Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

KINH NGHIỆM

Khởi đầu nghèo khó nhưng kết cuộc giàu có

Khởi đầu nghèo khó nhưng kết cuộc giàu có

Tôi sinh ra trong căn nhà gỗ một phòng ở thị trấn nhỏ Liberty, Indiana, Hoa Kỳ. Trước khi có tôi, cha mẹ đã sinh một con trai và hai con gái. Sau tôi, cha mẹ còn có hai con trai và một con gái nữa.

Căn nhà gỗ nơi tôi sinh ra

Trong những năm tôi đi học, không có gì thay đổi nhiều. Những bạn học chung trường với tôi từ lớp một cũng là những bạn tốt nghiệp cùng. Thậm chí tôi biết tên của hầu hết người trong thị trấn, và họ cũng biết tên tôi.

Tôi là một trong bảy người con, và học nhiều điều về nghề nông khi còn nhỏ

Thị trấn Liberty có những nông trại nhỏ ở xung quanh, và chủ yếu là trồng bắp. Khi tôi ra đời, cha đang làm thuê cho một nông dân trong vùng. Khi là thanh thiếu niên, tôi học lái máy kéo và quen thuộc với các kỹ năng làm nông cơ bản.

Khi có tôi, cha đã 56 tuổi và mẹ thì 35 tuổi. Cha tôi trông rất khỏe mạnh. Cha làm việc chăm chỉ và dạy anh em tôi biết quý trọng công việc. Cha chưa từng làm ra nhiều tiền nhưng luôn cung cấp cho chúng tôi mái nhà để ở, áo để mặc và thực phẩm để ăn. Cha luôn ở bên khi chúng tôi cần. Cha tôi hưởng thọ 93 tuổi, còn mẹ qua đời lúc 86 tuổi. Cha mẹ đều không thờ phượng Đức Giê-hô-va. Tôi có một em trai phụng sự trung thành và là trưởng lão kể từ khi có sắp đặt này vào đầu thập niên 1970.

NHỮNG NĂM ĐẦU ĐỜI

Mẹ tôi là người sùng đạo. Mẹ dẫn chúng tôi đi nhà thờ Báp-tít mỗi chủ nhật. Khi 12 tuổi, lần đầu tiên tôi nghe về Chúa Ba Ngôi. Tôi tò mò hỏi mẹ: “Làm sao Chúa Giê-su vừa là Con vừa là Cha hả mẹ?”. Tôi nhớ mẹ trả lời rằng: “Đó là điều mầu nhiệm, chúng ta không được phép hiểu”. Đó thật là điều mầu nhiệm với tôi. Dù thế, khi 14 tuổi, tôi báp-têm ở một nhánh sông gần nhà, được nhúng xuống ba lần vì Chúa có ba ngôi!

Năm 1952—Lúc 17 tuổi, trước khi tôi gia nhập quân đội

Thời trung học, tôi có một người bạn chơi đấm bốc, và bạn ấy thuyết phục tôi theo môn này. Tôi bắt đầu luyện tập và tham gia hiệp hội Golden Gloves. Tôi không giỏi lắm nên sau vài trận, tôi đã bỏ cuộc. Sau này, tôi gia nhập Quân đội Hoa Kỳ và được phái đi Đức. Ở đó, cấp trên gửi tôi đến một học viện quân đội vì nghĩ rằng tôi có năng khiếu lãnh đạo. Họ muốn quân đội trở thành sự nghiệp của tôi. Vì không muốn tiếp tục ở lại trong quân đội, nên sau hai năm nghĩa vụ, tôi giải ngũ vào năm 1956. Tuy nhiên, sau đó không lâu, tôi gia nhập một “quân đoàn” hoàn toàn khác.

Năm 1954-1956—Hai năm trong Quân đội Hoa Kỳ

MỘT ĐỜI SỐNG MỚI BẮT ĐẦU

Đến giai đoạn ấy của cuộc đời, tôi đã phần nào học cách trở thành người đàn ông bản lĩnh. Định nghĩa của phim ảnh và xã hội về hình ảnh người đàn ông như thế đã ảnh hưởng đến tôi rất nhiều. Đối với tôi, người truyền giáo không đủ để thể hiện bản lĩnh. Nhưng tôi bắt đầu học được những điều mà sẽ hoàn toàn thay đổi đời mình. Ngày nọ, tôi đang lái chiếc xe mui trần màu đỏ qua thị trấn thì có hai phụ nữ gọi tôi. Tôi biết họ vì họ là em gái của anh rể tôi. Hai người này là Nhân Chứng Giê-hô-va. Trước đây, tôi có nhận Tháp Canh Tỉnh Thức! của họ, nhưng nhìn chung tôi cảm thấy Tháp Canh hơi sâu đối với tôi. Tuy nhiên, lần này họ mời tôi tham dự Buổi học cuốn sách hội thánh, là buổi thảo luận Kinh Thánh tại nhà họ. Tôi nói mình sẽ suy nghĩ. Các chị mỉm cười hỏi tôi: “Anh hứa sẽ đến chứ?”. Tôi đáp: “Tôi hứa”.

Lúc đó, tôi hơi hối hận vì đã hứa như thế, nhưng không thể nuốt lời. Tôi đã đến tối hôm ấy. Điều gây ấn tượng nhất với tôi là các em trẻ. Không thể tin được các em hiểu nhiều về Kinh Thánh đến thế! Sau rất nhiều buổi chủ nhật đi nhà thờ cùng với mẹ, tôi vẫn không hiểu gì nhiều về Kinh Thánh. Tôi quyết tâm tìm hiểu thêm và đồng ý học Kinh Thánh. Một trong những điều đầu tiên tôi học được là Đức Chúa Trời Toàn Năng có danh riêng là Giê-hô-va. Nhiều năm trước, khi tôi hỏi mẹ về Nhân Chứng Giê-hô-va, mẹ chỉ nói: “À, họ thờ ông già nào đó tên là Giê-hô-va”. Nhưng giờ thì mắt tôi đã mở ra!

Tôi tiến bộ rất nhanh vì biết mình đã tìm được chân lý. Sau chín tháng kể từ buổi nhóm đầu tiên đó, tôi báp-têm vào tháng 3 năm 1957. Quan điểm của tôi về đời sống đã thay đổi. Tôi mừng vì Kinh Thánh đã dạy tôi biết đàn ông thực thụ là gì. Chúa Giê-su là người đàn ông hoàn hảo. Ngài có sức mạnh và quyền năng mà không người đàn ông bản lĩnh nào có thể so sánh được. Dù vậy, ngài không tham gia vào những cuộc ẩu đả nhưng “để mình bị hà hiếp”, như trong lời tiên tri (Ê-sai 53:2, 7). Tôi học được rằng môn đồ chân chính của Chúa Giê-su “cần phải mềm mại với mọi người”.—2 Ti 2:24.

Năm sau, tức là năm 1958, tôi làm tiên phong. Rồi tôi ngưng tiên phong một thời gian ngắn. Tại sao? Vì tôi quyết định kết hôn với Gloria, là một trong hai người đã mời tôi đến buổi học cuốn sách! Tôi không bao giờ hối tiếc về quyết định ấy. Lúc đó Gloria như một viên đá quý đối với tôi, và đến nay vẫn vậy. Với tôi, cô ấy là viên kim cương Hy Vọng (Hope Diamond), nhưng tôi không cần phải hy vọng trong trường hợp này. Tôi đã kết hôn với cô ấy! Hãy nghe Gloria kể đôi chút về mình:

“Tôi có 17 anh chị em. Mẹ tôi là một Nhân Chứng trung thành. Mẹ qua đời khi tôi 14 tuổi. Lúc đó, cha tôi bắt đầu học Kinh Thánh. Chị gái tôi đang học trung học. Vì mẹ đã mất nên cha đến gặp hiệu trưởng của trường để xin cho hai chị em tôi đi học vào những ngày xen kẽ nhau. Nhờ đó, chúng tôi có thể thay phiên ở nhà chăm sóc các em và chuẩn bị bữa tối cho gia đình trước khi cha đi làm về. Hiệu trưởng đồng ý, và chúng tôi làm thế cho đến khi chị tôi tốt nghiệp. Có hai gia đình Nhân Chứng dạy Kinh Thánh cho chúng tôi, và cuối cùng 11 anh chị em đã trở thành Nhân Chứng. Tôi rất thích thánh chức dù phải luôn đấu tranh với sự nhút nhát. Anh Samuel đã giúp tôi cải thiện điều này”.

Gloria và tôi kết hôn vào tháng 2 năm 1959. Chúng tôi rất thích làm tiên phong cùng nhau. Vào tháng 7 năm đó, chúng tôi nộp đơn vào Bê-tên vì ao ước được phục vụ ở trụ sở trung ương. Một anh đáng mến là Simon Kraker đã phỏng vấn chúng tôi. Anh cho biết Bê-tên lúc đó không nhận các cặp vợ chồng. Chúng tôi chưa từng từ bỏ ước muốn được phục vụ ở Bê-tên, dù rất lâu sau đó ước muốn ấy mới thành hiện thực!

Chúng tôi viết thư cho trụ sở trung ương, xin được phụng sự ở nơi có nhu cầu lớn hơn. Chúng tôi nhận được lời phúc đáp, với chỉ một lựa chọn: Đến Pine Bluff, Arkansas. Thời đó, chỉ có hai hội thánh ở Pine Bluff: một hội thánh da trắng và một hội thánh da đen. Chúng tôi được phái đến hội thánh da đen, có khoảng 14 người công bố.

ĐỐI PHÓ VỚI SỰ CHIA CẮT VÀ PHÂN BIỆT CHỦNG TỘC

Có lẽ anh chị thắc mắc tại sao lại có sự chia cắt trong vòng hội thánh của Nhân Chứng Giê-hô-va. Câu trả lời đơn giản vì đó là lựa chọn duy nhất vào thời ấy. Người khác chủng tộc nhóm lại với nhau là điều bất hợp pháp, và khi ấy có nguy cơ xảy ra bạo động. Tại nhiều nơi, các anh chị có lý do để sợ rằng nếu hai chủng tộc nhóm lại thờ phượng, Phòng Nước Trời của họ sẽ bị phá hủy. Chuyện như thế đã xảy ra. Nếu Nhân Chứng da đen đi rao giảng từng nhà trong khu vực người da trắng, họ sẽ bị bắt và rất có thể bị đánh. Vì thế, để có thể rao giảng, chúng tôi tuân theo luật pháp, hy vọng rằng qua thời gian mọi chuyện sẽ tốt hơn.

Chúng tôi gặp một số thử thách trong thánh chức. Khi rao giảng trong khu vực người da đen, đôi khi chúng tôi vô tình gõ cửa nhà người da trắng. Lúc đó, chúng tôi phải quyết định nhanh là nên trình bày ngắn gọn hoặc chỉ xin lỗi và đi. Đó là cách làm lúc bấy giờ.

Chúng tôi cũng phải làm việc ngoài đời để hỗ trợ công việc tiên phong. Hầu hết công việc của chúng tôi được trả ba đô-la một ngày. Gloria nhận dọn dẹp cho vài nơi. Tại một nơi, tôi được phép giúp để cô ấy có thể làm xong trong nửa thời gian. Chúng tôi cũng được cung cấp bữa trưa, đó là một phần ăn đông lạnh, và hai vợ chồng ăn phần đó trước khi về. Mỗi tuần, Gloria cũng ủi đồ cho một gia đình nọ. Tôi thì làm vườn, lau chùi cửa sổ và làm các việc vặt khác. Chúng tôi cũng lau chùi cửa sổ cho nhà của một gia đình da trắng. Gloria lau bên trong, còn tôi thì bên ngoài. Cần cả ngày để làm hết việc, nên chúng tôi được cung cấp bữa trưa. Gloria ăn bên trong nhà nhưng tách biệt khỏi gia đình ấy, còn tôi thì ăn ở ga-ra. Không sao, dù gì thì đó cũng là bữa ăn ngon. Gia đình đó tốt, nhưng họ vẫn giữ lối suy nghĩ thành kiến của xã hội lúc bấy giờ. Tôi nhớ một lần chúng tôi đi đổ xăng. Sau khi đổ đầy xe, tôi hỏi một nhân viên để xin cho Gloria dùng phòng vệ sinh. Ông ta trừng mắt nhìn tôi và nói: “Phòng vệ sinh khóa rồi!”.

NHỮNG HÀNH ĐỘNG ĐÁNG NHỚ

Tuy vậy, chúng tôi đã có khoảng thời gian tuyệt vời với anh em, và chúng tôi yêu thánh chức! Khi mới đến Pine Bluff, chúng tôi ở cùng nhà một anh là tôi tớ hội thánh lúc bấy giờ. Vợ anh chưa tin đạo, nên Gloria học Kinh Thánh với chị. Còn tôi thì học với cặp vợ chồng con gái của họ. Cả người mẹ lẫn con gái đều quyết định dâng đời sống cho Đức Giê-hô-va và báp-têm.

Chúng tôi có nhiều bạn thân trong hội thánh da trắng. Họ mời chúng tôi dùng bữa, nhưng phải làm thế trong đêm tối. Thời đó, có một băng đảng phân biệt chủng tộc và bạo động là Ku Klux Klan (KKK) hoạt động rất mạnh. Tôi nhớ vào một đêm Halloween, tôi thấy một người đàn ông ngồi trước cửa nhà, khoác áo trắng và đội mũ trùm đầu như cách của thành viên KKK. Dù thế, những điều đó vẫn không ngăn các anh em thể hiện lòng tử tế. Mùa hè nọ, chúng tôi cần tiền để đi dự hội nghị, và một anh đồng ý mua chiếc Ford đời 1950 của chúng tôi. Một tháng sau, sau khi thấm mệt vì đi bộ từng nhà dưới cái nóng mùa hè và điều khiển học hỏi Kinh Thánh, chúng tôi về nhà và vô cùng ngạc nhiên. Chiếc xe chúng tôi ở đó, đậu ngay trước cửa! Trên kính chắn gió có tờ giấy ghi: “Xin nhận lại chiếc xe này như là món quà từ tôi. Thân mến, người anh em của anh chị”.

Một hành động nhân từ khác đã gây ấn tượng sâu sắc đối với tôi. Năm 1962, tôi được mời tham dự Trường thánh chức Nước Trời ở South Lansing, New York. Đó là một tháng huấn luyện các anh làm công việc giám thị trong hội thánh, vòng quanh hoặc vùng. Khi được mời, tôi đang thất nghiệp và gặp khó khăn về kinh tế. Nhưng một công ty điện thoại ở Pine Bluff đã phỏng vấn tôi. Nếu được thuê, tôi sẽ là người da đen đầu tiên làm việc trong công ty đó. Cuối cùng, họ cho biết sẽ thuê tôi. Tôi phải làm gì đây? Tôi không có tiền đi New York. Tôi định là sẽ nhận việc và từ chối lời mời của trường. Khi tôi sắp viết thư từ chối thì một chuyện đã xảy ra mà tôi không bao giờ quên.

Buổi sáng nọ, một chị trong hội thánh có chồng không tin đạo đã gõ cửa nhà chúng tôi và trao cho tôi một phong bì. Trong đó có nhiều tiền. Suốt nhiều tuần, chị và các con đã dậy sớm để ra đồng cắt cây bông, dọn cỏ dại mọc giữa các hàng cây, để có đủ tiền cho tôi đi New York. Chị nói: “Anh hãy học càng nhiều càng tốt, và trở về dạy lại chúng tôi!”. Sau đó, tôi hỏi công ty điện thoại cho tôi làm việc trễ hơn năm tuần được không. Họ trả lời: “Không!”. Nhưng điều đó không quan trọng. Tôi đã quyết định. Tôi rất mừng là mình không nhận việc ấy!

Khi nhớ về khoảng thời gian ở Pine Bluff, Gloria nói: “Tôi rất thích khu vực ấy! Tôi đã có 15 đến 20 học hỏi Kinh Thánh. Chúng tôi rao giảng từng nhà vào buổi sáng, thời gian còn lại thì điều khiển học hỏi, đôi khi đến 11 giờ đêm. Thánh chức mang lại nhiều niềm vui! Tôi rất vui nếu được tiếp tục công việc ấy. Phải thừa nhận rằng tôi không muốn đổi nhiệm sở sang công tác vòng quanh, nhưng Đức Giê-hô-va nghĩ khác”. Phải, ngài có ý khác.

CÔNG TÁC LƯU ĐỘNG

Khi làm tiên phong ở Pine Bluff, chúng tôi điền đơn xin làm tiên phong đặc biệt. Chúng tôi rất mong đợi điều này vì giám thị địa hạt muốn chúng tôi giúp một hội thánh ở Texas, và làm tiên phong đặc biệt ở đó. Chúng tôi mong chờ sự thay đổi này. Chúng tôi chờ và chờ, hy vọng nhận được câu trả lời nhưng hộp thư vẫn trống không. Cuối cùng lá thư cũng đến, nhưng chúng tôi được bổ nhiệm trong công tác lưu động! Đó là tháng 1 năm 1965. Anh Leon Weaver, hiện nay là giám thị điều phối của Ủy ban Chi nhánh Hoa Kỳ, cũng được bổ nhiệm làm giám thị vòng quanh cùng lúc đó.

Tôi rất lo lắng về việc trở thành giám thị vòng quanh. Khoảng một năm trước, giám thị địa hạt là anh James Thompson đã xem xét các tiêu chuẩn của tôi. Anh nhân từ cho tôi thấy những khía cạnh mà mình cần cải thiện, và các kỹ năng cần thiết đối với một giám thị vòng quanh. Không lâu sau khi tham gia công tác này, tôi nhận ra đó là lời khuyên mình thật sự cần. Sau khi tôi được bổ nhiệm, anh Thompson là giám thị địa hạt đầu tiên cùng phụng sự với tôi. Tôi học được rất nhiều từ anh trung thành này.

Tôi quý sự giúp đỡ nhận được từ các anh trung thành

Thời đó, giám thị vòng quanh không được huấn luyện nhiều. Tôi có một tuần để quan sát giám thị vòng quanh đến thăm một hội thánh. Rồi tuần sau anh ấy quan sát tôi thăm một hội thánh khác. Anh đưa ra đề nghị và sự hướng dẫn. Sau đó, chúng tôi tự lo liệu. Tôi nhớ đã nói với Gloria: “Anh ấy có thật sự phải đi ngay không?”. Nhưng qua thời gian, tôi nhận ra một điều là luôn có những anh tốt sẵn sàng giúp đỡ, nếu mình để họ giúp. Tôi vẫn quý sự giúp đỡ nhận được từ các anh như anh James Brown, lúc đó là giám thị lưu động, và anh Fred Rusk ở nhà Bê-tên.

Nạn phân biệt chủng tộc lúc bấy giờ rất gay gắt. Có lần, KKK tổ chức diễu hành trong thành phố chúng tôi đang thăm là Tennessee. Tôi cũng nhớ một lần khác là khi nhóm rao giảng ghé qua quán ăn nhanh. Tôi đi vào nhà vệ sinh và để ý thấy một người đàn ông trông dữ tợn, có xăm hình của chủ nghĩa “da trắng thượng đẳng”, cũng đứng lên đi theo tôi. Nhưng một anh da trắng, cao to hơn tôi và người khách dữ tợn kia, đi vào sau chúng tôi. Anh hỏi: “Anh Herd, mọi chuyện ổn chứ?”. Người khách kia liền bỏ đi mà không dùng nhà vệ sinh. Qua nhiều năm, tôi thấy được rằng thành kiến không thật sự là vì màu da mà là vì tội lỗi—tội lỗi của A-đam đã ảnh hưởng đến tất cả chúng ta. Tôi cũng học được rằng anh em của chúng ta luôn là anh em bất kể màu da là gì, và anh em có thể chết cho chúng ta nếu cần.

KẾT CUỘC GIÀU CÓ

Chúng tôi làm công tác lưu động 33 năm, trong đó 21 năm làm giám thị địa hạt. Đó là những năm tháng đầy ân phước và nhiều kinh nghiệm khích lệ. Và cũng có phần thưởng khác. Tháng 8 năm 1997, giấc mơ từ lâu của chúng tôi đã thành hiện thực. Chúng tôi được mời vào Bê-tên Hoa Kỳ, khoảng 38 năm sau khi điền đơn lần đầu tiên. Tháng sau, chúng tôi bắt đầu phục vụ tại Bê-tên. Tôi nghĩ các anh có trách nhiệm ở Bê-tên chỉ muốn tôi giúp tạm thời, nhưng không phải vậy.

Khi kết hôn, Gloria như một viên đá quý đối với tôi, và đến nay vẫn vậy

Đầu tiên, tôi được bổ nhiệm vào Ban Công tác. Tôi học được nhiều điều. Các anh ở đây trả lời nhiều câu hỏi tế nhị và phức tạp cho các hội đồng trưởng lão và giám thị vòng quanh khắp nước. Tôi quý tinh thần kiên nhẫn và sẵn sàng giúp đỡ của các anh huấn luyện tôi. Tuy nhiên, nếu được phân công trở lại làm việc ở đó, chắc là tôi phải học lại từ đầu.

Vợ chồng tôi rất thích đời sống Bê-tên. Chúng tôi luôn thức dậy sớm, là thói quen hữu ích tại Bê-tên. Sau khoảng một năm, tôi phục vụ với tư cách là người trợ giúp Ủy ban Công tác của Hội đồng Lãnh đạo của Nhân Chứng Giê-hô-va. Rồi năm 1999, tôi được bổ nhiệm làm thành viên Hội đồng Lãnh đạo. Tôi học được nhiều điều từ công việc này, nhưng bài học quan trọng nhất là chính Chúa Giê-su là đầu của hội thánh, chứ không phải người phàm.

Từ năm 1999, tôi có đặc ân phục vụ trong Hội đồng Lãnh đạo

Nhìn lại cuộc đời, đôi khi tôi thấy mình phần nào giống nhà tiên tri A-mốt. Đức Giê-hô-va đã để ý đến người chăn cừu khiêm nhường ấy, là người từng làm công việc hèn mọn như châm trái sung, loại thức ăn mà người ta nghĩ rằng chỉ dành cho người nghèo. Đức Chúa Trời đã bổ nhiệm A-mốt làm nhà tiên tri, một công việc hẳn là giàu có về thiêng liêng (A-mốt 7:14, 15, chú thích). Tương tự, Đức Giê-hô-va đã để ý đến tôi, là con trong gia đình nông dân nghèo ở Liberty, Indiana, và ban nhiều ân phước cho tôi, nhiều không sao kể xiết! (Châm 10:22). Tôi thấy đời mình có khởi đầu nghèo khó về vật chất, nhưng kết cuộc giàu có về thiêng liêng, giàu có hơn cả những gì tôi có thể hình dung!