Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

BÀI HỌC 8

Tại sao nên tỏ lòng biết ơn?

Tại sao nên tỏ lòng biết ơn?

“Hãy tỏ lòng biết ơn”.—CÔ 3:15.

BÀI HÁT 46 Cảm tạ Cha Giê-hô-va

GIỚI THIỆU *

1. Người đàn ông Sa-ma-ri được Chúa Giê-su chữa lành đã tỏ lòng biết ơn như thế nào?

Mười người đàn ông ở trong tình trạng vô cùng đau đớn. Họ mắc bệnh phong cùi và dường như vô phương cứu chữa. Nhưng một ngày nọ, họ thấy Chúa Giê-su, Thầy Vĩ Đại, từ đằng xa. Họ từng nghe Chúa Giê-su chữa lành mọi loại bệnh tật và họ tin chắc ngài cũng có thể chữa cho họ. Thế nên, họ gọi lớn tiếng: “Thầy Giê-su ơi, xin thương xót chúng tôi!”. Mười người đàn ông này đã được hoàn toàn khỏi bệnh. Chắc chắn, tất cả họ đều rất biết ơn về sự nhân từ của Chúa Giê-su. Tuy nhiên, một người trong số đó không chỉ cảm thấy biết ơn, mà ông còn tỏ lòng biết ơn * với Chúa Giê-su. Người đàn ông Sa-ma-ri ấy được thôi thúc để “cất tiếng lớn tôn vinh Đức Chúa Trời”.—Lu 17:12-19.

2, 3. (a) Có lẽ vì lý do nào mà chúng ta quên tỏ lòng biết ơn? (b) Chúng ta sẽ xem xét điều gì trong bài này?

2 Như người đàn ông Sa-ma-ri, chúng ta muốn tỏ lòng biết ơn với những người đối xử nhân từ với mình. Nhưng đôi khi, có lẽ chúng ta quên thể hiện lòng biết ơn qua lời nói hoặc hành động.

3 Trong bài này, chúng ta sẽ xem tại sao việc tỏ lòng biết ơn qua lời nói và hành động là điều rất quan trọng. Chúng ta sẽ học từ một số nhân vật trong Kinh Thánh, gồm những người có lòng biết ơn và những người vô ơn. Sau đó, hãy xem chúng ta có thể tỏ lòng biết ơn qua những cách cụ thể nào.

TẠI SAO NÊN TỎ LÒNG BIẾT ƠN?

4, 5. Tại sao chúng ta nên tỏ lòng biết ơn?

4 Đức Giê-hô-va nêu gương cho chúng ta về việc tỏ lòng biết ơn. Một cách ngài làm thế là ban thưởng cho những người làm hài lòng ngài (2 Sa 22:21; Thi 13:6; Mat 10:40, 41). Kinh Thánh khuyến khích chúng ta ‘hãy bắt chước Đức Chúa Trời’ như con cái yêu dấu của ngài (Ê-phê 5:1). Thế nên, lý do chính chúng ta tỏ lòng biết ơn là vì muốn noi gương đấng đầy ân nghĩa là Đức Giê-hô-va.

5 Hãy xem một lý do khác mà chúng ta muốn tỏ lòng biết ơn. Lòng biết ơn có thể được ví như bữa ăn ngon; nếu chúng ta chia sẻ với người khác thì sẽ thấy thích thú hơn. Khi cảm thấy được người khác biết ơn, chúng ta hạnh phúc. Khi tỏ lòng biết ơn, chúng ta làm người khác hạnh phúc. Chúng ta cho họ thấy nỗ lực giúp đỡ của họ hoặc thứ mà họ ban cho thật sự giúp ích. Kết quả là tình bạn giữa chúng ta với họ được thắt chặt.

6. Những lời biết ơn và trái táo bằng vàng có một số điểm tương đồng nào?

6 Những lời biết ơn của chúng ta rất có giá trị. Kinh Thánh nói: “Lời nói ra đúng lúc đúng thời như táo vàng trên khay bạc chạm trổ” (Châm 25:11). Hãy hình dung một trái táo bằng vàng được đặt trên khay bạc trông đẹp như thế nào! Cũng hãy nghĩ về giá trị của chúng! Anh chị cảm thấy thế nào nếu nhận được món quà như thế? Những lời biết ơn của anh chị dành cho người khác cũng có giá trị tương tự. Cũng hãy suy nghĩ về điều này: Một trái táo bằng vàng có thể tồn tại mãi. Những lời biết ơn của anh chị có thể được người nhận ghi nhớ và trân trọng trong suốt cuộc đời.

HỌ ĐÃ TỎ LÒNG BIẾT ƠN

7. Đa-vít đã tỏ lòng biết ơn như thế nào nơi Thi thiên 27:4, còn những người viết Thi thiên khác thì sao?

7 Nhiều tôi tớ của Đức Giê-hô-va trong quá khứ đã tỏ lòng biết ơn. Đa-vít là một trong những số đó. (Đọc Thi thiên 27:4). Ông biết ơn sâu xa về sự thờ phượng thanh sạch và ông đã thể hiện điều đó qua hành động. Ông đóng góp số lượng lớn tài sản của mình cho việc xây cất đền thờ. Con cháu A-sáp tỏ lòng biết ơn qua việc sáng tác những bài hát ngợi khen Đức Chúa Trời. Trong một bài hát, họ cảm tạ Đức Giê-hô-va và nói lên lòng thán phục về các “công việc kỳ diệu” của ngài (Thi 75:1). Rõ ràng, Đa-vít và con cháu A-sáp muốn cho Đức Giê-hô-va thấy họ vô cùng biết ơn về tất cả các ân phước mà họ nhận được. Anh chị có thể nghĩ đến cách để noi theo những người viết Thi thiên này không?

Lá thư Phao-lô gửi cho tín đồ ở Rô-ma dạy chúng ta điều gì về việc tỏ lòng biết ơn? (Xem đoạn 8, 9) *

8, 9. Sứ đồ Phao-lô tỏ lòng biết ơn anh em đồng đạo như thế nào, và hẳn điều đó mang lại kết quả nào?

8 Sứ đồ Phao-lô biết ơn anh em đồng đạo và điều này được thấy rõ qua cách ông nói về họ. Ông luôn cảm tạ Đức Chúa Trời về họ trong lời cầu nguyện riêng. Ông cũng biểu lộ lòng biết ơn qua những lá thư gửi cho họ. Trong 15 câu đầu của sách Rô-ma chương 16, Phao-lô đề cập đến tên của 27 anh chị. Phao-lô nhắc cụ thể về việc Bê-rít-sin và A-qui-la “đã liều mình” vì ông, và ông nói rằng Phê-bê là “người che chở nhiều anh em”, trong đó có Phao-lô. Ông đã khen những anh chị yêu quý và siêng năng ấy.—Rô-ma 16:1-15.

9 Phao-lô biết rằng anh em đồng đạo là những người bất toàn, nhưng cuối lá thư gửi tín đồ ở Rô-ma, ông tập trung vào điểm tốt của họ. Hãy hình dung những anh chị ấy hẳn được khích lệ biết bao khi nghe lời nhận xét của Phao-lô được đọc lớn tiếng trước hội thánh! Hẳn điều này giúp cho tình bạn giữa họ và Phao-lô ngày càng thắt chặt. Anh chị có thường xuyên tỏ lòng biết ơn về những lời nói và việc làm tốt lành của các thành viên trong hội thánh không?

10. Chúng ta có thể học được gì từ cách Chúa Giê-su tỏ lòng biết ơn với các môn đồ?

10 Trong các thông điệp gửi đến một số hội thánh ở Tiểu Á, Chúa Giê-su tỏ lòng biết ơn về công việc mà các môn đồ đã làm. Chẳng hạn, ngài mở đầu thông điệp gửi cho hội thánh ở Thi-a-ti-rơ như sau: “Tôi biết các việc làm, tình yêu thương, đức tin, thánh chức cùng sự chịu đựng của anh, và cũng biết gần đây anh làm nhiều việc hơn lúc đầu” (Khải 2:19). Chúa Giê-su không chỉ nói rằng họ làm nhiều hơn trước, mà ngài còn khen họ về những đức tính thôi thúc họ làm các việc tốt lành. Dù cần khuyên một số tín đồ ở Thi-a-ti-rơ, Chúa Giê-su vẫn mở đầu và kết thúc thông điệp bằng những lời khích lệ (Khải 2:25-28). Hãy nghĩ về quyền hành mà Chúa Giê-su có với tư cách là đầu của tất cả các hội thánh. Ngài không cần cám ơn chúng ta về những gì chúng ta làm cho ngài. Dù vậy, ngài vẫn tỏ lòng biết ơn. Quả là gương xuất sắc dành cho các trưởng lão!

HỌ ĐÃ KHÔNG CÓ LÒNG BIẾT ƠN

11. Theo Hê-bơ-rơ 12:16, Ê-sau có thái độ nào đối với điều thánh?

11 Đáng buồn là một số người sống vào thời Kinh Thánh đã không có lòng biết ơn. Chẳng hạn, dù Ê-sau được cha mẹ là những người yêu mến và kính sợ Đức Giê-hô-va nuôi dạy, nhưng ông đã không biết ơn và quý trọng điều thánh. (Đọc Hê-bơ-rơ 12:16). Thái độ vô ơn của Ê-sau được thấy rõ như thế nào? Ê-sau hấp tấp bán quyền trưởng nam cho em mình là Gia-cốp chỉ để đổi lấy một món hầm. Sau này, Ê-sau hối tiếc về quyết định của mình (Sáng 25:30-34). Nhưng vì vô ơn nên ông không có lý do để than vãn khi không nhận được lời chúc phước dành cho người có quyền trưởng nam.

12, 13. Dân Y-sơ-ra-ên đã vô ơn như thế nào, và hậu quả là gì?

12 Dân Y-sơ-ra-ên có nhiều lý do để tỏ lòng biết ơn. Họ được thoát khỏi ách nô lệ sau khi Đức Giê-hô-va giáng Mười Tai Vạ trên Ai Cập. Rồi ngài giải cứu họ khỏi tai họa bằng cách hủy diệt cả đạo quân Ai Cập trong lòng Biển Đỏ. Dân Y-sơ-ra-ên biết ơn Đức Giê-hô-va đến nỗi đã hát một bài ca chiến thắng ngợi khen ngài. Nhưng họ có giữ lòng biết ơn không?

13 Khi đối mặt với những thử thách mới, dân Y-sơ-ra-ên nhanh chóng quên đi mọi điều tốt lành mà Đức Giê-hô-va làm cho họ. Họ đã không có lòng biết ơn (Thi 106:7). Như thế nào? Kinh Thánh cho biết: “Toàn thể dân Y-sơ-ra-ên bắt đầu cằn nhằn Môi-se và A-rôn”; trên thực tế là họ đang cằn nhằn Đức Giê-hô-va (Xuất 16:2, 8). Đức Giê-hô-va rất thất vọng trước thái độ vô ơn của họ. Sau này, ngài báo trước rằng cả thế hệ đó sẽ chết trong hoang mạc, ngoại trừ Giô-suê và Ca-lép (Dân 14:22-24; 26:65). Hãy xem làm thế nào chúng ta có thể tránh làm theo các gương xấu này và noi theo những gương tốt.

HÃY TỎ LÒNG BIẾT ƠN

14, 15. (a) Làm thế nào vợ chồng cho thấy họ biết ơn và quý trọng nhau? (b) Bằng cách nào cha mẹ có thể dạy con tỏ lòng biết ơn?

14 Trong gia đình. Cả gia đình đều nhận được lợi ích khi mỗi thành viên tỏ lòng biết ơn. Vợ chồng càng tỏ lòng biết ơn với nhau thì họ sẽ càng gắn bó. Họ cũng thấy dễ tha thứ cho nhau hơn. Một người chồng biết ơn và quý trọng vợ sẽ không chỉ chú ý đến những điều tốt vợ anh nói và làm, mà anh còn “cất tiếng khen ngợi nàng” (Châm 31:10, 28). Và người vợ khôn ngoan sẽ cho chồng biết cụ thể là chị biết ơn anh ấy về điều gì.

15 Làm thế nào các bậc cha mẹ có thể dạy con tỏ lòng biết ơn? Hãy nhớ rằng con cái sẽ bắt chước những gì anh chị nói và làm. Thế nên, hãy làm gương cho con bằng cách cám ơn khi con làm điều gì đó cho anh chị. Ngoài ra, hãy dạy con nói cám ơn khi người khác làm điều gì đó cho chúng. Hãy giúp con hiểu rằng việc tỏ lòng biết ơn cần xuất phát từ lòng và những lời biết ơn của các em có thể có tác động mạnh mẽ. Chẳng hạn, một chị tên Clary chia sẻ: “Khi ở tuổi 32, mẹ tôi đột ngột bị bỏ lại một mình với ba đứa con. Khi tôi 32 tuổi, tôi nhận ra điều đó hẳn không dễ chút nào cho mẹ khi ở độ tuổi ấy. Thế nên, tôi nói với mẹ rằng tôi vô cùng biết ơn về những gì mẹ đã hy sinh để nuôi dạy chúng tôi. Gần đây, mẹ cho tôi biết là những lời tôi nói rất có ý nghĩa. Mẹ cảm thấy hạnh phúc mỗi khi nghĩ về những lời ấy”.

Hãy dạy con tỏ lòng biết ơn (Xem đoạn 15) *

16. Hãy nêu ví dụ cho thấy việc tỏ lòng biết ơn có thể mang lại sự khích lệ cho người khác.

16 Trong hội thánh. Khi tỏ lòng biết ơn với anh em đồng đạo, chúng ta sẽ khích lệ họ. Chẳng hạn, một trưởng lão 28 tuổi tên là Jorge bị bệnh nặng, và trong vòng một tháng anh không thể tham dự các buổi nhóm họp. Ngay cả khi đi nhóm trở lại, anh vẫn không thể đảm trách các phần trong chương trình. Anh Jorge thừa nhận: “Tôi cảm thấy mình vô giá trị vì không thể đảm nhận các trách nhiệm trong hội thánh. Nhưng sau buổi nhóm họp, một anh nói với tôi: ‘Cám ơn anh đã nêu gương tốt cho gia đình tôi. Chúng tôi rất thích các bài giảng của anh trong những năm qua. Các bài giảng đó đã giúp chúng tôi vững mạnh về thiêng liêng’. Tôi nghẹn ngào và rơi lệ. Đó là những lời mà tôi rất cần nghe”.

17. Theo Cô-lô-se 3:15, làm thế nào chúng ta có thể tỏ lòng biết ơn Đức Giê-hô-va về lòng rộng rãi của ngài?

17 Với Đức Chúa Trời đầy lòng rộng rãi. Đức Giê-hô-va ban cho chúng ta thức ăn thiêng liêng dư dật. Chẳng hạn, chúng ta nhận được chỉ dẫn hữu ích qua những buổi nhóm họp, tạp chí và các trang web của tổ chức. Đã bao giờ anh chị nghe một bài giảng, đọc một bài viết hoặc xem một chương trình Kênh truyền thông và nghĩ: “Đây chính là điều mình cần”? Làm thế nào chúng ta có thể tỏ lòng biết ơn Đức Giê-hô-va? (Đọc Cô-lô-se 3:15). Một cách là thường xuyên cảm tạ ngài về những món quà tốt lành qua lời cầu nguyện.—Gia 1:17.

Lau dọn Phòng Nước Trời là cách rất tốt để tỏ lòng biết ơn (Xem đoạn 18)

18. Bằng cách nào chúng ta có thể cho thấy mình biết ơn và quý trọng Phòng Nước Trời?

18 Chúng ta cũng tỏ lòng biết ơn Đức Giê-hô-va bằng cách giữ nơi thờ phượng sạch sẽ và ngăn nắp. Chúng ta thường xuyên tham gia lau dọn và bảo trì Phòng Nước Trời. Những anh phụ trách hệ thống âm thanh của hội thánh sử dụng các thiết bị một cách cẩn thận. Khi được bảo trì tốt, Phòng Nước Trời sẽ dùng được lâu hơn và không cần sửa chữa nhiều. Nhờ thế, chúng ta có thể tiết kiệm chi phí để xây dựng và tân trang các Phòng Nước Trời trên khắp thế giới.

19. Chúng ta học được gì từ kinh nghiệm của một giám thị vòng quanh và vợ anh?

19 Với những anh chị làm công việc khó nhọc. Khi chúng ta tỏ lòng biết ơn, lời nói của chúng ta có thể thay đổi quan điểm của một anh hoặc một chị về những thử thách mà họ đang đương đầu. Hãy xem kinh nghiệm của một giám thị vòng quanh và vợ anh. Sau ngày dài làm thánh chức dưới cái lạnh của mùa đông, họ trở về nơi ở và cảm thấy rất mệt. Trời lạnh đến nỗi người vợ phải mặc áo khoác rất dày khi đi ngủ. Sáng hôm sau, chị nói với chồng là chị cảm thấy không thể tiếp tục công việc lưu động nữa. Rồi cũng vào sáng hôm đó, chị nhận được lá thư từ văn phòng chi nhánh gửi cho chị. Trong thư, các anh nồng ấm khen chị về công việc thánh chức và sự chịu đựng của chị. Họ cũng nhìn nhận là chị có những khó khăn khi mỗi tuần phải di chuyển từ nơi này đến nơi khác. Người chồng nói: “Khi đọc những lời khích lệ đó, vợ tôi cảm động đến mức không bao giờ đề cập đến việc từ bỏ công việc lưu động nữa. Thật ra, vài lần vợ tôi còn khích lệ tôi tiếp tục công việc này khi tôi có ý định từ bỏ”. Cặp vợ chồng này đã làm công việc lưu động trong gần 40 năm.

20. Chúng ta nên cố gắng làm gì mỗi ngày, và tại sao?

20 Mong sao mỗi ngày chúng ta cố gắng tỏ lòng biết ơn qua lời nói và hành động. Những lời nói và hành động xuất phát từ lòng của chúng ta có thể là điều người khác đang rất cần để vượt qua thêm một ngày trong thế gian vô ơn này. Ngoài ra, việc tỏ lòng biết ơn sẽ giúp chúng ta xây dựng những tình bạn vững bền. Quan trọng hơn hết, chúng ta sẽ noi gương Đức Giê-hô-va, là đấng rộng rãi và đầy ân nghĩa.

BÀI HÁT 20 Ngài ban Con một yêu quý

^ đ. 5 Chúng ta có thể học được gì từ Đức Giê-hô-va, Chúa Giê-su và người Sa-ma-ri bị phong cùi về việc tỏ lòng biết ơn? Bài này sẽ xem xét những gương ấy và các gương khác. Hãy xem tại sao việc tỏ lòng biết ơn là điều rất quan trọng và chúng ta có thể làm thế qua một số cách cụ thể nào.

^ đ. 1 GIẢI NGHĨA: Biết ơn có nghĩa là nhìn nhận giá trị của một người hoặc một điều gì đó. Từ này có thể nói đến cảm xúc xuất phát từ đáy lòng.

^ đ. 55 HÌNH ẢNH: Lá thư của Phao-lô được đọc trước hội thánh ở Rô-ma; A-qui-la, Bê-rít-sin, Phê-bê và những anh chị khác rất vui khi tên mình được nhắc đến.

^ đ. 57 HÌNH ẢNH: Một người mẹ giúp con gái tỏ lòng biết ơn một chị lớn tuổi về gương tốt của chị.