Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

BÀI HỌC 20

An ủi nạn nhân của sự lạm dụng

An ủi nạn nhân của sự lạm dụng

“Đức Chúa Trời ban mọi sự an ủi. Ngài an ủi chúng ta trong mọi thử thách”.2 CÔ 1:3, 4.

BÀI HÁT 134 Con cái là sản nghiệp từ Đức Chúa Trời

GIỚI THIỆU *

1, 2. (a) Ví dụ nào cho thấy con người có ước muốn tự nhiên là được an ủi và có khả năng an ủi người khác? (b) Một số trẻ em bị tổn thương tồi tệ như thế nào?

Con người có ước muốn tự nhiên là được an ủi và được ban cho khả năng tuyệt vời để an ủi người khác. Chẳng hạn, khi một em nhỏ trượt ngã lúc đang chơi đùa và bị trầy xước, có lẽ em ấy chạy đến khóc với cha hoặc mẹ. Cha mẹ không thể chữa lành vết thương, nhưng họ có thể an ủi em. Có lẽ họ hỏi han chuyện gì đã xảy ra, lau nước mắt, vỗ về em và xức thuốc hoặc băng bó cho em. Một lát sau, em ngừng khóc và lại chạy nhảy. Theo thời gian, vết thương sẽ được chữa lành.

2 Nhưng đôi khi, trẻ em bị tổn thương theo những cách tồi tệ hơn thế. Một số em là nạn nhân của nạn lạm dụng tình dục. Điều này có thể xảy ra một lần hoặc kéo dài nhiều năm. Dù trường hợp nào đi nữa, việc bị lạm dụng có thể để lại vết thương sâu sắc trong lòng. Trong vài trường hợp, kẻ lạm dụng bị bắt và trừng phạt. Một số trường hợp khác, kẻ lạm dụng có vẻ thoát khỏi công lý. Ngay cả khi kẻ đó bị trừng phạt, có thể nạn nhân vẫn phải chịu tổn thương mãi về sau.

3. Như được nói nơi 2 Cô-rinh-tô 1:3, 4, ý muốn của Đức Giê-hô-va là gì, và chúng ta sẽ xem những câu hỏi nào?

3 Nếu một tín đồ từng bị lạm dụng khi còn nhỏ và vẫn đang đương đầu với nỗi đau về cảm xúc, điều gì có thể giúp người ấy? (Đọc 2 Cô-rinh-tô 1:3, 4). Đức Giê-hô-va muốn những con chiên bé bỏng của ngài được yêu thương và an ủi khi họ cần. Vậy, hãy cùng xem ba câu hỏi sau: (1) Tại sao những người từng bị lạm dụng khi còn nhỏ cần được an ủi? (2) Ai có thể mang lại sự an ủi cho họ? (3) Làm thế nào chúng ta có thể an ủi những người như thế?

TẠI SAO SỰ AN ỦI LÀ CẦN THIẾT?

4, 5. (a) Tại sao việc nhận biết trẻ em khác với người lớn là điều quan trọng? (b) Sự lạm dụng có thể ảnh hưởng đến lòng tin của các em đối với người khác như thế nào?

4 Một số người trưởng thành từng bị lạm dụng khi còn nhỏ vẫn cần được an ủi, dù nhiều năm đã trôi qua. Tại sao? Để hiểu điều này, chúng ta cần nhận biết là trẻ em rất khác với người lớn. Khi bị đối xử tệ, các em có thể bị ảnh hưởng một cách trầm trọng. Hãy xem vài ví dụ.

5 Trẻ em cần cảm thấy gần gũi, tin tưởng những người nuôi dạy và chăm sóc mình. Mối quan hệ gần gũi như thế giúp các em cảm thấy được an toàn và dạy các em tin tưởng những người yêu thương mình (Thi 22:9). Đáng buồn thay, sự lạm dụng thường xảy ra tại nhà và những kẻ lạm dụng thường là thành viên trong gia đình hoặc người quen của gia đình. Khi bị chính người mình tin tưởng xâm hại, các em sẽ khó lòng tin tưởng người khác, thậm chí là nhiều năm về sau.

6. Tại sao lạm dụng tình dục là hành vi gian ác, gây nhiều nỗi đau?

6 Trẻ em thường mỏng manh yếu ớt. Lạm dụng tình dục là hành vi gian ác, gây nhiều nỗi đau. Ép buộc một em nhỏ làm những điều bại hoại khi em chưa đủ tuổi trưởng thành về thể chất, tinh thần và cảm xúc sẽ gây hại nghiêm trọng. Sự lạm dụng có thể khiến các em có cái nhìn lệch lạc về tình dục, về bản thân hoặc mất lòng tin nơi người khác.

7. (a) Tại sao trẻ em là đối tượng rất dễ bị lừa gạt, và những kẻ lạm dụng làm thế bằng cách nào? (b) Những lời dối trá có thể gây ra hậu quả nào?

7 Trẻ em chưa biết suy nghĩ thấu đáo, chưa biết nhận ra và tránh xa nguy hiểm (1 Cô 13:11). Vì vậy, việc lừa gạt một em nhỏ là điều rất dễ dàng đối với những kẻ lạm dụng. Chúng lừa các em bằng những lời dối trá hiểm độc, chẳng hạn như các em bị lạm dụng là lỗi của các em, phải giữ bí mật chuyện này, nếu nói ra sẽ chẳng có ai nghe hoặc quan tâm đâu, hoặc quan hệ tình dục giữa một người lớn và một em nhỏ là biểu hiện của tình yêu. Có lẽ sau nhiều năm các em mới hiểu được tất cả những lời đó là dối trá. Một em trẻ như thế khi lớn lên thường có suy nghĩ là mình nhuốc nhơ, tội lỗi và không đáng được yêu thương hoặc được an ủi.

8. Tại sao chúng ta tin chắc Đức Giê-hô-va có thể an ủi những ai bị tổn thương?

8 Quả thật, lạm dụng trẻ em là một tội ác khủng khiếp và gây ra nhiều nỗi đau trong thời gian dài. Vấn nạn toàn cầu này là bằng chứng rõ ràng cho thấy chúng ta đang sống trong những ngày sau cùng, thời kỳ mà nhiều người “thiếu tình thương tự nhiên” và “những kẻ gian ác và kẻ giả mạo thì ngày càng tồi tệ” (2 Ti 3:1-5, 13). Thủ đoạn của Sa-tan vô cùng hiểm độc, và thật đáng buồn khi con người làm theo những gì hắn muốn. Tuy nhiên, Đức Giê-hô-va mạnh hơn nhiều so với Sa-tan và những kẻ theo phe hắn. Mọi mưu kế của Sa-tan đều không thể thoát khỏi tầm mắt của Đức Giê-hô-va. Chúng ta có thể tin chắc Đức Giê-hô-va hiểu thấu nỗi đau mà mình phải chịu, và ngài có thể an ủi chúng ta. Thật hạnh phúc vì được thờ phượng Đức Chúa Trời, đấng ban mọi sự an ủi. “Ngài an ủi chúng ta trong mọi thử thách, hầu cho nhờ sự an ủi nhận được từ ngài mà chúng ta có thể an ủi người khác trong bất cứ loại thử thách nào” (2 Cô 1:3, 4). Đức Giê-hô-va dùng ai để an ủi những người bị tổn thương?

AI CÓ THỂ MANG LẠI SỰ AN ỦI?

9. Theo những gì vua Đa-vít viết nơi Thi thiên 27:10, Đức Giê-hô-va sẽ đối xử thế nào với những ai bị chính gia đình ruồng bỏ?

9 Những ai bị cha mẹ bỏ bê hoặc bị chính người thân xâm hại đặc biệt cần được an ủi. Người viết Thi thiên là Đa-vít biết rằng Đức Giê-hô-va là Nguồn an ủi đáng tin cậy. (Đọc Thi thiên 27:10). Đa-vít tin chắc Đức Giê-hô-va sẽ đón nhận những ai bị gia đình ruồng bỏ. Ngài làm thế bằng cách nào? Ngài dùng những tôi tớ trung thành trên đất. Anh em đồng đạo trong hội thánh là gia đình thiêng liêng của chúng ta. Chúa Giê-su từng nói những ai cùng ngài thờ phượng Đức Giê-hô-va là anh em, chị em và mẹ ngài.—Mat 12:48-50.

10. Sứ đồ Phao-lô miêu tả thế nào về công việc của ông với tư cách là một trưởng lão?

10 Hãy xem một ví dụ cho thấy hội thánh đạo Đấng Ki-tô giống như một gia đình. Sứ đồ Phao-lô là trưởng lão tận tụy và trung thành. Ông để lại một gương nổi bật, và ông được soi dẫn để khuyến khích người khác bắt chước ông như ông đã bắt chước Đấng Ki-tô (1 Cô 11:1). Hãy để ý Phao-lô miêu tả thế nào về công việc của ông với tư cách là một trưởng lão: “Chúng tôi cư xử mềm mại với anh em, như người mẹ dịu dàng chăm sóc con mọn của mình” (1 Tê 2:7). Tương tự, những trưởng lão trung thành ngày nay có thể nói lời dịu dàng và mềm mại khi dùng Kinh Thánh để an ủi người đau buồn.

Các chị thành thục đặc biệt có thể khích lệ những chị đang cần được an ủi (Xem đoạn 11) *

11. Điều gì cho thấy không chỉ các trưởng lão mới có thể an ủi người khác?

11 Có phải chỉ các trưởng lão mới có thể an ủi nạn nhân của sự lạm dụng không? Không. Tất cả chúng ta đều có trách nhiệm ‘tiếp tục an ủi nhau’ (1 Tê 4:18). Các chị thành thục đặc biệt có thể khích lệ những chị đang cần được an ủi. Thật thích hợp khi Đức Giê-hô-va ví ngài như một người mẹ an ủi con mình (Ê-sai 66:13). Kinh Thánh ghi lại gương của những người nữ đã an ủi những ai đau buồn (Gióp 42:11). Đức Giê-hô-va vui lòng khi các chị thành thục an ủi những chị đang tranh đấu với nỗi đau về cảm xúc. Trong vài trường hợp, một hoặc hai trưởng lão có thể nói chuyện riêng với một chị thành thục, nhờ chị ấy giúp đỡ chị đang đau buồn. *

CHÚNG TA CÓ THỂ AN ỦI NGƯỜI KHÁC NHƯ THẾ NÀO?

12. Chúng ta muốn cẩn thận tránh làm điều gì?

12 Dĩ nhiên, chúng ta muốn cẩn thận không gặng hỏi điều mà người khác không muốn nói đến (1 Tê 4:11). Nhưng chúng ta có thể làm gì để giúp những ai cần và muốn được giúp đỡ, an ủi? Hãy cùng xem năm cách mà Kinh Thánh đưa ra nhằm giúp chúng ta an ủi người khác.

13. Như được nói đến nơi 1 Các vua 19:5-8, thiên sứ của Đức Giê-hô-va đã làm gì cho Ê-li-gia, và chúng ta có thể bắt chước thiên sứ ấy bằng cách nào?

13 Giúp đỡ một cách thực tế. Khi nhà tiên tri Ê-li-gia chạy trốn để giữ lấy mạng sống, ông nản lòng đến độ xin được chết. Đức Giê-hô-va đã sai một thiên sứ đến thăm ông. Thiên sứ đã giúp ông một cách rất thực tế khi cho ông một bữa ăn và khuyến khích ông ăn. (Đọc 1 Các vua 19:5-8). Lời tường thuật cho thấy đôi khi một hành động nhỏ nhưng thực tế có thể giúp ích rất nhiều. Có lẽ là một bữa ăn, một món quà nhỏ, hoặc một tấm thiệp với những lời khích lệ sẽ đảm bảo với người đang buồn nản là chúng ta yêu thương và quan tâm đến họ. Nếu thấy khó để nói đến vấn đề cá nhân hoặc chuyện đau lòng của họ, chúng ta vẫn có thể giúp bằng những hành động thực tế.

14. Chúng ta học được gì từ lời tường thuật về Ê-li-gia?

14 Giúp người đau buồn cảm thấy an toàn và thoải mái. Chúng ta học được một điều khác từ lời tường thuật về Ê-li-gia. Đức Giê-hô-va ban cho ông sức lực cần thiết để đi một chặng đường dài đến núi Hô-rếp, là nơi mà Đức Giê-hô-va từng lập giao ước với dân ngài nhiều thế kỷ trước. Có lẽ Ê-li-gia cảm thấy an toàn ở nơi xa xôi ấy vì đã tránh xa được những kẻ tìm giết ông. Chúng ta học được điều gì? Nếu muốn an ủi nạn nhân của sự lạm dụng, có lẽ trước tiên chúng ta cần giúp họ cảm thấy an toàn. Các trưởng lão cần nhớ là một chị đau buồn có lẽ cảm thấy an toàn và thoải mái hơn khi nói chuyện ở nhà thay vì ở Phòng Nước Trời. Người khác có thể cảm thấy ngược lại.

Chúng ta có thể xoa dịu nỗi đau của người khác khi kiên nhẫn lắng nghe, tha thiết cầu nguyện và khéo chọn những lời an ủi (Xem đoạn 15-20) *

15, 16. Chân thành lắng nghe bao hàm điều gì?

15 Chân thành lắng nghe. Kinh Thánh đưa ra lời khuyên sau: “Mỗi người phải mau nghe, chậm nói” (Gia 1:19). Chúng ta có phải là người chân thành lắng nghe không? Có thể chúng ta cho rằng lắng nghe là một việc thụ động, không có gì hơn là ngồi im và nhìn người đang nói. Nhưng chân thành lắng nghe bao hàm nhiều hơn thế. Chẳng hạn, Đức Giê-hô-va thật sự lắng nghe khi Ê-li-gia dốc đổ những cảm xúc đau buồn. Đức Giê-hô-va hiểu được nỗi sợ hãi, đơn độc của Ê-li-gia và tại sao ông nghĩ rằng mọi điều ông làm là vô ích. Ngài nhân từ giúp ông vượt qua những cảm xúc ấy. Ngài cho thấy ngài chân thành lắng nghe Ê-li-gia.—1 Vua 19:9-11, 15-18.

16 Làm thế nào chúng ta có thể bày tỏ sự đồng cảm và lòng trắc ẩn trong khi lắng nghe? Đôi khi, chúng ta có thể bày tỏ cảm xúc bằng một vài lời tế nhị và chân thành. Anh chị có thể nói: “Tôi rất đau lòng khi nghe chuyện này! Trẻ em xứng đáng được yêu thương thay vì bị đối xử như vậy!”. Anh chị có thể hỏi một hoặc hai câu để cho thấy là mình hiểu những gì người đau buồn chia sẻ. Chẳng hạn như: “Anh/Chị có thể giải thích thêm ý của anh/chị là gì được không?” hay “Khi nghe anh/chị nói, tôi hiểu là... Tôi hiểu như vậy có đúng không?”. Những lời chân thành ấy có thể giúp người đau buồn tin chắc là anh chị đang thật sự lắng nghe và cố gắng hiểu những gì người ấy nói.—1 Cô 13:4, 7.

17. Tại sao chúng ta nên kiên nhẫn và “chậm nói”?

17 Tuy nhiên, chúng ta muốn nhớ nguyên tắc “chậm nói”. Đừng ngắt lời vì muốn cho lời khuyên hoặc sửa lại quan điểm của người ấy. Hãy kiên nhẫn! Khi Ê-li-gia dốc đổ lòng mình với Đức Giê-hô-va, ông thốt lên những lời thống khổ và tuyệt vọng. Sau khi Đức Giê-hô-va củng cố đức tin của Ê-li-gia, ông lại trút hết cảm xúc của mình ra lần nữa, giống y như những lời ông nói lần trước (1 Vua 19:9, 10, 13, 14). Bài học là gì? Đôi khi, những người đau buồn muốn trút bầu tâm sự không chỉ một lần. Như Đức Giê-hô-va, chúng ta muốn kiên nhẫn lắng nghe. Thay vì cố đưa ra giải pháp, chúng ta muốn thể hiện sự đồng cảm và lòng trắc ẩn với họ.—1 Phi 3:8.

18. Làm thế nào việc cầu nguyện chung với người đau buồn có thể an ủi người ấy?

18 Cầu nguyện chung với người đau buồn. Những ai đang vô cùng buồn nản có lẽ cảm thấy khó cầu nguyện. Họ cảm thấy không xứng đáng để đến gần Đức Giê-hô-va. Để an ủi người ấy, chúng ta có thể cầu nguyện chung và dùng tên của họ. Chúng ta có thể nói với Đức Giê-hô-va rằng mình và cả hội thánh rất yêu thương và quý trọng người ấy. Chúng ta cũng xin Đức Giê-hô-va xoa dịu và an ủi con chiên bé bỏng của ngài. Lời cầu nguyện như thế sẽ mang lại sự an ủi cho người đau buồn.—Gia 5:16.

19. Điều gì có thể giúp chúng ta an ủi người khác tốt hơn?

19 Khéo chọn những lời an ủi. Hãy suy nghĩ trước khi nói. Những lời thiếu suy nghĩ có thể gây tổn thương, nhưng lời tử tế có thể chữa lành (Châm 12:18). Vì thế, hãy cầu xin Đức Giê-hô-va giúp chúng ta chọn những lời an ủi, tử tế và mềm mại. Hãy nhớ là không lời nào có sức mạnh bằng lời của Đức Giê-hô-va được ghi lại trong Kinh Thánh.—Hê 4:12.

20. Một số người từng bị lạm dụng cảm thấy thế nào về bản thân, và chúng ta muốn nhắc họ nhớ điều gì?

20 Việc bị lạm dụng trong quá khứ có thể khiến một số người tin rằng họ nhuốc nhơ, vô giá trị và không ai yêu thương, thậm chí là không đáng được yêu thương. Quả là một lời nói dối nhẫn tâm! Vì thế, hãy dùng Kinh Thánh để nhắc họ nhớ là họ rất quý giá trước mắt Đức Giê-hô-va. (Xin xem khung “ Sự an ủi từ Kinh Thánh”). Hãy nhớ cách một thiên sứ đã nhân từ an ủi nhà tiên tri Đa-ni-ên khi ông cảm thấy đau buồn và yếu đuối. Đức Giê-hô-va muốn ông biết rằng ông đáng quý đối với ngài (Đa 10:2, 11, 19). Tương tự thế, những anh chị đau buồn cũng đáng quý đối với Đức Giê-hô-va!

21. Kết cuộc nào dành cho những kẻ phạm tội mà không ăn năn, nhưng tất cả chúng ta nên quyết tâm làm gì trong khi chờ đợi?

21 Khi an ủi người khác, chúng ta nhắc họ nhớ đến tình yêu thương của Đức Giê-hô-va. Và chúng ta luôn muốn nhớ rằng ngài là Đức Chúa Trời công chính. Không có hành vi lạm dụng nào có thể thoát khỏi tầm mắt của Đức Giê-hô-va. Ngài nhìn thấy tất cả và sẽ không để những kẻ phạm tội mà không ăn năn thoát khỏi hình phạt (Dân 14:18). Trong khi chờ đợi, chúng ta hãy làm mọi điều có thể để thể hiện tình yêu thương với những nạn nhân của sự lạm dụng. Hơn nữa, thật an ủi khi biết Đức Giê-hô-va sẽ hoàn toàn chữa lành những ai bị Sa-tan và thế gian của hắn ngược đãi! Không bao lâu nữa, những nỗi đau này sẽ không còn được gợi lên trong trí hoặc khơi lại trong lòng.—Ê-sai 65:17.

BÀI HÁT 109 Hãy tha thiết yêu thương từ đáy lòng

^ đ. 5 Những người từng bị lạm dụng tình dục khi còn nhỏ có thể phải đối mặt với nhiều thử thách, thậm chí là nhiều năm về sau. Bài này sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn lý do. Chúng ta cũng sẽ xem ai có thể an ủi những nạn nhân của sự lạm dụng, và chúng ta có thể an ủi họ qua một số cách nào.

^ đ. 11 Việc một người từng bị xâm hại có muốn nhận sự giúp đỡ từ bác sĩ chuyên môn hay không là quyết định cá nhân.

^ đ. 76 HÌNH ẢNH: Một chị thành thục an ủi một chị đang đương đầu với nỗi đau về cảm xúc.

^ đ. 78 HÌNH ẢNH: Hai trưởng lão thăm chị đang đau buồn. Chị ấy mời chị thành thục ngồi cùng.