Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

BÀI HỌC 11

Hãy nghe theo tiếng của Đức Giê-hô-va

Hãy nghe theo tiếng của Đức Giê-hô-va

“Đây là Con yêu dấu của ta... Hãy nghe lời người”.MAT 17:5.

BÀI HÁT 89 Nghe và giữ Lời Chúa sẽ được ban phước

GIỚI THIỆU *

1, 2. (a) Đức Giê-hô-va liên lạc với con người qua cách nào? (b) Chúng ta sẽ xem xét điều gì trong bài này?

Từ xưa đến nay, Đức Giê-hô-va là Đấng Liên Lạc Vĩ Đại. Trong quá khứ, ngài dùng các nhà tiên tri, thiên sứ và Con ngài là Chúa Giê-su Ki-tô để truyền đạt tư tưởng cho con người (A-mốt 3:7; Ga 3:19; Khải 1:1). Ngày nay, Đức Giê-hô-va liên lạc với chúng ta qua Lời ngài là Kinh Thánh. Ngài ban Kinh Thánh để chúng ta có thể học về quan điểm và đường lối của ngài.

2 Ngoài ra, trong thời gian Chúa Giê-su sống trên đất, chính Đức Giê-hô-va cũng đã phán từ trời vào ba dịp. Hãy xem Đức Giê-hô-va phán điều gì, chúng ta có thể rút ra bài học nào và nhận lợi ích ra sao từ những lời của ngài.

“CON LÀ CON YÊU DẤU CỦA CHA”

3. Theo Mác 1:9-11, Đức Giê-hô-va đã phán gì khi Chúa Giê-su chịu phép báp-têm, và những lời ấy xác nhận các sự thật quan trọng nào?

3 Mác 1:9-11 thuật lại lần thứ nhất Đức Giê-hô-va phán từ trời. (Đọc). Ngài phán: “Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con”. Hẳn Chúa Giê-su cảm động biết bao khi nghe những lời yêu thương và khích lệ của Cha ngài! Những lời của Đức Giê-hô-va xác nhận ba sự thật quan trọng về Chúa Giê-su. Thứ nhất, Chúa Giê-su là Con ngài. Thứ hai, Đức Giê-hô-va yêu thương Con ngài. Và thứ ba, Đức Giê-hô-va hài lòng về Con ngài. Hãy xem xét kỹ hơn về ba sự thật này.

4. Chúa Giê-su bước vào mối quan hệ mới nào với Đức Chúa Trời khi ngài chịu phép báp-têm?

4 ‘Con là Con của Cha’. Qua những lời này, Đức Giê-hô-va cho biết Con yêu dấu của ngài, Chúa Giê-su, đã bước vào mối quan hệ mới với ngài. Khi còn ở trên trời, Chúa Giê-su là con thần linh của Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, khi chịu phép báp-têm, Chúa Giê-su được xức dầu bởi thần khí thánh. Lúc đó Đức Giê-hô-va xác nhận rằng giờ đây Chúa Giê-su, với tư cách là Con được xức dầu của ngài, có hy vọng được trở về trời để làm Vua và Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm do Đức Chúa Trời bổ nhiệm (Lu 1:31-33; Hê 1:8, 9; 2:17). Thế nên, khi Chúa Giê-su chịu phép báp-têm, Đức Giê-hô-va phán: ‘Con là Con của Cha’.—Lu 3:22.

Chúng ta vui khi nhận được lời khen và sự khích lệ (Xem đoạn 5) *

5. Làm thế nào chúng ta có thể noi gương Đức Giê-hô-va trong việc bày tỏ tình yêu thương và sự khích lệ?

5 “Con là Con yêu dấu”. Gương của Đức Giê-hô-va trong việc bày tỏ tình yêu thương và sự khích lệ nhắc nhở chúng ta hãy tìm cơ hội để khích lệ người khác (Giăng 5:20). Chúng ta vui biết bao khi nhận được tình yêu thương và lời khen từ người mà mình quý mến. Tương tự, anh em trong hội thánh và các thành viên trong gia đình cũng cần chúng ta yêu thương và khích lệ. Khi khen người khác, chúng ta giúp họ củng cố đức tin và tiếp tục trung thành phụng sự Đức Giê-hô-va. Đặc biệt, cha mẹ cần khích lệ con cái. Con cái sẽ phát triển tốt khi cha mẹ thể hiện sự trìu mến với con và khen con cách chân thành.

6. Tại sao chúng ta có thể có lòng tin chắc nơi Chúa Giê-su Ki-tô?

6 “Cha hài lòng về Con”. Những lời này cho thấy Đức Giê-hô-va tin chắc Chúa Giê-su sẽ trung thành làm theo ý muốn của Cha ngài. Đức Giê-hô-va có lòng tin cậy như thế nơi Con ngài, nên chúng ta cũng có thể tin chắc rằng Chúa Giê-su sẽ làm cho mọi lời hứa của Đức Giê-hô-va trở thành hiện thực (2 Cô 1:20). Khi xem xét gương mẫu của Chúa Giê-su, chúng ta càng quyết tâm học từ ngài và theo sát dấu chân ngài. Như Đức Giê-hô-va đã tin tưởng Chúa Giê-su, ngài cũng tin tưởng các tôi tớ ngài với tư cách tập thể sẽ tiếp tục học theo Con ngài.—1 Phi 2:21.

“HÃY NGHE LỜI NGƯỜI”

7. Theo Ma-thi-ơ 17:1-5, Đức Giê-hô-va phán từ trời trong dịp nào, và ngài đã nói gì?

7 Đọc Ma-thi-ơ 17:1-5. Lần thứ hai Đức Giê-hô-va phán từ trời là khi Chúa Giê-su biến hình. Chúa Giê-su đã mời Phi-e-rơ, Gia-cơ và Giăng đi cùng ngài lên một ngọn núi cao. Tại đó, họ chứng kiến một khải tượng kỳ diệu. Mặt Chúa Giê-su chiếu sáng và áo ngài sáng lấp lánh. Rồi có hai nhân vật, tượng trưng cho Môi-se và Ê-li-gia, bắt đầu nói chuyện với Chúa Giê-su về cái chết sắp đến cũng như sự sống lại của ngài. Ba sứ đồ đang ngủ nhưng khi tỉnh dậy, họ thấy cảnh tượng phi thường này diễn ra (Lu 9:29-32). Sau đó, một đám mây sáng rực che phủ họ, và họ nghe tiếng phán từ trong đám mây. Đó là tiếng của Đức Chúa Trời! Như trong dịp Chúa Giê-su chịu phép báp-têm, lần này Đức Giê-hô-va cũng bày tỏ sự hài lòng và tình yêu thương dành cho Con ngài. Đức Giê-hô-va phán: “Đây là Con yêu dấu của ta, người mà ta hài lòng”. Nhưng lần này ngài nói thêm: “Hãy nghe lời người”.

8. Khải tượng về sự biến hình tác động thế nào đến Chúa Giê-su và các môn đồ?

8 Khải tượng về sự biến hình cho thấy trước sự vinh hiển và vương quyền của Chúa Giê-su với tư cách là Vua Nước Trời. Chắc chắn, ngài đã được khích lệ và thêm sức để chịu đựng những thử thách và cái chết đau đớn mà ngài sẽ trải qua. Khải tượng ấy cũng làm vững mạnh đức tin của các môn đồ, thêm sức cho họ để chịu đựng thử thách về lòng trọn thành và thực thi sứ mạng lớn lao phía trước. Khoảng 30 năm sau đó, sứ đồ Phi-e-rơ nhắc đến khải tượng về sự biến hình, điều này cho thấy khải tượng ấy vẫn còn sống động trong tâm trí ông.—2 Phi 1:16-18.

9. Chúa Giê-su đưa ra những lời khuyên thiết thực nào cho các môn đồ?

9 “Hãy nghe lời người”. Đức Giê-hô-va cho biết rõ là ngài muốn chúng ta lắng nghe và vâng lời Con ngài. Khi ở trên đất, Chúa Giê-su nói về nhiều điều quan trọng. Chẳng hạn, Chúa Giê-su khuyên các môn đồ nên rao giảng tin mừng như thế nào, và ngài nhiều lần nhắc họ phải luôn thức canh (Mat 24:42; 28:19, 20). Ngài cũng khuyến giục họ hãy gắng hết sức và đừng bỏ cuộc (Lu 13:24). Chúa Giê-su nhấn mạnh với các môn đồ là họ cần phải yêu thương nhau, luôn hợp nhất và giữ các điều răn của ngài (Giăng 15:10, 12, 13). Quả là những lời khuyên thiết thực! Những lời khuyên của Chúa Giê-su có giá trị đến tận ngày nay.

10, 11. Làm thế nào chúng ta cho thấy mình lắng nghe Chúa Giê-su?

10 Chúa Giê-su nói: “Ai đứng về phía chân lý thì nghe tôi” (Giăng 18:37). Chúng ta cho thấy mình lắng nghe ngài khi “tiếp tục chịu đựng nhau và rộng lòng tha thứ nhau” (Cô 3:13; Lu 17:3, 4). Ngoài ra, chúng ta cũng cho thấy mình nghe theo tiếng ngài bằng cách sốt sắng rao truyền tin mừng “khi thuận tiện lẫn khi khó khăn”.—2 Ti 4:2.

11 Chúa Giê-su nói: “Chiên tôi nghe tiếng tôi” (Giăng 10:27). Môn đồ của Đấng Ki-tô cho thấy họ lắng nghe ngài qua việc làm theo lời ngài. Họ không bị phân tâm bởi những “lo lắng trong đời” (Lu 21:34). Thay vì thế, họ đặt việc vâng theo các điều răn của Chúa Giê-su lên hàng ưu tiên, ngay cả khi đối mặt với hoàn cảnh khó khăn. Nhiều anh em chúng ta đang phải chịu đựng thử thách cam go, bao gồm sự tấn công của kẻ thù, sự nghèo đói cùng cực và thảm họa thiên nhiên. Bất kể những điều đó, họ vẫn giữ lòng trung thành với Đức Giê-hô-va. Chúa Giê-su đảm bảo với họ rằng: “Ai tiếp nhận và giữ các điều răn của tôi là yêu thương tôi. Đổi lại, ai yêu thương tôi thì sẽ được Cha tôi yêu thương”.—Giăng 14:21.

Thánh chức giúp chúng ta tiếp tục lắng nghe tiếng của Chúa Giê-su (Xem đoạn 12) *

12. Một cách khác chúng ta cho thấy mình lắng nghe Chúa Giê-su là gì?

12 Một cách khác chúng ta cho thấy mình lắng nghe Chúa Giê-su là hợp tác với những người dẫn đầu được ngài bổ nhiệm (Hê 13:7, 17). Trong những năm gần đây, tổ chức của Đức Giê-hô-va có nhiều sự điều chỉnh, bao gồm việc dùng các công cụ và cách thức rao giảng mới, chương trình của buổi họp giữa tuần và cách xây dựng, tân trang cũng như bảo trì Phòng Nước Trời. Chúng ta thật biết ơn về những chỉ dẫn yêu thương và được cân nhắc kỹ càng đến từ tổ chức! Chúng ta tin chắc Đức Giê-hô-va sẽ ban phước khi chúng ta nỗ lực làm theo những chỉ dẫn ấy.

13. Việc lắng nghe Chúa Giê-su mang lại những lợi ích nào?

13 Chúng ta nhận được lợi ích khi lắng nghe mọi điều Chúa Giê-su dạy. Chúa Giê-su đảm bảo với các môn đồ rằng sự dạy dỗ của ngài sẽ thêm sức cho họ. Ngài nói: “Anh em sẽ được lại sức... vì ách của tôi dễ chịu và gánh của tôi nhẹ nhàng” (Mat 11:28-30). Lời Đức Chúa Trời, gồm cả bốn sách Phúc âm tường thuật về đời sống và thánh chức của Chúa Giê-su, giúp chúng ta tươi tỉnh về thiêng liêng và trở nên khôn ngoan (Thi 19:7; 23:3). Chúa Giê-su nói: “Hạnh phúc cho những người nghe và giữ lời Đức Chúa Trời!”.—Lu 11:28.

‘TA ĐÃ LÀM VINH HIỂN DANH TA’

14, 15. (a) Theo Giăng 12:27, 28, lần thứ ba Đức Giê-hô-va phán từ trời là vào dịp nào? (b) Tại sao những lời của Đức Giê-hô-va hẳn đã an ủi và thêm sức cho Chúa Giê-su?

14 Đọc Giăng 12:27, 28. Phúc âm Giăng thuật lại lần thứ ba Đức Giê-hô-va phán từ trời. Vài ngày trước khi chết, Chúa Giê-su ở Giê-ru-sa-lem để cử hành Lễ Vượt Qua cuối cùng của ngài. Chúa Giê-su nói: “Tôi cảm thấy rất bồn chồn”. Sau đó, ngài cầu nguyện: “Cha ơi, xin làm vinh hiển danh Cha”. Rồi Cha ngài phán từ trời: “Ta đã làm vinh hiển rồi và sẽ làm vinh hiển nữa”.

15 Chúa Giê-su cảm thấy bồn chồn vì ngài ý thức mình đang đảm đương trách nhiệm lớn lao là giữ trung thành với Đức Giê-hô-va. Ngài biết mình sắp bị đánh đập tàn nhẫn và chịu cái chết đau đớn (Mat 26:38). Nhưng trên hết mọi điều, Chúa Giê-su muốn làm vinh hiển danh Cha. Ngài bị buộc tội phạm thượng và ngài lo lắng cái chết của mình sẽ khiến Đức Chúa Trời bị sỉ nhục. Hẳn những lời của Đức Giê-hô-va trấn an Chúa Giê-su biết dường nào! Ngài có thể tin chắc rằng danh Đức Giê-hô-va sẽ được vinh hiển. Những lời của Cha hẳn đã an ủi và thêm sức cho Chúa Giê-su để chịu đựng thử thách phía trước. Dù có lẽ Chúa Giê-su là người duy nhất có mặt ở đó hiểu những lời của Cha ngài, nhưng Đức Giê-hô-va đảm bảo những lời này được ghi lại cho tất cả chúng ta.—Giăng 12:29, 30.

Đức Giê-hô-va sẽ làm vinh hiển danh ngài và giải cứu dân ngài (Xem đoạn 16) *

16. Điều gì có lẽ khiến chúng ta lo lắng về việc danh Đức Chúa Trời bị sỉ nhục?

16 Như Chúa Giê-su, chúng ta cũng lo lắng về việc danh Đức Giê-hô-va bị sỉ nhục. Có lẽ chúng ta bị đối xử bất công như Chúa Giê-su. Hoặc chúng ta khó chịu trước các thông tin sai lệch do những kẻ chống đối lan truyền. Có thể chúng ta nghĩ những thông tin ấy sẽ khiến danh Đức Giê-hô-va và tổ chức của ngài bị sỉ nhục. Những lúc như thế, lời của Đức Giê-hô-va nơi Giăng 12:27, 28 sẽ an ủi chúng ta rất nhiều. Chúng ta không cần phải lo lắng quá mức. Hãy tin chắc rằng “sự bình an của Đức Chúa Trời, là điều vượt quá mọi sự hiểu biết, sẽ bảo vệ lòng và trí của [chúng ta] qua Đấng Ki-tô Giê-su” (Phi-líp 4:6, 7). Đức Giê-hô-va chắc chắn sẽ làm vinh hiển danh ngài. Qua Nước Trời, Đức Giê-hô-va sẽ xóa bỏ mọi thiệt hại do Sa-tan và thế gian của hắn gây ra cho những tôi tớ trung thành của ngài.—Thi 94:22, 23; Ê-sai 65:17.

LỢI ÍCH KHI NGHE THEO TIẾNG CỦA ĐỨC GIÊ-HÔ-VA NGÀY NAY

17. Phù hợp với Ê-sai 30:21, Đức Giê-hô-va nói với chúng ta ngày nay qua cách nào?

17 Ngày nay, Đức Giê-hô-va vẫn đang nói với chúng ta. (Đọc Ê-sai 30:21). Đúng là chúng ta không nghe tiếng ngài phán từ trời. Tuy nhiên, Đức Giê-hô-va ban Lời ngài là Kinh Thánh để chỉ dẫn chúng ta. Hơn nữa, thần khí Đức Chúa Trời tác động trên “quản gia trung tín” để họ luôn cung cấp thức ăn cho các tôi tớ ngài (Lu 12:42). Chúng ta nhận được biết bao thức ăn thiêng liêng qua các ấn phẩm dưới dạng bản in và tài liệu trực tuyến, cũng như các video và phần thu âm!

18. Những lời của Đức Giê-hô-va củng cố đức tin và lòng can đảm của anh chị như thế nào?

18 Hãy ghi nhớ những lời Đức Giê-hô-va phán khi Con ngài còn sống trên đất! Mong sao những lời của Đức Chúa Trời được ghi lại trong Kinh Thánh giúp chúng ta tin chắc rằng không điều gì nằm ngoài tầm kiểm soát của ngài, và ngài sẽ xóa bỏ mọi thiệt hại do Sa-tan và thế gian gian ác của hắn gây ra. Và mong sao chúng ta quyết tâm chăm chú lắng nghe tiếng của Đức Giê-hô-va. Khi làm thế, chúng ta có thể chịu đựng bất cứ vấn đề nào mình gặp phải ngay bây giờ và những thử thách sắp đến trong tương lai. Kinh Thánh nhắc chúng ta nhớ rằng: “Anh em cần có tính chịu đựng, để sau khi làm theo ý muốn Đức Chúa Trời thì có thể nhận được điều ngài hứa”.—Hê 10:36.

BÀI HÁT 4 “Đức Giê-hô-va là Đấng Chăn Giữ của tôi”

^ đ. 5 Trong thời gian Chúa Giê-su sống trên đất, có ba lần Đức Giê-hô-va phán từ trời. Trong đó có một lần Đức Giê-hô-va khuyến giục các môn đồ hãy nghe lời Con ngài. Ngày nay, Đức Giê-hô-va nói với chúng ta qua Kinh Thánh, trong đó có những sự dạy dỗ của Chúa Giê-su, và qua tổ chức của ngài. Bài này sẽ xem xét chúng ta được lợi ích thế nào khi lắng nghe Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su.

^ đ. 52 HÌNH ẢNH: Một trưởng lão thấy một phụ tá giúp bảo trì Phòng Nước Trời và phụ giúp tại quầy sách. Trưởng lão chân thành khen anh phụ tá.

^ đ. 54 HÌNH ẢNH: Một cặp vợ chồng tại Sierra Leone mời một ngư dân địa phương nhận giấy mời tham dự nhóm họp.

^ đ. 56 HÌNH ẢNH: Các Nhân Chứng ở nơi công việc Nước Trời bị hạn chế đang nhóm nhau lại tại nhà riêng. Họ mặc trang phục thường ngày để tránh bị chú ý.