Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

BÀI HỌC 2

Hãy ngợi khen Đức Giê-hô-va trong hội thánh

Hãy ngợi khen Đức Giê-hô-va trong hội thánh

Con sẽ dâng lời ngợi khen lên ngài ở giữa hội chúng’.—THI 22:22.

BÀI HÁT 59 Hãy cùng tôi ngợi khen Đức Giê-hô-va

GIỚI THIỆU *

1. Đa-vít cảm thấy thế nào về Đức Giê-hô-va, và điều này thúc đẩy ông làm gì?

Vua Đa-vít viết: “Đức Giê-hô-va thật vĩ đại, đáng ngợi khen hơn cả” (Thi 145:3). Ông yêu thương Đức Giê-hô-va và điều này thúc đẩy ông ngợi khen ngài “giữa hội chúng” (Thi 22:22; 40:5). Chắc hẳn, anh chị cũng yêu thương Đức Giê-hô-va và đồng tình với lời của Đa-vít: “Lạy Giê-hô-va Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên tổ phụ chúng con, nguyện ngài được chúc tụng từ nay cho đến mãi mãi”.—1 Sử 29:10-13.

2. (a) Một cách để ngợi khen Đức Giê-hô-va là gì? (b) Nhiều anh chị đối mặt với thử thách nào, và chúng ta sẽ xem xét điều gì?

2 Ngày nay, một cách mà chúng ta ngợi khen Đức Giê-hô-va là bình luận tại các buổi nhóm họp. Tuy nhiên, nhiều anh chị đối mặt với một thử thách, đó là muốn tham gia trong buổi nhóm họp nhưng bị nỗi sợ chế ngự. Làm sao để đối phó với nỗi sợ ấy? Những gợi ý thực tế nào giúp tất cả chúng ta góp lời bình luận khích lệ? Trước khi trả lời những câu hỏi này, hãy xem xét bốn lý do chính để tham gia bình luận.

LÝ DO THAM GIA BÌNH LUẬN

3-5. (a) Theo Hê-bơ-rơ 13:15, tại sao chúng ta tham gia bình luận? (b) Đức Giê-hô-va có đòi hỏi mỗi người phải bình luận giống nhau không? Hãy giải thích.

3 Đức Giê-hô-va cho tất cả chúng ta đặc ân ngợi khen ngài (Thi 119:108). Lời bình luận của chúng ta là một phần của “vật tế lễ là lời ngợi khen” và không ai có thể dâng vật tế lễ ấy thay cho chúng ta. (Đọc Hê-bơ-rơ 13:15). Đức Giê-hô-va có đòi hỏi mỗi người phải dâng cho ngài vật tế lễ, hay lời bình luận, giống nhau không? Chắc chắn không.

4 Đức Giê-hô-va biết mỗi người có khả năng và hoàn cảnh khác nhau, và ngài rất quý trọng những vật tế lễ mà chúng ta dâng cho ngài. Hãy nghĩ đến các loại lễ vật được ngài chấp nhận vào thời xưa. Những người Y-sơ-ra-ên có khả năng thì dâng cừu hoặc dê, nhưng người nghèo thì có thể dâng “hai chim cu gáy hoặc hai bồ câu con”. Nếu người Y-sơ-ra-ên nào không đủ khả năng dâng hai con chim, Đức Giê-hô-va chấp nhận cho họ dâng “một phần mười ê-pha bột mịn” (Lê 5:7, 11). Bột rẻ tiền hơn nhưng ngài vẫn quý trọng vật tế lễ ấy miễn là “bột mịn”.

5 Ngày nay, Đức Chúa Trời nhân từ của chúng ta vẫn không thay đổi. Khi chúng ta tham gia bình luận, ngài không đòi hỏi chúng ta phải có tài hùng biện như A-bô-lô hay nói thuyết phục như Phao-lô (Công 18:24; 26:28). Điều ngài mong muốn là chúng ta bình luận hết khả năng của mình. Hãy nhớ đến bà góa nghèo dâng hai đồng xu chẳng đáng là bao. Bà được Đức Giê-hô-va yêu quý vì đã dâng hết những gì mình có.—Lu 21:1-4.

Việc bình luận đem lại lợi ích cho chúng ta và người nghe (Xem đoạn 6, 7) *

6. (a) Theo Hê-bơ-rơ 10:24, 25, chúng ta có thể được tác động ra sao khi nghe lời bình luận của người khác? (b) Làm sao để cho thấy chúng ta quý trọng lời bình luận khích lệ?

6 Chúng ta khích lệ nhau qua lời bình luận. (Đọc Hê-bơ-rơ 10:24, 25). Chúng ta vui khi nghe nhiều lời bình luận khác nhau. Chúng ta thích nghe những lời bình luận đơn giản và chân thành của các em nhỏ. Chúng ta được khích lệ khi nghe một anh chị háo hức bình luận về một sự thật vừa tìm được. Chúng ta cũng thán phục những anh chị đã “thu hết can đảm” để bình luận dù nhút nhát hoặc mới học tiếng Việt (1 Tê 2:2). Làm sao để cho thấy chúng ta quý trọng nỗ lực của họ? Sau buổi nhóm họp, chúng ta có thể cám ơn về lời bình luận khích lệ của anh chị ấy. Một cách khác là chính mình tham gia bình luận. Khi làm thế, chúng ta không chỉ được khích lệ mà còn khích lệ người khác.—Rô 1:11, 12.

7. Chúng ta nhận được lợi ích nào khi bình luận?

7 Chính mình nhận lợi ích khi bình luận (Ê-sai 48:17). Như thế nào? Thứ nhất, nếu đặt mục tiêu bình luận, chúng ta có thêm động lực để chuẩn bị kỹ cho buổi nhóm họp. Khi chuẩn bị kỹ, chúng ta có sự hiểu biết sâu sắc hơn về Lời Đức Chúa Trời. Càng có sự hiểu biết sâu sắc, chúng ta càng biết cách áp dụng những điều mình học. Thứ hai, khi chúng ta tham gia thảo luận, buổi nhóm họp sẽ có ý nghĩa hơn với mình. Thứ ba, vì việc bình luận đòi hỏi nỗ lực nên chúng ta thường nhớ lâu những điểm mà mình bình luận.

8, 9. (a) Dựa trên Ma-la-chi 3:16, anh chị nghĩ Đức Giê-hô-va cảm thấy thế nào về lời bình luận của chúng ta? (b) Một số anh chị gặp thử thách nào?

8 Chúng ta làm Đức Giê-hô-va hài lòng khi nói lên niềm tin. Chắc chắn, Đức Giê-hô-va lắng nghe và rất quý nỗ lực tham gia bình luận của chúng ta. (Đọc Ma-la-chi 3:16). Ngài thể hiện sự quý trọng ấy qua việc ban phước khi chúng ta cố gắng làm ngài hài lòng.—Mal 3:10.

9 Rõ ràng, chúng ta có lý do chính đáng để bình luận tại các buổi nhóm họp. Tuy nhiên, một số người có thể sợ giơ tay bình luận. Nếu anh chị cảm thấy thế thì đừng nản chí. Hãy xem xét một số nguyên tắc Kinh Thánh, gương mẫu và gợi ý thực tế có thể giúp tất cả chúng ta cố gắng bình luận nhiều hơn.

ĐỐI PHÓ VỚI NỖI SỢ

10. (a) Nguyên nhân nào khiến nhiều anh chị sợ bình luận? (b) Tại sao nỗi sợ bình luận có thể là dấu hiệu tốt?

10 Anh chị có hồi hộp mỗi khi nghĩ đến việc giơ tay bình luận không? Nếu thế thì không chỉ mình anh chị cảm thấy vậy. Thật ra, hầu hết chúng ta ít nhiều đều cảm thấy sợ khi bình luận. Để đối phó với nỗi sợ, anh chị cần xác định nguyên nhân khiến mình sợ. Có phải anh chị sợ sẽ quên điều muốn nói hoặc sẽ nói điều gì sai không? Hay anh chị lo rằng lời bình luận của mình sẽ không hay như người khác? Thật ra, những nỗi sợ ấy có thể là dấu hiệu tốt, vì cho thấy anh chị khiêm nhường và xem người khác cao hơn mình. Đức Giê-hô-va yêu quý người có đức tính ấy (Thi 138:6; Phi-líp 2:3). Nhưng ngài cũng muốn anh chị ngợi khen ngài và khích lệ người khác tại các buổi nhóm họp (1 Tê 5:11). Ngài yêu thương anh chị và sẽ ban cho anh chị sự can đảm cần thiết.

11. Những lời nhắc nhở nào của Kinh Thánh có thể giúp chúng ta?

11 Hãy xem một số lời nhắc nhở của Kinh Thánh. Kinh Thánh nói rằng tất cả chúng ta đều mắc lỗi trong điều mình nói và cách mình nói (Gia 3:2). Đức Giê-hô-va không đòi hỏi chúng ta phải hoàn hảo, và anh em đồng đạo cũng vậy (Thi 103:12-14). Họ là gia đình thiêng liêng của chúng ta và họ yêu thương chúng ta (Mác 10:29, 30; Giăng 13:35). Họ hiểu rằng đôi khi trong lời bình luận, chúng ta không nói suôn sẻ như mình muốn.

12, 13. Chúng ta học được gì từ gương của Nê-hê-mi và Giô-na?

12 Hãy nghĩ đến một số gương trong Kinh Thánh có thể giúp anh chị đối phó với nỗi sợ, chẳng hạn gương của Nê-hê-mi. Ông phục vụ trong triều đại của một vị vua quyền lực. Nê-hê-mi rất buồn vì hay tin các tường và cổng của thành Giê-ru-sa-lem đều bị đổ nát (Nê 1:1-4). Hẳn ông hồi hộp khi vua bảo ông cho biết vì sao ông u sầu. Nê-hê-mi liền cầu nguyện, rồi trả lời. Khi biết chuyện, vua đã làm nhiều điều để giúp dân Đức Chúa Trời (Nê 2:1-8). Cũng hãy nghĩ đến Giô-na. Khi Đức Giê-hô-va bảo ông đi cảnh báo cư dân của Ni-ni-ve, ông sợ đến mức chạy trốn về hướng ngược lại (Giô-na 1:1-3). Nhưng với sự giúp đỡ của ngài, Giô-na đã thi hành sứ mạng. Những lời ông nói mang lại lợi ích cho dân thành Ni-ni-ve (Giô-na 3:5-10). Qua gương của Nê-hê-mi, chúng ta học được tầm quan trọng của việc cầu nguyện trước khi trả lời câu hỏi. Qua gương của Giô-na, chúng ta hiểu rằng Đức Giê-hô-va có thể giúp chúng ta phụng sự ngài dù nỗi sợ của mình lớn đến đâu. Suy cho cùng, có hội thánh nào đáng sợ như dân Ni-ni-ve không?

13 Những gợi ý thực tế nào có thể giúp anh chị tham gia bình luận? Hãy xem xét một vài gợi ý.

14. Tại sao chúng ta nên chuẩn bị kỹ cho các buổi nhóm họp, và khi nào chúng ta có thể làm thế?

14 Chuẩn bị cho mỗi buổi nhóm họp. Khi lên kế hoạch và chuẩn bị kỹ, anh chị sẽ tự tin hơn để bình luận (Châm 21:5). Dĩ nhiên, tất cả chúng ta có lịch trình khác nhau. Chị Eloise, một góa phụ hơn 80 tuổi, bắt đầu chuẩn bị cho Phần học Tháp Canh vào đầu tuần. Chị nói: “Khi chuẩn bị trước, tôi thấy buổi nhóm họp có ý nghĩa hơn”. Chị Joy, làm việc trọn thời gian, thường soạn Tháp Canh vào thứ bảy. Chị nói: “Tôi thích soạn bài trước ngày nhóm họp không lâu để dễ nhớ hơn”. Anh Ike, một trưởng lão bận rộn và cũng làm tiên phong, cho biết: “Cách tốt nhất với tôi là có nhiều buổi học ngắn trong tuần thay vì một buổi học dài”.

15. Làm sao để chuẩn bị kỹ cho buổi nhóm họp?

15 Chuẩn bị kỹ bao hàm điều gì? Trước mỗi buổi học, hãy cầu xin Đức Giê-hô-va ban thần khí thánh (Lu 11:13; 1 Giăng 5:14). Sau đó, dành vài phút để xem tổng quát bài bao gồm tựa bài, tiểu đề, hình ảnh và khung thông tin. Khi soạn mỗi đoạn, hãy đọc càng nhiều câu Kinh Thánh viện dẫn càng tốt. Hãy suy ngẫm tài liệu và đặc biệt chú ý đến những điểm mà anh chị muốn bình luận. Càng chuẩn bị kỹ, anh chị càng được lợi ích và thấy dễ bình luận hơn.—2 Cô 9:6.

16. Có những công cụ nào giúp ích cho anh chị, và anh chị dùng chúng như thế nào?

16 Nếu được, hãy dùng những công cụ điện tử có trong ngôn ngữ mà anh chị hiểu. Qua tổ chức của ngài, Đức Giê-hô-va ban các công cụ điện tử giúp chúng ta chuẩn bị cho các buổi nhóm họp. Qua ứng dụng JW Library®, chúng ta tải các ấn phẩm học hỏi về thiết bị điện tử của mình. Sau đó, chúng ta có thể soạn, hoặc ít nhất là đọc hay nghe, tài liệu bất cứ khi nào và ở đâu. Một số anh chị dùng công cụ này để học trong giờ nghỉ trưa tại sở làm, trường học hoặc khi đi lại. Thư viện Tháp Canh THƯ VIỆN TRỰC TUYẾN Tháp Canh giúp chúng ta dễ nghiên cứu những điểm trong bài học mà mình muốn đào sâu hơn.

Anh chị chuẩn bị cho các buổi nhóm họp khi nào? (Xem đoạn 14-16) *

17. (a) Tại sao chuẩn bị một số lời bình luận là điều tốt? (b) Anh chị học được gì từ video Trở thành bạn Đức Giê-hô-va—Hãy chuẩn bị lời phát biểu của em?

17 Chuẩn bị một số lời bình luận cho mỗi bài nếu được. Tại sao? Vì không phải lúc nào anh chị cũng được gọi khi giơ tay bình luận. Hẳn người khác cũng giơ tay cùng lúc, và anh điều khiển có thể gọi họ. Để buổi nhóm họp kết thúc đúng giờ, anh ấy phải giới hạn số lời bình luận cho một điểm nào đó. Vì thế, đừng buồn bực hay thất vọng khi anh ấy không gọi anh chị trong phần đầu của buổi thảo luận. Nếu chuẩn bị một số lời bình luận, anh chị sẽ có thêm cơ hội để tham gia. Khi soạn lời bình luận, anh chị có thể chuẩn bị đọc một câu Kinh Thánh. Nếu được thì cũng nên chuẩn bị để bình luận bằng lời lẽ riêng. *

18. Tại sao nên bình luận ngắn gọn?

18 Bình luận ngắn gọn. Lời bình luận khích lệ nhất thường là lời ngắn gọn và đơn giản. Vì thế, hãy cố gắng bình luận ngắn gọn và giới hạn trong khoảng 30 giây (Châm 10:19; 15:23). Nếu đã tham gia bình luận trong nhiều năm, anh chị có vai trò nêu gương trong việc bình luận ngắn gọn. Nếu anh chị bình luận dài vài phút với thông tin phức tạp, người khác có thể thấy sợ bình luận vì nghĩ rằng họ không có khả năng nói như thế. Ngoài ra, nếu bình luận ngắn gọn thì nhiều người hơn sẽ có cơ hội tham gia. Đặc biệt khi anh chị được gọi đầu tiên, hãy trả lời đơn giản và thẳng vào câu hỏi. Đừng cố nói hết các điểm trong đoạn. Sau khi điểm chính được bình luận, anh chị có thể bổ sung điểm phụ.—Xin xem khung “ Tôi có thể bình luận về điều gì?”.

19. Anh điều khiển có thể giúp anh chị bằng cách nào, nhưng anh chị sẽ phải làm gì?

19 Cho anh điều khiển biết anh chị muốn bình luận ở đoạn nào đó. Nếu chọn làm thế, anh chị nên đến gặp anh ấy sớm trước buổi nhóm họp. Khi thảo luận đến đoạn đó, hãy giơ tay liền và đủ cao để anh ấy có thể thấy.

20. Buổi nhóm họp giống bữa ăn với bạn bè như thế nào?

20 Hãy xem các buổi nhóm họp giống như bữa ăn với bạn thân. Nếu được mời đến dự buổi họp mặt với anh em đồng đạo và được đề nghị mang một món đơn giản, anh chị sẽ làm gì? Dù có lẽ lo lắng phần nào nhưng hẳn anh chị sẽ cố gắng hết sức để chuẩn bị món ăn mà mọi người thích. Là chủ nhà, Đức Giê-hô-va đã dọn sẵn một bàn đầy đồ ngon cho chúng ta tại buổi nhóm họp (Thi 23:5; Mat 24:45). Ngài hài lòng khi thấy chúng ta mang quà đơn giản nhưng là điều tốt nhất mình có. Vì vậy, hãy chuẩn bị kỹ và tham gia càng nhiều càng tốt. Khi làm thế, anh chị không chỉ đến ăn tại bàn của Đức Giê-hô-va mà còn mang quà đến để chia sẻ với hội thánh.

BÀI HÁT 2 Giê-hô-va là danh Cha

^ đ. 5 Như người viết Thi thiên là Đa-vít, tất cả chúng ta đều yêu thương Đức Giê-hô-va và vui thích ngợi khen ngài. Chúng ta có cơ hội bày tỏ tình yêu thương đó khi cùng nhóm họp với hội thánh để thờ phượng ngài. Tuy nhiên, một số người sợ bình luận tại các buổi nhóm họp. Nếu anh chị cảm thấy thế, bài này có thể giúp anh chị xác định nỗi sợ và cố gắng vượt qua.

^ đ. 17 Xin xem video Trở thành bạn Đức Giê-hô-va—Hãy chuẩn bị lời phát biểu của em trên trang jw.org/vi, trong mục KINH THÁNH GIÚP BẠN > TRẺ EM.

^ đ. 63 HÌNH ẢNH: Các thành viên trong hội thánh vui thích tham gia thảo luận Tháp Canh.

^ đ. 65 HÌNH ẢNH: Đây là một số anh chị tham gia trong Phần học Tháp Canh ở hình trước. Dù mỗi người có hoàn cảnh khác nhau, họ đều dành thời gian soạn bài cho buổi nhóm họp.