Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

BÀI HỌC 27

Hãy chuẩn bị cho sự ngược đãi ngay bây giờ

Hãy chuẩn bị cho sự ngược đãi ngay bây giờ

“Hết thảy những ai muốn sống cuộc đời tin kính của môn đồ Đấng Ki-tô Giê-su cũng sẽ bị ngược đãi”.2 TI 3:12.

BÀI HÁT 129 Chúng ta sẽ tiếp tục chịu đựng

GIỚI THIỆU *

1. Tại sao chúng ta cần chuẩn bị cho sự ngược đãi?

Vào đêm trước khi Chúa Giê-su bị xử tử, ngài cho biết rằng tất cả những ai chọn làm môn đồ ngài sẽ bị thế gian ghét (Giăng 17:14). Từ đó đến nay, các tín đồ trung thành của Đức Giê-hô-va vẫn bị những kẻ chống đối ngược đãi (2 Ti 3:12). Càng đến gần sự kết liễu của thế gian này, chúng ta sẽ càng bị kẻ thù ngược đãi dữ dội hơn.—Mat 24:9.

2, 3. (a) Chúng ta nên biết gì về nỗi sợ? (b) Chúng ta sẽ xem xét điều gì trong bài này?

2 Làm thế nào chúng ta có thể chuẩn bị ngay bây giờ để đương đầu với sự ngược đãi? Chúng ta không cần phải tưởng tượng về mọi điều có thể sẽ xảy ra cho mình. Nếu làm thế, chúng ta có thể bị choáng ngợp bởi sự lo lắng và nỗi sợ. Tưởng tượng trước những điều xấu có thể khiến chúng ta gục ngã ngay cả khi thử thách chưa xảy đến (Châm 12:25; 17:22). Nỗi sợ là vũ khí lợi hại mà ‘kẻ thù là Ác Quỷ’ dùng để “cắn nuốt” chúng ta (1 Phi 5:8, 9). Ngay bây giờ chúng ta có thể làm gì để được vững mạnh?

3 Trong bài này, hãy xem làm thế nào chúng ta có thể thắt chặt mối quan hệ với Đức Giê-hô-va và tại sao làm thế ngay bây giờ là điều thiết yếu. Cũng hãy xem chúng ta có thể làm gì để củng cố lòng can đảm, và làm thế nào để đương đầu với sự thù ghét.

LÀM THẾ NÀO ĐỂ THẮT CHẶT MỐI QUAN HỆ VỚI ĐỨC GIÊ-HÔ-VA?

4. Theo Hê-bơ-rơ 13:5, 6, chúng ta nên tin chắc điều gì, và tại sao?

4 Tin chắc Đức Giê-hô-va yêu thương và không bao giờ lìa bỏ anh chị. (Đọc Hê-bơ-rơ 13:5, 6). Nhiều năm trước, Tháp Canh nói rằng “một người hiểu rõ Đức Chúa Trời sẽ hết lòng tin cậy nơi ngài khi đương đầu với thử thách”. Điều này thật đúng! Để đương đầu thành công với sự ngược đãi, chúng ta phải hết lòng yêu thương Đức Giê-hô-va, hoàn toàn tin cậy ngài và không bao giờ nghi ngờ tình yêu thương mà ngài dành cho mình.—Mat 22:36-38; Gia 5:11.

5. Điều gì sẽ giúp anh chị cảm nhận được tình yêu thương của Đức Giê-hô-va?

5 Đọc Kinh Thánh mỗi ngày với mục tiêu đến gần với Đức Giê-hô-va hơn (Gia 4:8). Khi anh chị đọc, hãy tập trung đến những phẩm chất dịu dàng của Đức Giê-hô-va, cảm nhận tình yêu thương mà ngài dành cho mình qua những gì ngài nói và làm (Xuất 34:6). Một số người có thể thấy khó tin là Đức Chúa Trời yêu thương họ vì họ chưa bao giờ được yêu thương. Nếu anh chị cảm thấy như thế, mỗi ngày hãy thử viết ra những cách mà Đức Giê-hô-va đã thể hiện lòng thương xót và nhân từ với anh chị (Thi 78:38, 39; Rô 8:32). Khi nhớ lại kinh nghiệm bản thân và suy ngẫm những gì mình đọc trong Lời Đức Chúa Trời, hẳn anh chị sẽ dễ viết ra nhiều điều mà Đức Giê-hô-va đã làm cho mình. Càng biết ơn những gì Đức Giê-hô-va làm, mối quan hệ của anh chị với ngài sẽ ngày càng sâu đậm.—Thi 116:1, 2.

6. Theo Thi thiên 94:17-19, lời cầu nguyện chân thành có thể giúp anh chị như thế nào?

6 Thường xuyên cầu nguyện. Hãy hình dung một em nhỏ đang ở trong vòng tay yêu thương của cha. Cậu bé cảm thấy an toàn và thoải mái kể với cha về cả điều tốt lẫn điều xấu xảy ra với em trong ngày hôm đó. Anh chị cũng có thể hưởng mối quan hệ gần gũi như thế với Đức Giê-hô-va nếu đến gần ngài qua lời cầu nguyện chân thành mỗi ngày. (Đọc Thi thiên 94:17-19). Khi cầu nguyện, hãy “trút lòng ra như nước” và nói với Cha yêu thương về mọi điều khiến mình lo lắng và sợ hãi (Ai 2:19). Kết quả là gì? Anh chị sẽ cảm nghiệm được “sự bình an của Đức Chúa Trời, là điều vượt quá mọi sự hiểu biết” (Phi-líp 4:6, 7). Càng cầu nguyện tha thiết, anh chị sẽ càng đến gần Đức Giê-hô-va.—Rô 8:38, 39.

Can đảm nhờ tin cậy Đức Giê-hô-va và Nước Trời

Đức tin của anh Stanley Jones được củng cố vì anh tin chắc Nước Trời là một thực tại (Xem đoạn 7)

7. Tại sao anh chị nên tin chắc những lời hứa về Nước Trời sẽ thành hiện thực?

7 Tin chắc những ân phước của Nước Trời sẽ thành hiện thực (Dân 23:19). Nếu không tin chắc những ân phước này, anh chị sẽ dễ bị Sa-tan và tay sai của hắn làm cho hoảng sợ (Châm 24:10; Hê 2:15). Làm thế nào để củng cố niềm tin của mình về Nước Trời ngay bây giờ? Hãy dành thời gian nghiên cứu những lời hứa về Nước Trời và lý do anh chị tin chắc là những điều đó sẽ thành hiện thực. Tại sao điều này hữu ích? Hãy xem gương của anh Stanley Jones bị tù bảy năm vì đức tin. Điều gì đã giúp anh trung thành chịu đựng? Anh nói: “Sự hiểu biết về Nước Trời và niềm tin chắc nơi Nước ấy đã củng cố đức tin của tôi. Vì thế, không điều gì có thể lay chuyển được tôi”. Nếu có đức tin mạnh nơi những lời hứa của Đức Chúa Trời, anh chị sẽ đến gần ngài hơn và sẽ không khuất phục trước nỗi sợ hãi.—Châm 3:25, 26.

8. Thái độ của chúng ta đối với việc tham dự nhóm họp là dấu hiệu cho thấy điều gì? Hãy giải thích.

8 Đều đặn tham dự nhóm họp. Nhóm họp giúp chúng ta đến gần hơn với Đức Giê-hô-va. Thái độ của chúng ta đối với việc tham dự nhóm họp là dấu hiệu cho thấy mình sẽ đương đầu thành công với sự ngược đãi trong tương lai đến mức nào (Hê 10:24, 25). Tại sao có thể nói như thế? Nếu ngay bây giờ chúng ta để những vấn đề nhỏ khiến mình bỏ các buổi nhóm, thì điều gì sẽ xảy ra nếu trong tương lai việc nhóm lại với anh em có thể đe dọa sự an toàn của chúng ta? Mặt khác, nếu quyết tâm tham dự nhóm họp, chúng ta sẽ không bỏ cuộc khi những kẻ chống đối cố ngăn cản chúng ta nhóm lại cùng anh em. Vì thế, bây giờ là lúc để vun trồng lòng yêu mến các buổi nhóm. Khi yêu thích tham dự nhóm họp thì không có sự chống đối nào, ngay cả sự cấm đoán của chính quyền, có thể ngăn cản chúng ta nhóm lại. Chúng ta muốn vâng lời Đức Chúa Trời hơn là vâng lời loài người.—Công 5:29.

Học thuộc các câu Kinh Thánh và bài hát Nước Trời ngay bây giờ có thể giúp anh chị đứng vững khi bị ngược đãi (Xem đoạn 9) *

9. Tại sao việc học thuộc các câu Kinh Thánh là một cách tốt để chuẩn bị cho sự ngược đãi?

9 Học thuộc các câu Kinh Thánh yêu thích (Mat 13:52). Đúng là trí nhớ của chúng ta không hoàn hảo, nhưng Đức Giê-hô-va có thể dùng thần khí thánh mạnh mẽ của ngài để giúp mình nhớ lại những câu Kinh Thánh ấy (Giăng 14:26). Hãy để ý đến lời của một anh bị biệt giam tại một nhà tù ở Đông Đức, anh nói: “Tôi mừng là đến lúc ấy, tôi đã học thuộc vài trăm câu Kinh Thánh! Tôi đã dành những ngày tháng trong tù để suy ngẫm về nhiều đề tài Kinh Thánh”. Những câu Kinh Thánh ấy đã giúp anh gắn bó với Đức Giê-hô-va và trung thành chịu đựng.

(Xem đoạn 10) *

10. Tại sao chúng ta nên học thuộc các bài hát?

10 Học thuộc và hát các bài hát ngợi khen Đức Giê-hô-va. Khi Phao-lô và Si-la bị tù ở Phi-líp, họ đã nhớ lại và hát những bài hát ngợi khen Đức Giê-hô-va (Công 16:25). Tương tự, điều gì giúp anh em chúng ta ở Liên bang Xô Viết cũ được vững mạnh khi bị đày đến Siberia? Chị Mariya Fedun nhớ lại: “Chúng tôi hát tất cả những bài hát Nước Trời mà mình nhớ”. Chị nói rằng những bài hát đó khích lệ tất cả anh em và giúp họ gần gũi hơn với Đức Giê-hô-va. Khi hát các bài hát ngợi khen Đức Giê-hô-va mà mình yêu thích, chẳng phải anh chị cũng được vững mạnh sao? Nếu thế, hãy học thuộc các bài hát ấy ngay bây giờ!—Xin xem khung “ Xin ban cho con lòng can đảm”.

LÀM THẾ NÀO ĐỂ CỦNG CỐ LÒNG CAN ĐẢM?

11, 12. (a) Theo 1 Sa-mu-ên 17:37, 45-47, điều gì giúp Đa-vít can đảm? (b) Chúng ta rút ra bài học quan trọng nào từ gương của Đa-vít?

11 Để đương đầu với sự ngược đãi, anh chị cần can đảm. Nếu thấy mình chưa can đảm, anh chị có thể làm gì? Hãy nhớ là sự can đảm đích thực không phụ thuộc vào vóc dáng, sức mạnh hay khả năng của mình. Hãy xem kinh nghiệm của chàng trai trẻ Đa-vít khi cậu đối mặt với Gô-li-át. So với tên khổng lồ ấy, Đa-vít thật nhỏ bé, yếu ớt và vũ khí của cậu thật thô sơ. Thậm chí Đa-vít còn không có gươm. Tuy nhiên, cậu rất can đảm và xông tới chiến đấu với tên khổng lồ ngạo mạn.

12 Tại sao Đa-vít can đảm như thế? Cậu tin chắc là Đức Giê-hô-va ở cùng mình. (Đọc 1 Sa-mu-ên 17:37, 45-47). Đa-vít không tập trung đến vẻ bề ngoài cao to của Gô-li-át so với mình. Thay vì thế, cậu tập trung đến việc Gô-li-át thật nhỏ bé so với Đức Giê-hô-va. Chúng ta học được gì từ lời tường thuật này? Chúng ta sẽ can đảm nếu tin chắc là Đức Giê-hô-va ở cùng mình và so với Đức Chúa Trời Toàn Năng, những kẻ chống đối thật nhỏ bé (2 Sử 20:15; Thi 16:8). Làm thế nào chúng ta có thể củng cố lòng can đảm ngay bây giờ, trước khi sự ngược đãi xảy đến?

13. Làm thế nào chúng ta có thể củng cố lòng can đảm? Hãy giải thích.

13 Chúng ta có thể củng cố lòng can đảm ngay bây giờ bằng cách rao giảng tin mừng về Nước Trời. Tại sao? Qua công việc rao giảng, chúng ta học được cách tin cậy Đức Giê-hô-va và vượt qua nỗi sợ con người (Châm 29:25). Giống như việc luyện tập giúp cơ bắp săn chắc hơn, việc rao giảng từ nhà này sang nhà kia, tại nơi công cộng, bán chính thức và trong khu vực thương mại sẽ giúp chúng ta củng cố lòng can đảm. Nếu can đảm rao giảng ngay bây giờ, chúng ta sẽ được chuẩn bị kỹ để tiếp tục rao giảng ngay cả khi bị cấm đoán.—1 Tê 2:1, 2.

Chị Nancy Yuen kiên quyết rao giảng tin mừng dù bị cấm (Xem đoạn 14)

14, 15. Chúng ta học được gì từ gương của chị Nancy Yuen và chị Valentina Garnovskaya?

14 Chúng ta có thể học được nhiều điều từ gương của hai chị trung thành đã thể hiện lòng can đảm nổi bật. Chị Nancy Yuen cao không quá mét rưỡi, nhưng chị rất can đảm. * Dù công việc rao giảng bị cấm, chị vẫn kiên quyết rao truyền tin mừng về Nước Trời. Vì thế chị bị tù hơn 20 năm tại Trung Quốc. Các viên chức thẩm vấn chị nói rằng chị là “kẻ cứng đầu nhất nước này”!

Chị Valentina Garnovskaya tin chắc Đức Giê-hô-va ở cùng chị (Xem đoạn 15)

15 Chị Valentina Garnovskaya cũng bị tù ba lần tại Liên bang Xô Viết cũ tổng cộng 21 năm. * Tại sao? Vì chị kiên quyết và không ngừng rao giảng, đến mức các viên chức gọi chị là “tội phạm đặc biệt nguy hiểm”. Điều gì đã giúp hai chị trung thành ấy can đảm như thế? Họ tin chắc rằng Đức Giê-hô-va ở cùng họ.

16. Bí quyết để có sự can đảm đích thực là gì?

16 Như những gì đã thảo luận, để củng cố lòng can đảm, chúng ta không nên tin cậy vào sức mạnh hay khả năng của bản thân. Thay vì thế, chúng ta phải tin chắc là Đức Giê-hô-va ở cùng mình và ngài sẽ chiến đấu cho mình (Phục 1:29, 30; Xa 4:6). Đó chính là bí quyết để có sự can đảm đích thực.

LÀM THẾ NÀO ĐỂ ĐƯƠNG ĐẦU VỚI SỰ THÙ GHÉT?

17, 18. Như được nói nơi Giăng 15:18-21, Chúa Giê-su đưa ra lời cảnh báo nào cho chúng ta? Hãy giải thích.

17 Chúng ta vui khi được người khác tôn trọng, nhưng giá trị của chúng ta không phụ thuộc vào sự đánh giá của người khác. Chúa Giê-su nói: “Hạnh phúc cho anh em khi vì cớ Con Người mà bị người ta thù ghét, loại bỏ, mắng nhiếc và bị lên án là kẻ làm ác” (Lu 6:22). Ý của Chúa Giê-su là gì?

18 Chúa Giê-su không nói rằng tín đồ đạo Đấng Ki-tô thích sự thù ghét. Thay vì thế, ngài đang nói đến một điều thực tế là chúng ta không thuộc về thế gian. Chúng ta sống theo những sự dạy dỗ của Chúa Giê-su và rao giảng thông điệp mà ngài rao giảng. Do đó, thế gian ghét chúng ta. (Đọc Giăng 15:18-21). Chúng ta muốn làm Đức Giê-hô-va vui lòng. Nếu người khác ghét chúng ta vì chúng ta yêu thương Cha, thì đừng để điều đó khiến mình nản lòng.

19. Làm thế nào chúng ta có thể bắt chước gương của các sứ đồ?

19 Đừng để lời nói và hành động của con người khiến anh chị xấu hổ vì là Nhân Chứng Giê-hô-va (Mi 4:5). Chúng ta có thể học cách đương đầu với nỗi sợ loài người khi nghĩ đến điều mà các sứ đồ ở Giê-ru-sa-lem đã làm ngay sau khi Chúa Giê-su bị xử tử. Họ biết những nhà lãnh đạo Do Thái giáo ghét họ đến mức nào (Công 5:17, 18, 27, 28). Tuy nhiên, hằng ngày họ vẫn đến đền thờ và nơi công cộng, công khai nhận mình là môn đồ Chúa Giê-su (Công 5:42). Họ không khuất phục trước nỗi sợ. Chúng ta cũng có thể chiến thắng nỗi sợ loài người khi công khai nhận mình là Nhân Chứng Giê-hô-va, dù tại sở làm, trường học hay nơi mình sống.—Công 4:29; Rô 1:16.

20. Tại sao các sứ đồ hạnh phúc dù bị ghét?

20 Dù bị thù ghét, tại sao các sứ đồ vẫn hạnh phúc? Vì họ biết lý do mình bị ghét và họ xem việc bị ngược đãi vì làm theo ý muốn của Đức Giê-hô-va là một vinh dự (Lu 6:23; Công 5:41). Sau này sứ đồ Phi-e-rơ viết: “Cho dù phải chịu khổ vì sự công chính, anh em vẫn hạnh phúc” (1 Phi 2:19-21; 3:14). Khi hiểu rằng mình bị ghét vì làm điều đúng, chúng ta sẽ không bao giờ để cho sự thù ghét của con người khiến mình chùn bước.

HÃY CHUẨN BỊ NGAY BÂY GIỜ

21, 22. (a) Anh chị sẽ chuẩn bị thế nào để đương đầu với sự ngược đãi? (b) Chúng ta sẽ thảo luận điều gì trong bài kế tiếp?

21 Chúng ta không biết khi nào làn sóng ngược đãi sẽ xảy đến hoặc chúng ta sẽ bị cấm thờ phượng Đức Giê-hô-va hay không. Tuy nhiên, chúng ta biết là ngay bây giờ mình có thể chuẩn bị bằng cách thắt chặt mối quan hệ với Đức Giê-hô-va, củng cố lòng can đảm và học cách đương đầu với sự thù ghét. Mọi sự chuẩn bị bây giờ sẽ giúp chúng ta đứng vững trong tương lai.

22 Nhưng nói sao nếu một ngày nào đó việc thờ phượng của chúng ta bị cấm? Bài kế tiếp sẽ thảo luận những nguyên tắc giúp chúng ta tiếp tục phụng sự Đức Giê-hô-va dù công việc Nước Trời bị cấm đoán.

BÀI HÁT 118 ‘Xin cho chúng con thêm đức tin’

^ đ. 5 Không ai trong chúng ta muốn bị thù ghét. Tuy nhiên, không sớm thì muộn, tất cả chúng ta đều phải đối mặt với sự ngược đãi. Bài này sẽ giúp chúng ta can đảm đương đầu với sự ngược đãi.

^ đ. 14 Xin xem video Danh Đức Giê-hô-va sẽ được người ta biết đến trên Kênh truyền thông JW. Vào mục PHỎNG VẤN VÀ KINH NGHIỆM.

^ đ. 66 HÌNH ẢNH: Trong buổi thờ phượng của gia đình, cha mẹ dùng thẻ học hỏi để giúp các con học thuộc các câu Kinh Thánh.

^ đ. 69 HÌNH ẢNH: Trên đường đi nhóm họp, một gia đình tập hát các bài hát Nước Trời trên xe.