Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Hãy để luật pháp và nguyên tắc rèn luyện lương tâm

Hãy để luật pháp và nguyên tắc rèn luyện lương tâm

‘Con ngẫm nghĩ các lời nhắc nhở của ngài’.—THI 119:99.

BÀI HÁT: 127, 88

1. Một điều khiến con người đặc biệt hơn loài vật là gì?

Một điều khiến con người đặc biệt hơn loài vật là họ được phú cho lương tâm. Điều này được thấy rõ kể từ khi con người xuất hiện trên đất. Sau khi vi phạm luật pháp Đức Chúa Trời, A-đam và Ê-va đã ẩn mình. Thật vậy, lương tâm đã khiến họ cảm thấy áy náy.

2. Lương tâm giống với la bàn như thế nào? (Xem hình nơi đầu bài).

2 Người có lương tâm không được rèn luyện đúng cách có thể ví như con tàu được định hướng bởi một la bàn bị lỗi. Bắt đầu hành trình với la bàn không chính xác sẽ gây nguy hiểm. Gió và dòng chảy của đại dương có thể làm con tàu lạc hướng. Một la bàn được điều chỉnh chính xác sẽ giúp thuyền trưởng lái tàu theo đúng hướng. Lương tâm chúng ta giống với la bàn. Lương tâm là khả năng nhận thức về điều đúng và điều sai, có thể hướng dẫn chúng ta đi đúng hướng. Nhưng để làm được điều đó, lương tâm phải được điều chỉnh hay rèn luyện.

3. Lương tâm không được rèn luyện đúng cách có thể dẫn đến hậu quả nào?

3 Khi không được rèn luyện đúng cách, lương tâm sẽ không ngăn cản một người làm điều sai trái (1 Ti 4:1, 2). Thậm chí lương tâm như thế có thể thuyết phục chúng ta rằng “xấu là tốt” (Ê-sai 5:20). Chúa Giê-su nói với các môn đồ: “Giờ sẽ đến, khi mọi kẻ giết anh em nghĩ làm thế là phụng sự Đức Chúa Trời” (Giăng 16:2). Đó là trường hợp của nhóm người đã giết Ê-tiên (Công 6:8, 12; 7:54-60). Suốt lịch sử, nhiều người sùng đạo đã nhân danh Đức Chúa Trời để phạm những tội ác, chẳng hạn giết người. Thật ra, họ đã vi phạm chính luật pháp của ngài (Xuất 20:13). Rõ ràng, lương tâm hướng dẫn họ đi sai đường!

4. Làm thế nào chúng ta có thể tránh để lương tâm hướng dẫn mình đi sai đường?

4 Làm thế nào chúng ta có thể tránh để lương tâm hướng dẫn mình đi sai đường? Luật pháp và nguyên tắc trong Lời Đức Chúa Trời “hữu ích cho việc dạy dỗ, khiển trách, chỉnh sửa, sửa trị người ta theo tiêu chuẩn công chính” (2 Ti 3:16). Vì thế, qua việc siêng năng học hỏi, suy ngẫm và áp dụng những gì Kinh Thánh dạy, chúng ta có thể rèn luyện lương tâm để nhạy bén hơn với quan điểm của Đức Chúa Trời. Khi đó, chúng ta có thể tin rằng lương tâm mình là sự hướng dẫn đáng tin cậy. Hãy xem luật pháp và nguyên tắc của Đức Giê-hô-va giúp chúng ta rèn luyện lương tâm như thế nào.

HÃY ĐỂ LUẬT PHÁP RÈN LUYỆN

5, 6. Chúng ta nhận được lợi ích nào khi làm theo luật pháp Đức Chúa Trời?

5 Để nhận lợi ích, chúng ta cần làm nhiều hơn là chỉ đọc và quen thuộc với luật pháp Đức Chúa Trời. Chúng ta phải gia tăng lòng yêu mến và quý trọng luật pháp ấy. Lời ngài nói: “Hãy ghét điều dữ và yêu điều lành” (A-mốt 5:15). Bằng cách nào? Bí quyết là tập nhìn mọi việc theo quan điểm của Đức Giê-hô-va. Để minh họa: Giả sử anh chị bị mất ngủ. Bác sĩ khuyên anh chị phải điều chỉnh chế độ ăn uống, tập thể dục và thay đổi lối sống. Sau khi làm theo, anh chị thấy có hiệu quả! Hẳn anh chị biết ơn bác sĩ vì đã giúp mình cải thiện đời sống.

6 Tương tự, Đấng Tạo Hóa ban luật pháp để bảo vệ chúng ta khỏi hậu quả tai hại của tội lỗi, nhờ đó có đời sống tốt hơn. Hãy nghĩ đến những lợi ích chúng ta nhận được khi làm theo luật pháp Kinh Thánh về việc tránh nói dối, mưu mô, ăn cắp, gian dâm, bạo lực và ma thuật. (Đọc Châm ngôn 6:16-19; Khải 21:8). Khi cảm nghiệm lợi ích đến từ việc làm theo đường lối Đức Giê-hô-va, lòng chúng ta tự nhiên càng yêu mến và biết ơn Đức Giê-hô-va cũng như luật pháp ngài.

7. Đọc và suy ngẫm các lời tường thuật trong Kinh Thánh có thể giúp chúng ta ra sao?

7 Đáng mừng là chúng ta không cần phải gánh hậu quả do vi phạm luật pháp Đức Chúa Trời thì mới rút ra được bài học giá trị. Chúng ta có thể học từ lỗi lầm của những người được ghi lại trong Kinh Thánh. Châm ngôn 1:5 nói: “Người khôn ngoan lắng nghe và thu thêm kiến thức”. Thật thế, chúng ta nhận được kiến thức tốt nhất từ Đức Chúa Trời, chẳng hạn khi đọc và suy ngẫm các lời tường thuật trong Kinh Thánh. Hãy suy ngẫm về nỗi đau mà vua Đa-vít phải chịu sau khi bất tuân với Đức Giê-hô-va và phạm tội ngoại tình với Bát-sê-ba (2 Sa 12:7-14). Hãy tự hỏi: “Đa-vít đã có thể tránh nỗi đau do việc phạm tội ngoại tình với Bát-sê-ba bằng cách nào? Nếu gặp cám dỗ tương tự, mình có quyết tâm tránh xa không? Mình sẽ bỏ chạy giống Giô-sép hay sẽ chiều theo giống Đa-vít?” (Sáng 39:11-15). Nghĩ đến hậu quả của tội lỗi có thể giúp chúng ta quyết tâm “ghét điều dữ”.

8, 9. (a) Lương tâm hoạt động trong những trường hợp nào? (b) Nguyên tắc Kinh Thánh hướng dẫn lương tâm chúng ta như thế nào?

8 Rất có thể chúng ta tránh xa những thực hành mà Đức Chúa Trời ghét. Tuy nhiên, có những hoạt động hoặc lĩnh vực trong đời sống mà Kinh Thánh không đưa ra luật cụ thể. Làm sao chúng ta biết đâu là điều đúng và đẹp lòng Đức Chúa Trời? Đó là lúc lương tâm được Kinh Thánh rèn luyện sẽ hoạt động.

9 Đức Giê-hô-va yêu thương ban cho chúng ta nguyên tắc để hướng dẫn lương tâm. Chính ngài phán: “Ta, Đức Giê-hô-va, là Đức Chúa Trời của con, đấng dạy dỗ con hầu con được ích, đấng hướng dẫn con trên đường phải đi” (Ê-sai 48:17, 18). Khi suy ngẫm và để nguyên tắc Kinh Thánh động đến lòng, chúng ta có thể điều chỉnh và uốn nắn lương tâm của mình. Nhờ đó, chúng ta có những quyết định khôn ngoan.

HÃY ĐỂ NGUYÊN TẮC HƯỚNG DẪN

10. Nguyên tắc là gì, và Chúa Giê-su dùng nguyên tắc một cách hữu hiệu như thế nào?

10 Nguyên tắc là một sự thật căn bản hoặc giáo lý được dùng làm cơ sở cho lý luận hay hành động. Việc hiểu một nguyên tắc bao hàm hiểu quan điểm của Đấng Lập Luật và lý do ngài ban luật nào đó. Trong suốt thời gian làm thánh chức, Chúa Giê-su dạy những sự thật căn bản để giúp môn đồ hiểu một số thái độ hoặc hành vi sẽ gây ra hậu quả nào. Chẳng hạn, ngài dạy rằng việc căm giận có thể dẫn đến hung bạo và lòng ham muốn có thể dẫn đến ngoại tình (Mat 5:21, 22, 27, 28). Nếu muốn lương tâm được rèn luyện đúng cách, chúng ta nên để nguyên tắc hướng dẫn. Điều đó sẽ mang lại vinh hiển cho Đức Chúa Trời.—1 Cô 10:31.

Một tín đồ thành thục sẽ nghĩ đến lương tâm người khác (Xem đoạn 11, 12)

11. Lương tâm có thể khác nhau thế nào?

11 Trong một số vấn đề, lương tâm của hai tín đồ có thể đưa ra những lựa chọn khác nhau, chẳng hạn như vấn đề rượu bia. Kinh Thánh không lên án việc dùng rượu bia có chừng mực. Tuy nhiên, Kinh Thánh cảnh báo việc lạm dụng rượu bia và say sưa (Châm 20:1; 1 Ti 3:8). Vậy, phải chăng một tín đồ dùng rượu bia cách chừng mực thì không cần xem xét các yếu tố khác? Không. Dù lương tâm mình không lên án nhưng tín đồ đó cũng cần nghĩ đến lương tâm người khác.

12. Rô-ma 14:21 thôi thúc chúng ta tôn trọng lương tâm người khác như thế nào?

12 Phao-lô nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nghĩ đến lương tâm người khác khi viết: “Tốt nhất đừng ăn thịt, uống rượu hoặc làm bất cứ điều gì khiến anh em mình vấp ngã” (Rô 14:21). Anh chị sẽ sẵn sàng từ bỏ điều mà mình có quyền làm nhưng có thể khiến người khác vấp ngã không? Hẳn anh chị sẵn sàng làm thế. Trước khi biết chân lý, một số anh em chúng ta từng lạm dụng rượu bia nhưng giờ đây quyết tâm tránh xa nó. Chắc chắn không ai trong chúng ta muốn làm bất cứ điều gì khiến anh em mình trở lại lối sống tai hại trước kia! (1 Cô 6:9, 10). Vì thế, khi tổ chức họp mặt, một người yêu thương sẽ tránh gây áp lực về việc uống rượu bia nếu anh em mình đã từ chối.

13. Ti-mô-thê nêu gương tốt nào trong việc đẩy mạnh quyền lợi Nước Trời?

13 Rất có thể khi khoảng 20 tuổi, Ti-mô-thê sẵn sàng chịu phép cắt bì để tránh gây vấp ngã cho những người Do Thái mà ông rao giảng. Ông đã có quan điểm giống sứ đồ Phao-lô (Công 16:3; 1 Cô 9:19-23). Như Ti-mô-thê, anh chị có sẵn sàng hy sinh quyền lợi cá nhân vì lợi ích của người khác không?

“HÃY TIẾN ĐẾN SỰ THÀNH THỤC”

14, 15. (a) Tiến đến sự thành thục bao hàm điều gì? (b) Thể hiện tình yêu thương với người khác liên hệ thế nào đến sự thành thục?

14 Tất cả tín đồ đạo Đấng Ki-tô không chỉ muốn dừng lại ở “giáo lý căn bản về Đấng Ki-tô” mà còn muốn “tiến đến sự thành thục” (Hê 6:1). Điều này không tự động diễn ra. Chúng ta cần “tiến đến” hay tiếp tục nỗ lực để trở nên thành thục. Tiến đến sự thành thục bao hàm việc gia tăng kiến thức và sự thông hiểu. Vì thế, chúng ta thường xuyên được khuyến khích đọc một phần Kinh Thánh mỗi ngày (Thi 1:1-3). Anh chị có đặt mục tiêu đó không? Đọc Kinh Thánh mỗi ngày có thể giúp anh chị hiểu rõ hơn luật pháp, nguyên tắc và Lời Đức Chúa Trời.

15 Điều luật cao trọng nhất của tín đồ đạo Đấng Ki-tô là luật về tình yêu thương. Chúa Giê-su nói: “Bởi điều này mà mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đồ tôi: Đó là có tình yêu thương giữa anh em” (Giăng 13:35). Gia-cơ, em cùng mẹ khác cha của Chúa Giê-su, gọi tình yêu thương là “điều luật cao trọng” (Gia 2:8). Phao-lô nói: “Tình yêu thương làm trọn luật pháp” (Rô 13:10). Không có gì lạ khi tình yêu thương được nhấn mạnh như thế, vì Kinh Thánh cho biết “Đức Chúa Trời là tình yêu thương” (1 Giăng 4:8). Tình yêu thương của Đức Chúa Trời không chỉ là cảm xúc. Giăng viết: “Trong trường hợp của chúng ta, tình yêu thương của Đức Chúa Trời được tỏ ra qua điều này: Đức Chúa Trời đã sai Con một của ngài xuống thế gian, hầu nhờ Con ấy mà chúng ta có sự sống” (1 Giăng 4:9). Đúng vậy, tình yêu thương đã thúc đẩy Đức Chúa Trời hành động. Càng thể hiện tình yêu thương đối với Đức Giê-hô-va và Con ngài, đối với anh em đồng đạo cũng như người đồng loại, chúng ta càng cho thấy mình thành thục.—Mat 22:37-39.

Càng lý luận dựa trên nguyên tắc, lương tâm sẽ càng là sự hướng dẫn đáng tin cậy (Xem đoạn 16)

16. Khi chúng ta tiến đến sự thành thục, tại sao nguyên tắc càng trở nên quan trọng?

16 Khi tiến đến sự thành thục, anh chị sẽ thấy nguyên tắc càng trở nên quan trọng đối với mình. Đó là vì luật pháp có thể áp dụng cho tình huống cụ thể, trong khi nguyên tắc thì áp dụng rộng hơn. Chẳng hạn, một em trẻ chưa hiểu mối nguy hiểm của việc kết hợp với người xấu, thế nên cha mẹ yêu thương sẽ đặt ra một số điều luật để bảo vệ em (1 Cô 15:33). Nhưng khi lớn lên, em có khả năng suy xét sắc bén hơn, nhờ đó có thể lý luận dựa trên nguyên tắc Kinh Thánh. Với thời gian, em có những quyết định khôn ngoan trong việc chọn bạn. (Đọc 1 Cô-rinh-tô 13:11; 14:20). Càng lý luận dựa trên nguyên tắc, lương tâm sẽ càng trở thành sự hướng dẫn đáng tin cậy, phù hợp với quan điểm của Đức Chúa Trời.

17. Tại sao có thể nói chúng ta có những điều cần thiết để giúp mình quyết định khôn ngoan?

17 Chúng ta có những điều cần thiết để giúp mình quyết định khôn ngoan, làm đẹp lòng Đức Giê-hô-va. Qua việc áp dụng thành thạo luật pháp và nguyên tắc trong Lời Đức Chúa Trời, chúng ta sẽ “đủ khả năng, được trang bị đầy đủ để làm mọi việc lành” (2 Ti 3:16, 17). Vì thế, hãy tìm kiếm nguyên tắc Kinh Thánh để “nhận biết thế nào là ý muốn của Đức Giê-hô-va” (Ê-phê 5:17). Hãy tận dụng các công cụ học hỏi như Cẩm nang tra cứu của Nhân Chứng Giê-hô-va, Thư viện Tháp Canh, THƯ VIỆN TRỰC TUYẾN Tháp CanhJW Library. Những công cụ này được biên soạn để giúp chúng ta nhận lợi ích tốt nhất từ việc học hỏi cá nhân và buổi thờ phượng gia đình.

LƯƠNG TÂM ĐƯỢC RÈN LUYỆN MANG LẠI ÂN PHƯỚC

18. Khi hành động phù hợp với luật pháp và nguyên tắc của Đức Giê-hô-va, chúng ta sẽ nhận được ân phước nào?

18 Vâng giữ luật pháp và nguyên tắc của Đức Giê-hô-va mang lại ân phước. Thi thiên 119:97-100 nói: “Con yêu luật pháp ngài biết dường nào! Suốt ngày con ngẫm nghĩ luật pháp ấy. Nhờ điều răn ngài, con khôn ngoan hơn kẻ thù, vì điều răn ấy ở cùng con đến mãi mãi. Con thông hiểu hơn tất cả các thầy dạy con, vì hay ngẫm nghĩ các lời nhắc nhở của ngài. Con xử sự có hiểu biết hơn các bậc lão thành, vì con tuân theo các mệnh lệnh ngài”. Nếu dành thời gian để “ngẫm nghĩ” về luật pháp và nguyên tắc của Đức Chúa Trời thì chúng ta sẽ hành động một cách khôn ngoan, theo sự hiểu biết và thông hiểu. Chúng ta có thể đạt được “vóc dáng trọn vẹn như Đấng Ki-tô” khi nỗ lực để cho luật pháp và nguyên tắc rèn luyện lương tâm.—Ê-phê 4:13.