Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Kiên nhẫn—Sự chịu đựng có mục đích

Kiên nhẫn—Sự chịu đựng có mục đích

Áp lực trong “những ngày sau cùng” càng gia tăng, vì thế dân Đức Giê-hô-va cần kiên nhẫn hơn bao giờ hết (2 Ti 3:1-5). Chúng ta sống trong một thế gian mà người ta thường chỉ biết yêu bản thân, cố chấp và thiếu tự chủ. Thường những người như thế thì không bao giờ kiên nhẫn. Do đó, mỗi tín đồ đạo Đấng Ki-tô nên tự hỏi: “Tính thiếu kiên nhẫn của thế gian có đang ảnh hưởng đến mình không? Thế nào là người thật sự kiên nhẫn? Làm thế nào để đức tính nổi bật này trở thành một phần trong nhân cách của mình?”.

KIÊN NHẪN LÀ GÌ?

Theo nghĩa trong Kinh Thánh, kiên nhẫn bao hàm nhiều hơn là cam chịu thử thách. Một người kiên nhẫn sẽ chịu đựng có mục đích. Người đó không chỉ thấy nhu cầu của mình mà còn nghĩ đến lợi ích của người gây ra vấn đề. Vì thế, khi bị người kia khiêu khích hoặc đối xử bất công, người kiên nhẫn vẫn hy vọng mối quan hệ của hai người sẽ được cải thiện. Do đó, không ngạc nhiên gì khi Kinh Thánh liệt kê kiên nhẫn trước tiên trong nhiều đức tính bắt nguồn từ tình yêu thương * (1 Cô 13:4). Lời Đức Chúa Trời cũng cho biết “kiên nhẫn” là một khía cạnh của “bông trái của thần khí” (Ga 5:22, 23). Vậy chúng ta cần làm gì để vun trồng đức tính tin kính này?

CÁCH ĐỂ VUN TRỒNG TÍNH KIÊN NHẪN

Để vun trồng tính kiên nhẫn, chúng ta cần xin sự trợ giúp đến từ thần khí, là lực rất mạnh mẽ mà Đức Giê-hô-va ban cho những người tin cậy nơi ngài (Lu 11:13). Tuy nhiên, chúng ta cần làm phần của mình và hành động phù hợp với lời cầu nguyện (Thi 86:10, 11). Điều này có nghĩa là chúng ta phải nỗ lực để kiên nhẫn mỗi ngày hầu đức tính này thấm sâu vào lòng. Nhưng có lẽ chúng ta cần làm nhiều hơn để đức tính kiên nhẫn trở thành một phần trong nhân cách của mình. Điều gì khác có thể giúp chúng ta làm thế?

Chúng ta có thể vun trồng tính kiên nhẫn bằng cách xem xét và noi theo gương hoàn hảo của Chúa Giê-su. Khi sứ đồ Phao-lô nói về “nhân cách mới”, trong đó có tính kiên nhẫn, ông khuyến khích chúng ta “hãy để sự bình an của Đấng Ki-tô ngự trị trong lòng” (Cô 3:10, 12, 15). Chúng ta có thể để sự bình an đó “ngự trị” trong lòng mình bằng cách noi theo Chúa Giê-su trong việc tin chắc rằng Đức Chúa Trời sẽ sửa chữa vấn đề vào đúng thời điểm. Nếu noi gương Chúa Giê-su, chúng ta sẽ không mất kiên nhẫn cho dù chuyện gì xảy ra đi nữa.—Giăng 14:27; 16:33.

Dù trông mong thế giới mới mà Đức Chúa Trời đã hứa, nhưng chúng ta sẽ kiên nhẫn hơn khi suy ngẫm về việc ngài kiên nhẫn với chúng ta. Kinh Thánh nói: “Đức Giê-hô-va không chậm trễ về lời hứa của ngài như một số người nghĩ, nhưng ngài kiên nhẫn với anh em vì chẳng muốn bất cứ ai bị hủy diệt mà muốn mọi người đều ăn năn” (2 Phi 3:9). Khi suy ngẫm về việc Đức Giê-hô-va kiên nhẫn với chúng ta, chẳng phải mình được thôi thúc để kiên nhẫn hơn với người khác sao? (Rô 2:4). Vậy chúng ta cần kiên nhẫn trong một số tình huống nào?

MỘT SỐ TÌNH HUỐNG ĐÒI HỎI SỰ KIÊN NHẪN

Trong đời sống hằng ngày, có thể có nhiều tình huống thử thách lòng kiên nhẫn của chúng ta. Anh chị có thể cần kiên nhẫn để không ngắt lời người khác dù đang muốn nói một điều quan trọng (Gia 1:19). Có lẽ anh chị cũng cần kiên nhẫn khi anh em nói hoặc làm những điều khiến mình bực bội. Thay vì phản ứng thái quá, điều khôn ngoan là xem xét cách Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su phản ứng trước sự yếu kém của chúng ta. Hai đấng ấy không chăm chăm vào các thiếu sót của chúng ta, nhưng nhìn những đức tính tốt và kiên nhẫn quan sát khi chúng ta nỗ lực để cải thiện.—1 Ti 1:16; 1 Phi 3:12.

Tình huống khác có thể thử thách lòng kiên nhẫn là khi một người cho rằng chúng ta nói hoặc làm điều gì đó sai. Có lẽ phản ứng đầu tiên của chúng ta là buồn giận và tìm cách thanh minh. Nhưng Kinh Thánh khuyên chúng ta nên phản ứng khác. Sách này nói: “Kiên nhẫn tốt hơn tinh thần cao ngạo. Chớ vội buồn giận, vì sự buồn giận ở trong lòng những kẻ dại” (Truyền 7:8, 9). Vì thế, ngay cả khi lời cáo buộc đó hoàn toàn sai sự thật, chúng ta nên kiên nhẫn và suy nghĩ kỹ trước khi phản ứng. Chúa Giê-su làm theo nguyên tắc này khi bị người khác lên án một cách bất công.—Mat 11:19.

Đặc biệt cha mẹ cần thể hiện tính kiên nhẫn khi thấy cần nhắc nhở con về thái độ, ước muốn hoặc khuynh hướng sai trái. Hãy xem trường hợp của anh Mattias hiện đang phụng sự tại Bê-tên Scandinavia. Khi ở tuổi thanh thiếu niên, Mattias phải chịu đựng nhiều lời chế giễu tại trường học vì niềm tin của mình. Lúc đầu, cha mẹ anh không biết, rồi họ nhận ra con mình bắt đầu nghi ngờ niềm tin. Anh Gillis, cha của Mattias, nhớ lại: “Tình huống này đòi hỏi chúng tôi phải kiên nhẫn rất nhiều”. Mattias hỏi những câu như: “Đức Chúa Trời là ai? Lỡ Kinh Thánh không phải là Lời Đức Chúa Trời thì sao? Làm sao biết Đức Chúa Trời muốn mình làm điều này, điều nọ?”. Mattias cũng nói với cha: “Sao con phải bị bắt bẻ chỉ vì không có cảm xúc và đức tin như ba?”.

Anh Gillis cho biết: “Đôi khi cháu giận dữ đặt câu hỏi, không phải để chống lại cha mẹ nhưng chống lại chân lý, vì cảm thấy chân lý gây nhiều khó khăn cho cháu”. Anh Gillis đã giúp con như thế nào? Anh nói: “Hai cha con tôi ngồi nói chuyện với nhau suốt nhiều tiếng. Phần lớn là tôi lắng nghe, thỉnh thoảng đặt câu hỏi để hiểu cảm xúc và quan điểm của cháu. Có lúc tôi đưa ra một điểm để cháu suy nghĩ một hai ngày, rồi sau đó chúng tôi thảo luận với nhau. Nhưng cũng có lúc, tôi nói là để ba suy nghĩ vài ngày về vấn đề con nêu ra. Nhờ những cuộc trò chuyện thường xuyên như thế, Mattias dần dần gia tăng vốn hiểu biết và chấp nhận những giáo lý như giá chuộc, quyền tối thượng và tình yêu thương của Đức Giê-hô-va. Điều này không phải lúc nào cũng dễ. Nhưng với thời gian, cháu bắt đầu yêu thương Đức Giê-hô-va. Vợ chồng chúng tôi vô cùng hạnh phúc khi thấy sự kiên nhẫn và nỗ lực của mình đã động đến lòng con và mang lại kết quả”.

Vợ chồng anh Gillis đã tin cậy nơi sự hỗ trợ của Đức Giê-hô-va trong khi kiên nhẫn giúp con. Nhìn lại, anh Gillis nói: “Tôi thường bảo Mattias rằng vì yêu con rất nhiều nên chúng tôi đã tha thiết xin Đức Giê-hô-va giúp con hiểu”. Những bậc cha mẹ như thế vui biết bao vì đã thể hiện đức tính quan trọng là kiên nhẫn!

Ngoài việc giúp đỡ về thiêng liêng, những tín đồ chân chính cũng cần vun trồng tính kiên nhẫn khi chăm sóc bạn bè hoặc thành viên gia đình bị bệnh mãn tính. Hãy xem trường hợp của một chị cũng sống ở Scandinavia tên là Ellen. *

Khoảng tám năm trước, chồng của chị Ellen bị đột quỵ hai lần nên não bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Vì thế, anh không còn có những cảm xúc như thương cảm, hạnh phúc hay đau buồn. Tình huống này vô cùng khó khăn đối với chị Ellen. Chị cho biết: “Điều đó đòi hỏi tôi phải kiên nhẫn và cầu nguyện rất nhiều”. Chị cho biết thêm: “Câu Kinh Thánh mà tôi thích nhất và mang lại nhiều sự an ủi là Phi-líp 4:13. Câu này nói: ‘Trong mọi sự, tôi có sức mạnh nhờ đấng ban sức cho tôi’”. Nhờ sức mạnh đó, chị Ellen kiên nhẫn chịu đựng và tin chắc nơi sự hỗ trợ của Đức Giê-hô-va.—Thi 62:5, 6.

NOI THEO SỰ KIÊN NHẪN CỦA ĐỨC GIÊ-HÔ-VA

Dĩ nhiên khi nói về lòng kiên nhẫn thì Đức Giê-hô-va là gương xuất sắc nhất để chúng ta noi theo (2 Phi 3:15). Nhiều lời tường thuật trong Kinh Thánh cho thấy ngài là đấng vô cùng kiên nhẫn (Nê 9:30; Ê-sai 30:18). Hẳn anh chị còn nhớ cách Đức Giê-hô-va phản ứng khi Áp-ra-ham nhiều lần nêu câu hỏi về việc ngài quyết định hủy diệt thành Sô-đôm. Ngài đã không ngắt lời khi Áp-ra-ham nói. Thay vì thế, mỗi lần ngài đều kiên nhẫn lắng nghe câu hỏi và mối quan tâm của Áp-ra-ham. Rồi Đức Giê-hô-va cho thấy ngài lắng nghe khi nhắc lại mối quan tâm của ông và bảo đảm rằng ngài sẽ không hủy diệt thành Sô-đôm ngay cả nếu chỉ có mười người công chính trong thành (Sáng 18:22-33). Quả là gương tuyệt vời về việc kiên nhẫn lắng nghe và tránh phản ứng thái quá!

Thật vậy, tính kiên nhẫn là một phần thiết yếu trong nhân cách mới mà mọi tín đồ đạo Đấng Ki-tô cần mặc lấy. Nếu nỗ lực vun trồng đức tính đáng quý này, chúng ta sẽ tôn vinh Cha trên trời, đấng đầy lòng quan tâm và kiên nhẫn. Không những thế, chúng ta còn được ở trong số “những người nhờ đức tin và lòng kiên nhẫn mà được thừa hưởng các lời hứa của Đức Chúa Trời”.—Hê 6:10-12.

^ đ. 4 Đức tính yêu thương đã được xem xét đầu tiên trong loạt bài về chín khía cạnh của bông trái thần khí.

^ đ. 15 Tên đã được thay đổi.