Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

KINH NGHIỆM

“Đức Giê-hô-va đã đối xử tốt” với chúng tôi

“Đức Giê-hô-va đã đối xử tốt” với chúng tôi

Vài giờ trước, tôi và vợ là Danièle đến nước Gabon, thuộc Tây Phi, nơi mà công việc của chúng ta bị cấm đoán vào thập niên 1970. Khi chúng tôi vừa nhận phòng tại khách sạn, người tiếp tân nói với tôi: “Thưa ông, xin ông gọi cho cảnh sát biên giới”.

Vì là người lanh lợi, Danièle nói nhỏ vào tai tôi: “Không cần gọi cảnh sát, họ đã ở đây rồi”. Ở phía sau chúng tôi, có một chiếc xe vừa đậu trước cửa khách sạn. Vài phút sau, những người lính đến bắt cả hai chúng tôi. Nhưng nhờ lời cảnh báo của vợ, tôi đã có thời gian giao một số giấy tờ cho anh khác.

Khi chúng tôi bị giải đến đồn cảnh sát, tôi nghĩ mình thật có phước khi có một người vợ can đảm và thiêng liêng tính. Đây chỉ là một trong nhiều dịp mà vợ chồng tôi tương trợ lẫn nhau. Tôi xin giải thích hoàn cảnh nào dẫn đến việc chúng tôi tới thăm những nước mà công việc rao giảng bị hạn chế.

ĐỨC GIÊ-HÔ-VA NHÂN TỪ MỞ MẮT CHO TÔI

Vào năm 1930, tôi được sinh ra trong một gia đình Công giáo ngoan đạo tại Croix, một thị trấn nhỏ ở miền bắc nước Pháp. Gia đình tôi dự Lễ Mi-sa mỗi tuần, và cha tôi thường giúp việc trong nhà thờ. Nhưng khi tôi sắp lên 14 tuổi, một sự kiện đã mở mắt cho tôi thấy sự đạo đức giả của giáo hội.

Trong Thế Chiến II, Pháp bị quân Đức chiếm đóng. Trong bài thuyết giảng, linh mục thường khuyến khích chúng tôi ủng hộ chính quyền của thị trấn Vichy, là chính quyền đứng về phía Quốc Xã. Chúng tôi sửng sốt trước những lời của ông. Như nhiều người ở Pháp, chúng tôi lén nghe đài BBC, phát sóng tin tức từ phe Đồng minh. Sau đó, linh mục đột ngột ủng hộ phe Đồng minh và sắp xếp một buổi lễ để tạ ơn về bước tiến của phe ấy vào tháng 9 năm 1944. Tôi bị sốc trước sự đạo đức giả đó và mất lòng tin nơi hàng giáo phẩm.

Không lâu sau chiến tranh, cha tôi qua đời. Chị tôi đã kết hôn và sống ở Bỉ nên tôi thấy mình phải có trách nhiệm với mẹ. Tôi tìm được việc trong ngành dệt may. Ông chủ và các con trai ông là người sùng đạo Công giáo. Dù có tương lai tươi sáng trong công ty, nhưng tôi sắp đối mặt với một thử thách.

Chị tôi là Simone trở thành Nhân Chứng và đã đến thăm chúng tôi vào năm 1953. Chị khéo léo dùng Kinh Thánh để vạch trần những sự dạy dỗ sai lầm của giáo hội Công giáo như hỏa ngục, Chúa Ba Ngôi và linh hồn bất tử. Lúc đầu, tôi phản bác việc chị không dùng Kinh Thánh của Công giáo, nhưng tôi sớm tin chắc rằng những điều chị nói là sự thật. Sau đó, chị đem cho tôi những số Tháp Canh cũ và tôi háo hức đọc vào ban đêm trước khi ngủ. Tôi nhanh chóng nhận ra đây là chân lý, nhưng lại sợ nếu theo Đức Giê-hô-va thì sẽ mất việc.

Trong vài tháng, tôi tiếp tục tự học Kinh Thánh và các bài Tháp Canh, rồi quyết định đến Phòng Nước Trời. Bầu không khí yêu thương trong hội thánh thật sự động đến lòng tôi. Sau khi học Kinh Thánh với một anh giàu kinh nghiệm trong sáu tháng, tôi báp-têm vào tháng 9 năm 1954. Không lâu sau, tôi vui mừng khi thấy mẹ và em gái cũng trở thành Nhân Chứng.

NƯƠNG CẬY ĐỨC GIÊ-HÔ-VA KHI PHỤNG SỰ TRỌN THỜI GIAN

Thật buồn là mẹ tôi qua đời vài tuần trước hội nghị quốc tế năm 1958 ở New York, là hội nghị mà tôi có đặc ân tham dự. Khi trở về, tôi không còn trách nhiệm gia đình nữa nên tôi nghỉ việc và bắt đầu làm tiên phong. Vào thời điểm này, tôi đính hôn với một chị tiên phong sốt sắng tên là Danièle Delie, và cô ấy trở thành vợ yêu dấu của tôi vào tháng 5 năm 1959.

Danièle đã phụng sự trọn thời gian tại vùng nông thôn Brittany, cách xa nhà. Danièle cần can đảm để rao giảng trong vùng Công giáo ấy và để di chuyển bằng xe đạp đến khu vực nông thôn. Giống như tôi, tinh thần cấp bách đã thúc đẩy cô ấy làm công việc này. Cả hai chúng tôi đều cảm thấy sự cuối cùng rất gần kề (Mat 25:13). Tinh thần hy sinh bất vị kỷ của cô ấy giúp chúng tôi kiên trì trong thánh chức trọn thời gian.

Vài ngày sau khi kết hôn, chúng tôi được bổ nhiệm làm công việc vòng quanh. Chúng tôi phải thích nghi với đời sống rất đơn giản. Hội thánh đầu tiên chúng tôi đến thăm có 14 người công bố, và anh em có ít điều kiện vật chất nên không thể cung cấp chỗ ở cho chúng tôi. Vì thế, chúng tôi ngủ trên chiếc nệm ở bục giảng của Phòng Nước Trời. Không thoải mái lắm nhưng rất tốt cho lưng!

Chúng tôi đến thăm các hội thánh bằng chiếc ô-tô nhỏ của mình

Dù lịch trình của chúng tôi bận rộn, nhưng Danièle đã thích nghi với công việc lưu động. Khi các trưởng lão có buổi họp đột xuất, cô ấy thường phải chờ đợi trong chiếc ô-tô nhỏ của chúng tôi nhưng chẳng bao giờ phàn nàn. Chúng tôi chỉ làm công việc vòng quanh hai năm. Trong thời gian đó, chúng tôi hiểu được tầm quan trọng của việc trò chuyện cởi mở và tương trợ giữa hai vợ chồng.—Truyền 4:9.

VUI MỪNG VỚI NHIỆM SỞ MỚI

Vào năm 1962, chúng tôi được mời tham dự khóa 37 của Trường Ga-la-át ở Brooklyn, New York, kéo dài mười tháng. Lớp chúng tôi có 100 học viên, trong đó chỉ có 13 cặp vợ chồng, vì thế chúng tôi cảm thấy được học cùng nhau là một đặc ân. Tôi vẫn nhớ về những kỷ niệm đẹp khi được kết hợp với các cột trụ về đức tin như anh Frederick Franz, anh Ulysses Glass và anh Alexander Macmillan.

Chúng tôi vui mừng được cùng tham dự Trường Ga-la-át!

Trong suốt khóa học, chúng tôi được khuyến khích là rèn luyện kỹ năng quan sát. Vào một số buổi chiều thứ bảy sau khi lớp học kết thúc, chúng tôi được tham quan một số nơi ở thành phố New York. Đây là một phần trong chương trình huấn luyện. Chúng tôi được biết là vào thứ hai sẽ có bài thi về những điều mình đã quan sát. Chúng tôi thường mệt mỏi khi trở về Bê-tên vào tối thứ bảy. Nhưng người hướng dẫn, là một tình nguyện viên Bê-tên, đặt câu hỏi ôn lại để giúp chúng tôi nhớ những điểm chính cho bài thi. Vào thứ bảy nọ, cả buổi chiều chúng tôi đi bộ khắp thành phố. Chúng tôi được tham quan đài thiên văn để tìm hiểu về thiên thạch và khối thiên thạch. Tại Bảo tàng Lịch sử Thiên nhiên Hoa Kỳ, chúng tôi tìm hiểu sự khác nhau giữa cá sấu châu Mỹ và cá sấu châu Phi. Khi trở lại Bê-tên, người hướng dẫn hỏi: “Có sự khác biệt nào giữa thiên thạch và khối thiên thạch?”. Vì mệt mỏi, Danièle trả lời: “Khối thiên thạch có răng dài hơn!”.

Chúng tôi thích đến thăm các anh chị trung thành ở châu Phi

Chúng tôi bất ngờ khi được bổ nhiệm vào chi nhánh Pháp, là nơi chúng tôi phụng sự cùng nhau trong hơn 53 năm. Vào năm 1976, tôi được bổ nhiệm làm điều phối viên Ủy ban Chi nhánh và cũng được chỉ định đến thăm các nước ở châu Phi và Trung Đông, nơi mà công việc rao giảng bị cấm đoán hoặc hạn chế. Vì được chỉ định đến Gabon, nên chúng tôi có trải nghiệm được đề cập ở đầu bài. Thành thật mà nói không phải lúc nào tôi cũng cảm thấy mình có đủ khả năng để đảm nhận những nhiệm vụ bất ngờ ấy, nhưng vợ của tôi luôn là trợ thủ đắc lực trong bất cứ nhiệm vụ nào.

Thông dịch bài giảng của anh Theodore Jaracz tại Hội nghị Vùng “Công lý của Đức Chúa Trời” ở Paris vào năm 1988

CÙNG NHAU ĐỐI MẶT VỚI THỬ THÁCH CAM GO

Ngay từ đầu, chúng tôi đã yêu thích cuộc sống Bê-tên. Vợ tôi đã học tiếng Anh trong 5 tháng trước khi tham dự Trường Ga-la-át và trở nên người dịch thành thạo cho ấn phẩm của chúng ta. Chúng tôi rất thỏa nguyện với công việc tại Bê-tên, nhưng tham gia các hoạt động trong hội thánh còn làm chúng tôi hạnh phúc hơn. Tôi nhớ lúc cùng vợ đi tàu điện ngầm ở Paris vào buổi tối khuya, dù mệt nhưng chúng tôi rất vui vì đã cùng nhau thảo luận Kinh Thánh với những học viên tiến bộ. Nhưng đáng buồn là sức khỏe của vợ tôi thay đổi đột ngột nên cô ấy không còn làm được nhiều việc như mong muốn.

Vào năm 1993, cô ấy được chẩn đoán là bị ung thư vú. Việc điều trị bao gồm giải phẫu và hóa trị đã khiến cô ấy đau đớn, kiệt sức. Mười lăm năm sau, cô ấy lại được chẩn đoán bị ung thư, lần này là ung thư xâm lấn. Nhưng cô ấy quý công việc dịch đến mức vẫn làm việc khi sức khỏe tương đối ổn định.

Danièle bị bệnh nặng nhưng chúng tôi không bao giờ nghĩ đến việc rời Bê-tên. Dù vậy, phải đối phó với bệnh tật khi phụng sự tại Bê-tên là một thử thách, đặc biệt khi người khác không hiểu tình trạng của mình trầm trọng đến mức nào (Châm 14:13). Ngay cả khi hơn 70 tuổi, vợ tôi vẫn giữ được gương mặt hiền dịu và vẻ dịu dàng vốn có nên người khác khó nhận ra cô ấy bị bệnh nặng. Cô ấy không hề tủi thân nhưng cố gắng giúp người khác. Vợ tôi hiểu rằng việc lắng nghe có thể giúp ích cho họ (Châm 17:17). Danièle không cho mình là một cố vấn nhưng qua kinh nghiệm riêng, cô ấy giúp nhiều chị để họ không sợ căn bệnh ung thư.

Chúng tôi cũng đối mặt với giới hạn khác. Khi vợ tôi không còn sức để làm việc trọn thời gian, cô ấy đã cố gắng ủng hộ tôi nhiều hơn. Cô ấy nỗ lực làm cho đời sống của tôi dễ dàng hơn, nhờ thế tôi có thể làm điều phối viên Ủy ban Chi nhánh trong 37 năm. Chẳng hạn, cô ấy chuẩn bị mọi thứ để chúng tôi có bữa trưa trong phòng và cùng nhau nghỉ ngơi một chút mỗi ngày.—Châm 18:22.

HẰNG NGÀY ĐỐI PHÓ VỚI NỖI LO ÂU

Danièle luôn lạc quan và yêu đời. Rồi căn bệnh ung thư tái phát lần thứ ba. Chúng tôi cảm thấy bất lực. Những đợt hóa trị và xạ trị đôi khi làm cô ấy kiệt sức đến mức khó đi lại. Tôi vô cùng đau lòng khi thấy vợ yêu dấu của mình, từng là một người dịch thành thạo, giờ lại khó nhớ từ để nói.

Dù cảm thấy bất lực, chúng tôi kiên trì cầu nguyện và tin rằng Đức Giê-hô-va sẽ không bao giờ để chúng tôi chịu điều gì quá sức mình (1 Cô 10:13). Chúng tôi luôn cố gắng duy trì lòng biết ơn về sự giúp đỡ của Đức Giê-hô-va qua Lời ngài, ban y tế của Bê-tên và sự hỗ trợ đầy yêu thương của gia đình thiêng liêng.

Chúng tôi thường cầu xin Đức Giê-hô-va hướng dẫn mình chọn cách điều trị. Một thời gian, chúng tôi không có bất cứ sự điều trị nào. Bác sĩ điều trị cho Danièle trong 23 năm đã không thể giải thích lý do cô ấy bất tỉnh sau mỗi đợt hóa trị. Ông không thể đưa ra bất cứ cách điều trị nào khác. Chúng tôi thấy mình phải tự xoay sở và không biết sẽ ra sao. Rồi một bác sĩ chuyên khoa ung thư khác đồng ý điều trị cho Danièle. Điều này giống như Đức Giê-hô-va mở lối thoát giúp chúng tôi đương đầu với nỗi lo âu của mình.

Chúng tôi học cách đối phó với nỗi lo âu qua việc lo từng ngày một. Như Chúa Giê-su đã nói: “Ngày nào có đủ nỗi khổ của ngày đó” (Mat 6:34). Có cái nhìn tích cực và tính khôi hài cũng giúp ích. Chẳng hạn, trong hai tháng không được hóa trị, Danièle đã nói với nụ cười hóm hỉnh: “Anh biết không, em thấy mình khỏe hơn bao giờ hết” (Châm 17:22). Dù đau đớn, cô ấy vẫn thích tập hát những bài hát Nước Trời mới với giọng đầy tự tin.

Thái độ tích cực của cô ấy giúp tôi đối phó với những giới hạn của chính mình. Thành thật mà nói trong 57 năm kết hôn, cô ấy luôn chăm lo chu đáo cho tôi. Thậm chí, cô ấy không muốn chỉ cho tôi cách chiên trứng. Vì thế, khi cô ấy hầu như không làm được gì nữa, tôi phải học cách rửa chén, giặt giũ và chuẩn bị bữa ăn đơn giản. Dù làm bể vài cái ly, nhưng tôi rất vui khi làm cô ấy hài lòng. *

BIẾT ƠN VỀ TÌNH YÊU THƯƠNG NHÂN TỪ CỦA ĐỨC GIÊ-HÔ-VA

Khi nhìn lại, tôi nhận thấy mình đã rút ra những bài học hữu ích từ giới hạn của bệnh tật và tuổi già. Thứ nhất, không nên quá bận rộn để tỏ lòng quý trọng người bạn đời yêu dấu. Chúng ta phải tận dụng những năm tháng còn khỏe để chăm sóc cho người thân (Truyền 9:9). Thứ hai, không nên lo lắng quá về những điều nhỏ nhặt, vì nếu thế, chúng ta có thể bỏ qua những ân phước mà mình được hưởng mỗi ngày.—Châm 15:15.

Khi ngẫm nghĩ về cuộc đời phụng sự trọn thời gian, tôi thấy rõ những ân phước Đức Giê-hô-va ban vượt quá sức tưởng tượng của chúng tôi. Tôi có cùng cảm nghĩ với người viết Thi thiên: “Đức Giê-hô-va đã đối xử tốt với [tôi]”.—Thi 116:7.

^ đ. 32 Chị Danièle Bockaert qua đời trong khi bài này được biên soạn, lúc đó chị 78 tuổi.