng ta sẽ hạnh phúc và thỏa nguyện hơn trong đời sống hằng ngày. Anh Robert, người được đề cập ở đầu bài, nói: “Sau khi vun trồng mối quan hệ mật thiết với Đức Giê-hô-va, tôi trở thành người chồng và người cha tốt hơn. Tôi rất mãn nguyện và hạnh phúc”. Chúng ta cũng có thể nhận được những ân phước như thế nếu cố gắng tấn tới về thiêng liêng. Là người thiêng liêng tính, chúng ta sẽ có đời sống thỏa nguyện hơn ngay bây giờ và có “sự sống thật” trong tương lai.—1 Ti 6:19.