Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Nguyện chúng ta trở nên một như Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su

Nguyện chúng ta trở nên một như Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su

‘Con cầu xin để tất cả họ đều trở nên một, như Cha hợp nhất với con’.—GIĂNG 17:20, 21.

BÀI HÁT: 24, 99

1, 2. (a) Chúa Giê-su cầu xin điều gì trong lời cầu nguyện cuối với các sứ đồ? (b) Tại sao Chúa Giê-su quan tâm đến sự hợp nhất?

Trong bữa ăn tối cuối cùng với các sứ đồ, Chúa Giê-su cho thấy ngài quan tâm đến sự hợp nhất. Khi cầu nguyện chung, ngài nói đến mong ước là tất cả các môn đồ đều trở nên một như ngài hợp nhất với Cha. (Đọc Giăng 17:20, 21). Sự hợp nhất của họ sẽ là bằng chứng mạnh mẽ và rõ ràng cho thấy Đức Giê-hô-va đã phái Chúa Giê-su xuống đất để làm theo ý ngài. Tình yêu thương, dấu hiệu nhận diện môn đồ chân chính của Chúa Giê-su, sẽ góp phần đem lại sự hợp nhất.—Giăng 13:34, 35.

2 Việc Chúa Giê-su nhấn mạnh sự hợp nhất là điều dễ hiểu. Ngài thấy giữa các sứ đồ thiếu điều này, chẳng hạn trong bữa ăn cuối cùng. Như trước đó, họ lại cãi nhau xem “ai lớn nhất trong vòng họ” (Lu 22:24-27; Mác 9:33, 34). Một lần khác, Gia-cơ và Giăng xin Chúa Giê-su cho họ nhận được vị trí cao trọng bên cạnh ngài trong Nước Trời.—Mác 10:35-40.

3. Những yếu tố nào góp phần gây chia rẽ giữa các môn đồ, và chúng ta sẽ xem xét các câu hỏi nào?

3 Tuy nhiên, mong muốn được nổi trội không phải là lý do duy nhất gây chia rẽ giữa các môn đồ. Người dân vùng đó cũng chia rẽ vì sự thù hằn và thành kiến. Các môn đồ cần vượt qua những điều ấy. Trong bài này, chúng ta sẽ xem xét các câu hỏi sau: Chúa Giê-su cho thấy mình không bị ảnh hưởng bởi thành kiến như thế nào? Làm thế nào ngài giúp các môn đồ trở nên không thiên vị và hợp nhất? Làm thế nào sự dạy dỗ của ngài giúp chúng ta giữ sự hợp nhất?

SỰ THÀNH KIẾN MÀ CHÚA GIÊ-SU VÀ CÁC MÔN ĐỒ GẶP PHẢI

4. Hãy nêu những ví dụ cho thấy Chúa Giê-su cũng bị thành kiến.

4 Chính Chúa Giê-su cũng bị thành kiến. Khi Phi-líp báo với Na-tha-na-ên rằng ông đã gặp Đấng Mê-si, Na-tha-na-ên nói: “Có gì tốt ra từ Na-xa-rét sao?” (Giăng 1:46). Dường như Na-tha-na-ên biết lời tiên tri nơi Mi-chê 5:2, và ông xem Na-xa-rét là nơi tầm thường, không đáng là quê hương của Đấng Mê-si. Nhiều người Giu-đê xem người Ga-li-lê là thấp kém. Những người Giu-đê có chức quyền khinh thường Chúa Giê-su vì ngài đến từ Ga-li-lê (Giăng 7:52). Còn những người Do Thái khác thì tìm cách sỉ nhục Chúa Giê-su qua việc gọi ngài là người Sa-ma-ri (Giăng 8:48). Người Sa-ma-ri khác với người Do Thái về chủng tộc và tôn giáo. Vì thế, cả người Giu-đê và người Ga-li-lê đều xem thường và tránh người Sa-ma-ri.—Giăng 4:9.

5. Môn đồ của Chúa Giê-su gặp phải sự thành kiến nào?

5 Những nhà lãnh đạo Do Thái cũng nhiều lần miệt thị các môn đồ của Chúa Giê-su. Người Pha-ri-si liệt kê các môn đồ vào hàng ‘dân đáng rủa’ (Giăng 7:47-49). Họ xem bất cứ ai không học ở trường đào tạo của Do Thái giáo hoặc không theo truyền thống của họ đều đáng khinh và tầm thường (Công 4:13, chú thích). Sự thành kiến mà Chúa Giê-su và môn đồ gặp phải bắt nguồn từ sự chia rẽ về tôn giáo, xã hội và chủng tộc. Chính các môn đồ cũng có sự thành kiến ấy. Để hợp nhất, họ cần thay đổi lối suy nghĩ.

6. Hãy nêu ví dụ cho thấy sự thành kiến có thể ảnh hưởng đến chúng ta.

6 Xung quanh chúng ta đầy dẫy sự thành kiến. Có thể chúng ta là nạn nhân hoặc chính mình là người có thành kiến. Một chị người Úc hiện đang làm tiên phong nói: “Trước đây, khi tập trung vào sự bất công mà người bản địa Úc phải chịu từ xưa tới nay, tôi căm ghét người da trắng. Tôi nuôi lòng căm ghét ấy cũng vì bản thân mình bị bạc đãi”. Một anh người Canada cho biết anh từng có thành kiến về ngôn ngữ: “Tôi nghĩ người nói tiếng Pháp nổi trội hơn những người khác. Tôi bắt đầu ghét người nói tiếng Anh”.

7. Chúa Giê-su cho thấy mình không bị ảnh hưởng bởi thành kiến như thế nào?

7 Ngày nay thành kiến có thể ăn sâu vào con người giống như thời Chúa Giê-su. Chúa Giê-su đã làm gì? Thứ nhất, chính ngài không thành kiến và không thiên vị. Ngài rao giảng cho người giàu lẫn người nghèo, người Pha-ri-si lẫn người Sa-ma-ri, ngay cả cho người thu thuế và kẻ có tội. Thứ hai, qua sự dạy dỗ và gương mẫu, Chúa Giê-su cho các môn đồ thấy họ không nên nghi ngờ hoặc kỳ thị người khác.

VƯỢT QUA THÀNH KIẾN BẰNG TÌNH YÊU THƯƠNG VÀ SỰ KHIÊM NHƯỜNG

8. Nguyên tắc cơ bản để có sự hợp nhất giữa các tín đồ đạo Đấng Ki-tô là gì? Hãy giải thích.

8 Chúa Giê-su dạy các môn đồ một nguyên tắc cơ bản để có sự hợp nhất. Ngài nói: “Tất cả đều là anh em”. (Đọc Ma-thi-ơ 23:8, 9). Dĩ nhiên, chúng ta là “anh em” theo nghĩa tất cả đều là con cháu của A-đam (Công 17:26). Nhưng không chỉ có thế. Chúa Giê-su giải thích rằng các môn đồ là anh em vì họ xem Đức Giê-hô-va là Cha (Mat 12:50). Ngoài ra, họ thuộc về một gia đình thiêng liêng, hợp nhất nhờ tình yêu thương và đức tin. Vì thế, trong những lá thư, các sứ đồ thường gọi tín đồ khác là “anh em”.—Rô 1:13; 1 Phi 2:17; 1 Giăng 3:13. *

9, 10. (a) Tại sao người Do Thái không có lý do để tự hào về chủng tộc? (b) Làm thế nào Chúa Giê-su dạy bài học về việc loại bỏ thành kiến chủng tộc? (Xem hình nơi đầu bài).

9 Sau khi cho biết rõ chúng ta nên xem nhau là anh chị em, Chúa Giê-su nhấn mạnh sự cần thiết của tính khiêm nhường. (Đọc Ma-thi-ơ 23:11, 12). Như được đề cập trước đó, tính tự cao trong vòng các sứ đồ đã gây chia rẽ. Ngoài ra, tự hào chủng tộc cũng có thể là một vấn đề. Nhiều người Do Thái tự hào vì là con cháu của Áp-ra-ham và để điều đó ăn sâu trong lòng. Nhưng Giăng Báp-tít nói với họ: “Đức Chúa Trời có thể dấy lên con cái cho Áp-ra-ham từ những hòn đá này”.—Lu 3:8.

10 Chúa Giê-su lên án lòng tự hào chủng tộc. Ngài đã tận dụng cơ hội để dạy điều đó khi một thầy kinh luật hỏi ngài: “Ai thật sự là người lân cận tôi?”. Chúa Giê-su trả lời bằng cách kể minh họa về người Sa-ma-ri chăm sóc cho người Do Thái bị bọn cướp đánh đập. Trong khi những người Do Thái đi ngang qua đã làm ngơ trước người đàn ông tội nghiệp đó, người Sa-ma-ri đã thương xót ông. Chúa Giê-su kết luận câu chuyện bằng cách bảo thầy kinh luật hãy làm y như người Sa-ma-ri ấy (Lu 10:25-37). Chúa Giê-su cho thấy một người Sa-ma-ri có thể giúp người Do Thái hiểu ý nghĩa của tình yêu thương chân thật đối với người lân cận.

11. Tại sao các môn đồ không nên có thành kiến với người ngoại quốc, và Chúa Giê-su giúp họ hiểu điều đó như thế nào?

11 Để hoàn thành sứ mạng, các môn đồ cần vượt qua thành kiến và sự tự cao. Trước khi về trời, Chúa Giê-su giao cho họ nhiệm vụ làm chứng “khắp xứ Giu-đê, Sa-ma-ri, cho đến tận cùng trái đất” (Công 1:8). Trước đó, ngài đã giúp họ sẵn sàng để nhận nhiệm vụ lớn lao này bằng cách hướng sự chú ý đến điểm tốt của người ngoại quốc. Ngài khen viên sĩ quan ngoại quốc vì ông có đức tin mạnh mẽ (Mat 8:5-10). Tại quê nhà Na-xa-rét, Chúa Giê-su nói về việc Đức Giê-hô-va yêu mến người ngoại quốc, chẳng hạn trường hợp của góa phụ người Phê-ni-xi ở Xa-rép-ta và Na-a-man người Sy-ri bị phong cùi (Lu 4:25-27). Ngoài ra, Chúa Giê-su không chỉ rao giảng cho người phụ nữ Sa-ma-ri mà còn ở lại một thành của dân Sa-ma-ri trong hai ngày vì người dân ở đó chú ý đến thông điệp.—Giăng 4:21-24, 40.

LOẠI BỎ THÀNH KIẾN VÀO THẾ KỶ THỨ NHẤT

12, 13. (a) Các sứ đồ phản ứng thế nào khi thấy Chúa Giê-su dạy một phụ nữ Sa-ma-ri? (Xem hình nơi đầu bài). (b) Điều gì cho thấy Gia-cơ và Giăng chưa rút ra được bài học?

12 Không dễ để các sứ đồ loại bỏ thành kiến. Họ rất ngạc nhiên khi thấy Chúa Giê-su sẵn sàng dạy một phụ nữ Sa-ma-ri (Giăng 4:9, 27). Các nhà lãnh đạo Do Thái giáo không nói chuyện với phụ nữ ở nơi công cộng, huống chi là một phụ nữ Sa-ma-ri có danh tiếng không tốt. Các sứ đồ giục Chúa Giê-su hãy ăn. Nhưng cách đáp lại của ngài cho thấy ngài chú tâm vào cuộc thảo luận về thiêng liêng ấy đến độ quên cơn đói. Công việc rao giảng, ngay cả cho người phụ nữ Sa-ma-ri, là ý muốn của Cha ngài và giống như thức ăn đối với ngài.—Giăng 4:31-34.

13 Gia-cơ và Giăng chưa rút ra được bài học. Khi cùng Chúa Giê-su băng qua Sa-ma-ri, các môn đồ tìm chỗ nghỉ qua đêm trong một làng của người Sa-ma-ri nhưng bị từ chối. Thấy vậy, Gia-cơ và Giăng nổi giận và đề nghị kêu lửa từ trời xuống tiêu diệt cả làng. Nhưng Chúa Giê-su quở trách họ (Lu 9:51-56). Có lẽ Gia-cơ và Giăng sẽ không phản ứng như thế nếu ngôi làng thiếu hiếu khách đó thuộc Ga-li-lê, quê hương của họ. Dường như thành kiến đã khiến họ có thái độ thù nghịch. Sau này, khi rao giảng thành công ở Sa-ma-ri, có lẽ Giăng cảm thấy hơi ngượng về cách phản ứng nóng vội của mình trước đây.—Công 8:14, 25.

14. Một vấn đề có lẽ liên quan đến thành kiến về ngôn ngữ đã được giải quyết như thế nào?

14 Không lâu sau Lễ Ngũ Tuần năm 33 CN, một vấn đề phân biệt đã xảy ra. Trong việc cấp phát lương thực cho các góa phụ nghèo, các góa phụ nói tiếng Hy Lạp bị bỏ bê (Công 6:1). Có lẽ thành kiến về ngôn ngữ là một nguyên nhân. Các sứ đồ nhanh chóng điều chỉnh vấn đề bằng cách bổ nhiệm những người nam hội đủ điều kiện để phụ trách việc cấp phát lương thực. Những anh thiêng liêng tính ấy đều có tên tiếng Hy Lạp. Có lẽ điều này giúp các góa phụ bị bỏ bê dễ chấp nhận hơn.

15. Phi-e-rơ tiến bộ thế nào trong việc thể hiện tính không thiên vị? (Xem hình nơi đầu bài).

15 Vào năm 36 CN, công việc đào tạo môn đồ ngày càng lan rộng. Trước đó, sứ đồ Phi-e-rơ thường chỉ kết hợp với người Do Thái. Tuy nhiên, sau khi Đức Chúa Trời cho thấy rõ tín đồ đạo Đấng Ki-tô không nên thiên vị, Phi-e-rơ đã rao giảng cho sĩ quan La Mã là Cọt-nây. (Đọc Công vụ 10:28, 34, 35). Kể từ đấy, Phi-e-rơ ăn chung và trò chuyện vui vẻ với tín đồ thuộc dân ngoại. Nhưng nhiều năm sau, Phi-e-rơ ngưng ăn chung với tín đồ thuộc dân ngoại ở thành An-ti-ốt (Ga 2:11-14). Lúc đó, Phao-lô khiển trách ông, và hẳn ông đã chấp nhận lời khuyên ấy. Khi viết lá thư đầu tiên cho người Do Thái và tín đồ thuộc dân ngoại ở Tiểu Á, Phi-e-rơ đã nói một cách nồng ấm về cả đoàn thể anh em.—1 Phi 1:1; 2:17.

16. Các tín đồ thời ban đầu có danh tiếng nào?

16 Rõ ràng, các sứ đồ đã noi gương Chúa Giê-su trong việc yêu thương “mọi loại người” (Giăng 12:32; 1 Ti 4:10). Dù cần thời gian nhưng họ đã điều chỉnh lối suy nghĩ. Thật vậy, các tín đồ thời ban đầu có tiếng là yêu thương nhau. Một tác giả vào thế kỷ thứ hai là Tertullian đã trích lời của những người không phải là tín đồ đạo Đấng Ki-tô như sau: “Họ yêu thương nhau... Họ sẵn lòng chết vì nhau”. Các tín đồ thời ấy đã mặc lấy “nhân cách mới” và xem mọi người đều như nhau trước mắt Đức Chúa Trời.—Cô 3:10, 11.

17. Chúng ta có thể loại bỏ thành kiến khỏi lòng mình như thế nào? Hãy cho ví dụ.

17 Ngày nay, có lẽ chúng ta cũng cần thời gian để loại bỏ thành kiến khỏi lòng mình. Một chị ở Pháp phải đấu tranh với điều đó. Chị nói: “Đức Giê-hô-va đã dạy tôi biết yêu thương là gì, chia sẻ là gì và yêu thương mọi loại người có nghĩa gì. Nhưng tôi vẫn phải tập loại bỏ thành kiến, và điều đó không phải lúc nào cũng dễ. Vì thế, tôi tiếp tục cầu nguyện về vấn đề này”. Một chị ở Tây Ban Nha cũng đối phó với vấn đề tương tự. Chị tâm sự: “Tôi vẫn phải đấu tranh với cảm giác phân biệt chủng tộc, và nhiều lần đã thành công. Nhưng tôi biết mình cần tiếp tục chiến đấu. Nhờ Đức Giê-hô-va, tôi hạnh phúc vì thuộc về một gia đình hợp nhất”. Mỗi chúng ta nên thành thật xem xét bản thân. Cá nhân chúng ta có phải đấu tranh để loại bỏ thành kiến như hai chị ấy không?

THÀNH KIẾN LỤI TÀN KHI TÌNH YÊU THƯƠNG PHÁT TRIỂN

18, 19. (a) Tại sao chúng ta nên tiếp đón mọi người? (b) Chúng ta tiếp đón người khác qua những cách cụ thể nào?

18 Hãy nhớ rằng tất cả chúng ta từng là “người lạ” hay người ngoại quốc, xa cách Đức Chúa Trời (Ê-phê 2:12). Nhưng Đức Giê-hô-va kéo chúng ta đến “bằng dây của tình thương” (Ô-sê 11:4; Giăng 6:44). Đấng Ki-tô cũng tiếp đón chúng ta, như thể ngài mở cánh cửa để chúng ta có thể đến với gia đình của Đức Chúa Trời. (Đọc Rô-ma 15:7). Chúa Giê-su đã nhân từ tiếp đón chúng ta, dù chúng ta là người bất toàn, thì lẽ nào chúng ta lại có thành kiến với người khác?

Tôi tớ Đức Giê-hô-va tìm kiếm sự khôn ngoan từ trên và hợp nhất trong tình yêu thương (Xem đoạn 19)

19 Sự kết thúc của thế gian gian ác này càng gần thì sự chia rẽ, thành kiến và ghen ghét càng gia tăng (Ga 5:19-21; 2 Ti 3:13). Nhưng là tôi tớ Đức Giê-hô-va, chúng ta muốn có sự khôn ngoan từ trên, là điều giúp mình không thiên vị và đẩy mạnh hòa thuận (Gia 3:17, 18). Chúng ta vui mừng khi kết bạn với anh em ở nước khác, chấp nhận sự khác biệt về văn hóa và có lẽ còn học ngôn ngữ của họ. Khi chúng ta làm thế, sự bình an sẽ tuôn chảy như sông và sự công bằng sẽ dạt dào như sóng biển.—Ê-sai 48:17, 18.

20. Kết quả là gì khi để tình yêu thương uốn nắn tâm trí?

20 Chị người Úc được đề cập ở trên cho biết: “Cánh cửa của tri thức thật đã mở ra cho tôi”. Chị nhận thấy việc học Kinh Thánh đã tác động mạnh đến mình. Chị nói: “Tôi được uốn nắn để có tâm trí mới. Nhờ thế, mọi thành kiến và sự ghen ghét từng ăn sâu trong tôi đã tan biến”. Anh người Canada cho biết giờ đây anh nhận ra rằng “việc thiếu hiểu biết thường là nguyên nhân dẫn đến phân biệt chủng tộc, và phẩm chất của một người không tùy thuộc vào nơi người đó sinh ra”. Anh đã kết hôn với một chị nói tiếng Anh! Những thay đổi đó là bằng chứng cho thấy tình yêu thương của tín đồ đạo Đấng Ki-tô quả thật có thể chiến thắng thành kiến. Tình yêu thương đó hợp nhất chúng ta trong mối liên kết vững bền.—Cô 3:14.

^ đ. 8 Từ “anh em” có thể bao hàm các chị trong hội thánh. Khi Phao-lô gửi thư cho “anh em” ở Rô-ma, rõ ràng trong đó cũng có các chị vì ông đề cập đến tên một số người (Rô 16:3, 6, 12). Từ lâu, tạp chí Tháp Canh đã gọi các tín đồ đồng đạo là “anh chị”.