Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

BÀI HỌC 25

Nương cậy Đức Giê-hô-va khi đương đầu với sự căng thẳng

Nương cậy Đức Giê-hô-va khi đương đầu với sự căng thẳng

“Tôi... chịu nhiều căng thẳng”.—1 SA 1:15.

BÀI HÁT 30 Ngài là Cha, là Đức Chúa Trời và là Bạn tôi

GIỚI THIỆU *

1. Tại sao chúng ta cần nghe theo lời cảnh báo của Chúa Giê-su?

Trong lời tiên tri về những ngày sau cùng, Chúa Giê-su nói: “Hãy cẩn thận giữ lấy mình, đừng để... lo lắng trong đời choán hết lòng anh em” (Lu 21:34). Chúng ta cần nghe theo lời cảnh báo ấy. Tại sao? Vì ngày nay, mỗi chúng ta đều phải đương đầu với nhiều sự căng thẳng trong đời sống giống như bao người khác.

2. Anh chị chúng ta phải đương đầu với những vấn đề căng thẳng nào?

2 Đôi khi, chúng ta phải đương đầu với nhiều vấn đề căng thẳng cùng một lúc. Hãy xem những trường hợp sau. Một anh Nhân Chứng tên Dũng * bị bệnh đa xơ cứng; anh suy sụp khi người vợ bỏ đi sau 19 năm chung sống. Sau đó, hai con gái của anh ngưng phụng sự Đức Giê-hô-va. Một cặp vợ chồng là anh Bảo và chị Linh cũng gặp hàng loạt những thử thách. Hai anh chị đều mất việc, rồi mất nhà vì không đủ tiền để trả góp. Không những thế, chị Linh được chẩn đoán là mắc bệnh tim có thể gây nguy hại đến tính mạng, và một căn bệnh khác bắt đầu phá hủy hệ miễn dịch của chị.

3. Theo Phi-líp 4:6, 7, chúng ta có thể tin chắc điều gì?

3 Hãy tin chắc Đấng Tạo Hóa, Cha yêu thương của chúng ta là Đức Giê-hô-va hiểu rõ cảm xúc của mình khi gặp căng thẳng. Và ngài muốn giúp chúng ta đương đầu với thử thách. (Đọc Phi-líp 4:6, 7). Lời Đức Chúa Trời ghi lại nhiều lời tường thuật miêu tả những thử thách mà tôi tớ ngài đã phải chịu đựng. Kinh Thánh cũng ghi lại cách Đức Giê-hô-va giúp họ đương đầu với những tình huống căng thẳng đó. Hãy cùng xem vài ví dụ.

Ê-LI-GIA—“NGƯỜI CÓ CẢM XÚC NHƯ CHÚNG TA”

4. Ê-li-gia phải đương đầu với những thử thách nào, và ông có cơ hội cảm nghiệm điều gì?

4 Ê-li-gia phụng sự Đức Giê-hô-va trong thời kỳ khó khăn và đương đầu với những thử thách cam go. Vua A-háp, một trong những vị vua bất trung trong lịch sử dân Y-sơ-ra-ên, lấy Giê-xa-bên làm vợ. Bà là một hoàng hậu độc ác thờ Ba-anh. Hai người ấy đẩy mạnh việc thờ Ba-anh ra khắp xứ và giết nhiều nhà tiên tri của Đức Giê-hô-va. Nhưng Ê-li-gia đã trốn thoát. Ông cũng sống sót qua nạn đói khủng khiếp nhờ nương cậy Đức Giê-hô-va (1 Vua 17:2-4, 14-16). Ngoài ra, Ê-li-gia nương cậy Đức Giê-hô-va khi ông đối đầu với những tiên tri giả và những người thờ Ba-anh. Ông khuyến giục dân Y-sơ-ra-ên phụng sự Đức Giê-hô-va (1 Vua 18:21-24, 36-38). Ê-li-gia đã có nhiều cơ hội cảm nghiệm cách Đức Giê-hô-va bảo vệ và giúp đỡ ông trong những thời kỳ đầy căng thẳng.

Đức Giê-hô-va sai một thiên sứ đến giúp Ê-li-gia lấy lại sức (Xem đoạn 5, 6) *

5, 6. Theo 1 Các vua 19:1-4, Ê-li-gia cảm thấy thế nào khi bị dọa lấy mạng, và Đức Giê-hô-va cho thấy ngài yêu thương ông ra sao?

5 Đọc 1 Các vua 19:1-4. Tuy nhiên, khi bị hoàng hậu Giê-xa-bên dọa lấy mạng, Ê-li-gia bắt đầu sợ hãi. Ông chạy trốn đến Bê-e-sê-ba. Ông nản lòng đến độ “xin được chết”. Điều gì khiến ông cảm thấy như thế? Ê-li-gia cũng chỉ là con người bất toàn, ông “có cảm xúc như chúng ta” (Gia 5:17). Có lẽ ông cảm thấy choáng ngợp bởi những căng thẳng và mệt mỏi về thể chất. Dường như ông cho rằng mọi công khó của ông trong việc đẩy mạnh sự thờ phượng thanh sạch đã thành ra công cốc; tình hình ở Y-sơ-ra-ên có vẻ không chuyển biến gì, và ông nghĩ giờ đây chỉ còn mình ông phụng sự Đức Giê-hô-va (1 Vua 18:3, 4, 13; 19:10, 14). Có thể chúng ta ngạc nhiên trước phản ứng của nhà tiên tri trung thành này, nhưng Đức Giê-hô-va hiểu cảm xúc của ông.

6 Đức Giê-hô-va không trách mắng Ê-li-gia khi ông bày tỏ cảm xúc. Thay vì thế, ngài giúp ông lấy lại sức (1 Vua 19:5-7). Sau đó, Đức Giê-hô-va nhân từ giúp Ê-li-gia thay đổi suy nghĩ bằng cách biểu trưng quyền năng lớn lao của ngài trước mắt ông. Đức Giê-hô-va nói cho ông biết là vẫn còn 7.000 người trong Y-sơ-ra-ên từ chối thờ Ba-anh (1 Vua 19:11-18). Bằng những cách thực tế, Đức Giê-hô-va cho Ê-li-gia thấy ngài yêu thương ông.

ĐỨC GIÊ-HÔ-VA GIÚP CHÚNG TA NHƯ THẾ NÀO?

7. Chúng ta được đảm bảo điều gì qua cách Đức Giê-hô-va giúp Ê-li-gia?

7 Anh chị có đang đương đầu với một tình huống căng thẳng không? Thật ấm lòng khi biết Đức Giê-hô-va thấu hiểu cảm xúc của Ê-li-gia! Điều này đảm bảo với chúng ta là ngài hiểu những thử thách về mặt cảm xúc mà mình phải đối mặt. Ngài biết giới hạn của chúng ta, thậm chí ngài biết rõ mình đang nghĩ gì và cảm thấy thế nào (Thi 103:14; 139:3, 4). Nếu chúng ta noi gương Ê-li-gia bằng cách nương cậy Đức Giê-hô-va, ngài sẽ giúp chúng ta đương đầu với những vấn đề khiến mình căng thẳng.—Thi 55:22.

8. Đức Giê-hô-va sẽ giúp anh chị như thế nào để đương đầu với sự căng thẳng?

8 Sự căng thẳng có thể sinh ra những suy nghĩ tiêu cực, khiến một người cảm thấy nản lòng. Nếu điều này xảy ra, hãy nhớ là Đức Giê-hô-va sẽ giúp anh chị đương đầu với sự căng thẳng. Như thế nào? Ngài mời anh chị trao hết mọi lo lắng cho ngài, và ngài sẽ đáp lại lời cầu xin tha thiết của anh chị (Thi 5:3; 1 Phi 5:7). Vì thế, hãy thường xuyên cầu nguyện với Đức Giê-hô-va về những vấn đề của mình. Ngài sẽ không phán trực tiếp với anh chị như ngài từng làm với Ê-li-gia, nhưng ngài sẽ nói với anh chị qua Lời ngài là Kinh Thánh, và qua tổ chức của ngài. Những lời tường thuật mà anh chị đọc trong Kinh Thánh có thể mang lại niềm an ủi và hy vọng cho anh chị. Ngoài ra, các anh em đồng đạo cũng có thể khích lệ anh chị.—Rô 15:4; Hê 10:24, 25.

9. Một người bạn đáng tin cậy có thể giúp chúng ta như thế nào?

9 Đức Giê-hô-va bảo Ê-li-gia ủy thác trách nhiệm cho Ê-li-sê. Qua cách này, ngài ban cho ông một người bạn tốt, là người có thể giúp ông san sẻ những gánh nặng về cảm xúc. Tương tự thế, khi chúng ta tâm sự với một người bạn đáng tin cậy, anh chị ấy có thể giúp chúng ta đương đầu với sự nản lòng (2 Vua 2:2; Châm 17:17). Nếu cảm thấy mình không có ai để chia sẻ, hãy cầu xin Đức Giê-hô-va giúp mình tìm được một tín đồ thành thục có thể khích lệ anh chị.

10. Kinh nghiệm của Ê-li-gia cho chúng ta hy vọng nào, và lời hứa nơi Ê-sai 40:28, 29 có thể giúp chúng ta ra sao?

10 Đức Giê-hô-va đã giúp Ê-li-gia đương đầu với sự căng thẳng và cũng giúp ông trung thành phụng sự trong nhiều năm. Kinh nghiệm của Ê-li-gia cho chúng ta hy vọng. Có lẽ chúng ta phải trải qua giai đoạn vô cùng căng thẳng khiến mình kiệt quệ về thể chất lẫn tinh thần. Tuy nhiên, nếu nương cậy Đức Giê-hô-va, ngài sẽ giúp chúng ta có sức mạnh cần thiết để tiếp tục phụng sự ngài.—Đọc Ê-sai 40:28, 29.

HA-NA, ĐA-VÍT VÀ “A-SÁP” NƯƠNG CẬY ĐỨC GIÊ-HÔ-VA

11-13. Sự căng thẳng đã ảnh hưởng thế nào đến ba tôi tớ thời xưa của Đức Chúa Trời?

11 Những nhân vật khác trong Kinh Thánh cũng phải chịu nhiều căng thẳng. Chẳng hạn, Ha-na phải mang nỗi tủi nhục khi bà bị hiếm muộn và bị người vợ khác của chồng chế nhạo một cách tàn nhẫn (1 Sa 1:2, 6). Ha-na vô cùng căng thẳng. Bà trở nên cay đắng đến độ bật khóc và chẳng thiết ăn gì.—1 Sa 1:7, 10.

12 Có những lúc vua Đa-vít bị choáng ngợp bởi sự căng thẳng. Hãy nghĩ đến những thử thách mà ông phải đối mặt. Ông mặc cảm tội lỗi vì phạm phải nhiều sai lầm (Thi 40:12). Người con trai mà ông yêu thương là Áp-sa-lôm đã chống lại ông và cuối cùng bị giết chết (2 Sa 15:13, 14; 18:33). Một trong những người bạn tri kỷ của ông cũng phản bội ông (2 Sa 16:23–17:2; Thi 55:12-14). Nhiều bài Thi thiên do Đa-vít viết miêu tả cảm xúc nản lòng cũng như niềm tin cậy không lay chuyển của ông đối với Đức Giê-hô-va.—Thi 38:5-10; 94:17-19.

Điều gì giúp người viết Thi thiên lấy lại niềm vui trong việc phụng sự? (Xem đoạn 13-15) *

13 Một người viết Thi thiên khác cũng bắt đầu ghen tị với lối sống của những người gian ác. Có lẽ ông là hậu duệ của A-sáp người Lê-vi, và ông đã phụng sự tại “nơi thánh vĩ đại của Đức Chúa Trời”. Người viết Thi thiên này đã trải qua cảm xúc căng thẳng khiến ông bất mãn và mất niềm vui. Thậm chí, ông bắt đầu nghi ngờ về những ân phước đến từ việc phụng sự Đức Giê-hô-va.—Thi 73:2-5, 7, 12-14, 16, 17, 21.

14, 15. Chúng ta có thể học được gì từ ba gương trong Kinh Thánh về việc hướng đến Đức Giê-hô-va để được giúp đỡ?

14 Ba tôi tớ vừa đề cập ở trên đều hướng đến Đức Giê-hô-va để được giúp đỡ. Họ trao những mối lo lắng cho Đức Giê-hô-va qua lời cầu nguyện tha thiết. Họ trải lòng với ngài về những lý do khiến mình cảm thấy căng thẳng và tiếp tục đến nơi thờ phượng.—1 Sa 1:9, 10; Thi 55:22; 73:17; 122:1.

15 Đức Giê-hô-va đã yêu thương đáp lại lời cầu nguyện của họ. Ha-na có được sự bình an nội tâm (1 Sa 1:18). Đa-vít viết: “Dù người công chính chịu bao gian khổ, Đức Giê-hô-va cứu người khỏi hết” (Thi 34:19). Và về sau, người viết Thi thiên cảm nhận là Đức Giê-hô-va ‘đã nắm chắc tay hữu của ông’, hướng dẫn ông bằng lời khuyên bảo yêu thương. Ông hát: “Phần con, thật tốt khi được đến gần với Đức Chúa Trời. Con chọn Chúa Tối Thượng Giê-hô-va làm nơi trú náu” (Thi 73:23, 24, 28). Chúng ta rút ra bài học nào? Đôi khi, chúng ta sẽ bị choáng ngợp bởi những vấn đề khiến mình căng thẳng. Nhưng chúng ta có thể đương đầu nếu suy ngẫm về cách Đức Giê-hô-va giúp người khác, nương cậy ngài qua lời cầu nguyện và vâng lời ngài bằng cách làm theo đòi hỏi của ngài.—Thi 143:1, 4-8.

NƯƠNG CẬY ĐỨC GIÊ-HÔ-VA MANG LẠI THÀNH CÔNG

Lúc đầu, một chị tự cô lập bản thân, nhưng mọi thứ tốt hơn khi chị tìm cách giúp đỡ người khác (Xem đoạn 16, 17)

16, 17. (a) Tại sao chúng ta không nên tự cô lập mình? (b) Chúng ta có thể lấy lại sức bằng cách nào?

16 Ba kinh nghiệm trên dạy chúng ta bài học quan trọng khác là chúng ta không nên cô lập mình khỏi Đức Giê-hô-va và dân của ngài (Châm 18:1). Chị Nga, người đã trải qua sự căng thẳng tột cùng khi chồng chị bỏ đi, cho biết: “Có nhiều ngày, tôi chẳng muốn gặp hay nói chuyện với ai. Tuy nhiên, càng cô lập bản thân tôi càng cảm thấy buồn nản”. Mọi thứ tốt hơn khi chị tìm cách giúp đỡ những người đang gặp khó khăn. Chị nói thêm: “Tôi lắng nghe khi người khác giãi bày cảm xúc của họ. Tôi nhận ra là khi đồng cảm với họ, tôi ít tập trung đến vấn đề của mình hơn”.

17 Tham dự các buổi nhóm họp có thể giúp chúng ta lấy lại sức. Khi đến nhóm họp, chúng ta cho Đức Giê-hô-va thêm lý do để “giúp đỡ và ủi an” mình (Thi 86:17). Ở đó, ngài làm chúng ta vững mạnh qua thần khí thánh, Lời ngài và dân của ngài. Nhóm họp cũng cho chúng ta cơ hội để “khích lệ lẫn nhau” (Rô 1:11, 12). Một chị tên Sương nói: “Đức Giê-hô-va và anh em đồng đạo giúp tôi tiếp tục tiến về phía trước và không bỏ cuộc. Các buổi nhóm họp thật sự quan trọng với tôi. Tôi thấy rõ là càng tham gia thánh chức và kết hợp với hội thánh, tôi càng cảm thấy dễ đương đầu với sự căng thẳng hơn”.

18. Đức Giê-hô-va có thể ban điều gì khi chúng ta nản lòng?

18 Khi chúng ta nản lòng, hãy nhớ là Đức Giê-hô-va không chỉ hứa sẽ vĩnh viễn xóa đi mọi căng thẳng trong tương lai, mà ngài còn muốn giúp chúng ta đương đầu ngay bây giờ. Ngài ban cho chúng ta “ước muốn lẫn sức mạnh” để vượt qua cảm xúc nản lòng và tuyệt vọng.—Phi-líp 2:13.

19. Rô-ma 8:37-39 cho chúng ta lời đảm bảo nào?

19 Đọc Rô-ma 8:37-39. Sứ đồ Phao-lô đảm bảo với chúng ta là không điều gì có thể ngăn cách chúng ta khỏi tình yêu thương của Đức Chúa Trời. Làm thế nào chúng ta có thể giúp anh em đồng đạo khi họ phải đương đầu với sự căng thẳng? Bài kế tiếp sẽ cho thấy rõ làm thế nào chúng ta có thể noi gương Đức Giê-hô-va trong việc thể hiện lòng trắc ẩn và hỗ trợ anh em khi họ gặp căng thẳng.

BÀI HÁT 44 Lời cầu nguyện của người khốn cùng

^ đ. 5 Sự căng thẳng quá mức hoặc kéo dài có thể gây hại cho chúng ta về thể chất lẫn tinh thần. Đức Giê-hô-va có thể giúp chúng ta như thế nào? Hãy xem Đức Giê-hô-va giúp Ê-li-gia ra sao để đương đầu với sự căng thẳng. Cũng hãy xem những gương khác trong Kinh Thánh giúp chúng ta như thế nào để hướng đến Đức Giê-hô-va khi gặp căng thẳng.

^ đ. 2 Các tên trong bài đã được thay đổi.

^ đ. 53 HÌNH ẢNH: Thiên sứ của Đức Giê-hô-va nhẹ nhàng đánh thức Ê-li-gia, rồi cho ông ăn bánh và uống nước.

^ đ. 55 HÌNH ẢNH: Một người viết Thi thiên có lẽ là hậu duệ của A-sáp viết những bài Thi thiên và vui mừng ca hát cùng các anh em Lê-vi.