Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

BÀI HỌC 28

Tiếp tục thờ phượng Đức Giê-hô-va dù bị cấm đoán

Tiếp tục thờ phượng Đức Giê-hô-va dù bị cấm đoán

“Chúng tôi không thể ngưng nói về những điều mình đã thấy và nghe”.CÔNG 4:19, 20.

BÀI HÁT 122 Hãy kiên định, không lay chuyển!

GIỚI THIỆU *

1, 2. (a) Tại sao chúng ta không nên ngạc nhiên nếu việc thờ phượng bị cấm đoán? (b) Chúng ta sẽ thảo luận điều gì trong bài này?

Trong năm 2018, có hơn 223.000 anh chị công bố sống ở những nơi mà các hoạt động thiêng liêng của chúng ta bị cấm hoặc bị hạn chế gắt gao. Chúng ta không ngạc nhiên về điều này. Như đã học trong bài trước, tín đồ đạo Đấng Ki-tô chân chính biết rằng họ sẽ bị ngược đãi (2 Ti 3:12). Dù chúng ta sống ở đâu thì việc thờ phượng Đức Giê-hô-va cũng có thể bất ngờ bị cấm đoán.

2 Nếu việc thờ phượng Đức Giê-hô-va ở nơi anh chị sống bị cấm đoán, có lẽ anh chị băn khoăn: “Sự ngược đãi có phải là dấu hiệu cho thấy chúng ta đã mất ân huệ của Đức Chúa Trời không? Sự cấm đoán có dập tắt sự thờ phượng Đức Giê-hô-va không? Tôi có nên chuyển đến một nước khác để được tự do thờ phượng không?”. Trong bài này, chúng ta sẽ thảo luận những câu hỏi ấy. Chúng ta cũng sẽ xem làm thế nào mình có thể tiếp tục thờ phượng Đức Giê-hô-va dù bị cấm đoán và có những cạm bẫy nào chúng ta nên tránh.

CÓ PHẢI CHÚNG TA ĐÃ MẤT ÂN HUỆ CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI KHÔNG?

3. Theo 2 Cô-rinh-tô 11:23-27, sứ đồ Phao-lô phải đương đầu với sự ngược đãi nào, và chúng ta học được gì từ kinh nghiệm của ông?

3 Nếu việc thờ phượng bị cấm đoán, có lẽ chúng ta cho rằng mình đã mất ân huệ của Đức Chúa Trời. Nhưng hãy nhớ là sự ngược đãi không phải dấu hiệu cho thấy Đức Giê-hô-va không hài lòng về chúng ta. Chẳng hạn, hãy xem trường hợp của sứ đồ Phao-lô. Rõ ràng ông được Đức Chúa Trời chấp nhận. Tại sao có thể nói như thế? Ông có đặc ân viết 14 lá thư trong phần Kinh Thánh tiếng Hy Lạp, và là sứ đồ được phái đến với dân ngoại. Tuy nhiên, ông chịu nhiều sự ngược đãi. (Đọc 2 Cô-rinh-tô 11:23-27). Kinh nghiệm của Phao-lô cho thấy Đức Giê-hô-va cho phép các tôi tớ trung thành bị ngược đãi.

4. Tại sao chúng ta bị thế gian thù ghét?

4 Chúa Giê-su giải thích tại sao chúng ta không nên ngạc nhiên khi bị chống đối. Ngài nói rằng chúng ta sẽ bị ghét vì không thuộc về thế gian (Giăng 15:18, 19). Do đó, sự ngược đãi không phải là dấu hiệu cho thấy chúng ta mất ân huệ của Đức Giê-hô-va, mà là dấu hiệu cho thấy chúng ta đang làm điều đúng!

SỰ CẤM ĐOÁN CÓ DẬP TẮT SỰ THỜ PHƯỢNG ĐỨC GIÊ-HÔ-VA KHÔNG?

5. Loài người có thể dập tắt sự thờ phượng Đức Giê-hô-va không? Hãy giải thích.

5 Loài người không thể dập tắt sự thờ phượng Đức Chúa Trời Toàn Năng, Đức Giê-hô-va. Nhiều người từng thử làm thế và đã thất bại. Chẳng hạn, trong Thế Chiến II, nhiều quốc gia bắt bớ dân Đức Chúa Trời một cách dữ dội. Công việc của Nhân Chứng Giê-hô-va không chỉ bị cấm đoán dưới chế độ Đức Quốc Xã mà còn ở Canada, Úc và những nước khác. Tuy nhiên, hãy để ý điều gì đã xảy ra. Khi cuộc chiến bùng nổ vào năm 1939, trên khắp thế giới có 72.475 anh chị công bố. Báo cáo cho thấy khi cuộc chiến kết thúc năm 1945, số người công bố đã gia tăng hơn gấp đôi là 156.299 người. Đức Giê-hô-va quả thật đã ban phước cho dân ngài!

6. Sự chống đối có thể có những tác động tích cực nào? Hãy nêu ví dụ.

6 Thay vì khiến chúng ta nhụt chí, sự chống đối có thể thúc đẩy chúng ta quyết tâm phụng sự Đức Giê-hô-va trọn vẹn hơn. Chẳng hạn có một cặp vợ chồng cùng con trai sống tại một nước mà sự thờ phượng bị cấm đoán. Dù thế anh chị ấy không để nỗi sợ khiến mình thoái lui. Họ bắt đầu làm tiên phong đều đều, thậm chí người vợ đã bỏ công việc lương cao để làm thế. Người chồng nói rằng sự cấm đoán khiến nhiều người thắc mắc về Nhân Chứng Giê-hô-va. Nhờ thế anh thấy dễ bắt đầu các cuộc học hỏi Kinh Thánh hơn. Sự cấm đoán cũng có tác động tích cực khác. Một trưởng lão trong nước ấy nói rằng nhiều anh em trước kia ngưng phụng sự Đức Giê-hô-va giờ đây bắt đầu tham dự nhóm họp và hoạt động trở lại.

7. (a) Chúng ta học được gì từ Lê-vi 26:36, 37? (b) Anh chị sẽ làm gì khi bị cấm đoán?

7 Khi cấm đoán sự thờ phượng, kẻ thù muốn khiến chúng ta sợ hãi và ngưng thờ phượng Đức Giê-hô-va. Ngoài sự cấm đoán, chúng có thể lan truyền những thông tin sai lệch, cử người đến lục soát nhà cửa, buộc chúng ta ra tòa hoặc thậm chí bỏ tù. Chúng mong là chúng ta sẽ sợ hãi vì đã bỏ tù thành công một vài anh em. Nếu để chúng khiến mình sợ hãi, chúng ta có thể tự “cấm đoán” sự thờ phượng của mình. Chúng ta không muốn trở thành những người được miêu tả nơi Lê-vi 26:36, 37. (Đọc). Chúng ta sẽ không để nỗi sợ khiến mình chậm lại hoặc ngưng các hoạt động thiêng liêng. Chúng ta hoàn toàn tin cậy Đức Giê-hô-va và không hoảng sợ (Ê-sai 28:16). Hãy cầu nguyện tha thiết để tìm kiếm sự hướng dẫn của ngài. Chúng ta tin chắc rằng với sự hỗ trợ của Đức Chúa Trời, thì ngay cả tổ chức quyền lực nhất của con người cũng không thể ngăn cản mình trung thành phụng sự ngài.—Hê 13:6.

TÔI CÓ NÊN CHUYỂN ĐẾN MỘT NƯỚC KHÁC KHÔNG?

8, 9. (a) Người làm đầu gia đình hoặc cá nhân mỗi người phải tự đưa ra quyết định nào? (b) Điều gì sẽ giúp một người quyết định khôn ngoan?

8 Nếu sự thờ phượng ở nơi anh chị sinh sống bị cấm đoán, có lẽ anh chị thắc mắc liệu mình có nên chuyển đến một nước khác để được tự do thờ phượng không. Đây là quyết định cá nhân, không ai có thể quyết định thay anh chị. Một số anh chị thấy hữu ích khi xem xét điều mà tín đồ vào thế kỷ thứ nhất đã làm khi bị ngược đãi. Sau khi kẻ thù ném đá Ê-tiên đến chết, các môn đồ ở Giê-ru-sa-lem tản mác khắp xứ Giu-đê và Sa-ma-ri, thậm chí đến tận Phê-ni-xi, đảo Síp và thành An-ti-ốt (Mat 10:23; Công 8:1; 11:19). Tuy nhiên, khi xem xét lời tường thuật về một làn sóng ngược đãi khác xảy ra vào thế kỷ thứ nhất, có lẽ một số anh chị nhận thấy sứ đồ Phao-lô quyết định ở lại nơi mà công việc rao giảng bị chống đối. Dù có thể gặp nguy hiểm nhưng ông vẫn ở đó để rao giảng tin mừng và làm vững mạnh anh em trong các thành đang bị bắt bớ dữ dội.—Công 14:19-23.

9 Chúng ta học được gì từ những lời tường thuật ấy? Người làm đầu gia đình sẽ đưa ra quyết định về việc chuyển đi hay không. Trước khi quyết định, anh nên cầu nguyện và xem xét kỹ hoàn cảnh gia đình, cũng như những thuận lợi và khó khăn nếu chuyển đi. Về vấn đề này, mỗi tín đồ nên “gánh lấy phần riêng của mình” (Ga 6:5). Chúng ta không nên đoán xét người khác về quyết định của họ.

CHÚNG TA SẼ THỜ PHƯỢNG NHƯ THẾ NÀO KHI BỊ CẤM ĐOÁN?

10. Văn phòng chi nhánh và các trưởng lão sẽ đưa ra những chỉ dẫn nào?

10 Làm thế nào anh chị có thể tiếp tục thờ phượng khi bị cấm đoán? Văn phòng chi nhánh sẽ đưa ra những chỉ dẫn và các đề nghị thực tế cho trưởng lão địa phương về cách để nhận thức ăn thiêng liêng, nhóm lại để thờ phượng và cách thức rao giảng. Nếu văn phòng chi nhánh không thể liên lạc với các trưởng lão địa phương, thì các trưởng lão sẽ giúp anh chị và cả hội thánh tiếp tục thờ phượng Đức Giê-hô-va. Họ sẽ đưa ra những chỉ dẫn dựa trên Kinh Thánh và các ấn phẩm của tổ chức.—Mat 28:19, 20; Công 5:29; Hê 10:24, 25.

11. Tại sao anh chị có thể tin chắc là mình sẽ luôn có thức ăn thiêng liêng, và anh chị có thể làm gì để bảo vệ Kinh Thánh và các ấn phẩm?

11 Đức Giê-hô-va hứa là tôi tớ ngài sẽ được no thỏa về thiêng liêng (Ê-sai 65:13, 14; Lu 12:42-44). Vì thế anh chị có thể tin chắc là tổ chức của ngài sẽ làm mọi điều có thể để cung cấp sự khích lệ về thiêng liêng cho anh chị. Nhưng cá nhân anh chị có thể làm gì? Khi công việc rao giảng bị cấm đoán, hãy tìm một nơi an toàn để giấu Kinh Thánh và những ấn phẩm khác. Hãy cẩn thận không để những ấn phẩm ấy ở nơi dễ bị tìm thấy, dù là ấn phẩm trên giấy hay dưới dạng điện tử. Mỗi chúng ta cần làm những bước thực tế để giữ vững tình trạng thiêng liêng của mình.

Với sự hỗ trợ của Đức Giê-hô-va, chúng ta có thể can đảm nhóm lại để thờ phượng (Xem đoạn 12) *

12. Các trưởng lão có thể sắp xếp các buổi nhóm họp ra sao để không gây sự chú ý?

12 Còn các buổi nhóm họp hằng tuần thì sao? Các trưởng lão sẽ sắp xếp để anh chị tham dự nhóm họp mà không gây sự chú ý. Có lẽ họ chia hội thánh thành từng nhóm nhỏ và thường xuyên thay đổi thời gian, địa điểm nhóm. Anh chị có thể bảo vệ sự an toàn của anh em bằng cách nói nhỏ khi đến và rời đi. Anh chị cũng có thể ăn mặc sao cho người khác không chú ý.

Chúng ta sẽ không ngừng rao giảng dù bị cấm đoán (Xem đoạn 13) *

13. Chúng ta có thể học được gì từ anh em ở Liên bang Xô Viết cũ?

13 Đối với công việc rao giảng thì hoàn cảnh mỗi nơi sẽ mỗi khác. Nhưng vì yêu thương Đức Giê-hô-va và muốn nói cho người khác biết về Nước của ngài, chúng ta sẽ có cách để rao giảng (Lu 8:1; Công 4:29). Một sử gia tên Emily Baran nhận xét về công việc rao giảng của Nhân Chứng Giê-hô-va tại Liên bang Xô Viết cũ như sau: “Khi bị chính quyền cấm không được truyền đạo, các Nhân Chứng vẫn nói với hàng xóm, đồng nghiệp và bạn bè. Khi bị bắt vào trại khổ sai vì không chịu ngưng truyền đạo, các Nhân Chứng tìm cách cải đạo những người đồng tù”. Bất kể sự cấm đoán, anh em chúng ta tại Liên bang Xô Viết cũ không ngừng rao giảng. Nếu một ngày nào đó công việc rao giảng tại nơi mình sống bị cấm đoán, mong sao anh chị sẽ có cùng lòng quyết tâm như thế!

NHỮNG BẪY CẦN TRÁNH

Chúng ta cần biết khi nào nên im lặng (Xem đoạn 14) *

14. Câu Thi thiên 39:1 có thể giúp chúng ta tránh được bẫy nào?

14 Hãy thận trọng trong việc chia sẻ thông tin. Khi bị cấm, chúng ta cần nhận ra khi nào là “kỳ im lặng” (Truyền 3:7). Chúng ta cần tránh tiết lộ những thông tin mật, chẳng hạn như tên của anh em, địa điểm nhóm họp, cách thức rao giảng và cách chúng ta nhận thức ăn thiêng liêng. Chúng ta sẽ không tiết lộ những thông tin này cho bậc cầm quyền, bạn bè hay người thân sống trong nước hoặc ở nước ngoài. Nếu rơi vào bẫy này, chúng ta sẽ đặt anh em vào tình thế nguy hiểm.—Đọc Thi thiên 39:1.

15. Sa-tan sẽ cố làm gì chúng ta, và làm thế nào để tránh được bẫy của hắn?

15 Đừng để những vấn đề nhỏ chia rẽ chúng ta. Sa-tan biết rằng “nhà nào tự chia rẽ thì không thể vững bền” (Mác 3:24, 25). Vì thế, hắn sẽ tìm mọi cách để gây chia rẽ trong vòng chúng ta. Khi dùng bẫy này, hắn mong là chúng ta sẽ bắt đầu chống lại nhau thay vì chống lại hắn.

16. Chị Gertrud Poetzinger đã nêu gương tốt nào?

16 Ngay cả những tín đồ thành thục cũng cần cảnh giác để không rơi vào bẫy này. Hãy xem kinh nghiệm của hai chị được xức dầu, chị Gertrud Poetzinger và chị Elfriede Löhr. Họ bị tù cùng với các chị khác trong trại tập trung của Quốc Xã. Khi thấy chị Elfriede nói những bài giảng khích lệ các chị khác trong trại, chị Gertrud cảm thấy ghen tị. Nhưng sau đó chị Gertrud cảm thấy áy náy và nài xin Đức Giê-hô-va giúp đỡ. Chị viết: “Chúng ta phải học cách chấp nhận khi người khác có những khả năng tốt hơn mình hoặc được nhiều người yêu mến hơn”. Điều gì giúp chị khắc phục được tính ghen tị? Chị Gertrud đã tập trung vào những phẩm chất đáng quý và tính cách thân thiện của chị Elfriede. Nhờ thế, chị có lại mối quan hệ tốt với chị Elfriede. Cả hai chị đã sống sót qua trại tập trung và trung thành phụng sự Đức Giê-hô-va cho đến khi kết thúc đời sống trên đất. Nếu nỗ lực giải quyết mối bất hòa với anh em, chúng ta sẽ tránh được bẫy chia rẽ.—Cô 3:13, 14.

17. Tại sao chúng ta nên tránh tự phụ?

17 Tránh tự phụ. Nếu làm theo sự hướng dẫn của các anh có trách nhiệm, đáng tin cậy thì chúng ta sẽ tránh được nhiều vấn đề (1 Phi 5:5). Chẳng hạn, tại một nơi bị cấm đoán, các anh có trách nhiệm hướng dẫn những người công bố không nên để lại ấn phẩm khi đi thánh chức. Tuy nhiên, một anh tiên phong địa phương đã không làm theo hướng dẫn và vẫn phân phát ấn phẩm. Hậu quả là gì? Sau khi anh và một vài người khác làm chứng bán chính thức, họ bị cảnh sát thẩm vấn. Dường như cảnh sát đã theo dõi và tịch thu những ấn phẩm mà họ phân phát. Chúng ta học được gì từ kinh nghiệm này? Chúng ta cần vâng theo chỉ dẫn ngay cả khi không đồng ý. Đức Giê-hô-va luôn ban phước khi chúng ta hợp tác với các anh được ngài bổ nhiệm để dẫn đầu.—Hê 13:7, 17.

18. Tại sao chúng ta cần tránh đặt ra những luật không cần thiết?

18 Tránh đặt ra những luật không cần thiết. Nếu các trưởng lão đặt ra những luật không cần thiết, họ sẽ tạo gánh nặng cho anh em. Anh Juraj Kaminský nhớ lại điều xảy ra khi công việc Nước Trời bị cấm đoán ở Tiệp Khắc cũ, anh nói: “Sau khi các anh có trách nhiệm và nhiều trưởng lão bị bắt, một số người dẫn đầu trong hội thánh và vòng quanh bắt đầu đặt ra những luật riêng cho người công bố; họ lập một danh sách những điều được làm và không được làm”. Đức Giê-hô-va không cho chúng ta quyền áp đặt quan điểm của mình lên người khác. Khi đặt ra những luật không cần thiết, một người không bảo vệ anh em mà đang cố cai trị đức tin của họ.—2 Cô 1:24.

KHÔNG BAO GIỜ NGƯNG THỜ PHƯỢNG ĐỨC GIÊ-HÔ-VA

19. Câu 2 Sử ký 32:7, 8 cho chúng ta lý do nào để can đảm bất kể những nỗ lực của Sa-tan?

19 Kẻ thù chính của chúng ta là Sa-tan Ác Quỷ sẽ không ngừng ngược đãi những tôi tớ trung thành của Đức Giê-hô-va (1 Phi 5:8; Khải 2:10). Hắn và tay sai của hắn sẽ tìm cách cấm đoán sự thờ phượng của chúng ta. Tuy nhiên, chúng ta không có lý do để sợ hãi đến mức bị tê liệt! (Phục 7:21). Đức Giê-hô-va ở cùng chúng ta và ngài sẽ tiếp tục hỗ trợ ngay cả khi công việc bị cấm đoán.—Đọc 2 Sử ký 32:7, 8.

20. Anh chị quyết tâm làm điều gì?

20 Mong sao chúng ta có cùng lòng quyết tâm với các anh em vào thế kỷ thứ nhất, là những người đã nói với các bậc cầm quyền thời đó: “Nghe theo các ông thay vì Đức Chúa Trời, điều đó đúng hay không trước mắt ngài thì các ông hãy tự xét lấy. Còn chúng tôi, chúng tôi không thể ngưng nói về những điều mình đã thấy và nghe”.—Công 4:19, 20.

BÀI HÁT 73 Xin giúp chúng con dạn dĩ

^ đ. 5 Chúng ta nên làm gì nếu việc thờ phượng Đức Giê-hô-va bị cấm đoán? Bài này sẽ cung cấp những đề nghị thực tế giúp chúng ta biết nên làm gì và tránh làm gì, nhờ thế chúng ta sẽ không bao giờ ngưng thờ phượng Đức Chúa Trời!

^ đ. 59 HÌNH ẢNH: Những hình ảnh trong bài này cho thấy các Nhân Chứng đang phụng sự tại những nơi mà công việc của chúng ta bị hạn chế. Trong hình này, một nhóm nhỏ đang nhóm họp tại nhà kho của một anh.

^ đ. 61 HÌNH ẢNH: Một chị tín đồ (bên trái) đang bắt chuyện với một phụ nữ để tìm cơ hội chia sẻ về Đức Giê-hô-va.

^ đ. 63 HÌNH ẢNH: Một anh bị cảnh sát thẩm vấn từ chối tiết lộ thông tin về hội thánh.