Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Hãy biết kẻ thù

Hãy biết kẻ thù

“Chẳng phải chúng ta không biết mưu kế của [Sa-tan]”.—2 CÔ 2:11.

BÀI HÁT: 150, 32

1. Trong vườn Ê-đen, Đức Giê-hô-va tiết lộ gì về kẻ thù của chúng ta?

Hẳn A-đam biết con rắn không biết nói. Có thể ông đoán được một tạo vật thần linh đã nói chuyện với Ê-va qua con rắn (Sáng 3:1-6). A-đam và Ê-va hầu như không biết gì về tạo vật thần linh này. Dù thế, A-đam đã cố tình chọn quay lưng lại với Cha yêu thương trên trời và theo phe kẻ lạ chống lại ý muốn của ngài (1 Ti 2:14). Ngay lập tức, Đức Giê-hô-va tiết lộ thông tin về kẻ thù đã khiến A-đam và Ê-va trở nên bại hoại, và hứa rằng cuối cùng hắn sẽ bị hủy diệt. Nhưng Đức Giê-hô-va cũng cảnh báo là trong một thời gian, tạo vật thần linh nói chuyện qua con rắn ấy sẽ chống đối những người yêu mến ngài.—Sáng 3:15.

2, 3. Tại sao dường như Sa-tan ít được đề cập trước khi Đấng Mê-si đến?

2 Đức Giê-hô-va không tiết lộ tên riêng của tạo vật thần linh phản nghịch. * Cho đến khoảng 2.500 năm sau cuộc phản nghịch đầu tiên, Đức Chúa Trời mới tiết lộ tên gọi miêu tả kẻ thù (Gióp 1:6). Thật ra, chỉ ba sách trong phần Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ là 1 Sử ký, Gióp và Xa-cha-ri dùng tên gọi Sa-tan, nghĩa là “kẻ chống đối”. Tại sao kẻ thù này ít được đề cập trước khi Đấng Mê-si đến?

3 Vì không muốn hướng sự chú ý đến Sa-tan, Đức Giê-hô-va không cho biết nhiều chi tiết về hắn và hoạt động của hắn trong phần Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ. Mục tiêu chính của ngài khi soi dẫn phần này là để giúp dân ngài nhận diện Đấng Mê-si và dẫn họ đến với đấng ấy (Lu 24:44; Ga 3:24). Khi điều đó được hoàn tất và Đấng Mê-si đã đến, Đức Giê-hô-va dùng Đấng Mê-si và các môn đồ để tiết lộ nhiều chi tiết về Sa-tan và các thiên sứ theo hắn. * Điều này thích hợp vì chính Chúa Giê-su và những người đồng cai trị sẽ được Đức Giê-hô-va dùng để giày đạp Sa-tan cùng những kẻ theo hắn.—Rô 16:20; Khải 17:14; 20:10.

4. Tại sao chúng ta không nên quá lo lắng về Ác Quỷ?

4 Sứ đồ Phi-e-rơ miêu tả Sa-tan Ác Quỷ như “sư tử gầm rống”, và Giăng gọi hắn là “con rắn” và “con rồng” (1 Phi 5:8; Khải 12:9). Nhưng chúng ta không cần quá lo lắng về Ác Quỷ, vì quyền lực của hắn có giới hạn. (Đọc Gia-cơ 4:7). Chúng ta có sự hỗ trợ của Đức Giê-hô-va, Chúa Giê-su và các thiên sứ trung thành. Với sự giúp đỡ ấy, chúng ta có thể kháng cự kẻ thù. Tuy nhiên, có ba câu hỏi quan trọng cần được giải đáp: Sa-tan có tầm ảnh hưởng nào? Sa-tan ra sức ảnh hưởng đến các cá nhân ra sao? Và quyền lực của hắn có giới hạn nào? Khi thảo luận những câu hỏi này, cũng hãy xem chúng ta học được điều gì.

SA-TAN CÓ TẦM ẢNH HƯỞNG NÀO?

5, 6. Tại sao chính phủ loài người không thể đem lại những thay đổi mà nhân loại cần nhất?

5 Một lượng lớn thiên sứ đã theo phe Sa-tan phản nghịch Đức Chúa Trời. Trước trận nước lụt, Sa-tan đã dụ dỗ một số thiên sứ ăn ở với con gái loài người. Kinh Thánh cho biết điều này khi dùng hình ảnh con rồng kéo theo một phần ba các ngôi sao trên trời (Sáng 6:1-4; Giu 6; Khải 12:3, 4). Khi từ bỏ gia đình của Đức Chúa Trời, những thiên sứ này đã để cho Sa-tan kiểm soát mình. Tuy nhiên, chúng không chỉ là một nhóm phá hoại. Sa-tan đã tổ chức một chính phủ bắt chước Nước Trời. Hắn tự phong mình lên làm vua, tổ chức các quỷ, ban quyền lực và khiến chúng trở thành những kẻ cầm quyền trên thế giới.—Ê-phê 6:12.

6 Qua tổ chức thần linh này, Sa-tan ảnh hưởng trên mọi chính phủ loài người. Điều đó được thấy rõ khi hắn cho Chúa Giê-su xem “mọi nước trên đất”, và nói: “Ta sẽ cho ngươi mọi quyền hành cùng vinh quang của các nước này, vì quyền hành đó đã được giao cho ta, ta muốn cho ai tùy ý” (Lu 4:5, 6). Dù chịu ảnh hưởng của Sa-tan, nhưng nhiều chính phủ làm điều tốt cho công dân của họ, và một số nhà cai trị cũng có thiện ý. Tuy nhiên, không chính phủ hoặc nhà cai trị nào có khả năng đem lại những thay đổi mà nhân loại cần nhất.—Thi 146:3, 4; Khải 12:12.

7. Ngoài việc dùng chính phủ, Sa-tan còn dùng tôn giáo sai lầm và ngành thương mại để lừa gạt người ta như thế nào? (Xem hình nơi đầu bài).

7 Sa-tan và các quỷ không chỉ dùng chính phủ mà còn dùng tôn giáo sai lầm và ngành thương mại để lừa gạt “toàn thể dân cư trên đất” (Khải 12:9). Qua tôn giáo sai lầm, Sa-tan lan truyền những lời dối trá về Đức Giê-hô-va. Dường như hắn còn quyết tâm khiến càng nhiều người quên danh Đức Chúa Trời càng tốt (Giê 23:26, 27). Vì thế, nhiều người có lòng thành nghĩ mình đang thờ phượng Đức Chúa Trời thì thật ra đang bị lừa gạt để thờ các quỷ (1 Cô 10:20; 2 Cô 11:13-15). Ngoài ra, Sa-tan dùng ngành thương mại để lan truyền lời nói dối, chẳng hạn như cách tốt nhất để hạnh phúc là theo đuổi tiền bạc và tích lũy nhiều của cải (Châm 18:11). Những người tin lời nói dối này đã dành cả đời để phục vụ “Tiền Của” thay vì Đức Chúa Trời (Mat 6:24). Lòng yêu vật chất có thể bóp nghẹt tình yêu thương mà họ từng có đối với Đức Chúa Trời.—Mat 13:22; 1 Giăng 2:15, 16.

8, 9. (a) Lời tường thuật về A-đam, Ê-va và các thiên sứ phản nghịch dạy chúng ta hai bài học nào? (b) Biết được tầm ảnh hưởng của Sa-tan giúp ích thế nào?

8 Trường hợp của A-đam, Ê-va và các thiên sứ phản nghịch dạy chúng ta ít nhất hai bài học quan trọng. Thứ nhất, chỉ có hai bên, và chúng ta phải chọn một. Chúng ta chọn tiếp tục trung thành với Đức Giê-hô-va hoặc đứng về phe Sa-tan (Mat 7:13). Thứ hai, những kẻ theo Sa-tan chỉ nhận được “lợi ích” nào đó. A-đam và Ê-va đã có thể tự đặt ra tiêu chuẩn về điều thiện và điều ác, còn các quỷ đã có thể ảnh hưởng phần nào trên chính phủ loài người (Sáng 3:22). Tuy nhiên, cái giá phải trả luôn nặng nề hơn bất cứ “lợi ích” nào mà Sa-tan đưa ra.—Gióp 21:7-17; Ga 6:7, 8.

9 Biết được tầm ảnh hưởng của Sa-tan giúp ích thế nào? Đó là giúp chúng ta có cái nhìn thăng bằng về các bậc cầm quyền và thôi thúc chúng ta rao giảng. Đức Giê-hô-va muốn chúng ta tôn trọng các bậc cầm quyền (1 Phi 2:17). Ngài muốn chúng ta vâng theo luật pháp của họ miễn là không vi phạm tiêu chuẩn của ngài (Rô 13:1-4). Nhưng chúng ta biết mình phải trung lập, không bao giờ xem đảng phái hoặc nhà cai trị này hơn đảng phái hoặc nhà cai trị khác (Giăng 17:15, 16; 18:36). Vì biết điều Sa-tan đang ra sức làm đối với danh Đức Giê-hô-va, chúng ta càng nỗ lực dạy cho người khác về chân lý. Chúng ta tự hào mang danh ngài và dùng danh ấy. Tình yêu thương dành cho Đức Chúa Trời quý giá hơn nhiều so với tiền bạc hay của cải.—Ê-sai 43:10; 1 Ti 6:6-10.

SA-TAN RA SỨC ẢNH HƯỞNG ĐẾN CÁC CÁ NHÂN RA SAO?

10-12. (a) Có lẽ Sa-tan đã bẫy một số thiên sứ như thế nào? (b) Chúng ta rút ra bài học nào từ sự sa ngã của nhiều thiên sứ?

10 Sa-tan rất hữu hiệu trong việc dùng các mưu kế để ảnh hưởng đến các cá nhân. Chẳng hạn, hắn dùng mồi để dụ họ làm theo ý hắn. Hắn cũng cố gây sức ép để họ khuất phục hắn.

11 Hãy xem Sa-tan hữu hiệu thế nào trong việc dùng mồi để dụ một lượng lớn thiên sứ. Rất có thể hắn đã quan sát một thời gian trước khi dụ dỗ họ theo phe mình. Một số thiên sứ đã mắc bẫy và ăn ở với con gái loài người, họ sinh ra giống con lai đàn áp nhân loại (Sáng 6:1-4). Có lẽ Sa-tan không chỉ đưa ra cho các thiên sứ bất trung cơ hội về việc có quan hệ gian dâm mà còn hứa cho họ nắm quyền trên nhân loại. Mục tiêu của Sa-tan có thể là ngăn cản “dòng dõi người nữ” sẽ đến (Sáng 3:15). Dù là trường hợp nào, Đức Giê-hô-va đã chấm dứt mọi mưu kế ấy bằng cách giáng trận nước lụt để phá tan mọi nỗ lực của Sa-tan và các thiên sứ phản nghịch lúc bấy giờ.

Sa-tan cố dùng mồi là sự gian dâm, tính tự cao và thuật huyền bí để dụ chúng ta (Xem đoạn 12, 13)

12 Chúng ta rút ra bài học nào từ sự việc này? Đừng bao giờ xem thường cạm bẫy của sự gian dâm và mối nguy hiểm của tính tự cao. Trong hàng thiên niên kỷ, các thiên sứ theo phe Sa-tan đã phục vụ trước mặt Đức Chúa Trời. Nhưng ngay cả trong môi trường tốt như thế, nhiều thiên sứ đã để cho ham muốn sai trái đâm rễ và phát triển. Tương tự, có thể chúng ta đã phục vụ nhiều thập kỷ trong phần tổ chức trên đất của Đức Giê-hô-va. Nhưng ngay cả trong môi trường thiêng liêng thanh sạch này, những ham muốn sai trái vẫn có thể nảy sinh (1 Cô 10:12). Vì thế, thật quan trọng khi thường xuyên xem lại lòng mình và loại bỏ những ý tưởng gian dâm cũng như sự tự cao!—Ga 5:26; đọc Cô-lô-se 3:5.

13. Một bẫy hiệu quả khác mà Sa-tan dùng là gì, và làm thế nào để tránh bẫy này?

13 Một bẫy hiệu quả khác mà Sa-tan dùng là sự tò mò về thuật huyền bí. Ngày nay, hắn không chỉ dùng tôn giáo sai lầm mà còn dùng công nghệ giải trí để khiến người ta ngày càng tò mò về các quỷ. Phim ảnh, trò chơi điện tử và các phương tiện truyền thông khác khiến ma thuật có vẻ hấp dẫn. Làm thế nào để tránh bẫy này? Chúng ta không mong đợi tổ chức Đức Chúa Trời cung cấp danh sách những chương trình giải trí chấp nhận được và không chấp nhận được. Mỗi chúng ta cần rèn luyện để lương tâm phù hợp với tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời (Hê 5:14). Tuy nhiên, chúng ta sẽ có lựa chọn khôn ngoan nếu áp dụng lời của Phao-lô, đó là yêu thương Đức Chúa Trời một cách ‘không giả tạo’ (Rô 12:9). Hãy tự hỏi: “Lựa chọn trong việc giải trí có khiến mình có vẻ giả tạo không? Nếu học viên hoặc người mà mình viếng thăm thấy chương trình mình xem, họ có nghĩ mình đang nói một đằng làm một nẻo không?”. Chúng ta sẽ ít có nguy cơ rơi vào bẫy của Sa-tan nếu lời nói đi đôi với hành động.—1 Giăng 3:18.

Sa-tan cố gây sức ép trên chúng ta qua chính phủ cấm đoán, bạn học gây áp lực và gia đình chống đối (Xem đoạn 14)

14. Sa-tan cố gây sức ép trên chúng ta như thế nào, và làm sao để đối phó?

14 Ngoài việc giăng bẫy, Sa-tan còn cố gây sức ép để buộc chúng ta thỏa hiệp trong việc giữ lòng trung thành. Chẳng hạn, hắn có thể khiến các chính phủ cấm đoán công việc rao giảng. Hoặc hắn ảnh hưởng đến đồng nghiệp hay bạn học để chế giễu chúng ta vì sống theo tiêu chuẩn đạo đức của Kinh Thánh (1 Phi 4:4). Hắn cũng có thể khiến các thành viên có ý tốt trong gia đình cản trở chúng ta đi nhóm họp (Mat 10:36). Chúng ta có thể làm gì để đối phó? Thứ nhất, chúng ta phải hiểu mình sẽ gặp sự tấn công trực tiếp, vì Sa-tan đang tranh chiến với chúng ta (Khải 2:10; 12:17). Thứ hai, chúng ta cần thấy vấn đề quan trọng hơn nằm sau những điều đó: Sa-tan vu cáo là chúng ta chỉ phụng sự Đức Giê-hô-va khi có hoàn cảnh thuận tiện. Hắn nói rằng nếu gặp áp lực, chúng ta sẽ quay lưng lại với Đức Chúa Trời (Gióp 1:9-11; 2:4, 5). Thứ ba, chúng ta phải nương cậy nơi Đức Giê-hô-va để có sức lực đối phó với vấn đề. Hãy nhớ rằng ngài sẽ không bao giờ bỏ chúng ta.—Hê 13:5.

QUYỀN LỰC CỦA SA-TAN CÓ GIỚI HẠN NÀO?

15. Sa-tan có thể ép chúng ta làm ngược lại ý muốn của chúng ta không? Hãy giải thích.

15 Sa-tan không thể ép người ta làm ngược lại ý muốn của họ (Gia 1:14). Nhiều người không biết mình đang hành động phù hợp với ý của Sa-tan. Nhưng sau khi tìm hiểu chân lý, mỗi người sẽ chọn hầu việc ai (Công 3:17; 17:30). Nếu chúng ta quyết tâm làm theo ý Đức Chúa Trời, Sa-tan không thể làm gì để phá đổ lòng trọn thành của chúng ta.—Gióp 2:3; 27:5.

16, 17. (a) Sa-tan và các quỷ có những giới hạn nào khác? (b) Tại sao chúng ta không nên sợ cầu nguyện lớn tiếng với Đức Giê-hô-va?

16 Sa-tan và các quỷ cũng có những giới hạn khác. Chẳng hạn, không nơi nào trong Kinh Thánh cho thấy chúng có thể đọc được lòng con người. Chỉ Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su mới có khả năng đó (1 Sa 16:7; Mác 2:8). Vậy, nếu nói hoặc cầu nguyện lớn tiếng thì sao? Chúng ta có nên sợ Sa-tan và các quỷ nghe lời cầu nguyện của mình và xen vào không? Câu trả lời là không. Tại sao? Chúng ta không ngại làm điều lành trong thánh chức chỉ vì sợ Ác Quỷ thấy chúng ta. Tương tự, chúng ta không ngại cầu nguyện lớn tiếng chỉ vì sợ Ác Quỷ nghe chúng ta. Kinh Thánh ghi lại gương của nhiều tôi tớ Đức Chúa Trời đã cầu nguyện lớn tiếng, và không gì cho thấy họ sợ Ác Quỷ nghe (1 Vua 8:22, 23; Giăng 11:41, 42; Công 4:23, 24). Nếu cố gắng giữ cho lời nói và hành động phù hợp với ý muốn Đức Chúa Trời, chúng ta có thể tin chắc ngài sẽ không để Ác Quỷ gây tổn hại lâu dài cho mình.—Đọc Thi thiên 34:7.

17 Chúng ta cần biết kẻ thù của mình, nhưng không cần khiếp sợ hắn. Với sự hỗ trợ của Đức Giê-hô-va, ngay cả người bất toàn cũng có thể chiến thắng Sa-tan (1 Giăng 2:14). Nếu chúng ta chống lại hắn thì hắn sẽ lánh xa chúng ta (Gia 4:7; 1 Phi 5:9). Dường như người trẻ là mục tiêu đặc biệt của Sa-tan. Vậy người trẻ có thể làm gì để đứng vững trước Ác Quỷ? Bài tiếp theo sẽ trả lời câu hỏi này.

^ đ. 2 Kinh Thánh cho biết ít nhất một số thiên sứ có tên riêng (Quan 13:18; Đa 8:16; Lu 1:19; Khải 12:7). Đức Giê-hô-va đặt tên cho mỗi tinh tú (Thi 147:4). Vì thế, hợp lý để cho rằng mọi con thần linh của ngài, kể cả thần linh đã trở thành Sa-tan, cũng có tên riêng.

^ đ. 3 Sa-tan được nhắc đến bằng tên gọi này chỉ 18 lần trong phần Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ, nhưng hơn 30 lần trong phần Kinh Thánh tiếng Hy Lạp.