Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Sự sửa dạy—Bằng chứng về tình yêu thương của Đức Chúa Trời

Sự sửa dạy—Bằng chứng về tình yêu thương của Đức Chúa Trời

“Người nào Đức Giê-hô-va yêu thương thì ngài sửa dạy”.—HÊ 12:6.

BÀI HÁT: 123, 86

1. Kinh Thánh cho biết gì về sự sửa dạy?

Khi nghe từ “sửa dạy”, anh chị nghĩ đến điều gì? Kinh Thánh cho biết sự sửa dạy là điều tốt cho chúng ta, và đôi khi sự sửa dạy được liệt kê chung với tri thức, sự khôn ngoan, tình yêu thương và sự sống (Châm 1:2-7; 4:11-13). Đó là vì sự sửa dạy của Đức Chúa Trời là bằng chứng cho thấy ngài yêu thương và muốn chúng ta nhận được sự sống vĩnh cửu (Hê 12:6). Dù sự sửa dạy của ngài đôi khi cũng bao gồm sự trừng phạt, nhưng không bao giờ cay nghiệt hoặc tàn nhẫn. Thật vậy, nghĩa của từ “sửa dạy” chủ yếu liên quan đến sự giáo dục, chẳng hạn khi nuôi dạy một đứa con yêu dấu.

2, 3. Tại sao sự sửa dạy có thể bao hàm cả dạy dỗ lẫn sửa phạt? (Xem hình nơi đầu bài).

2 Hãy xem ví dụ sau: Một cậu bé đang ném bóng trong nhà. Mẹ em nói: “Con không được chơi bóng trong nhà vì có thể làm vỡ đồ”. Nhưng cậu bé lờ đi lời của mẹ và tiếp tục chơi, rồi bất ngờ ném phải bình hoa và nó rơi vỡ. Người mẹ sẽ sửa dạy con như thế nào? Sự sửa dạy của bà có lẽ bao gồm cả dạy dỗ lẫn sửa phạt. Bà có thể dạy bằng cách cho con biết tại sao hành động của con là sai. Bà muốn con hiểu rằng điều khôn ngoan là nên vâng lời cha mẹ và những quy định do cha mẹ đặt ra là cần thiết và hợp lý. Để giúp con ghi nhớ bài học ấy, có lẽ người mẹ dùng một hình phạt thích hợp. Chẳng hạn, bà thu quả bóng của con trong một thời gian. Điều này cho cậu bé thấy rõ việc không vâng lời sẽ dẫn đến hậu quả.

3 Là thành viên trong hội thánh, chúng ta thuộc về gia đình Đức Chúa Trời (1 Ti 3:15). Thế nên, chúng ta tôn trọng quyền của ngài trong việc đặt ra các tiêu chuẩn và đưa ra sự sửa dạy yêu thương khi chúng ta vi phạm tiêu chuẩn đó. Ngoài ra, nếu hành động của chúng ta gây hậu quả thì sự sửa dạy đến từ Cha trên trời sẽ nhắc chúng ta nhớ đến tầm quan trọng của việc vâng lời ngài (Ga 6:7). Đức Chúa Trời quan tâm sâu xa đến chúng ta và không muốn chúng ta gặp đau khổ.—1 Phi 5:6, 7.

4. (a) Đức Giê-hô-va ban phước cho sự huấn luyện nào? (b) Chúng ta sẽ xem xét điều gì trong bài này?

4 Qua việc sửa dạy dựa trên Kinh Thánh, chúng ta có thể giúp con cái hoặc học viên đạt được mục tiêu là trở thành môn đồ Đấng Ki-tô. Lời Đức Chúa Trời là công cụ chính mà chúng ta dùng để huấn luyện và sửa trị một người theo tiêu chuẩn công chính. Thế nên, chúng ta dùng Kinh Thánh để giúp con cái hoặc học viên hiểu và ‘giữ mọi điều mà Chúa Giê-su đã truyền cho chúng ta’ (2 Ti 3:16; Mat 28:19, 20). Đức Giê-hô-va ban phước cho sự huấn luyện như thế. Sự huấn luyện ấy trang bị cho con cái và học viên để họ đào tạo môn đồ khác. (Đọc Tít 2:11-14). Giờ đây, hãy xem xét lời giải đáp cho ba câu hỏi quan trọng: (1) Sự sửa dạy của Đức Chúa Trời phản ánh tình yêu thương mà ngài dành cho chúng ta như thế nào? (2) Chúng ta học được gì từ những trường hợp được Đức Chúa Trời sửa dạy trong quá khứ? (3) Khi sửa dạy người khác, làm thế nào chúng ta có thể noi gương Đức Giê-hô-va và Con ngài?

ĐỨC CHÚA TRỜI SỬA DẠY DỰA TRÊN TÌNH YÊU THƯƠNG

5. Điều gì cho thấy sự sửa dạy đến từ Đức Giê-hô-va phản ánh tình yêu thương của ngài dành cho chúng ta?

5 Đức Giê-hô-va chỉnh sửa, giáo dục và huấn luyện chúng ta vì tình yêu thương. Ngài muốn chúng ta luôn ở trong tình yêu thương của ngài và tiếp tục bước đi trên con đường sự sống (1 Giăng 4:16). Ngài không bao giờ hạ phẩm giá hay sỉ nhục chúng ta, khiến chúng ta cảm thấy vô giá trị (Châm 12:18). Thay vì thế, Đức Giê-hô-va xem trọng chúng ta bằng cách khơi dậy điểm tốt nơi chúng ta và tôn trọng sự tự do ý chí của chúng ta. Anh chị có quan điểm như thế về sự sửa dạy của Đức Chúa Trời, dù là qua Lời ngài, ấn phẩm, cha mẹ đạo Đấng Ki-tô hay các trưởng lão không? Thật vậy, khi các trưởng lão cố gắng sửa chúng ta với tinh thần mềm mại và yêu thương trong trường hợp chúng ta “lạc lối” mà không nhận ra, họ đang phản ánh tình yêu thương của Đức Giê-hô-va dành cho chúng ta.—Ga 6:1.

6. Ngay cả khi sự sửa dạy khiến một người mất đặc ân, tại sao điều này vẫn phản ánh tình yêu thương của Đức Chúa Trời?

6 Đôi khi, sự sửa dạy còn bao hàm nhiều hơn là khuyên bảo hoặc sửa bằng lời nói. Nếu một người phạm tội trọng thì có thể bị mất đặc ân trong hội thánh. Ngay cả khi điều đó xảy ra, sự sửa dạy cũng phản ánh tình yêu thương của Đức Chúa Trời dành cho chúng ta. Chẳng hạn, khi mất đặc ân, một người có thể sẽ nhận ra tầm quan trọng của việc chú tâm nhiều hơn đến học hỏi cá nhân, suy ngẫm và cầu nguyện. Nhờ thế, người ấy được củng cố về thiêng liêng (Thi 19:7). Với thời gian, người ấy có thể được nhận lại đặc ân. Ngay cả việc khai trừ cũng phản ánh tình yêu thương của Đức Giê-hô-va, vì điều đó sẽ bảo vệ hội thánh khỏi những ảnh hưởng xấu (1 Cô 5:6, 7, 11). Ngoài ra, vì Đức Chúa Trời sửa dạy đúng mức nên việc khai trừ có thể giúp người phạm tội nhận ra lỗi của mình nghiêm trọng như thế nào và thúc đẩy người ấy ăn năn.—Công 3:19.

ÔNG NHẬN ĐƯỢC LỢI ÍCH TỪ SỰ SỬA DẠY CỦA ĐỨC GIÊ-HÔ-VA

7. Sép-na là ai, và ông đã phát triển tính xấu nào?

7 Để hiểu giá trị của sự sửa dạy, hãy xem hai trường hợp được Đức Giê-hô-va sửa dạy: một là Sép-na, người sống vào thời vua Ê-xê-chia và hai là Graham, một anh sống vào thời chúng ta. Là quản gia “coi sóc cung điện”, có lẽ là của Ê-xê-chia, Sép-na có quyền hạn đáng kể (Ê-sai 22:15). Nhưng đáng buồn là ông trở nên kiêu ngạo và tìm sự vinh hiển cho bản thân. Thậm chí, ông còn chuẩn bị cho mình một ngôi mộ sang trọng và dùng “các cỗ xe lộng lẫy”!—Ê-sai 22:16-18.

Khi khiêm nhường thay đổi thái độ, chúng ta sẽ được Đức Chúa Trời ban phước (Xem đoạn 8-10)

8. Đức Giê-hô-va sửa dạy Sép-na như thế nào, và kết quả là gì?

8 Vì Sép-na tìm sự vinh hiển cho bản thân nên Đức Chúa Trời ‘đuổi ông khỏi địa vị mình’ và thay thế bằng Ê-li-a-kim (Ê-sai 22:19-21). Sự thay đổi này xảy ra khi vua A-si-ri là San-chê-ríp định tấn công Giê-ru-sa-lem. Một thời gian sau, vua phái các quan chức cấp cao dẫn theo một đạo quân đông đảo đến Giê-ru-sa-lem để làm cho dân Do Thái thoái chí và cố khiến Ê-xê-chia phải đầu hàng (2 Vua 18:17-25). Ê-li-a-kim được cử ra nói chuyện với các quan chức, nhưng ông không đi một mình. Ông đi cùng với hai người, trong đó có Sép-na, lúc này là thư ký. Điều đó cho thấy có lẽ Sép-na đã học được tính khiêm nhường. Ông nhận nhiệm vụ thấp hơn thay vì trở nên cay đắng và oán giận. Chúng ta học được gì từ lời tường thuật này? Hãy xem ba bài học.

9-11. (a) Chúng ta rút ra những bài học quan trọng nào từ trường hợp của Sép-na? (b) Anh chị được khích lệ ra sao qua cách Đức Giê-hô-va đối xử với Sép-na?

9 Thứ nhất, việc Sép-na bị mất chức nhắc chúng ta nhớ rằng “sự kiêu ngạo đi trước sự sụp đổ, tinh thần cao ngạo đi trước sự vấp ngã” (Châm 16:18). Nếu có đặc ân trong hội thánh, có lẽ khá nổi bật, anh chị có cố gắng giữ thái độ khiêm nhường không? Anh chị có nhìn nhận rằng những khả năng mình có là đến từ Đức Giê-hô-va và chính ngài giúp mình hoàn thành công việc không? (1 Cô 4:7). Sứ đồ Phao-lô viết: “Tôi nói với mỗi người trong anh em rằng đừng nghĩ cao quá về mình, nhưng hãy nghĩ sao cho đúng mực”.—Rô 12:3.

10 Thứ hai, việc Đức Giê-hô-va thẳng thắn khiển trách Sép-na có lẽ cho thấy ngài không xem Sép-na là vô phương cứu chữa (Châm 3:11, 12). Quả là bài học hữu ích cho những ai bị mất đặc ân trong hội thánh! Thay vì trở nên bực tức và oán giận, mong sao họ tiếp tục phụng sự Đức Chúa Trời với hết khả năng của mình, xem sự sửa dạy là bằng chứng về tình yêu thương của ngài. Hãy nhớ rằng Cha trên trời sẽ ban thưởng cho những người hạ mình xuống trước mặt ngài. (Đọc 1 Phi-e-rơ 5:6, 7). Sự sửa dạy yêu thương là cách Đức Chúa Trời uốn nắn chúng ta, vậy hãy tiếp tục là đất sét mềm dẻo trong tay ngài.

11 Thứ ba, cách Đức Giê-hô-va đối xử với Sép-na cung cấp một bài học quý giá cho những ai được ban quyền sửa dạy, chẳng hạn như cha mẹ và giám thị đạo Đấng Ki-tô. Bài học đó là gì? Sự sửa dạy của Đức Giê-hô-va cho thấy ngài ghét tội lỗi nhưng cũng phản ánh lòng quan tâm của ngài đối với người phạm tội. Nếu là cha mẹ hay giám thị, anh chị có noi gương Đức Giê-hô-va trong việc sửa dạy qua việc ghét hành vi sai trái nhưng tìm điểm tốt nơi con hoặc anh em đồng đạo không?—Giu 22, 23.

12-14. (a) Một số người phản ứng ra sao trước sự sửa dạy của Đức Chúa Trời? (b) Làm thế nào Lời Đức Chúa Trời đã giúp một anh thay đổi thái độ, và kết quả là gì?

12 Đáng buồn là khi bị sửa dạy, một số người cảm thấy đau buồn đến mức rời xa Đức Chúa Trời và dân ngài (Hê 3:12, 13). Nhưng phải chăng không điều gì có thể giúp những người như thế? Hãy xem trường hợp của anh Graham, người từng bị khai trừ và với thời gian được nhận lại. Nhưng rồi anh ngưng hoạt động. Một trưởng lão đã cố gắng làm bạn với anh trong thời gian này, và về sau anh nhờ trưởng lão ấy học Kinh Thánh với mình.

13 Anh trưởng lão kể lại: “Vấn đề của anh Graham liên quan đến sự kiêu ngạo. Anh ấy chỉ trích những trưởng lão tham gia vào việc đưa ra quyết định khai trừ anh. Vì thế, trong vài buổi học sau, chúng tôi thảo luận những câu Kinh Thánh nói về tính kiêu ngạo và tác hại của tính này. Anh Graham bắt đầu thấy rõ bản thân khi soi mình trong gương là Lời Đức Chúa Trời, và anh không thích những gì mình thấy. Kết quả thật đáng kinh ngạc! Sau khi nhận ra mình bị ‘cây đà’ là sự kiêu ngạo che mắt và thái độ chỉ trích là vấn đề của chính mình, anh đã nhanh chóng thay đổi để trở nên tốt hơn. Anh bắt đầu tham dự nhóm họp đều đặn, siêng năng học Lời Đức Chúa Trời và cầu nguyện mỗi ngày. Anh cũng thi hành những trách nhiệm về thiêng liêng của người làm đầu gia đình, điều này mang lại niềm vui cho vợ con anh”.—Lu 6:41, 42; Gia 1:23-25.

14 Anh trưởng lão kể tiếp: “Ngày nọ, anh Graham nói một điều làm tôi rất cảm động. Anh ấy nói: ‘Tôi đã biết chân lý nhiều năm, thậm chí từng làm tiên phong. Nhưng nói thật là đến bây giờ tôi mới yêu mến Đức Giê-hô-va’. Không lâu sau, anh được giao nhiệm vụ chuyền mi-crô ở Phòng Nước Trời. Đó là đặc ân mà anh ấy rất quý trọng. Trường hợp của anh dạy tôi rằng khi một người hạ mình xuống trước mặt Đức Chúa Trời bằng cách chấp nhận sự sửa dạy, thì sẽ được ban phước dư tràn!”.

HÃY NOI GƯƠNG ĐỨC CHÚA TRỜI VÀ ĐẤNG KI-TÔ KHI SỬA DẠY

15. Nếu muốn sự sửa dạy của mình động đến lòng một người, chúng ta phải làm gì?

15 Để là người dạy giỏi, trước tiên chúng ta phải là học viên giỏi (1 Ti 4:15, 16). Tương tự, chính những người được Đức Giê-hô-va ban quyền sửa dạy phải luôn sẵn sàng phục tùng chỉ dẫn của ngài. Khi khiêm nhường phục tùng như thế, họ được người khác tôn trọng và cũng giúp họ nói năng dạn dĩ khi huấn luyện hoặc chỉnh sửa người khác. Hãy xem gương của Chúa Giê-su.

16. Về việc dạy dỗ và sửa dạy hiệu quả, chúng ta học được gì từ Chúa Giê-su?

16 Chúa Giê-su luôn vâng lời Cha, ngay cả khi không dễ để làm thế (Mat 26:39). Ngài quy mọi sự dạy dỗ và khôn ngoan của ngài cho Cha (Giăng 5:19, 30). Sự khiêm nhường và vâng lời của Chúa Giê-su thu hút người có lòng thành đến với ngài cũng như giúp ngài trở thành thầy dạy đầy lòng trắc ẩn. (Đọc Ma-thi-ơ 11:29). Những lời tử tế của ngài giúp củng cố người được ví như cây sậy bị giập hoặc tim đèn sắp tàn (Mat 12:20). Ngay cả khi lòng kiên nhẫn của ngài bị thử thách, Chúa Giê-su vẫn thể hiện sự yêu thương và nhân từ. Điều này được thấy rõ trong trường hợp ngài chỉnh sửa các sứ đồ khi họ tỏ ra ích kỷ và tham vọng.—Mác 9:33-37; Lu 22:24-27.

17. Những phẩm chất nào sẽ giúp các trưởng lão chăn bầy của Đức Chúa Trời một cách hữu hiệu?

17 Khi sửa dạy dựa trên Kinh Thánh, các trưởng lão cần noi gương Chúa Giê-su. Qua đó, họ cho thấy mình muốn được Đức Chúa Trời và Con ngài uốn nắn. Sứ đồ Phi-e-rơ viết: “Hãy chăn bầy của Đức Chúa Trời đã được giao cho anh em, phục vụ với tư cách là giám thị, không phải vì bị ép buộc, nhưng sẵn lòng mà làm trước mặt Đức Chúa Trời; không phải vì ham mê lợi bất chính, nhưng sốt sắng mà làm; không thống trị những người thuộc về sản nghiệp của Đức Chúa Trời, nhưng nêu gương cho cả bầy” (1 Phi 5:2-4). Thật vậy, khi trưởng lão vui mừng phục tùng Đức Chúa Trời và đầu hội thánh là Đấng Ki-tô, họ sẽ mang lại lợi ích cho chính mình và những người mà họ chăm sóc.—Ê-sai 32:1, 2, 17, 18.

18. (a) Đức Giê-hô-va đòi hỏi cha mẹ điều gì? (b) Đức Chúa Trời giúp cha mẹ như thế nào để chu toàn trách nhiệm?

18 Các nguyên tắc trên cũng áp dụng trong gia đình. Đức Giê-hô-va phán với những người làm đầu gia đình: “Đừng làm cho con cái bực tức, nhưng hãy luôn dùng sự sửa phạt và khuyên bảo của Đức Giê-hô-va mà nuôi dạy chúng” (Ê-phê 6:4). Tại sao vâng theo đòi hỏi này rất quan trọng? Châm ngôn 19:18 nói: “Hãy lo sửa dạy con khi vẫn còn hy vọng; đừng để mình có lỗi về cái chết của nó”. Thật vậy, các bậc cha mẹ phải chịu trách nhiệm trước mặt Đức Giê-hô-va nếu họ không sửa dạy con khi cần! (1 Sa 3:12-14). Tuy nhiên, Đức Giê-hô-va ban cho cha mẹ sự khôn ngoan và sức mạnh cần thiết khi họ khiêm nhường nài xin ngài qua lời cầu nguyện cũng như tìm sự hướng dẫn qua Lời ngài và thần khí thánh.—Đọc Gia-cơ 1:5.

HỌC CÁCH ĐỂ SỐNG MÃI TRONG SỰ BÌNH AN

19, 20. (a) Khi chấp nhận sự sửa dạy từ Đức Chúa Trời, chúng ta nhận được những ân phước nào? (b) Chúng ta sẽ xem xét điều gì trong bài tới?

19 Khi chấp nhận sự sửa dạy đến từ Đức Giê-hô-va cũng như noi gương ngài và Chúa Giê-su trong việc sửa dạy người khác, chúng ta sẽ nhận được vô vàn ân phước. Gia đình và hội thánh sẽ trở thành nơi tràn ngập bình an. Mỗi chúng ta cũng cảm thấy mình thật sự được yêu thương, có giá trị và an toàn. Đó chỉ là phần nhỏ của những ân phước sẽ đến trong tương lai (Thi 72:7). Sự sửa dạy của Đức Giê-hô-va giúp chúng ta biết cách để cùng chung sống với nhau mãi mãi trong bình an và hợp nhất như một gia đình dưới sự chăm sóc của Cha trên trời. (Đọc Ê-sai 11:9). Khi có quan điểm như thế về sự sửa dạy của Đức Chúa Trời, chúng ta sẽ xem sự sửa dạy là bằng chứng tuyệt vời về tình yêu thương bao la mà ngài dành cho chúng ta.

20 Bài tới sẽ xem thêm những khía cạnh khác của sự sửa dạy trong gia đình và hội thánh. Chúng ta cũng sẽ xem xét tính kỷ luật và điều tồi tệ hơn nỗi đau tạm thời đến từ sự sửa dạy.