Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Phải chăng Gia-cốp trở thành tổ phụ của Đấng Mê-si là nhờ việc mua quyền trưởng nam của Ê-sau?

Độc giả thắc mắc

Độc giả thắc mắc

Vào thời Y-sơ-ra-ên xưa, phải chăng dòng dõi dẫn đến Đấng Mê-si phụ thuộc vào quyền trưởng nam?

Ấn phẩm của chúng ta đã từng nói thế. Dường như điều đó phù hợp với những gì chúng ta đọc nơi Hê-bơ-rơ 12:16. Câu này nói rằng Ê-sau “chẳng biết quý trọng điều thánh” chỉ vì một bữa ăn mà đánh đổi quyền trưởng nam [cho Gia-cốp]”. Điều này dường như hàm ý rằng khi có được “quyền trưởng nam”, Gia-cốp trở thành tổ phụ của Đấng Mê-si.—Mat 1:2, 16; Lu 3:23, 34.

Tuy nhiên, khi xem lại những lời tường thuật trong Kinh Thánh, chúng ta thấy một người không cần phải là con trai đầu lòng mới có thể là tổ phụ của Đấng Mê-si. Hãy xem một số bằng chứng:

Trong số các con trai của Gia-cốp (hay Y-sơ-ra-ên), con đầu lòng do Lê-a sinh ra là Ru-bên. Sau này, người vợ mà Gia-cốp yêu thương là Ra-chên đã sinh con trai đầu là Giô-sép. Khi Ru-bên phạm tội gian dâm, quyền trưởng nam được chuyển cho Giô-sép (Sáng 29:31-35; 30:22-25; 35:22-26; 49:22-26; 1 Sử 5:1, 2). Tuy nhiên, dòng dõi dẫn đến Đấng Mê-si không ra từ Ru-bên hay Giô-sép, nhưng ra từ Giu-đa, con trai thứ tư của Gia-cốp do Lê-a sinh ra.—Sáng 49:10.

Năm nhân vật trong gia phả dẫn đến Đấng Mê-si được đề cập nơi Lu-ca 3:32 là Na-ha-sôn, Sanh-môn, Bô-ô, Ô-bết, Giê-sê, dường như đều là con đầu lòng.—Ru 4:17, 20-22; 1 Sử 2:10-12.

Tuy nhiên, con trai của Giê-sê là Đa-vít không phải là con đầu lòng. Ông là con út trong tám người con. Dù vậy, dòng dõi dẫn đến Đấng Mê-si ra từ Đa-vít (1 Sa 16:10, 11; 17:12; Mat 1:5, 6). Người tiếp theo trong gia phả là Sa-lô-môn cũng không phải con đầu lòng của Đa-vít.—2 Sa 3:2-5.

Điều này không có nghĩa vị trí con đầu lòng là không quan trọng. Con trai đầu lòng có vị thế đáng trọng và thường trở thành người làm đầu kế tiếp của gia đình. Người ấy cũng được hưởng hai phần sản nghiệp.—Sáng 43:33; Phục 21:17; Giô-suê 17:1.

Nhưng quyền trưởng nam có thể chuyển đổi. Áp-ra-ham đã đuổi Ích-ma-ên, và chuyển quyền trưởng nam cho Y-sác. Như đã đề cập, quyền trưởng nam của Ru-bên được chuyển cho Giô-sép.

Bây giờ, chúng ta hãy xem lại Hê-bơ-rơ 12:16. Câu này nói: “Hãy coi chừng, để trong vòng anh em không có ai là kẻ gian dâm hay kẻ chẳng biết quý trọng điều thánh, như Ê-sau, là người chỉ vì một bữa ăn mà đánh đổi quyền trưởng nam”. Điểm trọng yếu của câu này là gì?

Ở đây, sứ đồ Phao-lô không bàn luận về tổ phụ của Đấng Mê-si. Vài câu trước, ông khuyến giục tín đồ đạo Đấng Ki-tô ‘làm cho thẳng con đường dưới chân mình’. Khi làm thế, họ sẽ không “đánh mất lòng nhân từ bao la của Đức Chúa Trời”, là điều có thể xảy ra nếu họ phạm tội gian dâm (Hê 12:12-16). Nếu phạm tội, họ sẽ giống như Ê-sau. Ông đã không “quý trọng điều thánh”, và khuất phục trước những điều thuộc về xác thịt.

Ê-sau sống vào thời các tộc trưởng, và có thể ông đã có đặc ân dâng vật tế lễ (Sáng 8:20, 21; 12:7, 8; Gióp 1:4, 5). Nhưng vì chú tâm đến xác thịt, ông cho đi tất cả đặc ân chỉ vì một món hầm. Có thể ông muốn tránh sự cực khổ mà dòng dõi của Áp-ra-ham sẽ phải chịu như được báo trước (Sáng 15:13). Ê-sau cũng cho thấy ông thiên về xác thịt, thiếu lòng quý trọng điều thánh qua việc kết hôn với hai phụ nữ ngoại giáo, khiến cha mẹ của ông khổ tâm (Sáng 26:34, 35). Gia-cốp thì hoàn toàn ngược lại, ông kết hôn với người thờ phượng Đức Chúa Trời thật.—Sáng 28:6, 7; 29:10-12, 18.

Vậy chúng ta có thể kết luận thế nào về dòng dõi dẫn đến Chúa Giê-su là Đấng Mê-si? Đôi khi dòng dõi được truyền qua con trai đầu lòng, nhưng không luôn như vậy. Người Do Thái chấp nhận điều này, vì họ từng thừa nhận Đấng Ki-tô ra từ Đa-vít, con út của Giê-sê.—Mat 22:42.