Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

TỪ KHO TÀNG TƯ LIỆU

Diễn văn công cộng giúp loan truyền tin mừng ở Ai-len

Diễn văn công cộng giúp loan truyền tin mừng ở Ai-len

Khi tàu chạy băng qua vịnh Belfast, một nhóm nhỏ hành khách trên boong tàu nhìn thấy những ngọn đồi xanh dưới ánh bình minh. Đó là tháng 5 năm 1910. Trong số hành khách có anh Charles Russell. Đây là chuyến đi thứ năm của anh đến Ai-len. Trước mắt anh là hai con tàu khổng lồ đang được đóng, một tàu là Titanic, sau này bị chìm, và con tàu tương tự kia là Olympic. * Ở bến cảng gần nơi đóng tàu, có 12 Học viên Kinh Thánh đang đứng đợi anh Russell.

Khoảng 20 năm trước đó, vì muốn tìm ra cách tốt nhất để rao truyền tin mừng ra khắp thế giới nên anh Russell quyết định thực hiện một loạt hành trình ngoài nước Mỹ. Trong hành trình thứ nhất, nước đầu tiên anh đến thăm là Ai-len vào tháng 7 năm 1891. Trên tàu City of Chicago, anh Russell thấy hoàng hôn buông xuống trên bờ biển tại Queenstown và có lẽ anh nhớ lại lời mô tả của cha mẹ về quê hương của họ. Khi anh và những người đi cùng tham quan các thị trấn nhỏ và vùng quê tuyệt đẹp, họ nhận ra cánh đồng nơi đây “đã chín và đang chờ gặt hái”.

Anh Russell đến Ai-len tổng cộng là bảy lần. Hẳn người ta rất thích thú sau chuyến thăm đầu tiên của anh nên hàng trăm người, có khi hàng ngàn người, đến nghe bài giảng của anh vào những lần sau. Trước chuyến thăm thứ hai của anh vào tháng 5 năm 1903, các buổi họp công cộng ở Belfast và Dublin được quảng cáo trên những tờ báo địa phương. Anh Russell kể lại rằng “cử tọa rất chú ý” đến chủ đề “Lời hứa ràng buộc bởi lời thề” nói về đức tin của Áp-ra-ham và ân phước trong tương lai dành cho nhân loại.

Vì thấy có nhiều người chú ý ở Ai-len nên trong hành trình thứ ba đến châu Âu, anh Russell cũng thăm nước này. Có năm anh ra đón khi anh Russell đặt chân tới cảng Belfast vào một buổi sáng tháng 4 năm 1908. Diễn văn công cộng được quảng cáo trước đó có tựa đề “Đế quốc của Sa-tan sẽ bị lật đổ”, và tối hôm ấy có “khoảng 300 cử tọa thông minh” đến nghe. Khi một người trong số đó phản đối, anh Russell nhanh chóng dùng Kinh Thánh để đáp lại một cách khéo léo. Ở Dublin có một người chống đối quyết liệt hơn, đó là ông O’Connor, thư ký của Hiệp hội Thanh niên Cơ Đốc. Ông ta cố khiến cử tọa gồm hơn 1.000 người chống lại Học viên Kinh Thánh. Nhưng điều gì xảy ra?

Hãy trở lại thời ấy và hình dung điều có thể đã xảy ra vào lúc đó. Một người đàn ông rất muốn tìm kiếm chân lý Kinh Thánh quyết định đến nghe một diễn văn công cộng được quảng cáo trên tờ The Irish Times. Cố gắng lắm ông mới tìm được chỗ ngồi trong khán phòng chật kín. Ông chăm chú nhìn diễn giả có râu và tóc bạc trắng, mặc chiếc áo choàng dài màu đen. Khi trình bày bài giảng, anh diễn giả đi lại trên bục với những cử chỉ tự nhiên, liên kết các câu Kinh Thánh với nhau và lập luận hợp lý. Nhờ thế, người đàn ông ấy hiểu sự thật Kinh Thánh. Dù không có hệ thống âm thanh nhưng giọng của anh vang vọng khắp khán phòng, thu hút sự chú ý của cử tọa trong một tiếng rưỡi. Sau đó trong phần hỏi đáp, ông O’Connor và nhóm bạn của ông ta chất vấn anh diễn giả, nhưng anh khéo léo dùng Kinh Thánh để bênh vực thông điệp. Cử tọa vỗ tay tán dương. Khi bầu không khí dịu xuống, người đàn ông đó đến gặp các anh để tìm hiểu thêm. Theo lời kể của những người chứng kiến thì có nhiều người học chân lý qua cách này.

Rời New York vào tháng 5 năm 1909 trên con tàu Mauretania để thực hiện chuyến thăm thứ tư, anh Russell dẫn theo người viết tốc ký là anh Huntsinger. Nhờ thế, anh Russell có thể tận dụng thời gian trên tàu để đọc các bài Tháp Canh cho anh Huntsinger chép. Diễn văn công cộng của anh Russell ở Belfast thu hút 450 người dân địa phương, và khoảng 100 người phải đứng vì không đủ chỗ.

Anh Russell trên tàu Lusitania

Trong chuyến hành trình thứ năm, như được đề cập ở đầu bài, sự việc cũng diễn ra giống như những lần trước. Sau diễn văn công cộng ở Dublin, một nhà thần học nổi danh mà ông O’Connor dẫn đến đã nhận được lời giải đáp dựa trên Kinh Thánh cho những chất vấn của mình, điều này khiến cử tọa rất thích thú. Ngày hôm sau, anh Russell và những người đi cùng bắt tàu tốc hành đến Liverpool, rồi lên tàu Lusitania nổi tiếng để trở về New York. *

Diễn văn công cộng được quảng cáo trên tờ The Irish Times, ngày 20-5-1910

Các diễn văn công cộng được quảng cáo cũng là điểm nổi bật trong hành trình thứ sáu và thứ bảy của anh Russell, vào năm 1911. Vào mùa xuân, 20 Học viên Kinh Thánh ở Belfast sắp xếp để đón 2.000 người đến nghe bài giảng với tựa đề “Có đời sống sau khi chết không?”. Ở Dublin, ông O’Connor dẫn một mục sư đến chất vấn anh Russell, nhưng cử tọa vỗ tay tán dương những lời giải đáp của anh dựa trên Kinh Thánh. Vào mùa thu năm đó, anh cũng thăm những thị trấn khác, và có nhiều người đến nghe bài giảng của anh. Ông O’Connor cùng với 100 tên côn đồ cố gây rối tại một buổi nhóm họp khác ở Dublin, nhưng cử tọa nhiệt tình ủng hộ anh diễn giả.

Dù dẫn đầu trong việc trình bày các diễn văn công cộng vào thời đó, nhưng anh Russell nhìn nhận rằng “không người nào là quá cần thiết” vì “đây không phải là công việc của con người mà là công việc của Đức Chúa Trời”. Các diễn văn công cộng được quảng cáo (tiền thân của Buổi họp công cộng) là cơ hội tuyệt vời để trình bày những sự thật trong Kinh Thánh. Kết quả là gì? Các diễn văn công cộng đã giúp tin mừng lan rộng, và nhiều hội thánh được thành lập ở khắp Ai-len.—Từ kho tàng tư liệu ở Anh Quốc.

^ đ. 3 Khoảng hai năm sau thì tàu Titanic bị đắm.

^ đ. 9 Tàu Lusitania bị đánh chìm ở bờ biển phía nam Ai-len vào tháng 5 năm 1915.